Xã Quảng Đông, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa: Có hơn 80 thương binh giả, đã làm rõ 40 trường hợp, cuộc chiến còn tiếp tục
Trong đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng, công dân xã Quảng Đông, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, xã Quảng Đông chỉ có 31 thương binh. Thế nhưng trong những năm qua, nhiều người cố tình làm sai lệch hồ sơ, dựng người làm chứng, được cán bộ các ban ngành của xã “chứng thực” cho đi “khám thương tật”, bỗng dưng xã có gần 100 người khác trở thành “thương binh” để hưởng chế độ đãi ngộ như thương binh…
Việc “chạy thương binh” tại xã Quảng Đông khởi xướng từ đầu năm 2000, diễn ra trong anh em họ hàng và bạn bè thân thiết với một số cán bộ xã, sau đó như vết dầu loang lan nhanh toàn xã. Nhiều người từ bé sống ở nhà cũng như đi bộ đội cùng nhiều người trong xã không bị thương mà lợi dụng “vết tật”, khai thành “vết thương”, dựng người làm chứng, được các ban, ngành của xã cho đi “giám định thương tật”. Ông Nguyễn Duy Hùng có “vết tật” cụt đốt 1 ngón 4 tay trái là do bị dây cu-roa máy xay đá ở Vức nghiến, giống với “Giấy chứng thương” mang tên Nguyễn Đức Hùng, cho nên Nguyễn Duy Hùng mua và mang luôn tên Nguyễn Đức Hùng với thương tật 36%. Còn “Bản khai cá nhân” Nguyễn Duy Hùng đành để lại. Bản khai này không ghi ngày tháng và người khai không kí tên, thế nhưng Chủ tịch UBND xã Hà Ngọc Hoà cũng “quên luôn” việc ghi ngày tháng, mà vẫn kí và đóng dấu. Nhiều gia đình có 2 “thương binh” trở lên, như gia đình ông Hà Ngọc Hòa, Bí thư Đảng ủy xã; gia đình ông Nguyễn Văn Nha 2 vợ chồng; gia đình ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Bí thư Đảng uỷ xã 2 anh em; gia đình ông Lê Văn Đảm, cán bộ xã 3 anh em là “thương binh”… Có người tỉ lệ thương tật rất cao như ông Lê Quang Thời 51%, ông Nguyễn Trọng Lới 46%…
Có nhiều người sinh ra ở xã Quảng Đông, đã chuyển hộ khẩu đi nơi khác cũng về xã Quảng Đông “chạy thương binh” (hiện vẫn lĩnh trợ cấp thương tật hằng tháng ở xã), như ông Chu Văn Lai ở Nghệ An 36%, ông Chu Đình Hợi ở Sông Bé 38%, ông Nguyễn Đình Mạnh ở Đà Nẵng 30%. Riêng bà Nguyễn Thị Lồng ở Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, là bạn học cũ của ông Hà Ngọc Hòa, năm 2002 ông Hoà gọi về làm được “thương binh” thương tật 37%. Rõ ràng, nếu không có “đường dây” thì làm sao gần 100 người ở xã Quảng Đông trở thành “thương binh” và có tỉ lệ thương tật cao dễ dàng như vậy? Câu trả lời còn đang bỏ ngỏ chờ các cơ quan chức năng?
Tại tiết c, điểm 2, Mục II Phần B Thông tư Liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA đã quy định: “Trường hợp không có giấy chứng nhận bị thương mà còn giữ được một trong các chứng từ có ghi bị thương: … lí lịch cũ… kết hợp với các vết thương thực thể để thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét cấp giấy chứng nhận bị thương”. Thế nhưng, Hồ sơ của các ông Nguyễn Văn Thuấn, Nguyễn Văn Thục và các bà Nguyễn Thị Quyền, Lê Thị Lăng tại Công văn số 532/UBND-TD (số 532) ngày 2/2/2010 đều không có “Lí lịch cũ” mà chỉ có “Lí lịch tự thuật” mới lập năm 2002. Như vậy, các hồ sơ này sai với quy định, thế mà UBND tỉnh Thanh Hóa nói là “đủ điều kiện để hưởng chính sách như thương binh”?.
Danh sách chi trả trợ cấp ưu đãi hằng tháng xã Quảng Đông, huyện Quảng Xương, tháng 12/2007 cho 124 thương binh, trong đó hơn 80 thương binh giả.
Sở bảo không, xã bảo có
Ngày 1/12/2008, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hoá có Kết luận thanh tra số 2720/SLĐTBXH-KLTTr (số 2720) xác định: “Hồ sơ và danh sách chi trả trợ cấp của xã Quảng Đông không có tên ông Lê Công Hoan và bà Lê Thị Thuận (như tố cáo của công dân – NV). Bà Tạ Thị Xuân có hồ sơ người hưởng chính sách như thương binh. Kết luận thanh tra xác định bà Xuân “không có thời gian đi Thanh niên xung phong (TNXP)… Bà Tạ Thị Xuân được hưởng chính sách như thương binh là không đúng quy định của Nhà nước… truy thu số tiền mà bà Tạ Thị Xuân đã hưởng hằng tháng”. Thế mà chỉ hơn một tháng sau, ngày 8/1/2009 Ban Chính sách xã Quảng Đông “xác nhận bà Lê Thị Thuận và ông Lê Công Hoan là thương binh đang hưởng trợ cấp hằng tháng tại xã Quảng Đông”?
Ngày 8/5/2009, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hoá ban hành Kết luận thanh tra số 762/KL-TTr (số 762) “giải quyết đơn tố cáo của công dân xã Quảng Đông” kết luận là: Hồ sơ thương tật quản lí tại Sở LĐ-TB&XH có bà Lê Thị Thuận và ông Lê Công Hoan? Trường hợp bà Lê Thị Thuận thì hai người làm chứng “không công nhận việc làm chứng, không công nhận họ là đồng đội của bà Lê Thị Thuận. Hồ sơ hai người làm chứng là giả mạo”. Ông Lê Công Hoan “thừa nhận mình vi phạm trong việc khai báo thiết lập hồ sơ TNXP để hưởng chính sách như thương binh”. Hai người làm chứng cho ông Lê Công Hoan “không phải là đồng đội nhưng vẫn làm chứng xác nhận ông Lê Công Hoan bị thương năm 1967 là sai”. Khẳng định “nội dung đơn tố cáo là đúng”, từ đó kiến nghị thu hồi giấy chứng nhận hưởng chế độ thương binh và truy thu số tiền đã hưởng sai của ông Lê Công Hoan và bà Lê Thị Thuận.
Thương binh giả tố cáo người đứng đơn tố cáo
Khoảng cuối tháng 7/2008 những thương binh giả xã Quảng Đông làm “Đơn tố cáo một số người địa phương dựng chuyện để vu khống nói xấu đường lối của ban lãnh đạo xã Quảng Đông”. Gần 100 thương binh giả này cho rằng: “Ban lãnh đạo xã Quảng Đông chỉ lo cho dân. Các ông ấy còn tư vấn cho mọi công dân ở địa phương khai báo đầy đủ chính xác”. “Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị xã Quảng Đông, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá” (11 cơ quan) cùng kí và đóng 11 con dấu vào Công văn gửi cho các cơ quan Đảng và Nhà nước từ trung ương đến địa phương nhằm bảo vệ cho số thương binh giả này. Công văn khẳng định rằng “không có người không đi bộ đội, không đi TNXP” và kiến nghị “Phải làm rõ đúng sai… Đồng thời có cơ sở xử lí những người làm trái pháp luật, tố cáo không đúng”. Mười một vị này suy nghĩ gì khi nhận được Kết luận số 2720 và số 762 của Sở LĐ-TB&XH và Công văn số 532 của UBND tỉnh Thanh Hoá thông báo đã cắt chế độ thương tật của 5 người không đi TNXP, không bị thương? Ngày 28/9/2010 vừa qua UBND xã Quảng Đông đã ra các Quyết định số 31/QĐ-UBND đến số 37/QĐ-UBND kỉ luật các cá nhân và tập thể Hội đồng chính sách xã Quảng Đông “đã vi phạm trong việc xác nhận xét duyệt sai hồ sơ làm chế độ thương binh là đối tượng TNXP”. Thế còn những thương binh giả là quân nhân thì sao?
Cựu Bí thư, Chủ tịch xã cũng là thương binh giả
Ngày 2/2/2010, UBND tỉnh Thanh Hoá có Công văn số 532 thông báo kết luận của Thanh tra tỉnh. Qua xác minh thực tế bà Trần Thị Trường (người đứng tên trong giấy xác nhận ông Tỉnh bị thương) cho biết: Bà ở C9, Công trường 101, Sao Vàng, không cùng đơn vị với ông Lê Xuân Tỉnh (C754, N75 – NV). Bà không làm hồ sơ xác nhận trường hợp bị thương cho ông Tỉnh. Như vậy, ông Lê Xuân Tỉnh là thương binh giả. Xác minh bà Nguyễn Thị Điểm và ông Nguyễn Văn Khứ, bà Điểm ở C9, Công trường 101, Sao Vàng, không cùng đơn vị với ông Nguyễn Ngọc Dư (C10, N25, Ban Xây dựng 67), ông Khứ ở với ông Dư từ năm 1965 đến ngày 28/8/1968, ông Dư đi học y tá và chuyển sang quân đội, cả bà Điểm và ông Dư đều không biết, không viết, không kí xác nhận bị thương cho ông Dư. Vậy, ai viết và kí xác nhận bị thương cho ông Dư? Chỉ có ông Dư mới có câu trả lời chính xác. Ông Dư khai đã bị thương ngày 18/2/1971, nhưng thời gian này theo lí lịch đảng viên ông Dư là Thượng sĩ, Quân y sĩ Binh trạm 15, Đoàn 559, không phải là TNXP. Thế mà ngày 31/12/2002, Bộ Giao thông Vận tải vẫn cấp giấy chứng nhận bị thương cho ông Dư là TNXP? Như vậy, ông Nguyễn Ngọc Dư cũng là thương binh giả. Được biết, ông Nguyễn Ngọc Dư đã từng giữ chức Bí thư rồi Chủ tịch và Trưởng trạm Y tế xã Quảng Đông nhiều năm. (Còn nữa)
Hữu Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét