Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

LỬA GIẬN TỪ ĐÂU TỚI? THẰNG NÀO BẬT DIÊM ???

Không biết bọn Tây u thì thế nào chứ các cụ nhà mình thường liên hệ sự tức giận với lửa. Này nhá, “lừa cháy đổ dầu thêm”, “tính nóng như lửa”, “hét ra lửa”, ông nào hay cáu giận thì chả cần xem tử vi thì cũng đoán được ông mạng “hỏa”, bắt mạch thì chắc chắn là ông “hỏa vượng”.

Cứ thế mà suy thì cơn giận của tôi phải bắt đầu từ “thằng” nào đó, bật diêm, gây cháy?

Hồi tôi còn bé, mới học lớp 3 lớp 4 đã đọc tạp nham cả Tam quốc diễn nghĩa, (hồi ấy in thành 13 tập) và Tây du ký, ( 8 tập). Lại thế nào mà đọc cả Quân Trung Từ Mệnh Tập của Nguyễn Trãi nữa mới ghê, riêng cuốn này thì không hiểu được gì, nhưng nhớ và vận dụng mỗi câu “Bảo cho mày nghịch tặc Phương Chính biết”.

Bọn trẻ con chúng tôi chơi trò đấu kiếm lau với nhau, trước khi giao đấu, bao giờ cũng “chửi” nhau bằng câu này, kèm thêm là “đồ dệt chiếu đóng dép”, “đồ con nhà hàng thịt”… theo đúng màn chào hỏi mẫu mực của các tướng trong Tam quốc diễn nghĩa trước khi vặt đầu nhau (bạn Sơn, đại gia nghành Hóa chất còn nhớ?).

Giờ mới biết, muốn đánh nhau có hiệu quả, thì cần phải chửi nhau trước đã, để lấy khí thế khai cuộc. Và sâu hơn, “ngộ” ra rằng, đó là bí kíp nhúng đối phương vào “lửa giận”, làm cho hắn bị kích động, khi tức giận thì hắn “bớt khôn” đi, mình mới thêm có cơ may.

Thì các cụ bảo rồi, “giận mất khôn” mà lại.

Thật vậy, chẳng có tý “người lớn” nào (nghĩa là rất phi logic) khi người ta “giận cá” lại “chém thớt” , rồi đâm ra “chửi chó mắng mèo” hoặc “đá thúng đụng nia”...

Nhưng “thằng” nào “bật diêm”?

Có một câu chuyện Phật giáo, tôi không nhớ đã đọc ở đâu. Rằng khi Đức Phật đi cùng đoàn người qua sông trên một chiếc thuyền, thì bị va chạm với một chiếc thuyền khác. Trên thuyền kia không có người.

Nhân đấy, Đức Phật thuyết pháp về nguồn gốc cơn giận: Các ngươi hãy tưởng tượng tình huống nếu trên chiếc thuyền kia có người lái, hẳn đã có một cuộc cãi vã xảy ra giữa hai bên. Nhưng bởi trên chiếc thuyền kia không có ai nên không có “đối tác” để nóng giận. Như vậy, cơn giận, nếu có đó, là do chính chúng ta tạo ra mà thôi.

À, vậy thì, diêm quẹt vốn có sẵn ở trong túi chính ta, bật hay không? Tùy “hoàn cảnh”!

Và nhà Phật cũng so sự nóng giận với lửa, gọi là “sân hỏa”:

“Nhât niệm sân hỏa phát
Bách vạn chướng môn khai”.

Đã nói về sự nóng giận, lại nói tới Tây du ký, thì phải nhớ đến nhân vật Hồng Hài nhi.

Tay này tuy bé (hài nhi), còn mặc yếm, mà đã nóng tính tới mức thường phun ra lửa, phép thuật cao cường vượt xa Tôn Ngộ không, mấy phen làm Tôn Ngộ không chạy tẹt ga cầu viện.

Khi Cậu giận, thì Cậu: “đọc thần chú, phun từ trong miệng ra một vệt lửa: từ hai lỗ mũi, khói đen nồng nặc cũng tuôn ra. Rồi mắt hắn cứ chớp chớp, lửa đỏ lại bùng lên. Lửa cháy ngùn ngụt trùm cả năm chiếc xe nhỏ.”

Tôn Ngộ không dù có 72 phép thần thông, vẫn phải huy động thêm một đống bà con họ rồng nữa (Tứ đại long vương) cũng không đấu lại, càng tưới càng cháy. Sau phải nhờ đến Quán Thế âm bồ tát dùng nước cam lồ trong tịnh bình dập tắt.

Tại sao nước rồng phun từ bốn đại dương cũng không tác dụng? Vì lửa do Hồng Hài nhi không phải lửa thường, mà chính là “lửa giận” – “sân hỏa”.

Mà đã là “sân hỏa” thì phải đối trị bằng tâm “từ” và tâm “bi”, đấy lại chính là vũ khí sở trường của ngài Quán thế âm, ahaha! Nam mô đại từ đại bi linh cảm ứng Quán Thế âm bồ tát!
Trở lại câu hỏi: “Thằng” nào bật diêm? Cách khai hỏa “đặc biệt” của Hồng Hài nhi đã hé lộ đó là “thằng” nào: “Một tay vung cây giáo lửa nhọn, một tay nắm thành nắm đấm, tự đấm hai quả vào mũi mình”.

Ấy đấy, nếu va chạm với con thuyền không người kia, bạn không có cách nào xì ra cơn giận được.

Muốn tạo ra “lửa giận”, thì có tài giỏi như Hồng Hài nhi, bạn cũng phải tự quại vào mũi mình, ít nhất 2 quả!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét