Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

TRUNG QUỐC ĐANG GIƯƠNG ĐÔNG KÍCH TẤY?

Hiếu Chân

(TBKTSG Online) - Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng trước là hành động đánh lạc hướng dư luận, nhằm che giấuBkế hoạch cấp tập xây dựng ở Gạc Ma và bãi Chữ Thập thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa các căn cứ quân sự nổi, thách thức trực tiếp chủ quyền và an ninh của Việt Nam, các nước trong khu vực và uy hiếp hải lộ huyết mạch của thế giới.

Trung Quốc đang cấp tập đổ đất lấn biển, biến các đảo đá mà Bắc Kinh chiếm của Việt Nam năm 1988 thành các căn cứ quân sự nổi ở Trường Sa. Ảnh BNG Philippines.

Ngày 10-6, trong một kháng thư gửi lên Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ), Bắc Kinh đã lu loa “cáo buộc” Việt Nam gây thiệt hại cho hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Hành động vu khống của Trung Quốc nhằm đánh lừa thế giới và che giấu sự thực về các hành động phi nhân, phi pháp của Bắc Kinh đang bị cả thế giới chỉ trích.

Chẳng lừa được ai

Được biết trước đó, hôm 6-6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc lên LHQ, và đây là công hàm chính thức lần thứ ba trong vòng một tháng, yêu cầu Bắc Kinh rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Theo hãng tin Kyodo (Nhật), chính Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa ngày 5-6 vừa qua, đã đề nghị triệu tập “một hội nghị bất thường, cấp ngoại trưởng, để tập trung thảo luận về tình hình Biển Đông”. Thời gian và địa điểm tổ chức hội nghị bất thường đang được thảo luận, nhưng sẽ diễn ra trước khi có Hội nghị cấp Ngoại trưởng ASEAN vào tháng 8 tới đây.

Khi được hỏi về thái độ của Manila, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, trên nguyên tắc Philippines ủng hộ mọi sáng kiến liên quan đến các hồ sơ an ninh và các quan ngại trong khu vực. Vẫn theo nguồn tin nói trên, “Philippines cho rằng, việc ASEAN tổ chức một hội nghị bất thường sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc, rằng khối này rất quan ngại về các đòi hỏi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc”.

Các nước trong khu vực và thế giới hẳn đã ngấm sâu bài học cảnh giác đối với những hành động hiếu chiến của Trung Quốc trong tham vọng bành trướng xuống Đông Nam Á, cụ thể là những hoạt động lấn chiếm vùng Scarborough của Philippines, hạ đặt giàn khoan HD-981 và nay đang ráo riết kết thúc việc xây dựng các căn cứ quân sự nổi trên các bãi đã ngầm ở Trường Sa của Việt Nam. Những sự việc này một lần nữa tái khẳng định thực tiễn ngoại giao truyền thống của Trung Hoa, nói một đằng làm một nẻo, tận dụng mọi sức mạnh và cơ hội chỉ để thực hiện nhất quán trước sau như một mục tiêu bành trướng.

"Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác!"

Câu nói bất hủ trong tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Julius Fucik (Tiệp Khắc) “Viết dưới giá treo cổ” nhắc nhở muôn đời sau về thảm họa của chủ nghĩa phát xít đối với nhân loại. Ôn cố tri tân, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Danny Russel vừa kết thúc ba ngày họp với quan chức cấp cao để chuẩn bị cho Diễn đàn An ninh châu Á (ARF) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 8 cũng như cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo vào tháng 11 tới đây, khẳng định “mục tiêu của Mỹ không phải là phát động chiến tranh mà để tránh chiến tranh”.

Ông Russel cho rằng, các liên minh quân sự và quân đội của Mỹ đã có mặt ở đây trong nhiều thập kỷ là nhằm đảm bảo hòa bình cho khu vực, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội. Trung Quốc, Việt Nam và các nước khác trong khu vực đều có lợi nhờ sự có mặt của quân đội Mỹ.

Trợ lý Ngoại trưởng Danny Russel cũng đánh giá cuộc đối thoại Mỹ-ASEAN vừa qua là “rất có hiệu quả và có chất lượng”. Trao đổi với báo giới từ Yangon (Myanmar), ông Russel tuyên bố Trung Quốc cần rút giàn khoan và toàn bộ tàu của mình ra khỏi Biển Đông; đồng thời khẳng định: “Trong thế kỷ 21, ở một khu vực năng động và quan trọng tại châu Á, không có lý do gì mà các mâu thuẫn không thể giải quyết một cách hòa bình. Việc nhấn mạnh các biện pháp ngoại giao, giải quyết hòa bình các tranh chấp là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Tuy không nêu đích danh nhưng Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng đề xuất liệu Trung Quốc có thể cam kết một điều đơn giản là họ sẽ không chiếm thêm các điểm trên Biển Đông mà hiện nay chưa hề có người ở hay không.

Trong khi đó, cùng lúc với các hành động quân sự trắng trợn và có hệ thống trên Biển Đông, Tổng Bí thư/Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn tuyên bố thẳng thừng Trung Quốc không nhân nhượng. Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì ra sức xuyên tạc sự thật và vu cáo các hoạt động bảo vệ chủ quyền của Việt Nam và các nước.

Có thể nói kể từ sau vụ đánh chiếm 7 đảo và bãi đá của Việt Nam ở Trường Sa năm 1988, sự uy hiếp của Trung Quốc hiện nay đối với Việt Nam trên Biển Đông đang leo thang ở tầm mức cao nhất, bất chấp thỏa thuận cấp cao Việt – Trung (giữa chủ tịch hai nước là ông Trương Tấn Sang và ông Tập Cận Bình) ngày 21-6-2013 ghi rõ: “Hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng…”

Việt Nam mong muốn hòa bình, hợp tác, hữu nghị với Trung Quốc. Song mong muốn này chỉ có thể trở thành hiện thực một khi Việt Nam gan góc và biết cách bảo vệ độc lập chủ quyền và phẩm giá của mình. Lịch sử cũng cho thấy chưa một Lê Chiêu Thống hay Trần Ích Tắc nào có thể làm suy giảm ý chí độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ta. Tình hình leo thang bành trướng của Trung Quốc hiện nay trên Biển Đông đặt ra cho nước ta ngày càng nhiều thách thức nguy hiểm, nhất thiết mọi bước đi trên mặt trận đối ngoại phải kiên định lập trường bảo vệ độc lập chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, phải có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của toàn dân, phải tranh thủ tối đa sự liên kết tự vệ chung giữa các nước hữu quan trong khu vực, cùng nhau ngăn chặn tham vọng “lưỡi bò” của Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét