Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

Vụ Bầu Kiên: CHƯA THỂ ẤN ĐỊNH NGÀY MỞ LẠI PHIÊN TÒA

Hiện lịch xét xử chưa được ấn định cụ thể, tuy nhiên với tình trạng bị cáo Trần Xuân Giá vẫn đang điều trị bệnh như hiện nay, nhiều khả năng có thể xử vắng mặt bị cáo này.


(PLO) - Chánh án TAND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Bình vừa cho biết, các cơ quan tố tụng của Hà Nội đã tiến hành bắt tạm giam đối với các bị cáo Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn trong đại án Nguyễn Đức Kiên (tức Bầu Kiên) và đồng phạm “Cố ý làm trái”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Kinh doanh trái phép” và “Trốn thuế”. Tính đến thời điểm này, đã có 8 bị cáo trong vụ đại án đã bị bắt tạm giam, còn duy nhất bị cáo Trần Xuân Giá được tại ngoại nhưng đang phải chữa bệnh.

Việc tiếp tục bắt giam 4 bị cáo trong đại án Bầu Kiên, theo luật sư bào chữa cho các bị cáo này là không cần thiết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia pháp luật lại cho rằng việc thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với các bị cáo này từ tại ngoại sang tạm giam là đúng căn cứ pháp luật và hết sức cần thiết, và động thái này cũng thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của các cơ quan tố tụng Hà Nội đối với tội phạm tham nhũng.

Phiên tòa sơ thẩm vụ Bầu Kiên được hoãn vào ngày 16/4 vừa qua. Theo Bộ Luật tố tụng hình sự 2003, thời hạn hoãn phiên tòa không quá 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn. Do vậy đối với vụ án bầu Kiên và đồng phạm, thời gian mở lại phiên tòa đang được TAND TP.Hà Nội xem xét. Hiện lịch xét xử chưa được ấn định cụ thể, tuy nhiên với tình trạng bị cáo Trần Xuân Giá vẫn đang điều trị bệnh như hiện nay, nhiều khả năng có thể xử vắng mặt bị cáo này.

Đại án tham nhũng được dư luận đặc biệt quan tâm

Theo cáo trạng, Nguyễn Đức Kiên bị buộc tội với 4 tội danh. Đối với tội “kinh doanh trái phép”, cơ quan công tố cáo buộc, "bầu" Kiên đã vay hơn 2.400 tỉ đồng của Ngân hàng ACB; sau đó sử dụng tiền vay mua cổ phần, cổ phiếu của một số ngân hàng, rồi dùng số cổ phần, cổ phiếu đó để thế chấp lại các khoản vay ban đầu tại Ngân hàng ACB, tạo ra vốn ảo, gây ảnh hưởng xấu đến chính sách tài chính, tiền tệ của Nhà nước.

Đối với tội “Cố ý làm trái...”, cơ quan công tố xác định, từ tháng 5/2010 đến tháng 11/2011, "bầu" Kiên đã chỉ đạo thường trực HĐQT của ACB ra chủ trương để ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai quy định; ủy thác cho 19 nhân viên gửi tổng cộng gần 719 tỉ đồng vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TP.HCM lãi suất trong hợp đồng 14%/năm, lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,7-13%/năm. 

Hành vi này đã vi phạm Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng và thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước quy định về trần lãi suất. Toàn bộ số tiền gửi này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như - cán bộ chi nhánh Vietinbank Nhà Bè, TPHCM - chiếm đoạt.
Ngoài ra, từ tháng 5/2010 đến tháng 11/2011, Bầu Kiên đã chỉ đạo Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào 22 ngân hàng, thu số tiền chênh lệch ngoài hợp đồng hơn 247 tỉ đồng, làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cáo trạng cho rằng, Nguyễn Đức Kiên cùng Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến đã mang tài sản đã thế chấp đem bán nhằm chiếm đoạt 264 tỉ đồng.

Đối với tội “Trốn thuế”, cáo trạng cáo buộc, Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch HĐQT Cty CP đầu tư thương mại B&B không được phép kinh doanh vàng tại nước ngoài, nhưng Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo ký các hợp đồng ủy thác, đầu tư tài chính có nội dung kinh doanh vàng ngoài lãnh thổ với Ngân hàng ACB và bà Nguyễn Thúy Hương (em ruột Nguyễn Đức Kiên). Tiền lợi nhuận trong thời gian từ (12/2008 – 6/2009) là 68,8 tỉ đồng. Bằng cách chuyển lợi nhuận từ DN sang cho cá nhân, Nguyễn Đức Kiên đã trốn số tiền thuế của Nhà nước là 25 tỉ đồng.

Cần thiết phải bắt tạm giam?

LS Vũ Ngọc Chi (ĐLS TP.HCM)- người bào chữa cho bị cáo Huỳnh Quang Tuấn cho rằng, việc bắt tạm giam ông Huỳnh Quang Tuấn là không cần thiết bởi bị cáo có nhân thân tốt, chấp hành nghiêm chỉnh lệnh triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, phản biện lại ý kiến trên, Luật sư Nguyễn Đình Khỏe (Đoàn LS Hà Nội) cho rằng, việc bắt tạm giam đối với các bị cáo trên là rất cần thiết là đúng căn cứ pháp luật. Theo LS Khỏe, chỉ những bị can, bị cáo có nhân thân tốt, địa chỉ cư trú rõ ràng và phạm tội ít nghiêm trọng hoặc thuộc những trường hợp pháp luật cho phép (như có thai, đang nuôi con nhỏ, mắc bệnh hiểm nghèo…) thì mới được xét cho tại ngoại. Tuy nhiên, các trường hợp trên chỉ “có thể” được xét cho tại ngoại chứ không buộc hoặc đương nhiên được cho tại ngoại. Đối chiếu vào đại án Bầu Kiên thấy rằng các bị cáo đều bị truy tố, xét xử về tội đặc biệt nghiêm trọng nên không thuộc trường hợp được cho tại ngoại, việc bắt tạm giam họ để phục vụ xét xử là cần thiết.

Nguyên Phó Viện trưởng VKS Quân sự Trung ương Lê Đình Can thì cho rằng việc thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tại ngoại sang bắt tạm giam đối với bị can, bị cáo là hoạt động tố tụng hết sức bình thường. Tuy nhiên, đặt vào bối cảnh đại án Bầu Kiên thì động thái này thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của các cơ quan tố tụng Hà Nội đối với tội phạm tham nhũng. 

Ông Can phân tích, thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21/8/2006 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí... trong những năm qua, ngành Tòa án nhân dân đã triển khai hàng loạt biện pháp để nâng cao chất lượng xét xử, đưa việc thực hiện cải cách tư pháp ngày càng đi vào chiều sâu. 

Bên cạnh đó, việc các tòa án địa phương tuyên phạt những mức án nghiêm khắc đối với các bị cáo trong các vụ đại án tham nhũng ở Cty cho thuê tài chính ALC, vụ án Huyền Như thời gian qua cũng làm nức lòng dư luận, thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của ngành Tòa án theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét