Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

HÀ CỚ GÌ MÀ TỨC GIẬN?

Hà cớ gì mà tức giận?


(LĐ) - Số 255 Lê Thanh phong

“Tôi muốn chỉ ra rằng tranh chấp nên được giải quyết thông qua đối thoại và tham vấn giữa các nước trực tiếp có liên quan” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã phát biểu như vậy sau chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Một nội dung quan trọng được xác lập trong chuyến thăm chính thức này là Việt Nam và Ấn Độ nhất trí ủng hộ tự do hàng hải và hàng không trên biển.

Không riêng gì với Ấn Độ, trong các cuộc gặp với một số lãnh đạo các nước Châu Âu vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi ủng hộ giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế. Lãnh đạo các nước đều bày tỏ quan điểm phải đảm bảo an toàn, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông. Việt Nam tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của Ấn Độ và Ấn Độ đồng thuận với quan điểm hòa bình của Việt Nam và cộng đồng quốc tế là quyền của Ấn Độ. Vậy thì hà cớ gì mà Trung Quốc tức giận?

Trung Quốc cũng phản ứng về nội dung hợp tác thăm dò dầu khí giữa Việt Nam và Ấn Độ và cho biết sẽ “phản đối mạnh mẽ” nếu các hoạt động khai thác gây ảnh hưởng đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc.

Việt Nam không bao giờ xâm phạm chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời Việt Nam cũng không để bất cứ ai xâm phạm chủ quyền và lợi ích của mình. Vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thì Việt Nam có quyền mời gọi hợp tác khai thác dầu khí. Một quốc gia độc lập, có chủ quyền, muốn mời ai đến làm ăn, muốn làm bạn với ai là quyền của quốc gia đó.

Xin nhắc lại, trong chuyến thăm Ấn Độ, trả lời câu hỏi của báo chí quốc tế về việc đảm bảo lợi ích của các công ty dầu khí nước ngoài hoạt động trên Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việt Nam hoan nghênh và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh tế bình thường giữa các công ty dầu khí Việt Nam với các đối tác nước ngoài, kể cả các công ty Ấn Độ, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982”.

Cần lưu ý câu nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đó là “phù hợp với pháp luật Việt Nam”, không phải pháp luật của bất cứ nước nào.

Trung Quốc không thể áp đặt quan điểm ngoại giao hay “pháp luật” của Trung Quốc lên các quốc gia khác. Trung Quốc cũng không thể “đe dọa” các hoạt động khai thác dầu khí của các nước trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Cho dù Trung Quốc có tức giận thì cũng không ngăn được xu thế hợp tác, hòa bình và tìm kiếm lợi ích chung cho tất cả các nước mà cộng đồng quốc tế đang nỗ lực xây dựng. lê thanh phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét