Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

TRẺ EM ĐÓI VÀ NHỮNG CÔNG TRÌNH LÃNG PHÍ NGÀN TỈ

Trẻ em đói và những công trình lãng phí trăm tỉ, nghìn tỉ

TNO - Có lẽ chưa hoặc không ai, không tổ chức nào trên đất nước này nghĩ đến chuyện làm thống kê hiện tại có bao nhiêu trẻ em bụng đói, nhịn ăn đến trường học…

Có lẽ, lúc này nấm mồ nhỏ của bé Nhung ở Đức Bồng (Hà Tĩnh) cỏ đã bắt đầu xanh. Cô bé mới 10 tuổi, chỉ vì đói quá mà lả đi để rồi ngã xuống mương chết. Cái chết thật đau lòng của một mầm non đất nước tuy đã qua gần một tháng nay nhưng vẫn chưa làm dư luận xã hội thực sự nguôi ngoai.

Có quy trách nhiệm cho gia đình, cho chính quyền, cho các chính sách xã hội… hay cho bất kỳ “đối tượng” nào đi chăng nữa thì một sự thật hiển nhiên rằng bé Nhung đã chết vì đói, bé phải nhịn đói đến trường học.

Có lẽ chưa hoặc không ai, không tổ chức nào trên đất nước này nghĩ đến chuyện làm thống kê hiện tại có bao nhiêu trẻ em đã và đang bụng đói, nhịn ăn đến trường học.

Đói đến chết chỉ là một trong những biểu hiện của cái nghèo, nhưng nó ở mức độ cao nhất và khủng khiếp nhất vì “rơi” vào một đứa trẻ đang tuổi có quyền được ăn, được chơi, được cắp sách đến trường.

Và hình như trường hợp bé Nhung đâu phải là ngoại lệ, những đứa trẻ đói, nghèo vẫn hiện diện khắp mọi nơi trên đất nước này, báo chí đã phản ánh dày đặc trên khắp các phương tiện truyền thông. Ở nơi phố hội, chúng ta dễ dàng nhìn thấy những đứa trẻ thất học, bỏ học lê la đầu đường xó chợ, mưu sinh bằng nghề đánh giày, bán vé số dạo, đẩy hàng, mót rau cải ngoài chợ… Ở nông thôn, miền núi, vùng cao vẫn còn nhiều trẻ nhỏ phải cùng cha mẹ bươn chải ngoài đồng ruộng, dãi dầu trên những bãi đãi vàng, hay lượm cá vụn trên bến cảng.

Theo báo cáo về thực trạng lao động trẻ em từ kết quả điều tra quốc gia năm 2012, Việt Nam có 1,75 triệu trẻ em (từ 5-17 tuổi) thuộc nhóm lao động trẻ em, chiếm 9,6% trẻ em trong cả nước.

Và không thiếu những trường nội trú vùng cao mà ở đó là những học sinh xanh xao vì ăn đói, mặc rách, chân đất mùa đông, băng sông lội suối đến trường, những bữa cơm thiếu thịt, thiếu cá.

Ngày xưa, đất nước chiến tranh loạn lạc, các cụ kể lại tuổi thơ mưu sinh của mình, chuyện “bữa đói, bữa no” là thường tình, và việc không có gì để ăn, nhịn ăn đến trường là điều không lạ.

Nhưng chiến tranh đã xa, đã lùi về quá khứ mấy chục năm rồi…

Đất nước đang hội nhập, nhà nước khuyến khích mọi người dân làm giàu, nền kinh tế cạnh tranh khiến sự phân hóa giàu nghèo là một điều không tránh khỏi. Nhưng thực tế vẫn có lắm chuyện cảm thấy chạnh lòng. Giá như những đồng tiền thất thoát, lãng phí… trong các đại án tham nhũng, trong đầu tư công, trong những siêu dự án không khả thi… được bù đắp vào các chính sách xã hội, phúc lợi xã hội cho các em bớt nghèo, bớt khổ, cho các em được vui chơi, được tung tăng đến trường thì hay biết mấy.

Cảm thương cho những cái đói, cái nghèo của lứa mầm non, chủ nhân tương lai của đất nước lại không khỏi ngậm ngùi, uất ức khi đọc báo thấy nói nơi này khu làng văn hóa xây tiền tỉ bị bỏ hoang phế, nơi kia xây cất công trình văn hóa hoành tráng mấy trăm tỉ đồng chẳng biết rồi để làm gì; hay như xây nhà biểu diễn đa năng 90 tỉ đồng chỉ vài năm xuống cấp, không sử dụng được, đem bán còn 50 chục tỉ đồng… Rồi rải rác khắp nơi là những trung tâm thương mại, nhà văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện, xã xây rồi bỏ đó. Thật xót cho những đứa trẻ đói ăn trong khi người ta vẫn thản nhiên cầm tiền của dân của nước “ném qua cửa sổ”.

Nhớ lại những ngày hè oi bức mới đây, một anh bạn công chức vừa chuyển chỗ làm vào ngôi nhà hành chính cao nhất miền Trung, anh đưa hình lên facebook khoe nơi làm mới, một không gian thật đẹp và hoành tráng. Nhắn tin hỏi thăm chúc mừng, bạn hồ hởi hồi đáp:

- Sướng lắm! Ở trong đấy chỉ có một mùa…

Mình ngớ người vì câu trả lời, nhưng rồi cũng hiểu ra, ý anh ấy làm việc trong môi trường được bật “điều hòa” liên tục, liên tục... Vậy thì sướng là đúng rồi.

Hiện nay, các tỉnh thành trong cả nước đã và đang rục rịch “mốt” xây tòa nhà hành chính với mô típ đương nhiên là phải cao, to, hoành tráng và chi phí đầu tư lên đến con số nghìn tỉ mà bất cứ người dân nào nghe đến, nhìn thấy cũng phải “no”. Từ những địa phương “giàu”, khấm khá như Bình Dương, Đà Nẵng… đến những địa phương “nghèo” như Lai Châu… cũng đã tạo dựng cho mình tòa hành chính công khang trang hoành tráng.

Có thể, việc xây dựng đó được huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau, nhưng cơ bản vẫn là lấy từ tài sản công, từ việc đổi đất công lấy cơ sở hạ tầng, trong khi đó gánh năng nợ xấu, nợ công và bội chi ngân sách đang đè nặng lên thực trạng nền kinh tế cả nước hiện nay.

Chủ trương nhà nước luôn lấy dân làm gốc, luôn có nhiều chính sách chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ em nghèo. Nhưng tiếc thay, không ít quan chức trong bộ máy công quyền không có chữ “dân” trong đầu. Vì thế mới có chuyện gạo, tiền của chính phủ hỗ trợ học sinh các trường nội trú vùng cao đã về đến địa phương cả năm trời nhưng thầy trò vẫn đói vì chưa nhận được; hay chuyện dân nghèo vùng lũ lụt phải chịu đói trong khi gạo nhà nước trợ cấp vẫn “ngoan cố” nằm trong kho.

Đã đến lúc mọi sự phải khác đi!

MP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét