QĐND - Chủ nhật
Bài 1: Tiếng nói từ nước Mỹ
QĐND - Mới đây, Đài Châu Á tự do (RFA) đã giảm chương trình phát thanh Việt ngữ xuống chỉ còn nửa giờ mỗi ngày. Ngay sau khi tin tức về việc này được loan ra, dư luận cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã bày tỏ sự hoan nghênh. Trên nhiều blog cá nhân, hay trang web của người Việt ở nước ngoài đã xuất hiện các bài viết phê phán lối tuyên truyền kích động thù hằn dân tộc, chống phá Việt Nam của RFA. Dư luận chung muốn RFA ngừng vĩnh viễn chương trình phát thanh bằng tiếng Việt, thậm chí đóng cửa hẳn đài này.
Phong trào đòi đóng cửa RFA
Những người ủng hộ việc ngừng hẳn chương trình phát tiếng Việt trên RFA không ai khác ngoài chính những người từng là nạn nhân của lối đưa tin bịa đặt, vu khống và thiếu khách quan của RFA. Nhiều nhà báo gốc Việt tại Mỹ không chấp nhận sự thiếu đạo đức trong nghề báo và những người Việt ở hải ngoại hiểu rõ tình hình trong nước rất bất bình với lối đưa tin kiểu “bịt mắt” này của RFA.
Cách đây không lâu, RFA đã đăng tải bài viết “Ông Trần Nhật Quang chửi ai?” của tác giả Cánh Cò, chắc không phải tên thật của người viết. Bài viết đã vu khống trắng trợn và xúc phạm nghiêm trọng danh dự của một công dân yêu nước là ông Trần Nhật Quang, qua đó tuyên truyền chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam. Lời lẽ, câu chữ trong bài viết xấc xược tới mức không tiện để dẫn ra đây. Chỉ biết rằng, bài viết đã khiến cộng đồng mạng phản ứng gay gắt. Nạn nhân cũng đã trực tiếp viết thư gửi RFA yêu cầu gỡ bài và xin lỗi công khai. Dưới áp lực dư luận, RFA đã gỡ bài xuống nhưng tuyệt nhiên không một lời xin lỗi ông Trần Nhật Quang, cũng chẳng có lời giải thích nào cho độc giả hay đính chính.
Một nạn nhân khác của lối tuyên truyền của RFA là Hoàng Thị Nhật Lệ, cách đây ít ngày cũng viết thư gửi Nghị sĩ Ét Roi-xơ về các vấn đề liên quan đến RFA. Trong thư có đoạn viết: “Tháng 10-2013, đài này (RFA) cho đăng loạt bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc Già với nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm danh dự đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và công việc của tôi”…
Có thể nói, việc phỉ báng, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của những công dân Việt Nam yêu nước là chiêu bài mới nhất của RFA, qua đó tuyên truyền chống phá Việt Nam. Họ thường xuyên thông tin xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Việt Nam, thậm chí bóp méo cả sự thật lịch sử. Chỉ cần lướt qua trang mạng RFA tiếng Việt vào dịp tháng 4 hằng năm sẽ thấy nổi lên các tít bài rất thiếu thiện chí, chà đạp lịch sử, phủ nhận thành tựu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nguy hiểm hơn, lối đưa tin của RFA đã dựng lên một bức tranh u tối về Việt Nam sau ngày 30-4-1975 nhằm phục vụ âm mưu phá hoại chính sách hòa giải dân tộc, chia rẽ, kích động và khoét sâu thù hận.
Những người vô cùng bức xúc đã thành lập nhóm vận động đòi đóng cửa RFA, thậm chí kiện đài này ra Tòa án Mỹ vì tội phỉ báng, vi phạm luật pháp Mỹ. Hiện phong trào đòi đóng cửa hẳn RFA Việt ngữ ở Mỹ đang diễn ra khá sôi nổi và ngày càng lan rộng. Một số nhà báo là người đi đầu trong phong trào này. Trong số đó, ông Nguyễn Phương Hùng, Tổng Biên tập trang mạng hải ngoại tại Mỹ kbchn.net đã gửi thư cho Nghị sĩ Mỹ Ét Roi-xơ (Ed Royce) của Đảng Cộng hòa trình bày những lý lẽ đề nghị đóng cửa RFA tiếng Việt và nhận được sự đồng tình của dư luận. Nghị sĩ Mỹ Ét Roi-xơ chính là người đồng sáng lập ra cái gọi là “Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR 1897” thường có cách nhìn định kiến về nhân quyền Việt Nam.
Khi bức thư của nhà báo Nguyễn Phương Hùng gửi Nghị sĩ Ét Roi-xơ được đăng trên mạng, nhiều độc giả đã rất hoan nghênh và bày tỏ sự đồng tình. Độc giả có nickname Phạm Thế cho rằng, RFA “là chiếc loa rè sắp hết pin không ai buồn nghe”, trong khi nickname Thanh Nguyen cho rằng, RFA “chuyên dựng chuyện, nói sai sự thật, không có lương tâm nghề nghiệp, nên dẹp bỏ để khỏi phí phạm ngân sách Hoa Kỳ”. Đồng tình với đề xuất đóng cửa hẳn RFA tiếng Việt, nickname Quang Thanh viết: “Cần có thêm nhiều tiếng nói hơn để bản thân người Mỹ cũng thấy rằng cái đài RFA thường xuyên xuyên tạc, bịa đặt”; và “Đối với quan hệ Việt-Mỹ hoàn toàn bất lợi". "Chúng ta cần có một phong trào rộng lớn để yêu cầu chính quyền Mỹ quan tâm đến chuyện này", theo người có nickname Lê Quân… Nickname ẩn danh khác viết bằng tiếng Anh có ý rằng: “Tôi đã từ bỏ việc theo dõi tin tức trên RFA tiếng Việt hơn một năm nay vì có nhiều tin tức sai trái, bị bóp méo và vì đài không bao giờ thừa nhận những tiếng nói khác biệt khi bạn bày tỏ quan điểm”.
“Lẩn tránh trách nhiệm, không tôn trọng đạo đức nghề nghiệp”
Về những việc làm của RFA, nhà báo Giôn Li (John Lee) từ Mỹ đã có những chia sẻ qua e-mail với phóng viên Báo Quân đội nhân dân dưới góc độ của một người làm báo. Ông chia sẻ: “Theo tôi, các bạn chỉ nhìn qua trang web của RFA Việt ngữ thì rõ. Tất cả những bài đăng tải từ trước đến nay về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam đều mang tính phiến diện, không phản ánh trung thực những gì đã và đang diễn ra. Những nhân vật mà họ gọi là các “nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” cho Việt Nam thực chất là những người vi phạm pháp luật Việt Nam. Họ luôn cổ xúy cho những nhân vật có hành động đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng, góp nhặt những vụ việc tiêu cực trong xã hội Việt Nam để đánh giá tổng quát toàn xã hội là một điều hoàn toàn sai trái, phiến diện, không mang tính khách quan. Khi đăng tải những bài viết của các nhân vật gọi là “nhà” này “nhà” nọ, RFA luôn nói rằng đó là quan điểm riêng của tác giả chứ không phải quan điểm của RFA, tôi thấy việc làm như vậy của một cơ quan xưng là “báo chí” này là hành vi lẩn tránh trách nhiệm”.
Nhà báo Giôn Li dẫn chứng bằng vụ việc điển hình như vụ “Cồn Dầu” ở Đà Nẵng. Theo ông, RFA đã thổi phồng sự việc đến mức không thể chấp nhận. Đến khi Nghị viên thành phố Hau-xtơn Hoàng Duy Hùng và Tổng Thư ký Etcetera Nguyễn của trang mạng Vietweekly về Cồn Dầu để xác minh thì hoàn toàn bất ngờ về những gì mà RFA đã đưa tin. Sự thật hoàn toàn ngược lại với những gì RFA khai thác đăng tải từ cái gọi là “nhân chứng” trong cuộc. “Điều đó nói lên một điều: RFA không trung thực đối với bạn đọc. Dưới góc độ đạo đức làm báo đó là điều đáng lên án”, nhà báo Giôn Li nhấn mạnh.
Xuân Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét