Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

GÁC TRANH CHẤP, CÙNG KHAI THÁC - ĐỪNG NGHE TRUNG QUỐC NÓI

Huy Hoàng - theo Trí Thức Trẻ

Tàu Trung Quốc ngang ngược tấn công tàu Việt Nam ở khu vực giàn khoan HD-981 thuộc vùng biển Việt Nam

Đề xuất "Gác tranh chấp, cùng khai thác" của Trung Quốc về bản chất là “cái gì của tôi là của tôi, cái gì là của anh thì chúng ta cùng nhau khai thác!”

Ý tưởng “Gác tranh chấp, cùng khai thác” được Đặng Tiểu Bình nêu ra từ cuối những năm 70 của Thế kỷ 20. Trong suốt hơn 30 năm qua, “gác tranh chấp, cùng khai thác đã trở thành một chủ trương lớn trong triển khai chiến lược biển của Trung Quốc; họ luôn tìm mọi cách để áp đặt ý tưởng và chủ trương này đối với các nước láng giềng.

Đối với Biển Đông, từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20, Trung Quốc đã lần lượt nêu ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác” với Philippines, Indonesia, Singapore và Malaysia. Sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hoá quan hệ tháng 11 năm 1991, Trung Quốc cũng đã nhiều lần đề cập với Việt Nam về chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” với hy vọng Hà Nội sẽ chấp nhận việc “cùng khai thác” với Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc không được các nước ASEAN hưởng ứng, do các nước đều hiểu rõ bản chất của ý tưởng này là nhằm biến khu vực không tranh chấp trong thềm lục địa của các nước thành vùng tranh chấp để thực hiện “cùng khai thác” tại vùng biển của các nước khác trong yêu sách “đường lưỡi bò”.

Khai thác chung không phải là ý tưởng mới trong giải quyết các tranh chấp biển trên thế giới. Trên thế giới đã có nhiều thỏa thuận về các dàn xếp tạm thời “khai thác chung” dưới nhiều hình thức và trong các lĩnh vực khác nhau (nghề cá, dầu khí…). Ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có: Hiệp định về khai thác chung Nhật Bản – Hàn Quốc năm 1974 ở khu vực biển chồng lấn giữa hai nước; Hiệp định về phát triển chung vùng biển chồng lấn ở Biển Đông Timor giữa Úc và Indonesia năm 1989.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là việc khai thác chung chỉ có thể tiến hành ở những khu vực biển chồng lấn, thực sự có tranh chấp, chứ không thể tiến hành “cùng khai thác” trong vùng biển hoàn toàn không có tranh chấp của một quốc gia khác như Biển Đông của Việt Nam. Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 cho phép các nước có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mở rộng 200 hải lý (370,6Km) từ lãnh hải của quốc gia đó, vì vậy Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn và không tranh chấp đối với phần diện tích rộng lớn của Biển Đông bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Để tranh thủ sự ủng hộ của các nước ASEAN, Trung Quốc đã nhiều lần điều chỉnh câu chữ của ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Ban đầu là “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác”, sau đó thì rút gọn lại là “gác tranh chấp, cùng khai thác” và gần đây là “khai thác chung” hay “cùng khai thác”. Tuy nhiên, chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” vẫn gắn liền với việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động nhằm thực thi “đường lưỡi bò” trên thực tế.

Nhằm thúc đẩy chủ trương “cùng khai thác”, trong mấy năm gần đây Trung Quốc tiến hành rất nhiều các hoạt động gây hấn trên thềm lục địa của các nước ven Biển Đông để gây sức ép buộc các nước chấp nhận “cùng khai thác” với Trung Quốc trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò” như: trong các năm 2011-2012, Trung Quốc nhiều lần cắt cáp của tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 của Việt Nam trên thềm lục địa Việt Nam nhằm mục tiêu biến khu vực không tranh chấp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa các nước thành khu vực tranh chấp; năm 2012 tàu của Trung Quốc ngăn cản hoạt động của tàu khảo sát Malaysia trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Malaysia…vv…

Tháng 7 năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại nhắc tới chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng khai thác” đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhà phân tích Ralph Cossa của Diễn đàn Thái bình dương ở Hawaii, ông Tập Cận Bình chỉ lặp lại chủ trương ngang ngược của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là“cái gì của tôi là của tôi, cái gì là của anh thì chúng ta cùng nhau khai thác!”

Vì vậy Trung Quốc sẵn sàng cùng nhau khai thác ở những nơi do Nhật Bản nắm giữ, những nơi do Philippines hay Malaysia nắm giữ. Còn những nơi họ đang nắm giữ thì họ đương nhiên tự cho là có chủ quyền không thể tranh cãi và như thế là hết chuyện. Ông Cossa nói thêm rằng phát biểu của ông Tập Cận Bình làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Nhà phân tích Ralph Cossa: "“Điều này có nghĩa là: Cái gì của tôi là của tôi, còn cái gì là của anh thì chúng ta cùng nhau khai thác!"

Bà Bonnie Glaser, một nhà phân tích cấp cao về vấn đề Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, tán đồng nhận định của ông Cossa. Bà nói: "Theo tôi, không ai biết rõ trong thời gian tới đây Trung Quốc có nhượng bộ hay thỏa hiệp với các nước láng giềng trong những vụ tranh chấp này hay không.” Bà Glaser cũng bày tỏ sự nghi ngờ về thiện chí của Trung Quốc trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các vụ tranh chấp với các nước láng giềng.

Bà Glaser bày tỏ nghi ngờ thiện chí của Trung Quốc trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình tranh chấp với các nước láng giềng.

Theo tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, một chuyên gia nghiên cứu kỳ cựu về Biển Đông nhận định: "hiện nay Trung Quốc đang muốn “đánh đồng” đề xuất gác tranh chấp cùng khai thác với giải pháp hợp tác cùng khai thác có ý nghĩa thực tế theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, để áp dụng cho khu vực Biển Đông nhằm mục đích biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp, từng bước giành thế chủ động độc chiếm Biển Đông. Rõ ràng là quan điểm gác tranh chấp cùng khai thác của Trung Quốc đã vượt qua mọi quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, thậm chí không có trong tiền lệ các án lệ của luật pháp và thực tiễn quốc tế đã áp dụng đối với giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo, quần đảo trên biển”.

Ông Trần Công Trục

Ngày 2 tháng 5 năm 2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981 tiến hành khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc-111o12’06” kinh Đông, chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Hoạt động này hoàn toàn vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Ngày 4 tháng 5, Bộ Ngoại giao Việt nam kiên quyết phản đối động thái ngang ngược của Trung Quốc. Trong mấy ngày gần đây, dư luận quốc tế cũng tỏ thái độ phản đối trước hành động trắng trợn này.

Giáo sư Keith Johnson thuộc khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Carlifornia Berkeley đã viết một bài bình luận trên tạp chí uy tín Chính sách đối ngoại (Foreignpolicy). Giáo sư Keith cho rằng: “Việc Trung Quốc đưa giàn khoan trị giá hàng tỷ USD của mình như muốn gửi tới Việt Nam một thông điệp rõ ràng rằng “chúng tôi sẽ khoan ở nơi mà chúng có thể gây ra các tác hại nhiều nhất". Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động thăm dò năng lượng tại các khu vực tranh chấp và gặp phải sự ngăn cản từ các nước, trong đó có Việt Nam đối với các hoạt động thăm dò này tại các vùng nước tranh chấp. Tuy nhiên, đây dường như là lần đầu tiên các công ty dầu mỏ Trung Quốc thực hiện hoạt động khai thác dầu mỏ tại vùng nước thuộc tuyên bố chủ quyền của những quốc gia khác.”

Giàn khoan HD-981 được Trung Quốc đưa vào xâm phạm vào vùng biển thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày 2 tháng 5 năm 2014

Mặc dù luôn khẳng định tuân thủ nguyên tắc “cùng khai thác” không làm ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, song ý đồ sâu xa của Trung Quốc là muốn thông qua “cùng khai thác” để hợp pháp hóa các yêu sách phi lý và phi pháp về chủ quyền của mình. Họ còn muốn dùng vấn đề “cùng khai thác” để phân hóa chia rẽ các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Thời gian qua, Trung Quốc luôn lớn tiếng rằng “cùng khai thác” là biện pháp duy nhất để duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông, trong khi luôn đe doạ, gây sức ép với các nước ven Biển Đông, buộc các nước này chấp nhận chủ trương “cùng khai thác”của Trung Quốc.

Tóm lại, ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc không phải là việc dàn xếp quá độ theo những quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 mà nội hàm của nó là một phần quan trọng trong chiến lược xuyên suốt của Trung Quốc từng bước xâm lấn vùng biển của các nước láng giềng, tiến tới độc chiếm Biển Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét