Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

TRUNG QUỐC ĐANG THỰC HIỆN CUỘC XÂM LĂNG PHÁP LÝ

Tình hình biển Đông vẫn đang chuyển biến theo hướng phức tạp, từ “quan ngại” đã chuyển sang “đặc biệt nguy hiểm”. Dấu hiệu leo thang tại “điểm nóng” này ngày càng bộc lộ hành vi “ức hiếp nước nhỏ” của Trung Quốc, khiến dư luận quốc tế không ngừng lên án.

Ức hiếp nước nhỏ

Chia sẻ thông tin với hơn 300 đại biểu đến từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGOs) tại Việt Nam hôm 13-5-2014, các chuyên gia phân tích quan hệ quốc tế đều khẳng định Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Các lập luận được đưa ra dựa trên các điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982 và nhiều văn bản pháp lý liên quan khác. Việc Trung Quốc ngang nhiên thành lập thành phố Tam Sa bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa, cắt cáp tàu của Việt Nam và gần đây nhất là hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 đều là những hành động vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm các thỏa thuận đa phương với ASEAN, vi phạm các thỏa thuận song phương với Việt Nam mà các lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết.

Ông Nguyễn Vũ Tùng, Viện Biển Đông nhấn mạnh, việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành vi không phù hợp với cách hành xử của một nước lớn như Trung Quốc. “Các bằng chứng cho thấy hành vi của Trung Quốc là vô trách nhiệm và có dấu hiệu ức hiếp nước nhỏ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của các nước muốn có quan hệ với Trung Quốc” - ông Tùng cảnh báo. Theo tiến sĩ, luật sư Lê Thanh Sơn, những hành động và phát biểu gần đây của các quan chức và báo chí Trung Quốc cho thấy nước này đang “đánh tráo các khái niệm” về chủ quyền và quyền chủ quyền biển đảo, đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế khi đổ lỗi và vu cáo Việt Nam.

Về cơ sở luật pháp quốc tế, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoc học Bộ Công an Lê Văn Cương khẳng định, tại tọa độ mà Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 không có bất cứ tranh chấp nào hết. Đó hoàn toàn là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. “Đây là nhà của chúng tôi, người khác vào và phá nhà của chúng tôi thì không thể gọi là tranh chấp được” - ông Cương nhấn mạnh, đồng thời cho đây là hành động xâm lăng về mặt pháp lý cực kỳ nghiêm trọng.

Cũng theo ông Lê Văn Cương, từ năm 2010 đến nay, năm nào Trung Quốc cũng gây hấn với Việt Nam. Người dân Việt Nam chưa bao giờ được sống yên ổn. Họ xua đuổi tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Còn lần này, “Trung Quốc đã kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dùng vũ lực khi cho tàu và máy bay tấn công và uy hiếp các tàu đang làm nhiệm vụ của Việt Nam. Đã thế, họ lại lừa dối cả thế giới khi vu cáo Việt Nam bao vây, gây sự với tàu Trung Quốc.

Bức xúc trước những hành động ngang ngược này, nhưng ông Lê Văn Cương vẫn thể hiện rõ quan điểm: “Chúng ta không bao giờ kích động chủ nghĩa dân tộc để chống Trung Quốc. Việt Nam cũng không liên kết với nước nào để chống Trung Quốc. Việt Nam luôn coi 1,3 tỷ người Trung Quốc là bạn. Nhưng Việt Nam cũng kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc”.

Các chiến sĩ Cảnh sát biển làm nhiệm vụ

Việt Nam đã hành xử đúng đắn

Những chia sẻ của các diễn giả đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều bạn bè quốc tế. Bà Kim Young Shin, Phó giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Việt - Hàn bày tỏ: “Người dân Hàn Quốc chúng tôi hoàn toàn chia sẻ tình cảm với nhân dân Việt Nam. Tôi đánh giá rất cao thông tin của các vị diễn giả. Thông qua đó, những người đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam như chúng tôi có thêm thông tin về diễn biến thực tế đang diễn ra hiện nay”. Theo bà Kim Young Shin, Chính phủ Việt Nam nên thành lập một trang web riêng bằng nhiều thứ tiếng để tập hợp các ý kiến ủng hộ và phổ biến thông tin về những hành vi sai trái của Trung Quốc.

Nhiều đại biểu quốc tế cho rằng, Việt Nam đang hành xử thích hợp và đúng đắn trước các hành vi của Trung Quốc. Cho rằng buổi trao đổi là cơ hội để các sinh viên quốc tế hiểu hơn về những tranh chấp hiện nay tại biển Đông, Alexander Fenander, một sinh viên quốc tịch Đức, tin tưởng lẽ phải sẽ thuộc về bên có đủ cơ sở lịch sử, pháp lý chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên cơ sở các quy định của luật pháp quốc tế. “Các thông tin chia sẻ thực sự sâu và hữu ích đối với chúng tôi. Theo quan điểm của tôi, Việt Nam đã sử dụng mọi biện pháp ngoại giao có thể, đặc biệt là với các nước trong ASEAN để giải quyết các vấn đề với Trung Quốc”.

Với thái độ ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, NGOs tại Việt Nam đã ra một thông cáo chung bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở vùng biển Việt Nam, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế trước hành động leo thang của Trung Quốc. Tuyên bố cũng đề nghị Liên hợp quốc và ASEAN có các biện pháp nhằm chấm dứt xung đột tại biển Đông. Việc Trung Quốc rút hết giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam sẽ góp phần làm ổn định môi trường hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

--------------------------------------------------------

Ông Park Sunjong - Trưởng đại diện CFIE tại Việt Nam:

Theo tôi, Trung Quốc không nên làm mất uy tín với các quốc gia Đông Nam Á, không làm mất trách nhiệm của một nước lớn trên thế giới. Trong trường hợp này, rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm luật quốc tế. Vì thế Việt Nam cần tiếp tục đề nghị quốc tế giải quyết vấn đề này. 

Ông Greig Craft - Trưởng đại diện AIPF:

Tôi nghĩ phản ứng của Việt Nam vừa rồi là rất bình tĩnh. Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu vấn đề ở Hội nghị cấp cao ASEAN là bước đi cần thiết và đúng đắn. Không thể chấp nhận một nước lớn lại xâm chiếm hoặc có hành động gây hấn với các nước xung quanh. 

Tôi thấy hành động của Trung Quốc vừa rồi có nhiều tính toán. Cộng đồng quốc tế cần có hành động để cho thấy là một nước lớn không phải muốn làm gì thì làm. Cộng đồng quốc tế cũng cần có cách hành xử rõ ràng hơn với Trung Quốc. Vừa rồi ASEAN đã ra hai tuyên bố quan trọng về biển Đông nhưng chưa đủ để khiến Trung Quốc phải có thái độ đúng đắn. 

Bà Phạm Tuấn Anh, đại diện Birdlife:

Với tư cách là công dân Việt Nam tôi cực lực phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam. Đáng ra một nước lớn như Trung Quốc phải hành động có tự trọng và có trách nhiệm hơn. Việt Nam và thế giới đang có nhiều vấn đề chung để cùng nhau hợp tác và xử lý. 

Tôi đồng tình với cách ứng xử của Nhà nước Việt Nam. Tất cả người dân đều thể hiện quan điểm lãnh thổ là thiêng liêng, không một quốc gia nào có thể xâm phạm, nhưng mình cũng thể hiện rõ nguyện vọng hòa bình, muốn hợp tác để phát triển bền vững. Trước những hành động quá quắt của Trung Quốc thì Việt Nam cũng phải tự vệ, như chúng ta đã làm trong các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước trước đây. 

Ông Erwin Franz Schweisshelm, Trưởng đại diện FES:

Rõ ràng là đã có việc sử dụng vũ lực ở đây, như chúng ta thấy là đã có việc dùng vòi rồng và đâm vào tàu của nhau. Bất cứ bên nào khởi đầu hành động này đều là sai trái.


Tình hình căng thẳng đã kéo dài nhiều năm nhưng người ta không đưa thông tin một cách đầy đủ. Tôi thấy đây là lần leo thang chính thức. ASEAN, Trung Quốc nên tìm cách thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) và điều quan trọng là làm sao tìm được cơ chế giải quyết giữa ASEAN và Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng đối với tranh chấp về lãnh thổ.

Theo Báo Công an TP HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét