Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

TIÊU TIỀN TÀI TỬ

Ong Bắp Cày

Trong bối cảnh đất nước khó khăn, giữa lúc Trung Quốc đang ngang nhiên xâm lược bằng gian khoan DH-981, chúng ta rất cần đến tiền bạc để mua sắm vũ khí, tàu thuyền, máy bay phục vụ công cuộc bảo vệ đất nước. Thế nhưng, tại Bạc Liêu, người ta đã lãng phí tới 2000 tỉ đồng để vinh danh Đờn Ca Tài Tử.

Tiêu tiền như thế thì gọi là Tiêu Tiền Tài Tử mới đúng.

Mấy ngày qua, dư luận cả nước rộ lên về con số 2.000 tỉ chi cho Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) lần thứ nhất diễn ra tại Bạc Liêu từ 25 đến 29-4 với chủ đề "ĐCTT, Tình người - Tình đất phương Nam” nhằm tôn vinh và quảng bá loại hình ĐCTT - đặc sản nghệ thuật của Nam Bộ vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bà Lê Thị Ái Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Trưởng BTC khẳng định không có việc chi 2.000 tỉ đồng cho sự kiện này, và địa phương hoàn toàn không dùng ngân sách chi cho Festival ĐCTT…

Nhà hát ba nón lá tại Bạc Liêu được đầu tư 222 tỉ đồng 

Cũng theo giải thích của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, sở dĩ có con số 2.000 tỉ đồng là tổng hợp các công trình kết cấu hạ tầng và công trình văn hoá, thể thao, du lịch và các công trình phục vụ an sinh xã hội,… theo nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu và các nghị quyết HĐND tỉnh. Trong dịp chào mừng Festival, theo Nghị quyết của Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh, có 10 danh mục dự án và công trình được thực hiện từ những năm trước có kết hợp với Festival như: Trung tâm hội chợ triển lãm; kè Nhà Mát; kè song Bạc Liêu; chỉnh trang đô thị đường Hùng Vương; Quảng trường Hùng Vương. Và có các công trình trực tiếp phục vụ Festival là khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; Trung tâm Triển lãm văn hoá - nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu có hình ba nón lá nên người dân gọi nôm na là nhà hát ba nón lá giá trị đầu tư 222 tỉ đồng; Biểu tượng cây đờn kìm đầu tư hơn 20 tỉ đồng… Ngoài ra, Quảng trường Hùng Vương - nơi có biểu tượng cây đờn kìm cách điệu, diện tích hơn 40.000m3, tổng mức đầu tư 160 tỉ đồng phục vụ lễ khai mạc được đánh giá là quảng trường đẹp nhất ở ĐBSCL. 

Ngoài ra có 10 dự án là của doanh nghiệp tư nhân đầu tư kinh doanh dịch vụ, du lịch như: khu du lịch Hồ Nam, khu nhà hàng Công tử Bạc Liêu, khu du lịch Nhà Mát, nhà máy điện gió, khu Quan thế âm Phật bà Nam Hải...

Dẫu vậy, điều đáng nói là công trình nhà hát ba nón lá tuy được cho là đạt kỷ lục Việt Nam được đầu tư 222 tỉ đồng nhưng đến ngày khai mạc Festival ĐCTT lại chưa hoàn thành và bị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi về dự đã phê bình là lãng phí, chưa cấp thiết bởi ĐCTT không nhất thiết phải hát trong nhà hát…!

Người dân cũng hết sức xót xa khi báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội với Thủ tướng, người đứng đầu tỉnh Bạc Liêu cho biết: Toàn tỉnh còn 13/50 xã đường ô tô chưa về đến trung tâm xã; còn 371 tuyến dân cư nghèo, vùng đồng bào dân tộc còn chưa có điện sử dụng; cán bộ huyện Vĩnh Lợi còn đang phải làm việc trong những căn nhà tiền chế ọp ẹp; nhiều vùng sản xuất của bà con nông dân còn thiếu kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi; các bệnh viện trong đó bệnh viện tỉnh đang chịu áp lực quá tải… đề nghị Chính phủ hỗ trợ thực hiện. 

Với những những công trình tiêu tốn hàng chục tỉ đến trăm tỉ đồng, nhưng khi có dư luận nhiều chiều thì lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu lại trả lời vòng vèo, ấp úng khiến dư luận càng đặt thêm vấn đề kiểu quản lý tài sản công ở Bạc Liêu hết sức hời hợt! 

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 khoá XI đang họp bàn nhiều nội dung, trong đó vấn đề nổi bật lên hàng đầu là tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về văn hoá nhấn mạnh: cần giới hạn phạm vi các vấn đề văn hoá trong mối quan hệ với chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trọng tâm là xây dựng con người, xây dựng môi trường sống và làm việc có văn hoá, có đạo đức, văn minh, lành mạnh.

Vinh danh ĐCTT để bảo tồn và thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO là chính đáng. Song lãnh đạo Bạc Liêu cần suy nghĩ đúng về đường lối "đi lên từ văn hoá”, bởi đầu tư những công trình tiêu tốn đến hàng trăm tỉ, trong khi đời sống người dân còn nghèo, kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ cho sản xuất còn đang thấp kém, chưa đồng bộ thì đầu tư lãng phí như thế, liệu có đáng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét