Luận điệu của báo Một Thế Giới: Hèn và phản bội!
(PetroTimes) - Trong khi cả nước đang hướng tâm về Hoàng Sa, nơi các chiến sỹ cảnh sát biển đang ngày đêm vật lộn, dũng cảm chống chọi, không cho Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan HD- 981 thì ngày 9/5, báo điện tử Một Thế Giới của Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam lại dẫn lời của một người từng là cán bộ cao cấp trong lực lượng công an, cho rằng có thể thỏa hiệp? Đây có thể xem là một luận điệu đớn hèn và phản bội - đi ngược lại mong muốn của toàn thể người dân Việt Nam.
Tờ báo dẫn lời ông này cho rằng: “Phương pháp đấu tranh của mình là phải làm sao để giữ lợi ích đôi bên, trên cơ sở thỏa thuận, bàn bạc. Trong trường hợp nhất định nào đó, mình vẫn có thể giữ nguyên giàn khoan như một đơn vị nước ngoài vào đầu tư, nhưng phải có nguyên tắc và lợi ích của ta là phải thật đảm bảo”.
Không hiểu sao một người là đại tá công an lại có thể nói chuyện “lợi ích đôi bên” ở đây. Nếu có lợi ích ở trong vùng đặc quyền kinh tế này thì chỉ là lợi ích “một bên” - lợi ích của nước Việt Nam, người dân Việt Nam mà thôi.
Cũng theo quan điểm của ông này thì: "Anh có tài sản làm trên đất tôi thì cũng như các công ty khác. Coi như đến đất nước tôi để đầu tư. Lợi nhuận sẽ được chia để đảm bảo lợi ích 2 bên. Giải quyết như thế là hợp tình, hợp lý.
Đây có thể là một hình thức giải quyết duy trì được hữu hảo. Tôi tin, đối ngoại của ta sẽ giải quyết tốt. Mình có thể bàn bạc, thương lượng để coi như là một doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư”.
Xem ra thì việc giàn khoan 981 Trung Quốc và hàng chục tàu thuyền đang hùng hổ vào vùng biển Việt Nam không giống những “nhà đầu tư” cho lắm. Còn việc ông Trương nói rằng “để duy trì tình hữu hảo” thì có lẽ không khác gì tự nguyện mang tiền nhà ra chia cho kẻ cướp.
Tờ báo viết tiếp: “Nói về tình hình căng thẳng mà Trung Quốc đang cố gắng tạo ra trên Biển Đông Việt Nam, Đại tá T. cho rằng tình hình Biển Đông nếu diễn biến xấu đi thì không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam và Trung Quốc mà ảnh hưởng đến cả một vùng biển. Mà như thế thì Quốc tế cũng đánh giá nước mình”.
“Tại sao khi mà trên đất mình có bao nhiêu công ty nước ngoài vào đầu tư, thì tại sao mình không giải quyết theo hướng đôi bên cùng có lợi?”, ông đặt vấn đề thêm một lần nữa.
Có lẽ không phải nhắc thêm nữa, cả bạn đọc và ông Nguyễn Đình Trương đều hiểu, lãnh thổ của Tổ quốc là thiêng liêng và tự ngàn đời chưa bao giờ là thứ có thể mang ra thỏa hiệp. Lịch sử ông cha ta là lịch sử của mở đất, mở nước, mở đất là cương thổ, mở nước là biển đảo. Phải mất bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, xương máu của biết bao thế hệ, Tổ quốc ta mới vẹn toàn được như ngày hôm nay.
Đô đốc Giáp Văn Cương đã từng nói: “Là cương thổ của ông cha, dù chỉ có đá sỏi gió cát ta cũng phải canh giữ, một tấc không đi, một ly không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu...".
Thật đáng buồn là bài báo này lại xem chuyện Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 xâm phạm vùng biển Việt Nam là điều có thể thỏa hiệp được bằng kinh tế. Đây có thể hiểu là chúng ta đang thỏa hiệp với kẻ cướp.
Gọi là kẻ cướp trong trường hợp này cũng không sai. Trung Quốc tự động mang giàn khoan đi vào vùng biển Việt Nam, kèm theo đó là gần 40 tàu bảo vệ, tàu quân sự. Rồi tự tuyên bố “chủ quyền”, lăm le khai thác tài nguyên, thậm chí gây gổ với cả “chủ nhà”.
Nói vậy không có nghĩa là chúng ta đang đóng cửa, từ chối hợp tác với các nước bên ngoài nhưng đầu tư hay hợp tác làm ăn cũng phải có nguyên tắc. Trong đó nguyên tắc đầu tiên là “khách” phải tôn trọng và được phép của “chủ nhà”.
Đặc biệt là trong lúc nước sôi lửa bỏng và cả nước cần đòan kết bên nhau thì suy nghĩ thỏa hiệp vô nguyên tắc, bán rẻ chủ quyền quốc gia sẽ làm tổn thương tình cảm và lòng tự tôn của cả một dân tộc.
Ông đại tá kia, có thể vì tuổi cao, do nắm bắt thông tin không đầy đủ, suy nghĩ không còn minh mẫn, nếu có nói thế này, thế khác thì cũng là chuyện có thể cho qua. Nhưng một tờ báo điện tử lại đăng như vậy, thì rõ ràng cần phải xem lại đây là loại báo gì? Có phải là “báo…hại” hay không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét