Với kinh nghiệm 44 năm nghiên cứu lịch sử Việt Nam - Trung Quốc (từ năm 1970 đến nay), thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học Bộ Công an, đã nhận định như vậy trong buổi trao đổi với phóng viên về tình hình biển Đông gần đây.
Cơ sở của nhận định này, theo thiếu tướng Cương, là do Việt Nam có hai yếu tố vô cùng quan trọng mà Trung Quốc không bao giờ có, đó là pháp lý và đạo lý.
- Phóng viên: Xin bắt đầu câu chuyện bằng phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN 24 vừa diễn ra tại thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar) hôm 11-5. Ông đánh giá thế nào về phát biểu này của người đứng đầu Chính phủ?
Thiếu tướng Lê Văn Cương
- Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại HNCC ASEAN vừa qua là rất tích cực. Lần đầu tiên, ít ra trong một thập niên gần đây, Nhà nước Việt Nam đã tỏ một thái độ rõ ràng, mạch lạc và kiên quyết đối với những hành động xâm lăng của nước ngoài. Tính chất, mức độ phản ứng là mạch lạc, kịp thời và kiên quyết. Chính điều này đã tạo được đồng thuận lớn trong xã hội.
Không những thế, thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại HNCC ASEAN gần như là một tác nhân cộng hưởng tác động vào dư luận thế giới. Mặc dù trước đó dư luận thế giới đã lên tiếng phản đối, nhưng thông điệp của Thủ tướng khiến dư luận càng mạnh mẽ hơn, thái độ kiên quyết hơn. Rõ ràng khi chúng ta đứng vững, khi chúng ta kiên quyết tỏ thái độ bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ, không khoan nhượng trước mọi hành động gây hấn, được nhân dân đồng tình, thế giới ủng hộ thì chúng ta sẽ thể hiện được quan điểm, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Tôi cho rằng thông điệp của Thủ tướng có giá trị mang tầm vóc lịch sử.
- Nhưng có ý kiến cho rằng Tuyên bố của Chủ tịch HNCC ASEAN vẫn chưa thể hiện được sự mạnh mẽ, khi mới chỉ dừng lại ở mức độ “quan ngại”?
- Trước hết, không nên lấy mong muốn của người bị hại để buộc mọi người có cùng một bức xúc, bất bình và phản ứng như với mình. Thực tế là trong 10 nước ASEAN chỉ có 5 nước có quyền lợi trực tiếp liên quan đến biển Đông, gồm:Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia. Trong 5 quốc gia có quan hệ tranh chấp Biển Đông thì cũng có thái độ và nhu cầu lợi ích khác nhau.
Ngược lại, phía Trung Quốc cũng có thái độ, hành động khác nhau đối với từng quốc gia một. Chính điều này khiến Trung Quốc thực hiện chiến lược bẻ đũa từng chiếc, chia rẽ ASEAN, chia để trị. Gắn với hiện trạng này thì có thể thấy, việc ra được một Tuyên bố riêng của Chủ tịch HNCC về vấn đề biển Đông là rất tích cực. Nếu trước đây ba năm tôi không tin có chuyện này.
Mặt khác, phải thấy rằng chủ đề của Hội nghị ASEAN lần này không phải chuyện liên quan đến việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong thềm lục địa địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chuyện này là đột xuất nhưng đã được đặt ra, thậm chí còn được đưa vào đầu tiên và gần như bao trùm Hội nghị. Điều này là rất tích cực, thể hiện sự đồng thuận lớn, thể hiện nhận thức thống nhất rằng dù Trung Quốc chỉ xâm phạm chủ quyền một quốc gia thôi, nhưng đã động chạm đến toàn bộ ổn định khu vực này.
- Theo ông, việc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy ý đồ gì của Trung Quốc?
- Toàn bộ những hành động của Trung Quốc vừa rồi và hiện nay đều nhằm thực hiện một chiến lược tương đối dài hạn của họ là phải nhanh chóng độc chiếm biển Đông, biến biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc và các quốc gia ven biển Đông phải phục tùng Trung Quốc.
Hơn thế, việc Trung Quốc xâm chiếm biển Đông không phải chỉ vì các nước ASEAN, mà đây là điểm tựa để họ mặc cả với Mỹ, Nhật Bản và cả Ấn Độ nữa. Ở đây, 70% dầu mỏ và 45% hàng hóa dịch vụ của Nhật Bản đi qua con đường này. Nếu con đường này tắc thì chỉ khoảng 3 tháng, toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản sẽ sụp đổ.
- Với ý đồ đó thì tương lai của Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) còn rất mờ mịt, thưa ông?
- Xa vời lắm. Trong hai năm tới (2015 - 2016) chắc chắn không có COC. Trung Quốc bao giờ cũng lẩn tránh việc này, hoặc nếu có thì họ sẽ “câu giờ” để trong quá trình đó họ lớn mạnh, gây sự, gây áp lực buộc đối phương là ASEAN phải chấp nhận điều kiện có lợi cho họ.
- Thủ tướng có nói Việt Nam sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề trên biển Đông. Vậy trong trường hợp các biện pháp ngoại giao thất bại thì theo ông, bước tiếp theo mà Việt Nam phải làm là gì?
- Trong cuộc đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam với Trung Quốc, chúng ta vẫn kiên trì với đường lối đối ngoại giữa hai bên dựa trên luật pháp quốc tế. Chúng ta kiên đàm phán bằng con đường ngoại giao, bằng con đường đối thoại. Nhưng thông thường các nước đều chuẩn bị sẵn cả bốn phương thức: Hòa bình (thương lượng song phương); mời bên thứ ba làm trung gian hòa giải; đưa ra trọng tài quốc tế và cuối cùng là dùng vũ lực. Trong chuyện này chúng ta không từ bỏ một phương thức nào cả, nhưng hiện nay dứt khoát phải kiên định con đường ngoại giao đã.
- Vậy theo ông, sức mạnh lớn nhất của Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ này là gì?
- Đã có những lo lắng khi so sánh tương quan lực lượng giữa hai phía. Tuy nhiên trong mối quan hệ để bảo vệ chủ quyền quốc gia, không nhất thiết thắng lợi về phía nặng cân hơn cả. Trong cuộc đọ sức này chúng ta có hai thứ mà Trung Quốc không bao giờ có, đó là pháp lý và đạo lý.
Trong quan hệ quốc tế hiện nay thì pháp lý là kênh quan trọng bậc nhất. Còn đạo lý - lịch sử Việt Nam chỉ có chống xâm lược chứ chưa bao giờ có một đội quân đi xâm lược nước ngoài. Lịch sử Việt Nam từ lúc hình thành khai thiên lập địa đến giờ, đều tôn trọng truyền thống nhân văn hòa hiếu với cộng đồng, láng giềng và bạn bè xung quanh, nhân hậu, bao dung. Điều này là hạt nhân, tạo nên sức mạnh của người Việt để trường tồn giữa những cuộc xâm lăng của các nước lớn.
Chúng ta đã thành công trong cuộc đấu tranh giành giải phóng dân tộc trước những đối tượng to lớn hơn nhiều. Vì thế, không có gì phải sợ Trung Quốc cả!
- Xin cám ơn ông!
Theo Công an TP HCM
Biển Đông mồ chôn lũ cướp
Trả lờiXóaXin giới thiệu bài thơ của Nghệ sỹ ưu tú Khánh Hòa, người đầu tiên ra Trường Sa làm chương trình ca nhạc "Gần lắm Trường Sa".
Tham thì thâm sẽ bị trả giá/ Biển Đông mồ chôn lũ cướp gian tà.
Láng giềng gần lộ nguyên hình cướp biển
Sao luôn mồn hô hữu nghị anh em
Trước mặt giả vờ tình hữu hảo
Sau lưng toàn tính chuyện cuồng điên
Luôn rêu rao coi trọng tình nghĩa
Bên trong đầy thủ đoạn ranh ma
Tìm mọi cách đê hèn xâm lấn
Coi Biển Đông như cái ao nhà
Ngang nhiên cắm giàn khoan cướp biển
Nơi máu thịt, sự sống dân ta
Bất chấp dư luận và công ước
Chà đạp lên sự hiếu hảo thuận hoà
Hỡi lũ cướp hãy nhìn vào lịch sử
Những Chi Lăng Bạch Đằng Đống Đa
Tham thì thâm sẽ bị trả giá
Biển Đông mồ chôn lũ cướp gian tà.
13-5-2014
NS Ưu tú Dương Khánh Hòa