Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

ĐƯA GIÀN KHOAN KHỔNG LỒ VÀO VÙNG BIỂN VIỆT NAM, TRUNG QUỐC ĐÃ TÍNH TOÁN RẤT KỸ

Vì sao Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ vào Biển Đông?

Hồng Chính Quang - theo Trí Thức Trẻ

Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an (Ảnh: Tuấn Nam)


(Soha.vn) - Liên quan đến sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào Biển Đông, tướng Lê Văn Cương cho rằng: “Việt Nam cần tỏ thái độ thẳng thắn”…

Việc giàn khoan HD-981 của Trung Quốc tiến hành khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc – 111o12’06” kinh Đông - một vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý từ ngày 2/5 đến 15/8/2014 là bất hợp pháp và đã bị phản đối mạnh mẽ. Đây không phải là lần đầu tiên, phía Trung Quốc có hành động gây hấn với Việt Nam tại khu vực Biển Đông.

Trước động thái ngang ngược từ phía Trung Quốc, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an về vấn đề này.

PV: Thưa Thiếu tướng, ông có bất ngờ không trước hành động kéo giàn khoan HD - 981 của Trung Quốc vào đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ HD - 981 vào Biển Đông không có gì bất ngờ. Việc này họ chuẩn bị cách đây 2 năm chứ không phải là một hành động mang tính bất ngờ.

PV: Ông đánh giá như thế nào về thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc đưa giàn khoan HD – 981 vào Biển Đông tại thời điểm này cho thấy Trung Quốc đã có một sự tính toán rất kỹ. Đây là thời điểm cả Mỹ và Nga đang tập trung vào Ukraine.

Ngoài ra, việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông còn có tác động lớn từ Hoa Kỳ. Cụ thể, trong các chuyến đi thăm Trung Quốc vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố Mỹ sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Nhật Bản theo Hiệp định an ninh Mỹ - Nhật ký năm 1960. Đặc biệt là chuyến công du 4 nước châu Á vừa qua của Tổng thống Mỹ, ông Obama đã tuyên bố Mỹ sẵn sàng bảo vệ đồng minh Nhật Bản về an toàn lãnh thổ trong đó có cả quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư). Khi đã lật bài ngửa như vậy, Trung Quốc sẽ chưa dám làm gì ở Senkaku trong khi trước đó, Mỹ không có thái độ rõ ràng về vấn đề này.

Trung Quốc chỉ nắn gân từng nước nhưng trước thái độ rõ ràng như vậy của Mỹ, Trung Quốc sợ và không dám động đến Nhật Bản và Mỹ. Và khi không dám động đến Mỹ và Nhật Bản thì Trung Quốc quay ra Biển Đông.

Bản chất của Trung Quốc không thay đổi, luôn muốn làm bá chủ Biển Đông. Thứ nhất là họ thường xuyên nói một đằng, làm một nẻo. Năm 2013, Tập Cận Bình dự Hội nghị ASEAN+3 và hội nghị ASEAN+1. Tại hội nghị ASEAN+1, Tập Cận Bình nói với 10 nguyên thủ quốc gia các nước ASEAN rằng: Trung Quốc cùng các nước ASEAN cùng chung vận mệnh. Khi một người nói với những người khác là chúng ta cùng chung vận mệnh thì có nghĩa rằng: chúng ta là bạn bè của nhau, sướng khổ có nhau. Và từ đó ASEAN và Trung Quốc mới tiến tới hiệp định hợp tác với nhau.

Sơ đồ vị trí giàn khoan HD981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam *Ảnh nhỏ: Giàn khoan HD981 khổng lồ của Trung Quốc - Ảnh: Tư Liệu - Đồ họa: Vĩ Cường

Việc họ tuyên bố trong năm 2013 và việc họ vừa thực hiện tại Biển Đông cho thấy người lãnh đạo Trung Quốc bao giờ cũng nói một đằng, làm một nẻo. Và từ đó, các nước trên thế giới sẽ hiểu rằng: đừng bao giờ tin lời lãnh đạo Trung Quốc mà phải xem hành động của họ. Trung Quốc rất sợ kẻ mạnh nhưng song song với đó là luôn bắt nạt, chèn ép kẻ yếu.

PV: Với việc kéo giàn khoan khổng lồ 981 vào Biển Đông, ngoài việc phản đối về mặt ngoại giao, có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế cũng như Philippines đã làm trước đây. Thiếu tướng có quan điểm như thế nào về ý kiến này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Không phải là vì một vụ việc này mà chúng ta kiện. Về lâu dài trong tranh chấp lãnh thổ và biển đảo có mấy biện pháp giải quyết tranh chấp như sau: Thứ nhất, song phương bằng đàm phán hòa bình, có thể kết hợp cả đa phương trong quan hệ hợp tác và hòa bình. Nếu phương thức thứ nhất không có kết quả thì có thể nhờ một bên thứ 3 làm trung gian. Các nước trên thế giới vẫn làm theo phương án này. Nếu phương án nhờ nước thứ 3 không có hiệu quả, thì nhờ đến các tổ chức như Liên hợp quốc hoặc Tòa án quốc tế… Phương thức cuối cùng là dùng vũ lực.

Hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn 1 tức là bằng mọi cách thương thảo, trao đổi với Trung Quốc. Cũng không phải vì việc này mà chúng ta mang hồ sơ ra Tòa án quốc tế để kiện, chưa cần thiết làm việc này. Nhưng cái mà Việt Nam cần phải làm hiện nay là tỏ thái độ rõ ràng, mạch lạc, kiên quyết chứ không có gì phải nể và sợ sệt. Phải thông báo cho 8 tỷ người trên hành tinh này và 95 triệu người Việt Nam trong và ngoài nước biết Trung Quốc đã kéo dàn khoan khổng lồ vào tọa độ ấy, và theo công ước quốc tế, tọa độ đó thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nghĩa là hành động này của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế và Việt Nam kiên quyết phản đối hành động đó đồng thời yêu cầu Trung Quốc phải kéo giàn khoan ra khỏi vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc không có gì là nhạy cảm. Chúng ta tuyệt đối không kích động chủ nghĩa dân tộc để chống lại Trung Quốc và cũng tuyệt đối không liên kết với Mỹ để chống đối Trung Quốc.

PV: Thiếu tướng có nhận định gì về những hành động trong thời gian tới của Trung Quốc trên Biển Đông?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Lãnh đạo Trung Quốc có đầu óc chiến lược lâu dài, họ không hành động một cách chấp vá. Họ vừa làm, vừa thăm dò phản ứng của các nước như thế nào. Nếu phản ứng của Việt Nam và ASEAN mạnh mẽ, cộng đồng quốc tế cùng lên tiếng thì có thể họ sẽ dừng lại để nghe. Nếu ta im lặng, họ sẽ lấn. Quy luật hành vi lãnh đạo của Trung Quốc là như vậy, bao đời nay vẫn thế và sự việc với Nhật Bản ở Senkaku đã một lần nữa cho thấy điều đó.

PV: Như vậy đối với Trung Quốc hiện nay, Việt Nam cần phải tỏ thái độ thẳng thắn…

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đúng thế. Việt Nam cần phải tỏ thái độ thẳng thắn. Ứng xử với Trung Quốc phải lấy lợi ích dân tộc làm mục tiêu tối thượng.

Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng đã trả lời phỏng vấn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét