Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Máy bay MH370 mất tích: CHÊ VIỆT NAM CHẬM 17 PHÚT, MALAYSIA "NHANH" ĐẾN 4 TIẾNG ĐỒNG HỒ

Đăng Bởi Một Thế Giới


Một quân nhân Việt Nam tham gia đợt tìm kiếm cứu hộ chiếc MH370 sau khi có tin chiếc máy bay có thể rơi ở vùng biển Việt Nam (ảnh từ Internet).

Một báo cáo khác về hoạt động của các đài không lưu cho thấy, đài không lưu Việt Nam đã liên hệ Kuala Lumpur sau khi họ không thể liên lạc với cơ trưởng chiếc MH370 và chiếc này không xuất hiện trên radar của Việt Nam.

Việt Nam "mất" đến 17 phút

Tuổi Trẻ ngày 3.5 thông tin trong cuộc họp báo ngày 2.5 tại Malaysia, Cục trưởng Cục hàng không Malaysia - Datuk Azharuddin Abdul Rahman cho rằng Việt Nam đã chậm trễ trong việc nhận bàn giao tín hiệu chuyến bay MH370.

Bởi lúc 1 giờ 19 sáng 8.3, cơ quan quản lý bay Kuala Lumpur đã bàn giao tín hiệu chuyến bay MH370 cho vùng FIR Hồ Chí Minh tại điểm Igari nhưng mãi đến 1 giờ 38, phía Việt Nam mới thông báo không nhận được tín hiệu của chuyến bay trên màn hình radar, tức là mất đến 17 phút, trong khi thông lệ thường chỉ mất 3-5 phút.

Theo ông Azharuddin, thời điểm bàn giao chuyến bay MH370 đã ở biển Đông và máy bay đã chính thức thuộc trách nhiệm của quản lý bay Việt Nam.

“Vì sao phía Việt Nam lại mất quá nhiều thời gian để thông báo không nhận được tín hiệu cho phía Malaysia?” - ông này nói.

Thông tin về thời gian gián đoạn liên lạc cùng các thông tin khác về chuyến bay MH370 được Malaysia đưa vào báo cáo gửi lên Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), được công bố vào tối 1.5.

Hãng tin AP nhận định, kết luận trong báo cáo do chính phủ Malaysia công bố tối 1.5 không khác các thông tin đã công bố từ lúc chiếc máy bay này mất tích khi đang bay giữa hai không phận Malaysia và Việt Nam. Chỉ khác là nhận định trên của Cục trưởng Cục Hàng không Malaysia.

Trao đổi với Tuổi Trẻ và Thanh Niên ngày 3.5, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam một lần nữa, khẳng định lại thông tin đã công bố trước đây là: máy bay số hiệu MH370 của Malaysia đã mất tín hiệu radar trước khi vào điểm IGARI (vùng chuyển giao với phía Việt Nam). Cả hai cơ quan quản lý bay đều không thể xác định được máy bay đã đi qua điểm IGARI để vào vùng do Việt Nam quản lý chưa. Tổ bay của MH370 cũng không liên lạc gì với kiểm soát viên không lưu thuộc ATC TP.HCM như các chuyến bay thông thường.

Do đó, không thể cho rằng Việt Nam phải có trách nhiệm với chuyến bay MH370. Cũng như không thể cho rằng Việt Nam chậm trễ trong việc nhận bàn giao của đồng nghiệp Malaysia.

Ông cho biết sẽ chủ động liên lạc với Cục Hàng không Malaysia để làm rõ thông tin.

"Thông thường khi (giới chức) hàng không các nước có báo cáo lên ICAO cũng sẽ gửi một bản cho (giới chức) hàng không nước có liên quan. Khi nào nhận được báo cáo chính thức của Malaysia về vụ việc này, chúng tôi mới có thể phản hồi chính thức”, ông Thanh nói thêm.

Malaysia "đợi" đến cả 4 tiếng đồng hồ

Đáng lưu ý, báo cáo trên cũng nêu rõ cơ quan chức năng Malaysia chỉ mở chiến dịch tìm kiếm - cứu hộ MH370 khoảng... 4 giờ sau đó (lúc 5 giờ 30 sáng), sau khi không thể định vị được chiếc MH370 chở 239 hành khách và phi hành đoàn từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh.

Về điều này, báo The Star (Malaysia) ngày 3.5 dẫn lời quyền bộ trưởng giao thông Datuk Seri Hishammuddin Hussein nói Ủy ban độc lập điều tra vụ MH370 sẽ là bên đưa ra tuyên bố cuối cùng về việc “liệu khoảng trống 4 giờ từ khi máy bay mất tích đến khi chính quyền phản ứng có quá lâu hay không”.

Ông này biện hộ: “Mỗi vụ mỗi khác. Trong vụ này, chúng tôi mất 4 giờ để phản ứng với vụ mất tích. Trong vụ Air France, tôi được biết là phải mất 6-7 giờ trước khi thiết lập bất cứ sự phản ứng nào”.

Trước đó, Một Thế Giới dẫn nguồn tin từ AP có một báo cáo khác về hoạt động của các đài không lưu cho thấy, đài không lưu Việt Nam đã liên hệ Kuala Lumpur, sau khi họ không thể liên lạc với cơ trưởng của chiếc MH370 và chiếc này không xuất hiện trên radar của họ.

Báo cáo này nêu có lúc hãng Malaysia Airlines đã ngỡ chiếc MH370 bay vào không phận Campuchia. Hãng này nêu trong báo cáo “MH370 đã có thể trao đổi tín hiệu với chuyến bay đang bay trong không phận Campuchia”, nhưng chính quyền Campuchia nói họ không có thông tin hoặc liên lạc với chiếc MH370.

Theo tờ The Guardian, khoảng thời gian chiếc máy bay biến khỏi radar là một trong các chi tiết từng gây nên nghi ngờ cơ trưởng cố tình thoát khỏi radar. Nó xảy ra giữa ranh giới các vùng kiểm soát không lưu, 2 phút sau khi cơ quan chức năng ở Kuala Lumpur lệnh cho cơ trưởng liên lạc với phía Việt Nam. Do tổ lái không làm thế, khiến nhân viên không lưu ở TP.HCM phải báo động.

Bên cạnh đó, Malaysia cũng công bố tài liệu từ cuộc điều tra chuyến bay, gồm đoạn ghi âm cuộc đối thoại giữa khoang lái với đài không lưu, sơ đồ ghế ngồi và bản kê khai hàng hóa.

Malaysia cũng công bố một bản đồ cho thấy hướng bay, cùng một tài liệu mô tả chi tiết các hoạt động của cơ quan chức năng trong các giờ sau khi chiếc Mh370 “biến khỏi” radar.

Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak hồi tuần trước đã chỉ định một nhóm chuyên viên kiểm tra lại tất cả các thông tin mà chính phủ có được, liên quan chiếc máy bay mất tích và quyết định nên hay không nên công bố thông tin nào.

“Thủ tướng chỉ đạo về nguyên tắc, việc cung cấp một thông tin đặc biệt nào đó nếu không cản trở cuộc điều tra hoặc cuộc tìm kiếm thì công khai minh bạch” - bộ trưởng quốc phòng Hishammuddin Hussein cho biết.

Ông Hishammuddin nói radar quân sự Malaysia đã dò ra được chiếc MH370 đổi hướng quay lại về hướng tây, ngang bán đảo Malaysia, sau khi họ quay lại dữ liệu radar lúc 8 giờ sáng 8.3, tức gần 7 giờ sau khi chiếc máy bay “biến khỏi” radar dân sự.

Ông cho biết nhận được thông báo phát hiện này của quân đội khoảng 2 giờ sau đó rồi báo cáo lên Thủ tướng Najib. Ông biện hộ việc quân đội không tiếp tục theo dõi chiếc máy bay để nhận dạng: “Chiếc này (máy bay MH370) được radar xác định là thân thiện, vì thế lúc đó không cần phải tiến hành các hành động khác”.

Anh Thư

Một tài liệu về khoang hàng hóa gồm biên lai việc đóng gói những chiếc pin lithium ion vận chuyển trên chiếc MH370 có ghi dòng chữ: “phải xử lý cẩn thận”. Hồi tháng 3 đã có thắc mắc về loại pin dễ nổ này, nhưng hãng Malaysia Airlines nói nó đáp ứng quy định của ICAO, Hiệp hội Vận chuyển hàng không quốc tế và được xếp lại “hàng hóa không nguy hiểm”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét