Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

NGOAN CỐ HAY XẢO THUẬT NGÔN TỪ?

Khoai@


Chiều nay, tình cờ đọc được bàiBộ Công Thương lên tiếng về vụ thi công chức của tác giả Yến Nhi đăng trên VnMedia, thấy có vẻ như Bộ Công thương vẫn chưa chịu nhận khuyết điểm, thay vào đó là dùng câu chữ để bao biện cho việc làm sai trong kỳ thi tuyển công chức này.

Đó là biểu hiện của sự ngoan cố. Ý thức tự phê bình kém!


Một kì thi tuyển công chức để lại nhiều tai tiếng bởi lộ đề thi với con em cán bộ của Bộ Công thương, mà ông Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lại phát biểu: "việc thi tuyển công chức năm 2013 của Cục Quản lý cạnh tranh đã thực hiện theo đúng quy trình, quy định hiện hành. Vì vậy, Bộ cương quyết xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm và có xét đến đóng góp, công lao của các cán bộ có liên quan đến sai phạm". Và: "Cục Quản lý cạnh tranh đã tổ chức Kỳ thi tuyển công chức năm 2013 đúng theo các quy định hiện hành, bảo đảm tính công bằng, công khai và minh bạch".

Đọc lại đoạn trong ngoặc chắc ai cũng phì cười vì lối trả lời mâu thuẫn đến ngây ngô của ông Hải. Đã "thực hiện theo đúng quy trình, quy định hiện hành", hoặc "bảo đảm tính công bằng, công khai và minh bạch" thì làm sao lại phải "cương quyết xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm và có xét đến đóng góp, công lao của các cán bộ có liên quan đến sai phạm"?

Nếu đúng quy trình, đúng quy định hiện hành thì vì sao lại phải kỷ luật ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng Pháp chế và ông Nguyễn Đức Lê, Phó phòng về việc làm lộ đề thi?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chia sẻ: "Đối với những trường hợp này, chúng tôi cũng đã rất cân nhắc về mức độ xử lý kỷ luật, vì trong đó có cán bộ là bộ đội, thương binh, có thâm niên cao trong công tác. Còn 2 trường hợp khác ở cấp cao hơn, Bộ sẽ xem xét, xử lý sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền". 

Thiết nghĩ cách xử lý sai phạm như thế là không ổn. Công và tội cần phân minh rõ ràng. Người sai đến đâu phải xử lý đến đó. Chả lẽ cứ có quá khứ làm bộ đội, hay là thương binh, hoặc có thâm niên công tác cao thì được quyền sai hay sao?

Chuyện có sai sót trong một kỳ thì tuyển sinh là chuyện đáng tiếc, nhưng không phải là chuyện hiếm gặp. Chỉ có điều, cách xử lý như thế nào để đảm bảo tính khách quan, công bằng, đảm bảo được quyền lợi của các ứng viên, chọn được người tài giỏi thực sự vào bộ máy nhà nước, và quan trọng hơn là củng cố niềm tin của người dân vào chế độ mới là điều đáng lưu tâm.

Trong vụ việc này, cái sai đã rõ, vì thế không nên phát biểu theo lối hô khẩu hiệu như con vẹt, theo kiểu "đúng quy trình, quy định" để lấp liếm cái sai của mình. Quan điểm của người viết (mang tính xây dựng) là Bộ Công thương nên thành khẩn nhận ra sai lầm của mình, không nên né tránh, mà có tránh cũng không được. Quan trọng hơn nữa, nhận ra sai thì cần quyết tâm sửa sai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét