Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

KHÔNG THỂ TIN LỜI NÓI SUÔNG CỦA TRUNG QUỐC

Bộ Ngoại giao Việt Nam họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông: Không thể tin lời nói suông của Trung Quốc

ANTĐ - Chiều 5-6, hơn 1 tháng sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục tổ chức họp báo quốc tế lần thứ 4 để cung cấp những thông tin cũng như hình ảnh mới nhất làm bằng chứng về những hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Chủ trì buổi họp báo có ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam; ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư; ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao; Đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. 

Mở đầu cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói: “Đến nay đã hơn 1 tháng Trung Quốc đưa giàn khoan, nhiều tàu hộ tống, tàu quân sự vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành vi này của Trung Quốc đã đe dọa hòa bình, an ninh khu vực, bất chấp luật pháp quốc tế, bỏ qua Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông, bỏ qua các khuyến nghị chính đáng của cộng đồng quốc tế. Điều này tác động tiêu cực tới nỗ lực phục hồi kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như thế giới”. Việt Nam đã nỗ lực trao đổi bằng nhiều hình thức, nhiều cấp để yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống. Trái lại Trung Quốc liên tục vu cáo Việt Nam và có hành vi leo thang mới.

Việt Nam kiên trì các biện pháp ngoại giao

- Báo Tiền Phong: Trung Quốc đã nhiều lần thay đổi vị trí của giàn khoan Hải Dương 981. Xin nêu vị trí hiện tại và lý giải tại sao Trung Quốc lại di chuyển giàn khoan nhiều đến vậy?

- Ông Ngô Ngọc Thu: Trung Quốc sau khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở Tây Nam đảo Tri Tôn 17 hải lý, ngày 27-5 đã di chuyển đến vị trí mới, cách đảo Tri Tôn 25 hải lý về phía Đông Nam, sâu trong vùng biển của ta 57 hải lý. Đây là giàn khoan dùng cho vùng nước sâu nên để khoan được, sẽ phải di chuyển nhiều để chọn vị trí. Đến nay, vị trí của giàn khoan này đã ổn định.

- Ông Lê Hải Bình: Dù di chuyển thế nào thì đến nay giàn khoan này vẫn nằm trái phép trong vùng biển của Việt Nam.

- Hãng AP: Xem clip, chắc hẳn nhiều người Việt Nam phẫn nộ. Tại sao Chính phủ Việt Nam không cho người dân biểu tình trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội?

- Ông Lê Hải Bình: Tôi nhất trí khi xem video, người dân Việt Nam sẽ phẫn nộ. Và tôi tin người dân thế giới, những người ủng hộ luật pháp quốc tế cũng sẽ phẫn nộ. Chúng tôi đang kiên trì biện pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng. Còn thông tin tại sao Chính phủ Việt Nam không cho người dân biểu tình là không có cơ sở. Người dân Việt Nam có quyền biểu thị yêu nước theo đúng quy định của pháp luật.

- Hãng DPA (Đức): Tôi đã chứng kiến một số người đến trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội biểu tình thì bị cảnh sát ngăn cản. Cảnh sát cũng nói với tôi đây là hành động bất hợp pháp, yêu cầu phải rời đi vì lý do an ninh. Vậy quyền biểu tình theo pháp luật Việt Nam là như thế nào?

- Ông Lê Hải Bình: Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn trân trọng sự biểu thị lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Như mọi quốc gia, mọi hình thức biểu thị lòng yêu nước cũng phải đúng theo quy định của pháp luật. Các cuộc biểu tình phải theo thủ tục như đăng ký thời gian, địa điểm, ngày giờ, nội dung. Việt Nam đã có quy định như vậy.

- Washington Times: Việt Nam có kỳ vọng Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông?

- Ông Lê Hải Bình: Việc duy trì an ninh hàng hải là quyền lợi của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Mỹ đã có tiếng nói nhằm đóng góp, bảo vệ an ninh, an toàn hảng hải… Việt Nam hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục có những tiếng nói và hành động mạnh mẽ hơn để giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, bảo vệ hòa bình. 

- TTXVN: Từ ngày 6 đến 9-6 sẽ diễn ra hội nghị ASEAN và ASEAN+3. Các hội nghị này sẽ bàn về vấn đề gì? Vấn đề Biển Đông và việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có được đưa ra không và sẽ được đưa ra như thế nào?

- Ông Lê Hải Bình: Từ ngày 6 đến 10-6 tại Myanmar sẽ diễn ra một số hội nghị, nhiều quan chức cấp cao của các nước sẽ kiểm điểm quá trình xây dựng cộng đồng chung ASEAN như hội nghị SOM ASEAN+3, hội nghị ARF... Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh sẽ tham dự các hội nghị này. Duy trì an toàn hàng hải ở khu vực là vấn đề nhiều nước quan tâm, bất cứ điều gì liên quan đến vấn đề này sẽ được đưa ra bàn thảo. Cho nên, vấn đề Biển Đông sẽ được đưa ra ở mức độ phù hợp.

- Báo Tuổi Trẻ: Việt Nam sẽ làm gì tiếp theo trước tình hình hiện nay? Vừa qua, đại diện các nước lớn trên thế giới đã phản ứng mạnh mẽ với hành vi của Trung Quốc và Trung Quốc tỏ ra rất bất bình trước phản ứng của các nước này, Việt Nam đánh giá như thế nào? Chính phủ, Bộ Ngoại giao có ủng hộ và hỗ trợ Hội nghề cá Đà Nẵng và chủ tàu vừa bị đâm chìm kiện tàu Trung Quốc ra tòa quốc tế không?
- Ông Trần Duy Hải: Việt Nam đã và đang nỗ lực, kiên trì bằng các biện pháp ngoại giao để giải quyết căng thẳng. Nhưng Trung Quốc vẫn leo thang căng thẳng mới. Việt Nam sẽ tiếp tục, kiên trì đấu tranh qua biện pháp hòa bình để giải quyết bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Việt Nam sẽ nỗ lực các biện pháp ngoại giao hơn nữa. Việt Nam cũng cân nhắc các biện pháp tiếp theo để bảo vệ quyền, lợi ích.

Thực tế, cộng đồng quốc tế có tiếng nói rất mạnh mẽ. Có lẽ đây là lần đầu tiên có những phản ứng mạnh mẽ như vậy về Biển Đông trong nhiều năm trở lại đây. Tôi nghĩ những tiếng nói đó có vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định. Chúng tôi mong cộng đồng quốc tế tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa.
Các vụ kiện quốc tế rất phức tạp. Nếu tàu Việt Nam kiện tàu Trung Quốc chỉ là kiện dân sự. Nhưng tàu Trung Quốc hoạt động ở vùng biển Việt Nam không chỉ dừng ở mức độ dân sự nên vụ kiện như vậy không giải quyết được vấn đề. Việt Nam sẽ chọn phương án tối ưu để bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam.

Trung Quốc xuyên tạc, bóp méo sự thật

- VTC10: Tại một cuộc họp báo của Trung Quốc, họ nói rằng, Việt Nam đã dùng nhiều tàu quân sự và hơn 120 lần tàu Việt Nam chủ động đâm va vào tàu Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam có phản ứng gì về cáo buộc này?

- Ông Trần Duy Hải: Đây là sự xuyên tạc sự thật, bóp méo tình hình thực tế trên Biển Đông. Việt Nam có nhiều hình ảnh ghi lại tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam. Phía Trung Quốc đưa ra cáo buộc nhưng hoàn toàn không có hình ảnh nào để chứng minh. Những hình ảnh tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam đã được nhiều cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế thông tin. Phía Trung Quốc cũng đã thừa nhận đâm tàu của Việt Nam.

- Hãng tin Kyodo (Nhật Bản): Nhóm G7 vừa có thông cáo chung phản đối đòi chủ quyền bằng vũ lực trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, xin cho biết phản ứng của Việt Nam?

- Ông Lê Hải Bình: Chúng tôi hoan nghênh nhóm G7 vừa ra tuyên bố bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông, phản đối hành vi đe dọa, hành động đơn phương của một nước đòi yêu sách chủ quyền bằng việc sử dụng vũ lực. Chúng tôi mong muốn các quốc gia, tổ chức có tiếng nói, hành động thiết thực đảm bảo an ninh để giải quyết tranh chấp quốc tế. Chúng tôi mong muốn các quốc gia, các tổ chức tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn để thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế.

- Báo Đời sống Pháp luật: Có thông tin Trung Quốc đang đóng giàn khoan thứ hai. Nếu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981, liệu Việt Nam có kiện Trung Quốc nữa không?

- Ông Trần Duy Hải: Đến nay Việt Nam vẫn kiên trì yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, hai bên đối thoại, xác định tính pháp lý của việc đặt giàn khoan, xem khu vực đặt là của ai. Nếu Trung Quốc rút ngay giàn khoan, ngồi vào bàn đàm phán, Việt Nam sẽ hoan nghênh.

Tàu Hải cảnh Trung Quốc số hiệu 46105 tăng tốc đâm thẳng vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam

Khó giải quyết nếu thiện chí chỉ từ một phía

- Báo Vietnamnet: Nếu tàu Trung Quốc không rút, Việt Nam sẽ có biện pháp thế nào?

- Ông Ngô Ngọc Thu: Mặc dù tàu Trung Quốc sử dụng các phương tiện để tấn công tàu thực thi pháp luật Việt Nam, gây hư hỏng phương tiện nhưng các lực lượng Việt Nam vẫn kiên trì, kiềm chế vì chủ trương của Nhà nước Việt Nam là xử lý vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Chính sự kiềm chế của lực lượng Cảnh sát biển là thực hiện chủ trương chính sách của Chính phủ Việt Nam.

- VOV: Chúng ta đã sử dụng Đường dây nóng Việt Nam - Trung Quốc. Đã có 30 cuộc đàm phán ở nhiều cấp độ và các cuộc tiếp xúc. Liệu có phải đường dây nóng không hiệu quả? 

- Ông Lê Hải Bình: Đường dây nóng chỉ có thể hoạt động hiệu quả nếu cả hai bên đều thiện chí, mong muốn giải quyết một cách hòa bình. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, nhưng nếu thiện chí chỉ đến từ một phía thì đường dây nóng sẽ không đem lại kết quả. 

- Báo VnExpress: Có ý kiến nghi ngờ về tuyên bố trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Xin ông bình luận?

- Ông Trần Duy Hải: Việc làm của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đã làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc. Có thể thấy chính sách, tuyên bố của Trung Quốc chỉ trên lời nói, chứ không trên thực tế, gây bất bình trong cộng đồng chung quốc tế. Trung Quốc đang sử dụng bạo lực để ngoại giao, không thể tin lời nói suông của Trung Quốc.

Phú Khánh - Chu Hương (Ghi

1 nhận xét:

  1. Ông này nói nhiều qúa 90 triệu dân không cần biết hình ảnh , Trung Quốc sấu hay đẹp , không cấn biết quốc tế ủng hộ nhiều hay ít .... mà chì cần biết dàn khoan hd-981 nò rút chưa , bao giời thì có thể bắt nó rút và nó nhẩt quyểt không rút thì làm sao ? ......còn về biểu tình là biểu lộ cảm xúc cũng phải xin phép à .... hay là các ông chuyên biểu lộ cảm xúc bằng xin phép , giấy tờ , sổ sách , thời gian ....định trước quen rồi....

    Trả lờiXóa