Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

ĐỪNG ĐỂ QUÊ NHÀ CŨNG DẬY SÓNG NHƯ NGOÀI BIỂN ĐÔNG

Ong Bắp Cày: Bài chỉ nên tham khảo
------------------

VOV.VN - Như một truyền thống tốt đẹp, hãy bộc lộ cảm xúc, thái độ và thể hiện hành động của mình với một tinh thần, phẩm chất Việt

1. Bố mẹ tôi đã từng đi qua chiến tranh. Thời chống Mỹ, bố tôi là phóng viên ở mặt trận Lào mấy tháng trời. Do tính chất khốc liệt của chiến tranh, chỉ có mẹ là biết tin ông lên đường vào tuyến lửa. Ngoài các vật dụng cá nhân, nhu yếu phẩm cần thiết, ông được phát một bộ vải dù, vải bạt làm đồ liệm nếu hy sinh ở dọc đường. Sau này ông kể về sự ác liệt của chiến tranh trong các ký sự chiến trường, những bài thơ nóng bỏng. Tôi đã ngồi lặng hàng giờ để đọc những trang viết trên những ngả đường chiến tranh. Chúng cuốn hút hơn nhiều những cuốn sách sử khô khan số liệu. Đọc để thấy trân trọng, yêu tin một thế hệ đã gửi màu tóc xanh ngoài chiến trường, giấu tuổi trẻ trong những cánh rừng trụi lá vì napan; những trang viết vương mùi thuốc súng, khói bom và...máu. Bố may mắn trở về lành lặn. Người gầy rộc, da sạm với chiếc ba lô nhà binh trên vai. Nó giờ vẫn ở góc nhà khi cuộc chiến đã ngừng, bên trong có chiếc đèn pin, mũ tai bèo và bi đông lính.

Trong nhiều câu chuyện thời chiến, tôi nhớ mãi một hình ảnh thật đẹp bố viết trong ký sự. Đó là lúc ông di chuyển vào Nam qua cây cầu Hàm Rồng bị bom Mỹ oanh tạc, trên thành cầu vết bom lỗ chỗ thấy ai đó cắm một nhành hoa dại chắc hái vội bên đường hành quân. Không chỉ hoa đâu mà người chiến sỹ đã gửi gắm vào đó ước vọng hòa bình, niềm lạc quan chiến thắng. Tôi cũng nhớ là đã đọc được ở đâu đó câu chuyện về người lính sau Mùa xuân 1975 trở về Bắc, trong ba lô có con búp bê xinh xắn dành tặng con gái. Con búp bê ông đã gìn giữ qua trận đánh cuối cùng...

Người già, phụ nữ và trẻ em rời Thủ đô đi sơ tán trong những ngày cuối tháng 12 năm 1972 (Ảnh tư liệu)

Khi trở về, bố tôi lấp đầy vào khoảng trống căn nhà nhỏ. Những ngày hòa bình đã có thể chạm tới, nắm lấy. Nó đây rồi, ấm như hơi thở của bố phả vào bầu má non tơ của tôi lúc ông nựng trên vai. Hòa bình đã là sự thật mà như vẫn còn ám ảnh đùng đoàng súng đạn, những rung chấn đau thương...Bố ôm chặt tôi vào lòng che chắn. Một ngày hòa bình đắt giá sau dằng dặc cắt chia...

Không chỉ súng đạn, chúng ta đã mang theo nỗi khát khao hòa bình, sức mạnh chính nghĩa vào trận đánh. Chúng ta sẵn sàng đổi lấy tất cả cho những ngày bình yên. Nhành hoa dại, con búp bê nhỏ xinh đong đếm thật nhiều trong ý nghĩa chiến thắng. Đó là thứ mà những người ở phía bên kia không bao giờ có được...

2. Mấy ngày qua, con tim chúng ta sôi sục, hướng về biển Đông thân yêu. Và sẽ còn tiếp tục nóng lên một khi Trung Quốc chưa rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những người ở hậu phương đã thể hiện lòng yêu nước của mình bằng nhiều cách. Nhưng đáng giận thay có cả những “cách” tiêu cực, thấy rõ bàn tay lợi dụng kích động, quấy phá của kẻ xấu.

Các trang mạng đầy tràn những dòng cảm xúc, những trạng thái, bài viết thể hiện tinh thần dân tộc, niềm tự hào và cả thái độ căm giận, bức xúc đến độ cao trào. Nhưng cũng có nhiều người dựa vào đó để kích động, châm chọc hoặc đánh bóng tên tuổi mình.

Với những người lính biển tiền tiêu, họ không có thời gian cho những việc vô bổ, họ chỉ có một lòng kiên định tuân thủ chặt chẽ sách lược đấu tranh nhằm giữ vững chủ quyền trên biển.

Chúng ta có rất nhiều con đường để biến lòng yêu nước của mình thành hành động thiết thực. Mỗi người đóng góp một phần việc tùy vào sức lực, vào vị trí công tác. Đừng để mọi thứ rối lên, có nguy cơ dẫn đến tình trạng “Trong không ấm, ngoài không êm”.

Công nhân Bình Dương đang đứng dàn hàng bảo vệ công ty với khẩu hiệu "Bảo vệ công việc để bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa". (ảnh: mạng xã hội )

Hãy tiếp tục công cuộc bộn bề phát triển đất nước, giữ vững thế ổn định nhiều mặt: môi trường đầu tư, chống tham nhũng, an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, đổi mới giáo dục, y tế, phòng chống thiên tai, dịch bệnh...; động viên, tạo điều kiện để ngư dân tiếp tục bám biển, làm chủ vùng chủ quyền Tổ quốc; đảm bảo chính sách hậu phương người lính...

Chỉ có nội lực vững, hậu phương chắc mới giúp chúng ta tiếp tục củng cố sức mạnh đương đầu một cách lâu dài với các thế lực chống phá. Hướng ra biển, đồng thời giữ vững ổn định đất liền; kiên quyết đập tan những âm mưu lợi dụng tình hình căng thẳng để phá hoại nội bộ, đó là cách để chúng ta giữ vững chủ quyền, làm yên lòng những người lính đang đấu tranh đầy dũng cảm, mưu trí và sáng suốt ngoài biển.

Như một truyền thống tốt đẹp, hãy bộc lộ cảm xúc, thái độ và thể hiện hành động của mình với một tinh thần, phẩm chất của người nắm chính nghĩa. 

Đừng để quê nhà cũng dậy sóng như ngoài biển Đông.

Trần Nhật Minh/VOV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét