Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

LÒNG TIN CỦA DÂN LÀ THƯỚC ĐO ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ

Dư luận viên VOV

VOV.VN - Ông Võ Văn Thưởng: Người cán bộ làm sai mà đứng ra xin lỗi dân chỉ làm cho hình ảnh của người cán bộ đẹp hơn trong mắt dân

Sự thiếu trách nhiệm, vô cảm của một số cán bộ đã làm suy giảm niềm tin trong nhân dân. Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã nâng cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp uỷ, thường xuyên đối thoại, kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân. Từ đó, niềm tin của người dân tăng lên cũng chính là thước đo đánh giá cán bộ. Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi về vấn đề này. 

PV: Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã thực hiện Quy chế đối thoại trực tiếp với nhân dân. Qua đối thoại như thế thì những kiến nghị của người dân có được giải quyết thấu đáo hay chưa?

Ông Võ Văn Thưởng: Chúng tôi đã ban hành quy chế tiếp xúc, đối thoại giữa Bí thư cấp ủy đối với dân ở từng cấp khác nhau. Thông qua đối thoại giữa Bí thư cấp ủy với dân, rồi tổ chức đối thoại trên sóng phát thanh, truyền hình giữa các Giám đốc Sở với những vấn đề mà người dân quan tâm trong năm 2013 đạt những kết quả rất là đáng khích lệ.

Ông Võ Văn Thưởng chỉ đạo khắc phục hâụ quả một vụ cháy tại hiện trường

14/14 đồng chí Bí thư Huyện ủy, Thành ủy là đều tổ chức đối thoại với dân. Tôi cũng có 4 cuộc đối thoại với dân trong năm 2013. Rồi 107 Bí thư xã cũng đã tổ chức đối thoại với dân. Thông qua các cuộc đối thoại này giải quyết được rất nhiều vấn đề, đặc biệt là những vấn đề bức xúc lâu dài.

Từ các cuộc tiếp xúc đối thoại đó, khoảng 70% vấn đề của người dân quan tâm giải quyết từ gốc, làm cho người dân tin tưởng hơn vào cấp ủy, chính quyền, để làm thước đo đánh giá cán bộ.

PV: Trở lại với những bức xúc của người dân, mà đỉnh điểm là ngày 28/10/2013, có hàng trăm người ở huyện Tư Nghĩa tụ tập trên Quốc lộ 1A để phản đối chính quyền địa phương. Khi xảy ra vụ việc này thì ông, với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy đã xuống trực tiếp chỉ đạo xử lý. Vậy, người đứng đầu cấp ủy có phải đã làm thay công việc của chính quyền?

Ông Võ Văn Thưởng: Việc giải quyết bồi lấp cửa sông Phú Thọ là biểu hiện rất cụ thể của việc vin vào các quy định của nhà nước để biện minh cho việc chậm chạp của mình, làm cho bức xúc của người dân đến đỉnh điểm. Người dân tụ tập trên QL1 để đề nghị chính quyền giải quyết. Người dân đã không tin vào một số cán bộ, bởi vì chính quyền cũng đã có hứa, nhưng đợi mãi cũng chưa được giải quyết.

Và lúc bấy giờ tôi cùng các đồng chí lãnh đạo của tỉnh ra trao đổi với người dân. Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban, tôi đã hứa với người dân, rồi chỉ đạo chính quyền hướng xử lý và kiểm tra trong thực hiện nhiệm vụ đó.

Tôi đã làm đúng với chức trách, nhiệm vụ của người Bí thư ở trên địa bàn, đó là người chịu trách nhiệm cao nhất, giải quyết các vấn đề của dân trên địa bàn.

PV: Làm sai, dân kiện thì phải sửa; đồng thời phải xem xét, trách nhiệm cá nhân. Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã xử lý vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Võ Văn Thưởng: Những cán bộ làm sai đều được xem xét rất cụ thể. Trong năm 2013, xử lý trên 100 cán bộ, công chức có khuyết điểm trong thực thi công vụ. Chúng tôi cũng yêu cầu cán bộ phải xin lỗi dân. Chẳng hạn như là vụ Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh phải xin lỗi người dân trong vụ giải quyết cưỡng chế sai đối với gia đình ông Đỗ Hữu Trí. Điều đó người dân rất đồng tình. Người cán bộ làm sai mà đứng ra xin lỗi dân chỉ làm cho hình ảnh của người cán bộ, hình ảnh của chính quyền, của tổ chức Đảng đẹp hơn trong mắt người dân.

Thực hiện Nghị quyết TW 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, từ đổi mới công tác đánh giá cán bộ có một số cán bộ không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, Ban Thường vụ điều chuyển nhân sự ở những Sở quan trọng như là: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Y tế…

Hiện nay, vấn đề này cũng có những ý kiến khác nhau. Đa số bày tỏ sự đồng tình cho rằng, việc điều chuyển, thay thế cán bộ trong thời gian vừa qua, kể cả việc cho nghỉ để chờ hưu trong 1, 2 năm nữa; hay là từ giữ nhiệm vụ Bí thư xuống Phó Bí thư là việc làm có tính chất quyết liệt; gửi đi một thông điệp mạnh mẽ của Đảng rằng: Mỗi cán bộ đảng viên nếu như không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, thì có thể thay thế. 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận được góp ý cho rằng, làm như vậy dễ tạo nên một cái cú sốc, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, làm xáo trộn sinh hoạt của nhiều gia đình. Nhưng tư tưởng chung, quyết định đó của Ban Thường vụ đã mang lại chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ ở các cơ quan, đơn vị đó.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.

PV/VOV-Miền Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét