Khoai@
Nhà cầm quyền Bắc Kinh đang tìm cách đánh lừa dư luận như thường lệ đối với vụ giàn khoan đang đặt trái phép trong thềm lục địa của Việt Nam.
Thủ đoạn của họ là đánh lận con đỏ con đen, thay vì nói lên sự thật rằng vùng biển đặt gian khoan là của Việt Nam, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì họ lại tuyên truyền đó là vùng tranh chấp.
Nhưng thủ đoạn này đã bị vạch mặt.
Tại buổi chia sẻ thông tin về Biển Đông giữa Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam với các Tổ chức phi chính phủ nước ngoài, sáng qua 13/5, PGS. TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an; PGS. TS Nguyễn Vũ Tùng, Viện Biển Đông; TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Phó trưởng khoa Luật quốc tế Học viện Ngoại giao; Luật sư Lê Thanh Sơn đã có mặt tham dự. Sau đây là các ý kiến.
Ông Lê Thanh Sơn
Theo ông Lê Thanh Sơn, thời gian qua Trung Quốc đã lập luận xảo ngôn, đánh tráo khái niệm, lừa dối công luận và vu khống khi đổ lỗi cho Việt Nam gây hấn trước. Trung Quốc đã đánh tráo các khái niệm về đảo không có người sống, đảo đá ngầm… để không tham gia phiên tòa mà Philipinnes kiện cũng như đưa ra luận điệu "đường 9 đoạn”. "Trung Quốc là thành viên của Liên hợp quốc, đáng lẽ ra phải tôn trọng tất cả những gì họ đã ký, nhưng họ đã chà đạp lên tất cả. Với việc đặt giàn khoan HD981Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Đây không phải là tranh chấp mà là xâm chiếm”, ông Sơn nhấn mạnh.
Thiếu tướng Lê Văn Cương
Thiếu tướng Lê Văn Cương chỉ rõ, tại tọa độ mà giàn khoan Trung Quốc đặt không phải vùng đang tranh chấp mà là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. "Đây là nhà của chúng tôi, người ta vào nhà chúng tôi phá thì sao lại gọi là tranh chấp”, Thiếu tướng Cương lên tiếng mạnh mẽ đồng thời cho rằng việc Trung Quốc dùng vũ lực, đặt giàn khoan tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng lại lừa dối khi nói tàu Việt Nam bao vây, đâm tàu Trung Quốc. "Trung Quốc mạnh thật nhưng không có pháp lý, đạo lý. Với lịch sử của Việt Nam thì không có gì phải lo sợ”.
Trung Quốc đang cố tìm cách "giết gà dọa khỉ”.
Năm ngoái Trung Quốc thành lập vùng cấm bay bao trùm lên đảo Senkaku của Nhật Bản và 2 quần đảo của Hàn Quốc, nhưng chưa dấy lên phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế bằng lần này. Tại sao Trung Quốc gây sự vào thời điểm này? là do chiến sự xảy ra tại Ucraina nên Mỹ có phần xao nhãng ở Biển Đông. Nhưng chính chuyến đi của Tổng thống Mỹ Obama tới 4 nước châu Á, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipines, Malaysia. Lần đầu tiên ông Obama nói Mỹ sẽ áp dụng theo Điều 51 an ninh song phương để bảo vệ Nhật Bản, Senkaku. Chính điều này làm Trung Quốc nhụt chí, không dám gây sự với Nhật Bản và quay sang gây hấn với Việt Nam. Lúc đầu họ tưởng sẽ "giết khỉ dọa gà” nhưng khỉ không giết được thì quay lại "giết gà dọa khỉ”. Chính quan hệ Mỹ-Nhật làm Trung Quốc điều chỉnh hành vi từ Hoa Đông xuống Biển Đông.
Ông Nguyễn Vũ Tùng
TS Nguyễn Vũ Tùng khẳng định, giới chức Trung Quốc đang đi ngược lại luật pháp quốc tế, thỏa thuận song phương và chính nỗ lực ngoại giao mà Trung Quốc từng tuyên bố với 2 sáng kiến rất lớn là ký kết hiệp ước thân thiện với ASEAN và "con đường tơ lụa trên biển với các nước ASEAN”. Theo TS Tùng, Trung Quốc có vẻ "không bình thường” trong quan hệ nước lớn với các nước nhỏ, khiến lòng tin giảm đi trong cộng đồng quốc tế cũng như các nước láng giềng. Lý giải điều này, TS Tùng cho rằng, Trung Quốc có hành vi như vậy xuất phát từ tư duy của nước lớn, nhất là nước lớn này đang lên. Chính điều này làm lãnh đạo Trung Quốc mờ mắt trước dư luận quốc tế, cũng như chính lợi ích của nước mình. Trước câu hỏi: Nếu Trung Quốc tiếp tục leo thang, không rút giàn khoan, chiến lược sắp tới của Việt Nam là gì? TS Tùng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh chính trị, ngoại giao một cách có hiệu quả để Trung Quốc nghe được, hiểu được điều này. "Nếu vẫn còn có thể sử dụng được công cụ hòa bình Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục”.
Còn theo Thiếu tướng Lê văn Cương, không loại trừ thời gian sắp tới sẽ xảy ra đụng độ quân sự. "Nhưng tôi cũng xin lưu ý: Lúc này chính Trung Quốc rất cần sự ổn định tương đối trong vòng 10-20 năm tới để đuổi kịp Hoa Kỳ. Trong khoảng thời gian này khó xảy ra đụng độ lớn nhưng những đụng độ trong phạm vi hẹp, nhanh chóng thì có thể xảy ra (như sự kiện 1988). Về phía mình, Việt Nam vẫn coi trọng giải pháp đối thoại, hòa bình, vẫn coi Trung Quốc là bạn nếu họ chấp nhận giải quyết mâu thuẫn bằng giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, Việt Nam cũng không bao giờ từ bỏ các biện pháp dù mạnh nhất để bảo vệ chủ quyền”.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh
Về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, khả năng dẫn đến xung đột là có thể xảy ra. Là đất nước chịu quá nhiều đau khổ bởi chiến tranh, Việt Nam yêu chuộng hòa bình. "Nhưng trong trường hợp này rõ ràng đã có một tên trộm lọt vào nhà của chúng ta. Chúng ta không thể hành xử như tên trộm đó bằng cách trộm lại của họ. Mà phải căn cứ vào luật, bắt tên trộm đưa ra tòa để các cơ quan chấp pháp xử”, bà Lan Anh bày tỏ quan điểm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét