Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

GÁI VÀ KHỦNG BỐ

Khoai@

Hehe, đọc bài này tự dưng lại nhớ đến chuyện cười mà Trang Hạ dịch từ bản tiếng Hoa. Nguyên văn đoạn đó thế này:
1. Chàng yêu nàng từ thuở nàng mười lăm mười sáu tuổi. Cả hai lén lút đi lại, quan hệ, quậy gia đình, trốn nhà đi, dọa chết nếu không được chấp nhận. Nếu quan hệ ấy kéo dài một năm, được gọi là phạm pháp, dụ dỗ trẻ vị thành niên, có nguy cơ ra tòa thụ án. Nếu mối tình ấy kéo dài ba năm, được gọi là yêu trộm, tình yêu oan trái. Nếu mối tình kéo dài sáu bảy năm, sẽ được gọi là tình yêu đích thực, vượt núi trèo đèo qua bao khó khăn để yêu nhau. Kết luận: Bạn làm gì chả quan trọng, quan trọng là bạn làm được trong… bao lâu!
2. Một nàng cave, nếu ngủ với thợ thuyền hoặc lao động ngoại tỉnh, thì bị gọi là đối tượng xã hội. Nếu ngủ với đại gia lừng lẫy, thì được gọi là chân dài. Nếu ngủ với một ngôi sao sân cỏ hoặc màn bạc, sẽ được đàng hoàng lên báo kể chuyện “nghề nghiệp” và trưng ảnh hở da thịt giữa công chúng, không ai có ý định bắt nàng. Kết luận: Bạn làm gì chả quan trọng, quan trọng là bạn làm điều đó với ai!
Còn bài trên PetroTimes có tên: “Thuận ta thì sống, nghịch ta thì là... quân khủng bố”Hóa ra, khủng bố hay không khủng bố là do góc nhìn và cái tâm của người gọi.

(PetroTimes) - Khi phe đối lập Ukraina bị chính quyền Tổng thống Yanukovych trấn áp thì phương Tây gọi là đàn áp và bóp nghẹt dân chủ, nhưng khi người dân các tỉnh miền đông Ukraina biểu tình và chiếm các cơ sở công quyền để phản đối chính quyền lâm thời Kiev thì lại bị coi là “khủng bố”.

Ảnh: Người dân Ukraina tuần hành ở Sevastopol bị coi là khủng bố

Cuộc khủng hoảng Ukraina hiện đã đi quá xa so với những gì nó bắt đầu cách nay hơn 5 tháng. Tuy nhiên nếu xem xét những phản ứng của phương Tây trong cuộc khủng hoảng này có thể thấy một lần nữa rằng chính thể nào chịu làm tay sai cho phương Tây thì mọi chuyện sẽ yên ổn còn nếu không sẽ “ăn đòn”.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ thấy được các tập đoàn truyền thông phương Tây được giới chính trị gia sử dụng một cách nhuần nhuyễn để phục vụ cho mục đích tuyên truyền của họ.

Cuộc khủng hoảng tại Ukraina chỉ thực sự bùng phát sau khi Chính phủ Ukraina của Tổng thống Yanukovych ngày 21/11/2013 ký sắc lệnh hoãn các hoạt động chuẩn bị cho việc ký một thỏa thuận có ý nghĩa lịch sử về thương mại, chính trị với Liên minh châu Âu (EU).

Quyết định đó lập tức gây nhiều sóng gió trên chính trường Ukraina.

Phe đối lập, ủng hộ việc gia nhập EU, xuống đường rầm rộ để phản đối quyết định của Yanukovych mà họ cho là ngả theo Nga.

Tổng thống Yanukovych giải thích rằng chính phủ không ký kết hiệp định với EU là vì những quy định khắt khe của EU đối với nền kinh tế yếu ớt của Ukraina. Đại ý theo EU thì có thiệt thòi cho đất nước Ukraina thời điểm đó.

Thực tế cho thấy Ukraina đang phải trải qua một trong những thời khắc khó khăn nhất ở lục địa già. Nền kinh tế đã suy giảm 5 quý liên tiếp. Ngành công nghiệp, xương sống của nền kinh tế, sụt giảm mạnh. Thâm hụt thương mại và tài khoản vãng lai lên tới 5,5% GDP và mới đây đã bị các cơ quan đánh giá tín nhiệm quốc tế đánh tụt hạng xuống loại có nguy cơ cao vân vân và vân vân…

Chưa hết, nếu Ukraina theo EU, Nga thông báo sẽ buộc phải đưa ra các biện pháp bảo hộ, qua đó sẽ đóng cửa thị trường Nga đối với hàng hóa của Ukraina. Moskva lo ngại hàng hóa nhập khẩu giá rẻ của châu Âu sẽ tràn vào thị trường Nga qua Ukraina.

Tóm lại theo các chuyên gia kinh tế trung lập thì quyết định của Yanukovych thuần về mặt kinh tế là hoàn toàn chính đáng và nó đem lại cho Ukraina một cơ hội để cứu nguy nền kinh tế bên bờ vực phá sản.

Ảnh: Những người biểu tình phản đối chính phủ Yanukovych ở quảng trường Maidan được Mỹ và EU gọi là những người hùng cải cách

Tuy nhiên, khía cạnh chính trị của quyết định trên mới gây nên nhiều tranh cãi. Phe đối lập tiếp tục xuống đường biểu tình khiến tình hình ngày càng căng thẳng và buộc chính quyền Yanukovych vào cuộc. Nhiều cuộc đụng độ đẫm máu xảy ra sau đó giữa người biểu tình và cảnh sát.

Truyền thông phương Tây khi ấy liên tục đăng tải những ý khiến, nhận định và cảnh báo của giới chính trị gia Mỹ và châu Âu. Rằng chính quyền Yanukovych đang đàn áp người biểu tình đối lập, bóp nghẹt tiếng nói đòi dân chủ vân vân và vân vân…

Bước ngoặt trong chính trường Ukraina là sự kiện phe đối lập kiểm soát quốc hội và ra phán quyết phế truất Yanukovych khiến ông này phải chạy sang Nga.

Lúc này, phe đối lập lên nắm quyền và lập ra chính phủ lâm thời. Tuy nhiên, những người không ủng hộ một Ukraina “kết thân” với EU lúc này trở thành lực lượng đối lập, bắt đầu lên tiếng phản đối. Họ là những người dân ở các tỉnh miền đông-nam Ukraina, quê hương của ông Yanukovych. Họ tố cáo chính quyền lâm thời tại Kiev đảo chính và không có tư cách pháp lý, trong khi ông Yanukovych được toàn dân Ukraina bầu lên năm 2010.

Để phản đối họ tiến hành biểu tình và chiếm các trụ sở công quyền ở các tình miền đông, rồi tuyên bố thành lập các nhà nước tự trị, đòi tách ra khỏi Ukraina…

Lúc này chính quyền Kiev và phương Tây không coi họ là những người đòi dân chủ mà lại là quân khủng bố và xua quân đội tới đàn áp. Nhiều người biểu tình đã chết.

Câu hỏi đặt ra là tại sao cũng cùng một hiện tượng sự vật mà phương Tây lại lúc có thể gọi thế này, lúc gọi thế khác. Những người biểu tình phản đối chính phủ Yanukovych ở quảng trường Maidan được Mỹ và EU gọi là những người hùng cải cách, còn những người biểu tình ở các tỉnh miền đông Ukraina (họ cũng đòi dân chủ và cải cách) thì lại bị coi là khủng bố.

Giải thích duy nhất cho sự khác biệt đó là “thuận ta thì sống, nghịch ta sẽ trở thành... quân khủng bố”!

H.Phan/PetroTimes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét