Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

NỮ SINH THẺ CÀO

Nữ sinh thẻ cào

Dư luận viên: Đào Tuấn

LĐO - Phải gọi chính xác là một cú sốc xã hội đã diễn ra sau khi những chi tiết về vụ giết người ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc được công khai.

Vào đúng giờ học, một nữ sinh lớp 12 đã đi nhà nghỉ. Và sau khi ân ái, chỉ vì vị cán bộ huyện “không cho quà”, cô đã rút dao đâm đến chết.

Tấn bi kịch có từ rất nhiều chi tiết. Từ phủ phạm, một nữ áo trắng ngày ngày cắp sách tới trường và che mặt vào nhà nghỉ để kiếm từng cái thẻ cào điện thoại. Từ vị khách làng chơi - anh cán bộ huyện, người có 4 triệu đồng trong ví và đã trả 20 ngàn đồng cho một lần “hái rau sạch”.

Và tấn bi kịch ấy chỉ phát lộ sau khi tự ái vì tổn thương, cô nữ sinh áo trắng đã đâm người tình và ngô nghê “xóa dấu vết”. Và thản nhiên gọi một cú điện thoại, để tiếp tục… đi nhà nghỉ.

Chỉ ước đó là sự vô tâm. Hay thần kinh cũng được, với việc một nữ sinh sau khi giết người có thể tiếp tục “đi nhà nghỉ”. Thiếu mỗi việc cô bảo vẫn ngủ ngon là tấn bi kịch này sẽ đi đến tận cùng của sự bất nhẫn.

Có thể vụ giết người chỉ là cá biệt, nhưng lại phản ánh một tình trạng không hề cá biệt, những “nữ sinh - rau sạch”, những “khách làng chơi - cán bộ huyện” và “thú vui tao nhã chăn rau sạch” đang như một trào lưu, một thứ mode cười nhạo đạo đức xã hội cũng như những giá trị gia đình.

Sẽ rất sáo rỗng nếu nói ra đây nguyên nhân “gia đình - nhà trường - xã hội” mà thể nào các nhà đạo đức cũng sẽ lên tiếng. Nhưng rõ ràng, sự xuất hiện của cô nữ sinh thẻ cào là từ chính gia đình, nhà trường và xã hội.

Tuần trước, cũng xôn xao dư luận chuyện các trường đồng loạt ra quy định cấm quần jean, dép lê và váy ngắn. Cấm “bó sát, phản cảm, hở hang”. Đó cũng là cách người ta níu kéo lại văn hóa học đường, và xa hơn là các giá trị xã hội. Nhưng manh áo, tấm quần cũng chỉ là vật ngoại thân và những cô nữ sinh thẻ cào không xuất hiện từ quần jean và váy ngắn.

Cô ấy xuất hiện trong một gia đình mà người cha, ngay cả khi công an xuất hiện trước cổng nhà, vẫn cho rằng con mình đang ở trường.

Những gia đình, những nhà trường ấy ở trong một xã hội, mà chừng nào xã hội đó vẫn còn những thứ trào lưu quái dị, như kiểu “chăn rau sạch”, thì vẫn sẽ xuất hiện những “nữ sinh thẻ cào”, hay “nữ sinh – rau sạch”… Và điều này thì không mấy cá biệt.

1 nhận xét: