Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

TÀU TRƯỜNG SA THÁI BÌNH CHƯA ĐƯỢC THỬ NGHIỆM LÀ ĐÚNG

Khoai@

Tôi cho đăng bài "Đằng sau việc tàu ngầm Trường Sa 01 chưa được thử nghiệm" của tác giả Lê Ngọc Thống không phải là đồng tình với quan điểm của tác giả, mà cái chính là tạo không gian mở cho mọi người tranh luận. 

Tôi không cho rằng có sự cấm đoán hay ganh tị của nhà nước với các công trình nghiên cứu của các cá nhân ở đây. Cái chính là nằm ở chỗ nó chưa an toàn hoặc nếu so với cái đã có, cái mà nhà nước đã làm (có thể bí mật) thì rất không nên làm. 

Tất nhiên, nói cái chính thì phải nói có cái phụ, cái phụ nằm ở chỗ chúng ta còn thiếu hệ thống các văn bản quy định cho các hoạt động sáng tạo đại loại như trên.

Vì thế, tràu Trường Sa 01 của anh Hòa chưa được thử nghiệm trên biển là đúng.

----------------------------------
(Quan điểm) - Mọi công tác chuẩn bị để ra biển lớn đã xong nhưng tàu ngầm tự chế Trường Sa vẫn “đắp chiếu” vì chưa ai, chưa cơ quan nào cấp phép thử nghiệm.

Chuyện tàu ngầm của ông Hòa chưa được thử nghiệm đã khiến cho một số người đa phần là trẻ tuổi, đầy máu nhiệt huyết, chỉ trích quyết liệt vào chính quyền, các tổ chức khoa học nhà nước…trong phát ngôn là chuyện không thể trách cứ. Có điều nếu như đó là “cơn mưa” vô tư thì có những người có danh vị hẵn hoi lại lợi dụng để “té nước theo mưa”.

Tôi không viết bài này nếu như tôi không đọc được bài “Sáng tạo có phải là đặc quyền của các “nhà”…? của TS Dương Xuân Thành đăng trên báo Giaoduc.net ngày 15/4/2014.

Tại đây, từ những thông tin không có độ tin cậy, TS Thành cho rằng “chẳng có nơi nào trên thế giới (như Việt Nam) cấm người dân nghiên cứu, thử nghiệm, chế tạo một thiết bị mà nó mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc”. “Có vẻ như các cơ quan chức năng muốn khẳng định, nghiên cứu, sáng tạo là độc quyền của các “nhà..” có hàm, có vị, còn bà con “chân đất” chỉ nên an phận đi sau nhìn ngắm đuôi trâu?” Rồi thì ở Việt Nam, “ngoài thực tế quản không được thì cấm” nay xuất hiện “sáng tạo đi trước thiên hạ cũng cấm…”

Dưới ngòi bút của ông TS Thành (TS không biết là Tiến sỹ hay là gì), Việt Nam rất khác người, tư duy của họ chỉ là “cầm nắm”, tình hình thật đáng buồn.

Đúng là một đất nước mà cấm người dân sáng tạo, phát minh ra một thiết bị…có ích cho sự phát tiển đất nước thì tiềm lực của đất nước sẽ bị hạn chế đi rất nhiều.

Với Việt Nam, nếu như trong chiến tranh BVTQ và xây dựng đất nước vừa qua không có sự sáng tạo trong sản xuất, trong chiến đấu của dân tộc thì có thể chiến thắng kẻ thù và vượt qua được đói nghèo để được như hôm nay?

Vì sao không đồng ý cho anh Thắng (anh Nguyễn Văn Thắng, ở Long Biên, Hà Nội) thử nghiệm máy bay? Anh Thắng phát minh sáng tạo ra một chiếc xe lăn mới hay là thiết bị “quay ngược thời gian” chẳng hạn, chẳng ai cấm, anh có thử nghiệm hàng ngàn lần.

Thử nghiệm một chiếc máy bay trên trời không như thử nghiệm một chiếc máy gặt trên đồng, nó có thể không thành công và nếu máy bay trực thăng của anh Thắng lên cao, bay một đoạn rồi rơi xuống đầu gia đình của bạn thì sao? Đến đây chắc một số người nhao lên rằng” Không thử nghiệm làm sao thành công…? Nhưng với máy bay trực thăng trên nền tảng “công nghệ xe lăn” của anh Thắng, giả sử mà thành công thì được cái gì?

Người ta thấy máy bay trực thăng của anh Thắng có “4 không”: Không có giá trị sử dụng; không có giá trị hàng hóa; không có giá trị phát minh sáng tạo và cuối cùng quan trong nhất là không an toàn cho cộng đồng. Đây chỉ là một trò chơi nguy hiểm cho tính mạng người chơi và cộng đồng nên cấm.

Điều gì xảy ra nếu chiếc máy bay này đâm đầu và khu dân cư?

Bạn sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho một người muốn thực hiện nhảy dù bằng cái ô từ tầng 5 hay là cấm ngặt trò chơi nguy hiểm đó?

Nền khoa học Việt Nam, trí tuệ Việt Nam chẳng lẽ khiêm tốn đến mức phải “tự hào” với trí tuệ của anh Thắng trong việc chế tạo máy bay trực thăng vừa qua?

Tàu ngầm Trường Sa chờ ra biển lớn

Với tàu ngầm tự chế của ông Hòa. Đây là vấn đề hoàn toàn khác với tự chế máy bay về bản chất. Tàu ngầm ông Hòa nếu thành công thì có giá trị sử dụng (cho quốc phòng), có giá trị về phát minh sáng chế (vì công nghệ AIP mặc dù trên thế giới đã dùng nhưng đây là công nghệ bí mật không ai công bố nên có được nó coi như là một phát minh, sáng tạo đáng tự hào của người Việt Nam).

Tàu ngầm tự chế khi thử nghiệm có thể không thành công nhưng không gây nguy hiểm đến cộng đồng nên chẳng ai cấm thử nghiệm. Ai cấm? Văn bản đâu? Lý do?...Hãy đăng lên cho đọc giả biết.

Tàu ngầm tự chế của ông Hòa mang tên Trường Sa 01 đã chuẩn bị xong sẵn sàng cho ra biển lớn thử nghiệm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy ra biển bởi theo ông Hòa lý do chính là chờ cơ quan chức năng cấp giấy phép thử nghiệm. “Lý do” này khiến nhiều người “nổi nóng”, thậm chí dư luận còn nghi ngờ các tổ chức khoa học vì “cấm đoán sự sáng tạo, ghen ăn tức ở, không muốn xấu mặt…

Vậy đằng sau lý do không cấp phép, tạo điều kiện cho ông Hòa thử nghiệm là gì?...

Tại sao một con tàu ngầm sử dụng công nghệ AIP như của ông Hòa, sức quyến rũ bởi sự hiện đại như quảng cáo…còn tuyệt vời hơn tàu ngầm ông Phan Bội Trân nhiều lần lại bị cơ quan chức năng ghẻ lạnh đến thế? Phải chăng Sở KHCN Thái Bình lại ghen ghét, đố kị đến vậy mà qua mặt được các vị bên Hải quân đang đêm ngày bạc tóc chuẩn bị lực lượng, vũ khí trang bị… cho phòng thủ từ hướng biển ?

Như vậy vấn đề ở đây nằm ở Viện kỹ thuật Hải Quân và Viện thiết kế tàu quân sự Bộ quốc phòng khi họ im lặng, không một lời hỗ trợ ông Hòa.

Chắc chắn 2 đoàn đã về tiếp xúc và làm việc với chủ nhân của con tàu, hiện nay đã thanh toán xong tiền công tác phí, chứng tỏ họ không đi chơi và chụp ảnh tự sướng với tàu ngầm tự chế Trường Sa. Viện kỹ thuật Hải quân đã báo cáo kết quả với Bộ Tham mưu Hải quân và Viện thiết kế tàu quân sự cũng vậy về kết quả chuyến công tác.

Chúng ta nên hiểu đó là cách thức đi công tác của đơn vị, cá nhân trong quân đội. Dù chúng ta không biết họ báo cáo những gì, nhưng tại hiện trường nhà máy của ông Hòa, ngoài việc ca ngợi và khâm phục ông Hòa là đúng phép tắc ra, theo họ, “điểm yếu nhất của con tàu này còn thoát ra quá nhiều khí CO2, tạo thành các bọt khí…” cũng đủ để biết họ báo kết quả tốt hay xấu của tin đồn.

Ông Hòa biết rõ điều này và thất vọng hơn khi tỉnh Thái Bình “bán cái” chuyện thử nghiệm của ông sang Vùng 1 HQ và Viện kỹ thuật Hải quân. Ông Hòa chia sẻ với Minh Tuệ của báo Đất Việt: “Thêm một điều cần chú ý, các vị đang đẩy con tàu Trường Sa 01 này theo hướng một tàu quân sự khi đưa nó đến với Bộ Quốc phòng và Hải quân. Nhưng đây chỉ là một tàu dân sự, tôi không có ý tưởng mang phiên bản này ra đánh trận, mục tiêu chỉ là một cuộc thử nghiệm ngoài biển xem khả năng lặn nổi, cân bằng, di chuyển dưới và trên mặt nước thôi. Việc này phải là trách nhiệm của các cơ quan quản lý dân sự chứ. Mà đã không phải tàu quân sự, chắc chắn Bộ Quốc phòng không quan tâm.”

Bản thân tàu ngầm Trường Sa 01 không phải là tàu quân sự, nhưng cái công nghệ AIP lại đặc trưng về quân sự đến mức được coi là “bí mật quân sự”, cho nên, công nghệ AIP của tàu ngầm Trường Sa là mối quan tâm chủ yếu của Viện kỹ thuật Hải quân, Viện thiết kế tàu quân sự Bộ QP khi họ về nơi chế tạo để công tác.

Vậy là đã rõ, các nhà quân sự không thỏa mãn với công nghệ AIP trên tàu ngầm tự chế Trường Sa 01. Và, khi tàu ngầm Trường Sa mà không có công nghệ AIP thì là gì so với tàu ngầm của ông Phan mà họ đã quan tâm tạo điều kiện, hợp tác, để thử nghiệm?

Nhưng một ý tưởng của khoa học sáng tạo, người bình thường không thể đoán định được tương lai của nó kể cả Viện kỹ thuật Hải quân hay Viện gì nữa…cho nên, tàu ngầm Trường Sa 01 phải tiếp tục thử nghiệm để chứng minh.

Thử nghiệm, thử nghiệm và thử nghiệm là chìa khóa thành công của khoa học. Ngăn cấm thử nghiệm khoa học là ngăn cấm sự sáng tạo, là kéo lùi sự phát triển của xã hội. Tất nhiên phải hiểu đã là thử nghiệm khoa học thì kết quả phải có ý nghĩa là phát minh, sáng tạo, ngoài ra thì không thuộc thử nghiệm khoa học.

Tuy nhiên có những thử nghiệm khoa học mà chính quyền phải ngăn cấm như thử nghiệm vũ khí giết người hàng loạt; thử nghiệm khi chưa bảo đảm độ an toàn cho cộng đồng…nhưng có những thử nghiệm dù tác giả có thể bị hy sinh đến tính mạng như nhà hóa học, phi công thử nghiệm…thì vẫn chẳng ai ngăn cấm.

Hiện tại, có ai dám ngăn cấm tàu ngầm Trường Sa 01 của ông Hòa thử nghiệm?. Còn, “cấp giấy phép để thử nghiệm khoa học” là một khái niệm không có trong từ điển hiện đại của thế giới văn minh, luật pháp Việt Nam, nên nằm ngoài hoạt động của chính quyền tỉnh Thái Bình, vì thế, muốn họ “cấp giấy phép” là điều không có cơ sở pháp lý. Do vậy, thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa, ông Hòa, bằng tính mạng, tiền bạc của mình, có quyền thử nghiệm đâu tùy thích mà không ai có quyền cấm.

Tuần Châu mời tàu ngầm Trường Sa ra thử nghiệm đó thôi, cần gì cái “giấy phép” của thời kỳ “đồ đá” ấy cơ chứ.

Cuộc thử nghiệm do tác giả là người trực tiếp thử nghiệm mà trong thử nghiệm khoa học, để có một lần thành công thì sẽ có thể bị nhiều lần thất bại, trong khi đây là cuộc thử nghiệm có độ nguy hiểm cực cao, giống như chiến sỹ công binh rà phá bom mìn là không có kinh nghiệm để rút ra bài học lần thứ 2. Phải tính đến trục trặc khi AIP vận hành và độ ổn định của tàu khi bất chợt gặp dòng chảy ngầm sẽ lật tàu là 2 trục trặc nguy hiểm nhất…

Khi “đã là một vấn đề khoa học thì đối xử với nó phải khoa học” - luận điểm luôn luôn đúng trong triết học Mác-Lê nin. Vì thế, phải rất cẩn thận, không có chỗ cho ý chí, quyết tâm…ở đây.

Người viết bài này chỉ quan tâm và hy vọng đến công nghệ AIP của tàu ngầm Trường Sa 01 thành công và xin lưu ý với ông Hòa nhớ là đừng đánh giá quá cao 2 cái máy tầm ngư trên tàu cá. Nó là tàu cá chứ không phải là tàu săn ngầm đâu, máy dò hiện đại nhất của Nhật Bản cũng chỉ thấy đàn cá như những vệt màu đỏ trên màn hình chứ không bao giờ nhìn thấy một con cá, nên đừng chủ quan.

Lê Ngọc Thống/Đất Việt

1 nhận xét:

  1. Ý ông THống là cứ cho ra biển chạy phải không?
    Hỏi ông: Tàu chưa an toàn, ông Hòa chết ra đấy thì ai chịu trách nhiệm?
    Nhà nước còn phải chịu trách nhiệm vè an toàn của công dân đấy ông ạ

    Trả lờiXóa