Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

TRÁI BÓNG, GIÀN KHOAN VÀ ĐỊNH MỨC KHUÂY KHỎA

Nguyễn Vĩnh Nguyên


Hình như đã có một cuộc điều tra tâm lý nào đó cho ra kết quả rằng bóng đá và thi hoa hậu là hai thứ giúp tâm trí người ta khuây khỏa, xao nhãng với thực tại một cách dễ dàng.

Người đẹp, thì phải rồi. Mê ngắm người đẹp xem ra là hội chứng bình thường của quý ông còn khả năng và bản lĩnh. Đó không phải là thứ bệnh gì nguy hiểm mà phải kiêng cữ. Nhưng mê trái bóng thì sao? Chắc cũng phải có lý lẽ và “căn nguyên khoa học” của nó.

Nhìn ra thực tế, trái bóng World Cup vừa lăn được ít lâu thì tại Việt Nam, đề tài bàn luận trong các quán cà phê lập tức được chuyển hướng. Biển Đông sôi sục đã nhường chỗ cho những trận cầu sôi nổi.

Các trang thể thao bóng đá được mở rộng thêm trên các tờ nhật báo, thu hút sự chú ý của người đọc trong khi những thông tin cập nhật về cơn bão số 1 trên biển Đông đang gây lật thuyền ngư dân, khó khăn cho lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam trong việc tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 xem ra chỉ còn chiếm một vị trí nhỏ trong mối quan tâm chung của xã hội.

Thật thế, tình hình biển Đông đang nguội, mất tập trung vì bảng lịch đấu dày đặc, toàn diễn ra lúc nửa đêm về sáng.

Khoan vội trách ý thức công dân. Mọi thứ xem ra có lý lẽ của nó. Trước hết, xét trên quy luật tâm lý tiếp nhận nội dung truyền thông trong xã hội thông tin hôm nay, không có gì có thể chiếm lĩnh trí não của con người ta quá lâu, kể cả những vấn đề tưởng hết sức hệ trọng, bởi đơn giản, nhu cầu về cái mới sẽ luôn được đáp ứng một cách đầy đủ bởi cái mới hơn. Bạn không phải chờ đợi quá lâu để có một món mới. Và món mới sẽ làm nhạt vị món cũ nhanh chóng.

Một điều nữa, cảm xúc cộng đồng là thứ thường chịu tác động bởi tâm lý lây lan, chúng có thể được đẩy lên ở mức cao trào trong một thời điểm nào đó, nếu không được nắm bắt, đón nhận, tạo điều kiện thúc đẩy trở thành một nhận thức đúng mức, thì tiếp theo đó sẽ là một quá trình buông xuôi, tuột dốc đến một biên độ khó ngờ.

Hãy hình dung, sẽ đáng buồn biết bao nếu chẳng ai còn muốn nghe nữa những chương trình truyền hình thời sự hàng đêm cứ phát tin tiến tới, giật lùi, đâm va của những con tàu hay chuyện những phái đoàn ngoại giao đưa vấn đề ra đấu lý ở Liên hiệp quốc, chuyện các cuộc họp báo nhắc đi nhắc lại những thông điệp mà chưa tìm thấy giải pháp nào cho tình hình thực địa?!

Tất cả tạm thời lùi đi trước những trận cầu đầy kịch tính vào lúc nửa đêm về sáng. Những phẫn nộ, và cả cảm giác chiến tranh từng ngày từng giờ đeo bám tâm trí sẽ được khỏa lấp bằng những đường bay của trái bóng.

Những người mê bóng đá cảm nhận được sự giải quyết thắng thua thực tế một cách rõ ràng ở những trận bóng. Những trận đặc biệt suốt hai hiệp chính (90 phút) rồi đến hai hiệp phụ (30 phút) nếu vẫn “khủng hoảng kéo dài”, ắt sẽ phải đi đến bằng màn đá luân lưu 11 mét. Tất cả đâu vào đó. Và qua mỗi trận đấu thì người xem rõ chiến lược, đấu pháp, lối chơi của mỗi đội. Bóng đá thú vị và dứt khoát là vậy. Bóng đá cho người ta cảm giác thắng thua trong tinh thần hòa bình là vậy.

Sẽ chẳng ai đi ủng hộ một đội bóng không rõ về lối chơi, chẳng có ai thèm xem một trận bóng mà cả hai đội có cùng chiến thuật và đấu pháp để rồi tự kéo nhau vào những cuộc khủng hoảng kéo dài không phân định thắng thua, cũng sẽ chẳng ai buồn xem những trận đấu mà cầu thủ chơi xấu công khai không phải nhận chiếc thẻ đỏ nào,... Tính “hữu nghị viển vông” chẳng đem lại đỉnh cao nào cho nghệ thuật bóng đá.

Ngoài chuyện tôn thờ nghệ thuật bóng đá muôn thuở, người ta xem World Cup lúc này để giải quyết một ức chế tâm lý, xem như một định mức khuây khỏa vừa phải trong phút chốc, giữa khi đang diễn ra một cuộc đấu trí dai dẳng về chủ quyền đất nước chưa biết rồi đây chung cuộc sẽ ra làm sao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét