Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

TỪ MỘT MÓN QUÀ VIỆT

Từ một món quà Việt

TS Nguyễn Phương Mai (Hà Lan)

TNO - Trong khuôn khổ một đề tài nghiên cứu, gần đây người viết phỏng vấn khá nhiều người nước ngoài về phong cách làm việc của đồng nghiệp Việt Nam, trong đó có chị Misumi đã sống ở Việt Nam gần 20 năm.

Trả lời câu hỏi của tôi, điều gì chị cho là khiếm khuyết lớn nhất của các đồng nghiệp người Việt trong môi trường làm việc quốc tế, chị mỉm cười, rồi lôi từ trong túi ra một gói quà bọc giấy trang kim nhiều màu rực rỡ, bên trên đính thêm một bông hoa tết to tướng, buộc lại bằng nút lụa xoắn xuýt vào nhau. Chị kể đã phải mất tận mấy phút mới mở được món quà vì hàng chồng băng dính san sát cạnh nhau, mở được ra đôi khi phải xé rách cả hộp. Và dù được coi là một món quà khá trang trọng, bên dưới lớp giấy trang kim bóng bẩy thường là chiếc hộp sơ sài và một món đồ thủ công mỹ nghệ được làm rất dối. Rồi Misumi yêu cầu tôi nhìn vào gói quà để tự nhận trả lời câu hỏi của chính mình.

Tôi đoán hai điều, và Misumi gật đầu cả hai. Đó là sự lòe loẹt khoa trương bề ngoài và sự cẩu thả, thiếu cả trách nhiệm lẫn đam mê trong công việc.

Tôi chưa đủ cơ sở để có thể khẳng định điều thứ nhất, nhưng phải cay đắng mà chấp nhận điều thứ hai. Đó không hẳn là sự thiếu chuyên nghiệp bởi thiếu chuyên nghiệp còn có thể học được chứ còn sự cẩu thả, vô trách nhiệm, làm ăn nửa vời không đến nơi đến chốn thì có thể liệt vào hạng mục “tính cách” chứ không thể đổ thừa cho sự thiếu hụt các cơ hội học thức.

Hãy thử nhìn vào món quà mà Misumi được tặng: một con rối sơn mài mà không cần săm soi cũng thấy sơn chưa chạm vào đã bong vảy. Misumi kể rằng những đồng nghiệp Việt Nam của cô dù giỏi cỡ mấy chỉ cần vắng mặt quản lý là cắt cúp công đoạn, những sản phẩm giao hàng ra nước ngoài mẫu mã hoàn hảo cỡ mấy chỉ cần lỡ không kiểm tra là chất lượng khác hẳn. Những người Việt mà Misumi biết có thể cần cù chứ không mấy khi toàn tâm toàn ý với công việc. Niềm tự hào của họ không nằm ở một sản phẩm có chất lượng mà ở việc họ có thể nhanh chóng phủi tay kêu lên: “Xong việc!”.

Cuộc nói chuyện dài 6 tiếng với Misumi bắt tôi đi tìm nhiều cách lý giải, trong đó có lẽ lịch sử dân tộc là một yếu tố. Việt Nam đã liên tục trong tình trạng loạn lạc suốt nhiều nghìn năm. Để đối phó với sự bất an đó, người Việt đã hình thành một cách sống khá linh hoạt, "ở bầu thì tròn ở ống thì dài", “đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Chúng ta cái gì cũng có thể thay đổi, ứng biến, thêm vào, rút ra cho hợp với thời thế, cắt ngắn công đoạn, cho nhanh kiếm được lợi nhuận (ngắn hạn), cho xong việc, cho mau chóng có lãi, rồi sau này thế nào không cần biết và có lẽ cũng không-thể- biết trong một cuộc sống bất an. Chiến tranh cộng với một thời gian dài đất nước co cụm, đến nỗi cái gì cũng phải lấm lem bùn đất mới là “chuẩn mực”, kinh tế tập trung cha chung không ai khóc, khi đã mở cửa thì nó trở thành một nền kinh tế phát triển xổi, thấy lợi là ào đến, tí tẹo thua đã bỏ chạy, hỏng đâu sửa đấy. Đó cũng là nền kinh tế “nhiệm kỳ”, nhà quản lý chỉ lo có thành tích trong nhiệm kỳ của mình rồi hạ cánh an toàn, phủi tay về vườn. Trong bối cảnh ấy và tư duy ấy, sự chỉn chu và tinh hoa đã phải nhường chỗ cho sự cẩu thả và vô trách nhiệm.

Vậy bí quyết gì để có thể quản lý thành công một tập thể nhân sự người Việt, câu trả lời sau là của một giám đốc người Singapore: “Giám sát! Giám sát từng bước! Giám sát hết công suất có thể”.

Ôi chao, thế chẳng lẽ người Việt chỉ có trách nhiệm và hoàn thành công việc xuất sắc khi có một “Mama tổng quản” cầm roi kè kè bên cạnh?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét