Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

HIỆN THỰC NHÂN QUYỀN VIỆT NAM - PHẢN BÁC MỌI ĐỊNH KIẾN

Nguồn: amaritx

Cho dù còn có sự khác biệt nhất định, thậm chí cả những định kiến, áp đặt chủ quan, song sự tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam trên thực tế đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Điều đó ngày càng trở thành xu hướng chủ đạo mà không một mưu toan của tổ chức hay cá nhân nào có thể phủ nhận, đảo ngược.

Sau chiến thắng 30-4-1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dân tộc Việt Nam bắt tay vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, hướng đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Định hướng trên cũng đồng nghĩa với những mục tiêu cơ bản, tổng quát về việc chăm lo đảm bảo quyền con người (QCN) – một việc làm có nhiều khó khăn, thách thức đối với mọi quốc gia, không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Đối với Việt Nam, một đất nước chưa phát triển, lại phải trải qua thời gian dài chống chiến tranh xâm lược, sau đó là bao vây, cấm vận; các tiền đề về kinh tế, xã hội, pháp luật,… đảm bảo để thực thi nhân quyền còn nhiều hạn chế, bất cập, thì sự khó khăn, thách thức đó càng gấp bội. Dựa trên nền tảng hòa bình, độc lập (điều kiện thiết yếu, tiên quyết để thực thi nhân quyền mà dân tộc ta đã làm nên trước đó), những năm qua đã đánh dấu nỗ lực vượt bậc của chúng ta trong việc khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, hòa hợp dân tộc, tăng cường hội nhập quốc tế để xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao toàn diện đời sống của mọi người dân.

Tính từ 03-02-1994 – ngày mà Tổng thống Mỹ Bin Clintơn tuyên bố bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam, và ngày 11-7-1995 tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, đến nay, chúng ta mới có khoảng 20 năm để phấn đấu thực hiện các mục tiêu đã đề ra và chăm lo phát triển QCN. Trong khoảng thời gian đó, vai trò và vị thế của nước ta đã không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Việt Nam đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) bầu là Ủy viên không thường trực (nhiệm kỳ 2008 – 2009) với số phiếu cao và đã hoàn thành xuất sắc trọng trách này. Trong Hội nghị Thượng đỉnh LHQ tổ chức năm 2000, 189 thành viên đã nhất chí thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ với 8 mục tiêu cần đạt tới đến năm 2015. Đến nay, nước ta đã hoàn thành xong trước thời hạn 5/8 mục tiêu, được LHQ nhìn nhận là hình mẫu quốc tế trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo; đưa tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia) trên toàn quốc từ 58,1% năm 1993 xuống 14,8% năm 2007 và 7,8% năm 2013. Chương trình phát triển LHQ đã ghi nhận Việt Nam là một trong mười nước có mức tăng thu nhập cao nhất trong 40 năm qua. Việc ngày 12-11-2013 vừa qua, Việt Nam được Đại hội đồng LHQ (khóa 68) bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014 – 2016) với số phiếu cao nhất (184/192 phiếu) là sự ghi nhận xác đáng của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu và đóng góp của Việt Nam trong thực hiện QCN. Trước sự kiện này, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: “Không ai bầu một quốc gia kém cỏi, thậm chí vi phạm nhân quyền vào Hội đồng Nhân quyền,… Thế giới có lý do chính đáng để lựa chọn Việt Nam bởi những đóng góp của Việt Nam vào vấn đề nhân quyền trên thế giới”. Sự ghi nhận của thế giới đối với vấn đề nhân quyền ở Việt Nam còn là một tất yếu sau những đóng góp tích cực của nước ta vào hoạt động của ASEAN, APEC, ASEM; sau việc cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam đăng cai Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới năm 2015 và Hội nghị cấp cao APEC năm 2017.

Gần đây nhất, ngày 05-02-2014, Việt Nam đã trình bày Báo cáo rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 2 về nhân quyền trước Hội đồng Nhân quyền LHQ, có sự tham gia của 107 quốc gia. Báo cáo của Việt Nam đã nhấn mạnh những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong việc tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy các QCN trên thực tế; nêu bật kết quả thực hiện những khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp nhận trong lần kiểm điểm của chu kỳ 1 (tháng 5-2009); đồng thời, nêu ra những thách thức, tồn tại và hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong phát triển QCN. Việc làm đó đã thể hiện thái độ nghiêm túc, trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền. Hầu hết các nước đã ghi nhận và đánh giá cao thành tựu về QCN của Việt Nam được nêu trong Báo cáo. Đặc biệt, họ hoan nghênh Việt Nam thông qua Hiến pháp năm 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật về QCN, quyền và nghĩa vụ công dân; thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ về phát triển, nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và các quyền tự do của công dân; tham gia các công ước quốc tế về nhân quyền và tăng cường hợp tác với các cơ chế nhân quyền của LHQ. Tuy nhiên, cũng như mọi cuộc đối thoại về nhân quyền khác, trong quá trình tiến hành sự kiện này còn có một số ít bình luận, nhận xét, khuyến nghị chưa phản ánh đúng thực tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Đây cũng là điều bình thường trong hoạt động này; đồng thời, cho thấy còn có sự sai lệch về thông tin, khác biệt trong quan niệm cũng như tác động từ những định kiến thiếu thiện chí, khách quan đối với tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Điều này đã từng diễn ra trong các đối thoại trước đó đối với nhiều quốc gia.
Trên thực tế, thế giới hiện nay đang có sự khác biệt trong quan niệm về nhân quyền. Tuy có sự thống nhất xung quanh các tiêu chí tổng quát chung về nhân quyền, song việc thực hiện các yêu cầu đó phải gắn liền với hoàn cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị, pháp luật cụ thể của mỗi quốc gia. Trong khi các nước phát triển nhấn mạnh nhân quyền từ góc độ tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình, thì các nước đang phát triển lại quan tâm hơn tới các quyền dân sinh. Việc đưa ra các tiêu chí nhân quyền trừu tượng, với sự đòi hỏi phải được thực hiện “tuyệt đối, không điều kiện” theo một hình mẫu nào đó, thực chất chỉ là sự áp đặt, khiên cưỡng, khó chấp nhận. Cần thấy rằng, mọi quốc gia trên thế giới kể cả những nước phát triển, có vị trí quan trọng về nhiều mặt hiện nay cũng không thể tự cho mình là đã hoàn hảo về nhân quyền và luôn giải quyết thấu đáo mọi vấn đề về nhân quyền. Ngay nước Mỹ, nơi mà họ tự cho mình là một “hình mẫu” về dân chủ, nhân quyền, điều đó cũng không phải là ngoại lệ. Tổng thống Mỹ B. Clintơn trong lần nói chuyện với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đã cho rằng: “Cho đến nay thành tích của Hoa Kỳ trong lĩnh vực nhân quyền vẫn chưa hoàn hảo. Rút cuộc, chúng tôi phải mất một thế kỷ mới xóa bỏ được nô lệ. Việc giành quyền bầu cử cho phụ nữ thì phải mất một thời gian dài hơn thế nữa”. Gần đây, đương kim Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã phải thừa nhận rằng: người da màu đang bị phân biệt đối xử ở Mỹ và “rất ít người da màu chưa từng trải qua phân biệt đối xử chủng tộc”. Trong lòng các nước tư bản phát triển, người ta còn thấy vô số các khuyết tật trầm kha, khó khắc phục về nhân quyền ở hàng loạt các vấn đề, như: sự phân hóa giàu nghèo, tình trạng phân biệt, kỳ thị chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo, bạo lực, bất bình đẳng xã hội,… Tuy nhiên, bất chấp thực tế đó, một số tổ chức, cá nhân gần đây vẫn đưa ra những cáo buộc và yêu sách đối với Việt Nam xung quanh những vấn đề về tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do in-tơ-nét, tự do lập hội, giải phóng “tù nhân lương tâm”,… Những điều đưa ra đó đều mang nặng tính chủ quan, sai lệch, áp đặt, đi ngược lại thực tế và sự đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong những năm qua.

Việc đưa ra một hình mẫu hoàn hảo về nhân quyền (chưa có trên thực tế) để phán xét một quốc gia này hay quốc gia khác theo chủ quan cá nhân khó tránh khỏi tình trạng phiến diện, áp đặt, nhất là một khi điều đó lại bị chi phối bởi những nguồn thông tin sai lệch, thậm chí bởi những mưu toan chính trị thiếu trong sáng. Những năm gần đây, thế giới đã phải chứng kiến những biến động chính trị – xã hội liên tiếp xảy ra trên nhiều khu vực. Trong hầu hết các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, gần như bao giờ vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” cũng được sử dụng để dẫn đường. Hệ lụy từ việc lợi dụng vấn đề đó đã tạo ra sự bất ổn xã hội sâu sắc đối với nhiều quốc gia. Gần đây nhất, tình hình ở Thái Lan, U-crai-na, Vê-nê-du-ê-la,… là những minh chứng cho việc lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để lật đổ chế độ đương nhiệm. Trào lưu “bài trừ cộng sản” do các thế lực phản động quốc tế khởi xướng, việc lợi dụng danh nghĩa “dân chủ”, “nhân quyền” để thay đổi chế độ chính trị ở các quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo ngày càng được tiến hành ráo riết, đã góp phần làm gia tăng những định kiến về QCN ở Việt Nam. Mặc dù hiện nay, xu hướng hòa nhập, đoàn kết dân tộc, tăng cường hội nhập quốc tế, ổn định xã hội để phát triển đã trở thành ý chí, nguyện vọng chung của toàn dân tộc, song trên thực tế ở Việt Nam hiện nay, một số ít người vẫn còn mang nặng sự cách biệt, định kiến, thậm chí thù nghịch đối với chế độ hiện hành. Ngoại trừ những phần tử chống cộng cực đoan, cơ hội, bất mãn chính trị, kỳ thị tôn giáo, dân tộc,… sự cách biệt, định kiến (nếu có) của một số đồng bào sống xa Tổ quốc lại bắt nguồn từ việc không có điều kiện nắm bắt đầy đủ thực tế tình hình đất nước; thường xuyên chịu sự tác động từ sự tuyên truyền của hệ thống truyền thông phương Tây với vô số các quan điểm, luận điệu sai lệch, bịa đặt. Điều đáng nói gần đây nhất là, các tổ chức và cá nhân chống cộng cực đoan, các phần tử cơ hội chính trị cả trong và ngoài nước đang ra sức câu kết, lợi dụng các diễn đàn, tung ra nhiều chiêu trò nham hiểm để phản bác Đảng và Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền. Tuy vậy, không phải đến bây giờ những ai quan tâm tới tình hình đất nước mới thấy rõ bộ mặt thật của những nhà “dân chủ, nhân quyền” và thực chất những chiêu trò mà họ đưa ra. Trong nhiều năm qua, những kẻ như Nguyễn Đình Thắng, Cao Quang Ánh, Võ Văn Ái,… đã không ít lần tự xưng là “yêu nước”, “thương dân”, là “đại diện của nhân dân đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” của đất nước, nhưng chính họ lại là những kẻ cực đoan nhất trong số các phần tử chống cộng, luôn có những lời lẽ bôi nhọ, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam, ngăn trở công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Họ là những kẻ đi đầu trong việc vận động các thế lực và cá nhân có ảnh hưởng ngăn cản Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); phản đối Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ và tham gia Hiệp định Mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện nay. Trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Nguyễn Đình Thắng đã không úp mở: “Hiện nay chúng tôi đang vận động Hạ và Thượng viện (Mỹ) đặt điều kiện chỉ cho Việt Nam vào Hiệp định Mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương khi Việt Nam chứng tỏ cải thiện nhân quyền cụ thể, bằng không sẽ loại trừ ra khỏi TPP”. Những nhà “dân chủ, nhân quyền” như thế còn là tác giả của các “thỉnh nguyện thư’, “điều trần”, “hội thảo”,… về dân chủ, nhân quyền để mong tìm ra được các “rào cản”, “định chế” trừng phạt Nhà nước Việt Nam. Gần đây, những thế lực chống đối Việt Nam về dân chủ, nhân quyền đã đưa ra nhiều chiêu trò mới, như: kích động tổ chức đấu tranh đòi chủ quyền biển, đảo; lập ra cái gọi là “Diễn đàn Xã hội dân sự”; cổ súy những kẻ chống đối cực đoan thành những thần tượng đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền,… Thực chất của những chiêu trò đó, chỉ là sự kích động nhằm tạo ra sự đối lập giữa quần chúng nhân dân với chính quyền, gây mất ổn định chính trị, xã hội để dễ bề lợi dụng phục vụ cho những mưu toan xấu, v.v.

Việc chăm lo QCN ở Việt Nam đã có sự phát triển, tiến bộ tích cực, đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện trọng trách này vẫn đang đặt ra những thách thức nặng nề đối với ý chí và nguyện vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Việc Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (khóa XIII) nước ta thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (năm 2013) là một sự kiện trọng đại, đồng thời là một yếu tố nền tảng cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nói chung, cho sự nghiệp chăm lo đảm bảo QCN nói riêng trong thời gian tới. Mọi sự định kiến, áp đặt về vấn đề này phải bị lên án, bác bỏ.

THƯỜNG VŨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét