Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

MỸ CẢNH BÁO TRUNG QUỐC LẦN THỨ HAI VỀ VIỆC HÀNH XỬ CÔN ĐỒ TRÊN BIỂN ĐÔNG CỦA VIỆT NAM

Ong Bắp Cày

Ngày 7/5, Bộ Ngoại giao Mỹ lần thứ hai lên tiếng bày tỏ quan ngại về các hành động của tàu Trung Quốc ở Biển Đông, coi đó là cách hành xử nguy hiểm.

TTXVN dẫn phát biểu của nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki trong cuộc họp báo thường kỳ tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington cho rằng, việc tàu Trung Quốc cố tình đâm vào các tàu của Việt Nam là một cách hành xử nguy hiểm và mang tính hăm dọa.

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam
Chúng tôi cực kỳ quan ngại về cách hành xử và hăm dọa nguy hiểm của tàu bè tại các vùng biển có tranh chấp. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, hành xử một cách an toàn và thích hợp, giải quyết các yêu sách chủ quyền một cách hòa bình, thông qua ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bà Psaki nhắc lại quan điểm của Mỹ rằng việc Trung Quốc đặt giàn khoan trên biển Việt Nam là một “hành động khiêu khích và không có lợi cho việc ổn định an ninh trong khu vực”.

“Chúng tôi kêu gọi các bên có cách hành xử an toàn và phù hợp, đồng thời kiềm chế và giải quyết các đòi hỏi chủ quyền một cách hoà bình, bằng đường ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế”, bà Psaki tuyên bố.

Trước đó, ngày 6/5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích việc Trung Quốc đưa một giàn khoan dầu lớn vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ở Biển Đông, coi đây là một hành động khiêu khích, không có lợi cho hòa bình, ổn định và càng làm tăng thêm những căng thẳng trong khu vực.

Trung Quốc phải gánh chịu trách nhiệm

Cũng trong ngày 7/5, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain đã ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc cố tình gây căng thẳng ở Biển Đông.

Thượng nghị sỹ John McCain cho rằng quyết định của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan thăm dò dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam cùng với việc triển khai hàng chục tàu hải quân để hậu thuẫn cho hành động mang tính khiêu khích này là đáng quan ngại và chỉ nhằm leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Theo ông McCain, các tàu của Trung Quốc bao vây và tông vào các tàu của Cảnh sát biển Việt Nam là hành vi hung hăng và hiếu chiến. Trung Quốc phải gánh chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động đơn phương hòng thay đổi nguyên trạng này.

Ông McCai gọi các hành động của Trung Quốc dựa trên những yêu sách lãnh thổ không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.

Sự thực là hành động của Trung Quốc diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã được xác định rõ ràng theo luật pháp quốc tế.

Tất cả những quốc gia có trách nhiệm đều lên tiếng yêu cầu các nhà lãnh đạo Trung Quốc có ngay các bước đi giảm leo thang căng thẳng, trở lại với nguyên trạng.

Trong khi đó, hai ông Ernest Bower và Gregory Poling từ viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington cho biết hành động của Trung Quốc là “rất đáng lo ngại”.

“Sự thật là việc Trung Quốc ngay lập tức đưa giàn khoan dầu mỏ của mình vào biển Việt Nam sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc chuyến công du 4 nước châu Á vào cuối tháng 4 vừa qua đã cho thấy dã tâm của Bắc Kinh trong việc thử thách lập trường của Việt Nam, các nước Đông Nam Á và cả Mỹ”, hai ông cho biết.

Bắc Kinh có thể đang muốn “thay đổi hiện trạng hiện nay” khi họ nhận thấy rằng Washington đang bị phân tán với những vấn đề quốc tế đáng lưu tâm tại Ukraine, Nigeria và Syria, hai chuyên gia này nhận định.

“Nếu Trung Quốc tin rằng Mỹ đang bị phân tán với nhiều vụ việc khác nhau và khó có khả năng thực thi cam kết việc bảo đảm an ninh cho Nhật Bản và Philippines mà ông Obama đã đưa ra khi đến thăm châu Á thì họ cần hiểu rằng những động thái gây hấn của họ ở phía Nam đảo Hoàng Sa có thể gây ra những hậu quả lâu dài trong khu vực và trên toàn cầu”, hai chuyên gia này cảnh báo.

Quốc tế đồng loạt lên án

Trong khi Mỹ gọi hành động của Trung Quốc là "nguy hiểm và mang tính hăm dọa" thì tại Italya các hành động này được coi là bất hợp pháp, gây căng thẳng, đe dọa hoà bình, an ninh và ổn định, an ninh và an toàn hàng hải tại khu vực.

Một cuộc Hội thảo về "Vai trò của Italy tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương", đã được Viện nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế, Viện nghiên cứu chiến lược quốc phòng, Bộ Ngoại giao Italy đã phối hợp tổ chức tại Rome.

Sau khi nghe Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Hoàng Long thông báo về tình hình căng thẳng trên Biển Đông, nhất là những diễn biễn vừa qua về việc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, nhiều học giả, diễn giả và đại biểu đã lên án hành động trên của Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đang cố tình gây căng thẳng, đe dọa hoà bình, an ninh và ổn định, an ninh và an toàn hàng hải tại khu vực.

Một số đại biểu cũng đã nhấn mạnh việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 là bất hợp pháp, đồng thời kêu gọi một giải pháp hòa bình, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau.

Một số ý kiến cho rằng, Italy, với tư cách là một thành viên của nhóm G7 và đang ngày càng quan tâm hơn đến khu vực này, cần phải đóng một vai trò nhất định trong việc cùng cộng đồng quốc tế tháo gỡ tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông, tiến tới việc giải quyết những tranh chấp liên quan vùng biển này, theo luật pháp quốc tế.

Hội thảo cũng cho rằng, xét trên khía cạnh ngoại giao, với năng lực thương thuyết có tiếng của mình, Italy có thể đóng vai trò trung gian hòa giải trong nhiều cuộc tranh chấp, trong đó có cả những tranh chấp ở Biển Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét