Bỏ cấm vận vũ khí của Mỹ trong góc nhìn của lính.
Bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam là hành động mang tính quân sự của Mỹ, nhưng ý nghĩa quân sự lại nhỏ hơn rất nhiều so với ý nghĩa chính trị.
Mấy ngày qua, việc Mỹ chính thức tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam đã khiến dư luận trong và ngoài nước rất quan tâm. Có thể nói, cách đây 20 năm, Mỹ tuyên bố bỏ cấm vận (trừ vũ khí sát thương), bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ chưa khiến dư luận quan tâm đến thế, bởi lẽ, trong tình thế hiện nay thì việc bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam của Mỹ nó có ý nghĩa đặc biệt.
Khẳng định vị thế Việt Nam.
Việt Nam hoan nghênh quyết định của chính phủ Mỹ, “dư luận khu vực vui mừng, trừ Trung Quốc” như giáo sư Carl Thayer bình luận. Tuy nhiên, có 3 điều mà chúng ta cần lưu ý.
Điều thứ nhất, đừng cho rằng: Khi Mỹ bỏ cấm vận vũ khí thì Việt Nam sẽ “khuân” hết các loại vũ khí hiện đại của nước Mỹ về nhà để bảo vệ Tổ quốc. Bởi vì, một là Mỹ không bao giờ cho không; hai là, ngay như Nga là đối tác truyền thống, tin cậy, nhưng không phải muốn mua cái gì là Nga bán cho cái đó, thì với Mỹ…đừng có mơ xa; ba là, vũ khí trang bị cho quân đội Việt Nam còn phụ thuộc vào tư tưởng quân sự và nghệ thuật quân sự của Việt Nam, cho nên, tốt với Mỹ, nhưng với Việt Nam thì không.
Điều thứ hai, đừng cho rằng khi có vũ khí hiện đại của Mỹ là Tổ quốc vững như bàn thạch, không ai dám động đến. Hãy xem Iraq hiện nay đấy, họ có vũ khí Mỹ hiện đại trang bị đến tận răng, quân số đông gấp 10 lần, thế nhưng IS vẫn chiến thắng; hoặc như Afganistan, không những vũ khí Mỹ mà còn có Mỹ-NATO trực tiếp chiến đấu nhưng có thắng nổi Taliban đâu…Rồi ngay như miền Nam Việt Nam trước năm 1975, Vũ khí của Mỹ trang bị cho chế độ Sài Gòn, hiện đại, hùng hậu hơn nhiều lần bộ đội ta nhưng vẫn thất bại. Tất cả điều đó chứng tỏ vũ khí là quan trọng, nhưng con người mới quyết định thành bại của cuộc chiến.
Điều thứ ba là, Việt Nam đã từng đối đầu với vũ khí Mỹ trên chiến trường, Việt Nam đã tồn tại trong các cuộc chiến tranh khốc liệt và có được như ngày nay mà chưa từng sử dụng vũ khí của Mỹ. Điều đó có nghĩa là Việt Nam mới được biết đến vũ khí của Nga, Trung Quốc và các nước bạn bè khác chứ chưa được sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, có được vũ khí của Mỹ, một cường quốc quân sự số1 thế giới là điều tốt, nhưng không có vũ khí Mỹ thì Việt Nam vẫn đã, đang và sẽ đưa thẳng không quân, Hải quân…lên hiện đại, hiện đại hơn, đến nay, Việt Nam đã có một khung lực lượng tác chiến tầm xa đảm bảo đủ sức đương đầu với kẻ thù tiềm tàng trong tình hình mới mà đâu phải ngồi chờ Mỹ bỏ cấm vận vũ khí.
Cách đây hơn 1 năm báo Đất Việt đã đăng bài “Những rung chấn quanh việc Việt Nam với P-3C ORION của Mỹ” và cách đây hơn 2 tháng báo Đất Việt cũng có bài: “Việt Nam sẽ mua gì đầu tiên khi Mỹ bỏ cấm vận vũ khí”, ở đó, bằng giác quan của người lính, tôi đã phân tích sự lợi hại của máy bay P-3C của Mỹ trên lính vực chống ngầm của Việt Nam. Nhưng, đương nhiên, thực tế là “sân chơi” này của Việt Nam luôn “mở cửa” chứ không đóng cửa, ngồi nhìn, trông chờ vào vũ khí P-3C của Mỹ đâu nhé.
Như vậy, từ 3 điều thực tế trên đã không cho phép và các nhà quân sự Việt Nam vốn không bao giờ thần thánh hóa vũ khí nói chung và vũ khí của Mỹ nói riêng. Do đó, về quân sự, việc bỏ cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ với Việt Nam, ý nghĩa không lớn, nhưng, ý nghĩa về chính trị lại rất lớn mà chúng ta nhận thấy sau đây.
Đã 20 năm nay quan hệ Việt-Mỹ có điều bất bình thường, là sự cấm vận vũ khí của Mỹ với ViệtNam. Đây, thực chất là sự thù địch giữa 2 nước chưa được gỡ bỏ, giống như một một dãy đá ngầm nguy hiểm, cản trở dòng chảy quan hệ Việt-Mỹ.
Ở khu vực châu Á-TBD và ven Biển Đông, mọi quốc gia có tiền đều có thể mua vũ khí Mỹ, trừ Việt Nam và Trung Quốc bị Mỹ cấm vận vũ khí.
Nếu Mỹ sẵn sàng bán vũ khí cho Việt Nam thì có nghĩa Việt Nam được Mỹ coi như không làm hại đến lợi ích an ninh Mỹ. Và do vậy, ở một góc độ nào đó, những ai được Mỹ bán vũ khí thì là có cùng mục đích an ninh chung, có sự tin cậy lẫn nhau. Vì thế, dễ hiểu tại sao Trung Quốc không bán vũ khí cho Việt Nam, Philipines, Nhật Bản…hay nói chung là các nước có tranh chấp với Trung Quốc trên biển và quả thật những quốc gia đó, Trung Quốc có cho không, họ cũng không lấy.
Không ai đi bán, cung cấp vũ khí cho kẻ thù, Mỹ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam chứng tỏ, Mỹ không coi Việt Nam là thù địch, ít nhất là về mặt ngoại giao (Đương nhiên, Việt Nam luôn muốn là bạn với Mỹ, đó là đường lối đối ngoại của Việt Nam). Đây là ý nghĩa chính trị rất lớn mà 2 nhà nước Việt-Mỹ, phấn đấu, vượt qua bao chướng ngại, mới đạt được sau sự “bất bình thường” kéo dài 20 năm qua.
Ý nghĩa chính trị lớn tiếp theo không kém phần quan trọng nữa là khẳng định vị thế Việt Nam.
Ukraine có vị trí địa chính trị, quân sự trong góc nhìn của Mỹ như thế nào, thì thời gian qua Mỹ trực tiếp cấm vận chống Nga, còn EU thì cắn răng chịu đau cùng Mỹ vào cuộc…chúng ta đã rõ. Thế nhưng, Tổng thống Ukraine đã sang Mỹ, kêu gào Mỹ viện trợ, cung cấp vũ khí, nhưng Mỹ “nói không” với Ukraine. Rõ ràng là trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, Ukraine chưa có vai trò gì lớn, nếu như không muốn nói là một con tốt thí chống Nga.
Việc bỏ cấm vận cũ khí với Việt Nam, chứng tỏ Việt Nam đang trở thành đối tác chiến lược của Mỹ dù chưa thành văn, bởi vì, khi làm điều gì đó thỏa mãn lợi ích chiến lược cho cả đôi bên thì là gì nếu không phải là đối tác chiến lược?
Như vậy, có thể sau này Việt Nam không mua, chưa mua, loại vũ khí nào của Mỹ thì ý nghĩa chính trị của vấn đề cũng không vì thế mà mất đi. Bỏ cấm vận vũ khí của Mỹ với Việt Nam là một nhu cầu tất yếu của thực tế khách quan. Không những nhân dân Việt Nam vốn có tính hòa hiếu, hoan nghênh, vui mừng mà các quốc gia khu vực cũng vững dạ khi Việt Nam ngày càng có một năng lực phòng thủ hùng mạnh. Điều đó chứng tỏ Việt Nam có một vị thế, vai trò lớn trong việc bảo đảm ổn định, hòa bình trong khu vực trước các thế lực gây bất ổn.
Việt Nam luôn muốn là bạn với bất kỳ quốc gia nào tôn trọng toàn vẹn chủ quyền, lãnh hải Việt Nam và cũng không và chưa sợ bất kỳ quốc gia nào khi xâm phạm điều đó.
Vũ khí Mỹ trong góc nhìn của lính.
Một điều rất thú vị là vũ khí của Mỹ đã từng là đối đầu với quân đội Việt Nam, cho nên, đánh giá sự lợi hại của vũ khí quân đội Mỹ không ai chính xác bằng quân đội Việt Nam. Chỉ có Việt Nam mới đánh giá chính xác độ ưu việt của vũ khí Nga và Mỹ khi đã từng đối đầu khốc liệt với nhau trong chiến tranh. Do vậy, khi các vị tướng lĩnh cao cấp của quân đội Việt Nam được sinh ra trong cuộc đối đầu với vũ khí Mỹ thì, yên tâm đi, kinh nghiệm của cha anh để lại cùng với học phí bằng xương máu, họ mua thứ nào là “chắc như cua gạch” thứ đó.
Quả thật, không ai có thể phủ nhận là vũ khí của Mỹ có những thứ rất cần thiết và phù hợp với quân đội Việt Nam. Chẳng hạn như máy bay săn ngầm P-3C Orion. Dù không có vũ khí trên đó thì nó vẫn rất "thú vị" với Việt Nam. Đây là loại máy bay chống ngầm trên đại dương, tầm xa chiến lược của Mỹ và do đó chỉ có tầm cỡ như Mỹ, Nhật Bản mới có đủ năng lực bảo đảm an toàn cho nó hoạt động. Nhưng với Việt Nam thì P-3C Orion chỉ cần hành trình trinh sát trong không hải phận và thậm chí trong không phận Việt Nam là đủ, Biển Đông trước mặt Việt Nam mà. Và, với cung đường, khu vực quan sát, phát hiện mục tiêu như vậy, P-3C Orion hoàn toàn hoạt động trong sự che chở của hệ thống lưới lửa phòng không và lực lượng tiêm kích của không quân Việt Nam, cho nên, P-3C Orion thừa sức hoàn thành nhiệm vụ.
Hiện tại Mỹ chỉ mới bỏ cấm vận vũ khí phục vụ cho "an ninh hàng hải", nếu như dỡ bỏ toàn bộ thì có một loại máy bay của Mỹ nữa mà một người lính như tôi cũng thích có nó chỉ vì một thời, bộ đội Trường Sơn đã rất "tôn trọng" đối thủ này và một loại pháo nữa rất cần cho Trường Sa là pháo M-109A5, thế là đủ.
Quân đội Việt Nam rất biết những thứ gì cần cho mình và lặng lẽ chuẩn bị từ nhiều nguồn khác nhau. Sử dụng vũ khí sáng tạo, một nghệ thuật chiến tranh nhân dân bảo vệ tổ quốc bất khả chiến bại luôn là một thách thức lớn cho bất kỳ kẻ thù nào.
Nguồn: Lê Ngọc Thống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét