Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

HẢI QUÂN, KHÔNG QUÂN NGA TRỞ LẠI CĂN CỨ CAM RANH


Thực chất vấn đề đang nói đến là gì: thành lập tại Cam Ranh căn cứ hải quân Nga hoặc trạm hậu cần kỹ thuật phục vụ tàu chiến Nga? Xin nhắc lại rằng căn cứ tương tự đã tồn tại trong vịnh Cam Ranh 23 năm và được chuyển giao cho Việt Nam vào năm 2002. Ông Igor Korotchenko, tổng biên tập tạp chí "Quốc phòng" của Nga cho biết:

“Ở đây hoàn toàn không nói về việc thành lập căn cứ hải quân Nga. Hiện đang tiến hành đàm phán để thành lập trạm sửa chữa bảo dưỡng các tàu Nga. Nga quan tâm đến thực tế là các tàu nổi và tàu ngầm của Nga có thể đến Cam Ranh trên cơ sở thường xuyên.”

Mục đích tàu chiến Nga cập bến Cam Ranh là bổ sung thực phẩm và nước ngọt, nếu cần thiết thì tiến hành các sửa chữa đơn giản. Dĩ nhiên là phải tổ chức nghỉ ngơi giải trí cho thủy thủ đoàn. Chuyên gia của chúng tôi khẳng định rằng, xét theo quan hệ đối tác chặt chẽ giữa hai nước, có tính đến việc Nga thực hiện nhiều đơn đặt hàng lớn về xây dựng tàu ngầm và tàu khu trục cho Việt Nam, chắc chắn sẽ dễ dàng tìm giải pháp thoả đáng cho phép Hải quân Nga trở lại Cam Ranh.

Và không chỉ hạm đội Nga mà thôi. Hiện giờ đang tiến hành đàm phán song phương Nga - Việt về việc cho phép máy bay tiếp dầu của Nga sử dụng sân bay Cam Ranh để đảm bảo hoạt động tầm xa của hàng không Nga.

Hôm 26/2, ông Sergei Shoigu nhấn mạnh rằng, việc đàm phán đang được tiến hành và việc ký kết các văn bản thỏa thuận gần như ‘nằm trong bàn tay’.

Cam Ranh từng là căn cứ hải quân của Liên Xô cũ.

Ông Shoigu cũng cho biết thêm, các cuộc thương lượng còn đề cập đến các điều kiện cho phép tàu quân sự của Nga qua lại cảng của các nước này, cũng như việc mở tại những nơi đó các trạm tiếp viện cho máy bay ném bom của Nga trên đường tuần tra.

“Chúng tôi đang bay nhiều, nhưng để bay nhiều cần có các căn cứ tiếp dầu, cần để các máy bay tiếp dầu Il-78 của chúng tôi chờ các máy bay đó hoặc ở xích đạo, hoặc ở những nơi khác”, ông Shoigu nói.

Hiện Nga chỉ còn giữ lại căn cứ hải quân duy nhất là Tartus tại Syria. Nhưng bất ổn tại Syria hiện nay khiến cho số phận căn cứ này trở nên bấp bênh.

Hồi tháng 5/2002, vì lý do tài chính, Nga đóng cửa căn cứ ở cảng Cam Ranh, Việt Nam – đây là căn cứ quân sự nước ngoài lớn nhất của hải quân Nga. Ngoài ra một căn cứ radar khác ở Cuba cũng ngừng hoạt động.

Từ giữa thập niên 2000, Nga bắt đầu có ý định vực dậy hải quân và không quân chiến lược, coi đây là lực lượng chủ chốt để mở rộng ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của Nga trên toàn cầu.

Các cuộc đàm phán tương tự đang được Nga tiến hành với Việt Nam, cũng như với Cuba, Venezuela, Singapore và một số nước khác. Ông Igor Korotchenko nói tiếp:

“Điều này gắn với thực tế là trong những năm tới sẽ diễn ra kế hoạch tái trang bị Hải quân Nga với quy mô lớn. Mặt khác, Nga đang gia tăng sự hiện diện quân sự của mình trong các khu vực quan trọng trên thế giới, kể cả ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Để đảm bảo hoạt động toàn diện và cơ động, Hải quân và Không quân Nga cần có những điểm tựa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét