Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

CHUYỆN CHỦ NGHĨA

Thượng tướng Phùng Thế Tài là một vị tướng có nhiều giai thoại lí thú được lưu truyền trong các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, từ lúc còn là người cận vệ đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến lúc được phong hàm Thượng tướng.
Ông từng có mặt trong đoàn quân Tây Tiến rồi đến Tư lệnh đầu tiên của một Quân chủng hiện đại còn hết sức non trẻ của Quân đội ta khi đó-Quân chủng Phòng không Không quân. Sau chiến thắng "Điện Biên phủ trên không" vang dội, ông được gọi là ‘’Vị tướng của tháng 12 lịch sử’’.
Cánh lính trẻ rất thích thú trước tướng Phùng Thế Tài bởi bản tính xuề xòa nhưng không phải không sợ cái oai rất tướng của ông, thân hình cao to, tiếng nói sang sảng khuôn mặt hồng hào và tính nóng như lửa của ông. Chính vì cái tính nóng với cấp dưới mà ông đã nhiều lần bị Bác Hồ chỉnh. Có thể nói ít tướng lĩnh nào của Việt Nam lại gắn bó với Bác Hồ như Thượng tướng Phùng Thế Tài. 
Ông gắn bó với Bác từ những ngày còn bên Trung Quốc đến khi Bác về Pác Bó trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Khi Bác mất, ông lại là một trong những người chỉ đạo công việc bảo quản thi hài Bác.
-----------------
Tại Côn Minh, năm 1940, đồng chí Vũ Anh giới thiệu " Đây là chú Nghĩa, đảng viên, mọi điều tôi đã dặn kỹ, xin tiên sinh an tâm".
Chú Nghĩa, năm ấy mới hai mươi tuổi, được giao nhiệm vụ giao thông kiêm bảo vệ cho Già Vương, đưa Già Vương từ Côn Minh về nước. 
Chú Nghĩa có nhiều tài, nhiệt tình, tháo vát, giỏi võ, lại thông thạo địa bàn.
Đưa Già Vương về tới biên giới, chú trở lại Côn Minh để hoạt động. Bác căn dặn: Nghĩa phải chín chắn hơn, luôn điềm tĩnh, không được manh động. Phải lấy việc hoạt động cách mạng, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân làm trọng.
Ở lại, chú Nghĩa được quân đội Tưởng Giới Thạch tuyển vào học lớp nghiệp vụ tình báo của trường quân sự Hoàng Phố, được phong cấp Thiếu hiệu. Chú Nghĩa mê súng và bắn súng giỏi.
Ở Côn Minh, chú Nghĩa tổ chức quyên tiền mua và vận chuyển vũ khí về nước chuẩn bị cho thời cơ khởi nghĩa vũ trang. Chú nóng ruột lắm, chỉ mong được về nước hoạt động. Năm 1942, chú Nghĩa cùng vài người khác lại được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác ở Pác Bó, và đi theo Bác trong các chuyến đi của Bác sang Trung Quốc.
Trong chuyến đi Vân Nam, Bác dẫn theo viên phi công Mỹ, chú Nghĩa nảy ra sáng kiến "trưng dụng" hai con ngựa của dân, để Bác và viên phi công cưỡi, Bác không chịu đi ngựa, bảo: Sao chú cứ hay làm phiền dân thế, chú mượn được thì chú đi, bác không đi. Chú Nghĩa đành ấm ức đem trả lại. Lúc về, chú Nghĩa lại ngỏ ý muốn kiếm ngựa cho Bác đi, Bác nói: Chú nghĩ xem, người ta chỉ có con ngựa để kiếm ăn. Chú lấy đi, được việc chú, nhưng người ta lấy gì nuôi vợ, nuôi con. Dân Tàu thì cũng khổ như dân mình thôi.
Khoảng một tuần sau, Bác cháu lại cùng nhau sang Côn Minh, chú Nghĩa lại nảy ra sáng kiến, chú muốn mua con gà để Bác cháu "cải thiện". Chú mua gà của trưởng thôn, nhưng kèm theo câu "không bán thì tôi đập chết!". Cũng đợt đi này, chú Nghĩa còn bất đắc dĩ kiêm luôn chức vụ "bác sĩ riêng" của Bác.
Đi về, hoàn thành nhiệm vụ rồi, nhưng trước tình hình mới, chú Nghĩa lại ấm ức, chú nhờ anh Vũ Anh và anh Hoàng Hữu Nam nói với Bác, cho chú được trực diện đánh nhau với địch, còn việc bảo vệ xin giao lại cho người khác.
Mãi rồi Bác cũng đồng ý, nhưng dặn:
Chú đòi ra chiến đấu, Bác chấp nhận, nhưng Bác còn phân vân hai điều: một là tính chú nóng nảy, bây giờ chú mới là lính, cách mạng phát triển, quân đội phát triển, chú cũng phát triển, sau nay có thể là tướng, là quan. Làm tướng mà nóng tính là hỏng việc. Hai là, chú có tính liều. Có Bác bên cạnh mà chú còn dám bắt gà, bắt ngựa của dân, sau này chú ra hùng cứ một phương, làm điều sai quấy, ai ngăn được chú. Thôi chú ra chiến đấu cũng được nhưng nhớ phải sửa bằng được hai điều ấy.
À mà chú Nghĩa liều thật, lúc Bác bị sốt rét nặng, chú "tháo vát", tự ý chích thẳng thuốc ký ninh vào ven. Bác bảo: Bác chưa thấy ai tiêm ký ninh vào ven như chú cả. Nhưng thôi, Bác còn sống là may rồi.
Chú Nghĩa hứa với Bác, có anh Vũ Anh bảo lãnh.
Ít lâu sau, Nhật đảo chính Pháp, chánh mật thám Bắc Cạn cùng vợ và năm lính Pháp trên đường trốn chạy sang Trung Quốc bị chú Nghĩa tóm được. Chú Nghĩa thu được 6 súng ngắn, sáu đồng hồ và mấy vạn đồng Đông Dương. Lính khố đỏ thì chú Nghĩa tha cho về, còn bọn mật thám Tây thì chú ... tự xử. Xong xuôi, chú kéo quân về báo cáo "thành tích" với anh Vũ Anh.
Vũ Anh, mặt tái mét, hoảng hồn: Thôi chết, lẽ nào chú không biết gì về chính sách đoàn kết của mặt trận Việt Minh hiện nay? Giờ tôi biết ăn nói với Ông Cụ thế nào?
Chú Nghĩa cũng hốt hoảng không kém, và ân hận, thôi việc đã lỡ, anh cho em đi phát triển phong trào, chứ em không dám ở đây gặp mặt Ông Cụ.
Những năm chú Nghĩa đi theo bảo vệ Bác, Bác đặt tên chú Nghĩa là Phùng Hữu Tài, hẳn là có một ẩn ý nào đó. 
Mãi chục năm sau này, khi đã làm Đại đoàn phó Đại đoàn 320, chú Nghĩa mới xin Bác cho đổi lại thành Phùng Thế Tài.

Thượng tướng Phùng Thế Tài 

Thượng tướng Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng, Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không - Không quân, đã qua đời ngày 21/3, hưởng thọ 94 tuổi.
Thượng tướng Phùng Thế Tài, sinh năm 1920, quê huyện Thường Tín, Hà Nội, đã qua đời hồi 13 giờ 50 phút ngày 21/3 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 175, TP HCM.
Thượng tướng Phùng Thế Tài là cán bộ lão thành cách mạng, 75 năm tuổi Đảng, tham gia cách mạng năm 1936. Ông nhập ngũ tháng 12/1944, từng trải qua các chức vụ Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Pháo binh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng không… Ông là Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không-Không quân khi quân chủng này được thành lập năm 1963. Ông là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hàng không dân dụng.
Ông được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, 2 Huy hiệu Bác Hồ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét