Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

TỜ RƠI CẢNH BÁO TỘI PHẠM - SAO LẠI XUYÊN TẠC?

Khoai@


Chủ đề về "tờ rơi cảnh báo tội phạm" của công an TP HCM được dư luận chú ý. Theo mình, sự việc chả có gì ồn ào. Việc phát tờ rơi cảnh báo tội phạm cho đến nay không chỉ có công an TP HCM tiên hành, mà nó còn được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác triển khai từ lâu.

Việc làm này hoàn toàn không thể hiện sự yếu kém của CATP HCM, hay bôi nhọ đất nước như báo GDVN rêu rao với dụng ý đen tối. Ngược lại nó thể hiện sự quan tâm của đơn vị CATP HCM tới việc đảm bảo an toàn cho du khách trong bối cảnh tội phạm rất phức tạp, và rộng hơn là thể hiện phương châm "phòng hơn chống" của CA TP HCM. Mặt khác, điều này thể hiện tính minh bạch trong việc quản lý nền an ninh trật tự ở cơ sở.

Trao đổi với các PV bên hành lang Quốc hội chiều 27.10, ông Đỗ Văn Đương – Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH đoàn TP.HCM cho rằng việc phát tờ rơi cảnh báo tình trạng tội phạm của Công an TP.HCM là điều hết sức bình thường. “Nước nào chẳng có tội phạm, việc tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác là đúng. Trước tình trạng tội phạm hoành hành như vậy thì việc đưa ra lời khuyến cáo là tất yếu. Chỉ khi khách du lịch nước ngoài bị mất ví thì người ta mới thấy đó là hình ảnh xấu của TP, chứ còn được khuyến cáo để họ cảnh giác hơn thì họ thấy tốt chứ sao?”.

ĐB Đỗ Văn Đương cũng phân tích thêm: Việc đấu tranh phòng chống tội phạm phải dựa vào dân, mà muốn dựa vào dân thì phải tuyên truyền cho họ biết thủ đoạn để nâng cao cảnh giác. Tư tưởng phòng ngừa là quan trọng nhất.

Tuy nhiên, những kẻ chống phá chế độ lại vin vào đó để xuyên tạc. Ông TS Nguyễn Xuân Diện, giật tít trên trang Tễu của mình: "Công an TP HCM tự vả vào mặt chính mình, ngành mình". Theo tôi, hành vi này chỉ có thể là của kẻ cơ hội chính trị. Tính phản văn hóa và vô giáo dục của cách giật tít cho bài viết, phản ánh tâm địa đen tối và sự xuẩn ngốc của anh ta. (Xem hình trên).

Ông TS Nguyễn Xuan Diện có thể thấy, Cảnh sát ở nhiều nước như Pháp, Na Uy và cả Mỹ thường đưa ra cảnh báo an toàn cho các các du khách, bao gồm cả phát tờ rơi, để họ có thể bảo vệ bản thân mình tốt hơn, bên cạnh nhiều biện pháp khác.

Theo tờ Connexion của Pháp, từ sau khi xuất hiện hàng loạt vụ du khách bị móc túi, cướp tài sản và bị tấn công, lực lượng cảnh sát Pháp đã tăng cường tuần tra tại các điểm du lịch để bảo vệ an toàn cho du khách. Họ cũng phát các tờ rơi cảnh báo người dân và du khách không nên để lộ các tài sản có giá trị, đề phòng trò lừa bịp của kẻ xấu ở nơi công cộng.

Ngoài tiếng Anh, tiếng Pháp, các thông điệp được viết bằng cả tiếng Nhật và tiếng Trung Quốc và được phát liên tục trên các tuyến xe buýt đi từ sân bay Roissy đến trung tâm Paris, các hệ thống tàu điện ngầm. 

Biện pháp phát tờ rơi cũng được lực lượng cảnh sát Oslo, Na Uy áp dụng từ nhiều năm nay để cảnh báo nạn móc túi nhằm vào các du khách.

Tại Mỹ, cảnh sát cũng phát tờ rơi cảnh báo bạo lực. 

Hồi cuối năm 2012, tờ Daily Mail đưa tin, nhiều cảnh sát tại thành phố Detroit bang Michigan đã phát tờ rơi cảnh báo các cổ động viên tới đây xem bóng đá. 

Tờ rơi có tiêu đề: “Vào Detroit, bạn sẽ gặp nguy hiểm”. Tờ rơi cảnh báo rằng Detroit là thành phố bạo lực nhất của nước Mỹ, với tỉ lệ giết người cao nhất, trong khi đó, số lượng cảnh sát thì quá ít ỏi.

Chủ tịch công đoàn cảnh sát thành phố, ông Joe Duncan nói: “Chúng tôi không ngăn cản mọi người tới đây. Tôi yêu thành phố này. Tôi chỉ muốn họ nhận ra rằng chúng tôi không có đủ người tuần tra”.

Tại Thái Lan, Cảnh sát phát tờ rơi cảnh báo nạn lái xe bất cẩn: Ông Thaweesak Taekratok thuộc Dự án Điều tra Hiện trường Tai nạn tại Đại học Naresuan nói: "Họ nên biết giao thông tại Thái Lan không giống với quốc gia khác. Chúng ta phải cảnh báo với du khách về những hành vi điều khiển phương tiện giao thông sai hoặc nguy hiểm của các tài xế người Thái”.

Ông cho rằng, làm như vậy không thể bị coi là phá hủy hình ảnh đất nước. Ông nói: “Bạn phải so sánh ảnh hưởng của việc cảnh báo du khách trước khi tai nạn xảy ra với việc các vấn đề giao thông Thái Lan bị đưa lên mặt báo sau khi tai nạn xảy ra. Cái nào sẽ gây ra ảnh hưởng tồi tệ hơn?"

Thậm chí, ông Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã ngầm khuyên du khách không nên ăn mặc mát mẻ để tránh bị kẻ xấu tấn công. Ông nói: "Các du khách nghĩ đất nước chúng ta an toàn và xinh đẹp nên họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, họ mặc bikini và đi khắp nơi. Nhưng liệu họ có an toàn khi mặc bikini?”.

Về câu chuyện này, Tre Làng thấy trên trang "Dọc bằng đòn gánh có bài rất hay, rất xác đáng. Do đó, bê về đây cho anh em đọc.




Ngày 27/10/2014, trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (GDVN) có đăng 1 bài viết của tác giả Xuân Dương với nhan đề ""Tờ rơi" - Vũ khí bôi nhọ đất nước của công an Thành phố Hồ Chí Minh". Sau đó, tiêu đề này được sửa lại thành : ""Tờ rơi" – Vũ khí mới chống tội phạm của công an thành phố Hồ Chí Minh".

Nội dung bài báo đề cập đến việc công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phát tờ rơi (bằng tiếng Anh) với mục đích cảnh báo khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài tự bảo vệ tài sản cá nhân nhằm chống lại các tệ nạn xã hội nơi công cộng.

Bài báo chú trọng khá kỹ về nội dung tờ rơi. Đặc biệt, phần cuối, tác giả bài báo còn thể hiện sự so sánh đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Công an Tp HCM với cách phân cấp trong Quân độinhằm chứng tỏ một đội ngũ cán bộ lãnh đạo cao cấp (?) Tiếp tác giả đánh giá sự bất lực, yếu kém của đội ngũ CA Tp HCM khi cho rằng với đội ngũ đông đảo như vậy nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến tồi tệ. Nội dung bài viết như sau:

"So sánh quân hàm và chức vụ công an với bên quân đội, bốn đại tá tương đương bốn sư đoàn trưởng, bốn thiếu tướng tương đương bốn tư lệnh/chính ủy quân đoàn hoặc tư lệnh/chính ủy binh chủng. Giả thiết một quân đoàn gồm 3 sư đoàn thì cấp bậc của lãnh đạo Công an TP.HCM tương đương với cấp chỉ huy 16 sư đoàn chính quy!

Với đội ngũ lãnh đạo cao cấp như thế, bên dưới là một lực lượng hùng hậu gồm công an phường, quận, thành phố, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông, các đội săn bắt cướp và còn một trung đoàn cơ động (khoảng 600 chiến sĩ) từ Bộ Công an chi viện, vậy tại sao tình hình vẫn tồi tệ, không được cải thiện?"

Thứ nhất, tác giả bài báo không hiểu những khái niệm cơ bản về phân cấp trong LLVT, vì thế, sự so sánh như vậy là ấu trĩ và hoàn toàn khập khiễng. Một cách hiểu đơn giản nhất, đối với những thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì cán bộ lãnh đạo trong LLVT luôn có số lượng đông hơn và cấp hàm cao hơn những tỉnh, thành khác.

Thứ hai, việc phát tờ rơi là công an phường Phạm Ngũ Lão triển khai. Đặc điểm của phường Phạm Ngũ Lão là địa bàn có nhiều khách du lịch người nước ngoài tạm trú. Do đó, hoạt động của tội phạm khu vực này có nhiều diễn biến phức tạp hơn các khu vực khác. Việc phát tờ rơi của một phường (có thể) là triển khai thử nghiệm, chưa phải là chủ trương chung của công an thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tác giả cố tình không nhắc đến bản chất của vấn đề mà cố tình xuyên tạc cho rằng đó là sự yếu kém chung của công an thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, ở đây có thể quy tác giả bài viết về hành vi vi phạm theo điều 258 của Bộ luật hình sự
Một minh chứng cho vấn đề "triển khai thử nghiệm" có thể thấy qua trường hợp Công an thành phố Thanh Hoá thử nghiệm quăng lưới chặn bắt người vi phạm giao thông, chống đua xe là thử nghiệm của một đơn vị cấp huyện, chưa phải là chủ trương chung của cơ quan công an cấp tỉnh. Do đó, không thể nói đây là phương pháp mà công an tỉnh Thanh Hoá đưa ra.

Thứ ba, như nhiều báo chí khác đã đưa tin, vấn đề phát tờ rơi, hoặc cảnh báo cho người dân, khách du lịch đã được nhiều quốc gia triển khai. Ngay tại Việt Nam, cơ quan công an cấp phường xã cũng thường xuyên thông báo cho người dân về các thủ đoạn tội phạm, in ấn các biển cảnh báo tại các tụ điểm đông người, công cộng hoặc tại các cơ sở kinh doanh để người dân có thể chủ động phòng tránh, đối phó với các loại tội phạm. Như vậy, việc phát tờ rơi nhằm cảnh báo đối với khách du lịch là việc hoàn toàn nên làm. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức trong khách du lịch về những hình thức tội phạm mà họ dễ gặp phải để chủ động xử lý khi có tình huống xảy ra.

Vì vậy, việc làm của Công an phường Phạm Ngũ Lão là việc làm đáng hoan nghênh, chứ không phải là đáng lo ngại hay bôi xấu thực trạng xã hội mà nhà báo cố tình xuyên tạc. Có chăng, vấn đề sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh trong "tờ rơi" có thể chưa chuẩn theo văn phạm và cần phải điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Vai trò của nhà báo khi lên tiếng cần phải công tâm, giữ được sự ngay thẳng trong bài viết của mình. Đáng tiếc rằng tác giả Xuân Dương và ban biên tập GDVN không tôn trọng những nguyên tắc cơ bản nhất trong đạo đức của người làm báo. Trong bài viết của mình, với thái độ hằn học, tác giả đã cố tình lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận để suy diễn, xuyên tạc, bôi đen hình ảnh của lực lượng CAND thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hành vi cần lên án và có biện pháp xử lý thích đáng làm gương cho những trường hợp khác.

Để có được sự tôn trọng của độc giả, ngoài sự khách quan, trung thực trong phản ánh sự việc, người cầm bút cần phải có những phông nền kiến thức nhất định về vấn đề mà mình viết. Khi viết về vấn đề cụ thể, ngoài tổng hợp, phân tích những kiến thức xung quanh vụ việc... 

Hơn ai hết, bản thân mỗi nhà báo cần phải xác định trách nhiệm định hướng dư luận xã hội của chính mình, cũng như cơ quan báo chí nơi nhà báo đang công tác. Do vậy rất cần có sự thận trọng trong việc đánh giá những tác động của bài báo đối với dư luận xã hội; tuyệt đối tránh những cảm xúc cá nhân làm ảnh hưởng tới định hướng của bài báo, dễ dẫn đến những sai lầm đáng tiếc trong vụ việc nêu trên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét