Theo giới chuyên gia, Trung Quốc đã tính toán kỹ những hành vi ngang ngược trên biển Đông nhưng kết quả cuối cùng vẫn sẽ phản tác dụng.
Tàu Trung Quốc (phải) hung hãn lao về phía tàu VN gần giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) - Ảnh: Hoàng Sơn
Trong bài phân tích đăng trên chuyên san The National Interest (Mỹ), chuyên gia Richard Javad Heydarian tại Đại học Ateneo De Manila, cũng là cố vấn về chính sách cho Hạ viện Philippines, khẳng định giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) của Trung Quốc (TQ) đã cắm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của VN. Ông nêu rõ: “Căn cứ theo các diễn giải của những điều khoản của Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS), VN có quyền chủ quyền đối với nguồn khí hydrocarbon mà giàn khoan Hải Dương-981 đang thăm dò. Do đó, TQ vi phạm đặc quyền về EEZ của VN”.
Giới quan sát cũng chỉ ra rằng tình hình càng phức tạp khi có rất nhiều cơ quan, lực lượng của TQ cùng phối hợp nhúng tay trong vụ giàn khoan, từ dầu khí, chấp pháp trên biển cho tới ngoại giao và truyền thông. Điều này chứng tỏ đây là hành động đã được tính toán kỹ và có sự điều phối tập trung ở cấp cao nhất.
“Chín con rồng”
Theo tờ The Wall Street Journal, cho đến gần đây, cộng đồng quốc tế đánh giá những hành động gây căng thẳng trên biển của TQ một phần xuất phát từ sự kèn cựa của nhiều cơ quan chính phủ với phần thắng thường thuộc về phe “diều hâu” nhất. Từ hải giám, ngư chính đến tập đoàn dầu khí, quân đội hay thậm chí cả bộ công an, các phe đua nhau tiến hành hoạt động gây sóng gió ở biển Đông và Hoa Đông nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị hay giành thêm ngân sách. Tình trạng này được mô tả một cách hình tượng là “9 con rồng hung dữ quấy phá trên biển”.
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra trên biển Đông, cụ thể là vụ giàn khoan, giới quan sát nhận thấy “9 con rồng” không còn “mạnh con nào con nấy phá”. Tờ The Wall Street Journal chỉ ra rằng TQ đã thống nhất các cơ quan chấp pháp trên biển thành một lực lượng hải cảnh duy nhất và thành lập một siêu ủy ban an ninh mang tên Ủy ban An ninh quốc gia dưới sự điều hành của các lãnh đạo cao cấp nhất. Trên thực tế, kể từ khi ủy ban này ra đời, tình hình an ninh tại các vùng biển quanh TQ càng bất ổn hơn so với thời “9 con rồng” còn ganh đua nhau. Theo các chuyên gia, đó là vì ban lãnh đạo mới của nước này đã tương đối khuất phục được các thế lực ganh đua nhau để đẩy mạnh các hành động được tính toán kỹ nhằm hiện thực hóa cái gọi là “giấc mơ Trung Hoa”. Trong các mục tiêu mà nước này hướng đến có việc thu hồi “lãnh thổ quốc gia đã mất vào tay Nhật Bản” và độc chiếm biển Đông. Điều này khiến tình hình khu vực càng trở nên nguy hiểm và không loại trừ nguy cơ nổ ra xung đột.
Tự gây họa
Viết trên The National Interest, chuyên gia Heydarian cho rằng TQ đã tự tạo ra thảm họa cho chính mình khi gây căng thẳng ở biển Đông. Ông chỉ ra đối mặt với một TQ ngày càng ngang ngược, nhiều nước có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông như VN và Philippines càng xích lại gần nhau hơn. Ngay cả những bên không có tranh chấp cũng đang tăng cường nỗ lực nhằm đối phó hậu quả từ các hành động của TQ đối với ổn định khu vực và tự do đi lại trong vùng biển quốc tế. Ngoài ra, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ đang tăng cường vai trò của họ trong việc ổn định ở biển Đông vì các tuyến đường biển quốc tế ở đây rất quan trọng đối với lợi ích thương mại và an ninh năng lượng của họ. Tờ Want China Times dẫn lời chuyên gia Úc Harry White nhận định Mỹ cần lập “lằn ranh đỏ” để Bắc Kinh từ bỏ suy nghĩ rằng Washington không sẵn sàng cho một cuộc chiến bảo vệ đồng minh. Từ đó, ông Heydarian kết luận chính sự cứng rắn về lãnh thổ của TQ đã khiến nước này ngày càng bị cô lập và dẫn đến quốc tế hóa các tranh chấp, đi ngược lại ý đồ của Bắc Kinh là đàm phán song phương nhằm tận dụng thế nước lớn để chèn ép bên kia.
Đuối lý, Trung quốc hăm dọa VN
Ngày 9.6, tờ China Daily dẫn nội dung thông cáo từ Bộ Ngoại giao TQ ngang ngược vu cáo VN “gây rối, quấy nhiễu” giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) và rằng “tính đến ngày 7.6, tàu VN đã đâm tàu TQ tới 1.416 lần”. Trong khi đó, thực tế ai cũng biết là tàu TQ điên cuồng tấn công tàu cá và tàu thực thi pháp luật của VN ngay trong vùng biển VN, thậm chí đâm chìm tàu cá VN ngày 26.5. Hành động hung hăng của các tàu TQ đã bị phơi bày trong đoạn phim được VN công bố và giới truyền thông quốc tế đăng tải lại cũng như qua những tường thuật từ hiện trường của phóng viên nước ngoài.
Cũng trong ngày 9.6, Văn Hối, tờ báo ở Hồng Kông có quan điểm ủng hộ Bắc Kinh, đăng bài xã luận hăm dọa VN với giọng điệu đầy hiếu chiến. Cụ thể, bài xã luận viết: “Nếu VN tiếp tục ngộ nhận tình thế, chấp mê bất ngộ, buộc TQ phải ra tay, khi đó khó mà ứng phó và trả giá đắt”. Cả Văn Hối lẫn tờ China Daily còn tiếp tục vin vào lập luận sai trái về công thư năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong khi đó, tại cuộc họp báo quốc tế ngày 23.5, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao VN đã khẳng định công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý đối với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này cũng đã được nhiều chuyên gia phân tích rõ ràng. Từ đó có thể thấy, TQ đuối lý với tuyên bố chủ quyền ngang ngược của mình nên cứ phải bám víu những luận điệu sai lạc, đã bị bác bỏ.
Minh Trung/Trùng Quang -Văn Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét