CVOV.VN - Các học giả nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN và sự hỗ trợ của các nước lớn trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là chủ đề chính của một cuộc hội thảo vừa được Trung tâm Wilson của Mỹ tổ chức sáng 6/4 (theo giờ Việt Nam) tại thủ đô Washington DC. Tại hội thảo, các học giả Việt Nam và quốc tế đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về những hành động leo thang căng thẳng cũng như đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.
Các học giả tham dự hội thảo được Trung tâm Wilson tổ chức
Hội thảo đã đề cập tới một loạt các vấn đề liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông trong đó có “đường lưỡi bò", cách hành xử đơn phương của Trung Quốc, vai trò của ASEAN và các nước lớn trong giải quyết tranh chấp và khả năng khai thác chung tại các khu vực tranh chấp. Đại diện của Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao Hoàng Anh Tuấn nêu rõ, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn vi phạm những thoả thuận với Việt Nam.
Ông Hoàng Anh Tuấn nói: “Trung Quốc nói rằng, tranh chấp là vấn đề song phương. Nhưng khi Việt Nam đề nghị Trung Quốc xử lý vấn đề này một cách hoà bình qua kênh song phương thì Trung Quốc lại bác bỏ tất các đề nghị của Việt Nam. Cuối năm 2012, Việt Nam và Trung Quốc đã đồng ý thiết lập đường dây nóng ở cấp lãnh đạo cao nhất để sử dụng trong trường hợp có khủng hoảng. Khi khủng hoảng xảy ra, Việt Nam đã đề nghị sử dụng đường dây nóng đó để kiểm soát tình hình. Nhưng trong trường hợp này, đường dây nóng đã trở thành đường dây chết. Nó không hoạt động”.
Theo ông Tuấn, căn nguyên của tất cả các vấn đề khiến tình hình tại Biển Đông xấu đi là việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố đường 9 đoạn. Đường 9 đoạn này không có cơ sở pháp lý, không có sự quản lý hành chính hiệu quả của Trung Quốc tại các khu vực đó. Chia sẻ quan điểm này, Giám đốc Viện nghiên cứu Kissinger về Trung Quốc và Mỹ, Robert Daly cho rằng Trung Quốc đã bỏ qua hoặc cố tình hiểu sai luật pháp quốc tế trong các đòi hỏi chủ quyền của nước này. Giáo sư Aileen Baviera, Đại học Philippines nêu rõ, “đường lưỡi bò” chưa bao giờ tồn tại trong các tư liệu cổ của Trung Quốc mà chính là “phát minh” của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Các học giả cũng nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp và nêu rõ điều này đòi hỏi sự thống nhất trong quan điểm của các nước thành viên. Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, ASEAN đang tiến tới một Cộng đồng An ninh vào năm 2015 và vì vậy tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc hay giữa Philippines và Trung Quốc được xem như vấn đề của cả ASEAN.
Trong vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, ông Tuấn cho biết ASEAN nhìn nhận theo quan điểm nếu Trung Quốc thành công trong chuyện này, Bắc Kinh có thể sẽ đưa giàn khoan xuống phía Nam, tới vùng biển của các nước thành viên ASEAN khác và do đó sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ ASEAN.
Về những đề xuất khai thác chung tại các khu vực biển tranh chấp, các học giả cho rằng đây là điều khó khả thi trước những toan tính và đòi hỏi phi lý của Trung Quốc.
Giáo sư Baviera, Đại học Philippines nói: “Về nguyên tắc, ý tưởng về việc cùng khai thác phát triển đã có, nhưng nó rất phức tạp do bản chất đa phương của các tranh chấp tại một số khu vực. Trung Quốc đôi khi đề cập tới chuyện khai thác chung, nhưng các bên vẫn chưa đạt được gì cụ thể, vì Trung Quốc dường như luôn có quan điểm là bất cứ hoạt động hợp tác khai thác chung nào cũng kèm theo điều kiện các bên phải thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc”.
Về phần mình, Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn bày tỏ: “Trung Quốc tìm cách biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp rồi đòi khai thác chung ở đó. Giống như hàng xóm nhà bạn đến nhà bạn và nói rằng, nửa cái sân nhà bạn là của họ, rồi đề nghị sử dụng chung cái sân đó với bạn. Liệu bạn có chấp nhận không?”
Theo ông Stapleton Roy, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kissinger về Trung Quốc và Mỹ, trong 10 năm qua, Đông Á là khu vực thành công nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất trên thế giới. Đây là nơi nảy sinh các vấn đề có thể dẫn đến sự đối đầu giữa các cường quốc và nguy cơ này đang ngày càng rõ rệt hơn, khi Trung Quốc liên quan tới hầu hết các căng thẳng và điểm nóng trong khu vực. Ông Stapleton Roi nhận định rằng Trung Quốc sẽ khó có thể tiếp tục phát triển hoà bình và đạt được các mục tiêu phát triển đã đặt ra, nếu như tiếp tục tạo ra sự đối đầu với các nước láng giềng./.
Nhật Quỳnh/VOV - Washington
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét