Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

LÀM SỮA GIẢ - TỘI ÁC!

 Tội ác làm sữa giả! 

Lại thêm một vụ sản xuất sữa giả có tổ chức vừa bị cơ quan chức năng phát giác, xử lý tại TP.Hồ Chí Minh. Hành vi làm hàng giả vốn đã là tội phạm. Riêng làm hàng giả là sữa giả cung cấp cho trẻ em thì không chỉ phạm pháp mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức con người, đó là tội ác! Cở sở sản xuất sữa giả lừa dối người tiêu dùng vừa bị cơ quan công an phát hiện tại huyện Bình Chánh - TP.Hồ Chí Minh là một doanh nghiệp đăng ký họat kinh doanh có thương hiệu công khai giữa thanh thiên bạch nhật nhiều năm qua. 

Với tất cả nguyên liệu "hổ lốn” xuất xứ từ Trung Quốc, chỉ sau thao tác cho vào máy trộn đều và đóng hộp, lập tức sản phẩm được dán nhãn, phù phép thành những mặt hàng sữa giả cao cấp. Mỗi ngày có một lượng lớn sữa "xịn” trá hình theo quy trình đầy hoang dã như vậy tung vào thị trường TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ. Các loại sữa giả vẫn được giới thiệu về những giá trị thiết yếu và hữu dụng, cung cấp nhiều dinh dưỡng cho trẻ 1-15 tuổi, cho phụ nữ mang thai, canxi dành cho người già, tăng chiều cao cho người trẻ… nhưng quá trình pha trộn nguyên liệu chỉ áp dụng một công thức "chẳng giống ai”. Vụ việc phi pháp này hoàn tòan không mới. Dường như các cơ sở sản xuất sữa giả từng bị phát hiện đều lộ ra một thủ thuật rất đơn giản. Các đối tượng sản xuất sữa giả chỉ việc trộn loại nguyên liệu sữa bột kém chất lượng với đường, hương liệu, sau đó đóng vào hộp và dán nhãn mác giả. Những mặt hàng dinh dưỡng giả cung cấp cho trẻ em không hề qua các công đoạn xử lý như phòng cách ly tiệt trùng, tia cực tím, máy hút chân không, thiết bị bơm nitơ... để bảo quản sữa như quy trình đúng đắn tại các nhà máy công nghiệp. Thậm chí, người tiêu dùng còn rất hoang mang với loại sữa giả hình thành bởi thủ đoạn trộn thêm hương mùi sữa, chất đạm giả, chất béo giả được mua trôi nổi ở chợ hóa chất để đánh lừa cơ quan chức năng khi bị kiểm tra.

Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đã đặt những mục tiêu cân đối về chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân, trong đó có cả yêu cầu cấp thiết cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là giảm mạnh thể thấp còi, từng bước nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt. Thực trạng an toàn thực phẩm nếu không được kiểm sóat hữu hiệu sẽ gây hại lớn cho cả cộng đồng. Các mặt hàng thực phẩm không bảo đảm chất lượng, nhất là sữa giả xuất hiện trên thị trường không chỉ gây thiệt hại điêu đứng cho các doanh nghiệp họat động chân chính, mà còn là mối họa lớn, đầu độc người tiêu dùng, gây tác hại cho trẻ em, ảnh hưởng đến tương lai của tòan xã hội. 

Pháp luật quy định xử phạt nặng đối với hành vi làm hàng giả. Riêng tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm (mà sữa là một mặt hàng nhạy cảm), thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh bị pháp luật chế tài nghiêm khắc, thậm chí tùy theo các tình tiết tăng nặng, kẻ phạm pháp có thể phải chịu trách nhiệm hình sự ở mức cao nhất lên đến tù chung thân hoặc tử hình. Ấy vậy mà vì mục đích lợi nhuận bất chấp pháp luật và đạo đức xã hội, không ít đối tượng làm ăn phi pháp vẫn sẵn sàng nhúng chàm sản xuất thực phẩm giả. Lý do vì sao? Câu trả lời chính là khả năng phát hiện và ngăn chặn hành vi làm hàng giả của tòan xã hội hiện nay vẫn còn rất hạn chế. Hàng giả, trong đó có sữa giả vẫn còn đất sống, len lỏi chen chân hàng thật, lợi dụng vào nhu cầu thiết yếu để đánh lừa người tiêu dùng bất cứ ở nơi nào. Để tội ác làm hàng giả, sữa giả được ngăn chặn, cần tăng cường sức đề kháng bởi một thị trường lành mạnh. Đạt được điều đó, bên cạnh đòi hỏi sự hiểu biết của người tiêu dùng cũng như ý thức chấp hành pháp luật và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của các nhà sản xuất kinh doanh, thì hệ thống có trách nhiệm bảo vệ thương trường, bảo vệ pháp luật cần phải vận hành một cách có trách nhiệm và hiệu quả. Các vụ việc phạm pháp làm hàng giả, sữa giả khi phát hiện phải được xử lý chế tài thật nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật. Có như vậy, nền sản xuất và tiêu thụ hàng hóa mới tiến tới được mục tiêu lành mạnh hóa, không ai dám sản xuất hàng giả; không thể sản xuất, buôn bán hàng giả; người tiêu dùng không thể bị lừa dối bằng hàng giả. Khi đó, dĩ nhiên tội ác làm sữa giả cũng được ngăn chặn một cách triệt để./.

Chu Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét