(NB&CL) - Thông tin một bảo mẫu chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội) bị công an bắt vì tội buôn bán trẻ em đang khiến dư luận thấy sốc, thấy phẫn nộ. “Chúng ta đang sống ở thời mạt pháp”, nhiều người đã cay đắng nói như vậy khi đọc những tin tức ở mục “Pháp luật” hay “Vụ án” có liên quan đến chùa chiền và các vị tăng ni. Nào là sư giết và phi tang xác bạn gái, nào là sư về làng đi ô tô… và mới đây nhất là bảo mẫu chùa Bồ Đề bị bắt vì buôn bán trẻ. Nhìn về câu chuyện của chùa Bồ Đề, xin hãy xem đó như là một vết thương của thời “lỗi đời, lỗi đạo”.
Ngày 4/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội) và đã bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978), người quản lý khu nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề và Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, quê xã Khánh Hòa, Yên Khánh, Ninh Bình) để điều tra hành vi mua bán trẻ em. Theo nhận định của Trung tá Nguyễn Cao Khải - Phó Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (Đội 12, Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội), công tác quản lý trẻ tại chùa Bồ Đề rất lỏng lẻo. Chính điều này đã tạo cơ hội cho tội phạm mua bán trẻ em hoạt động. Qua quá trình điều tra xác minh, cơ quan công an xác định tại chùa Bồ Đề hiện có 106 trẻ em độ tuổi từ 1 tháng tuổi đến 18 tuổi. Việc quản lý nuôi dưỡng trẻ em tại chùa Bồ Đề không được các cơ quan chức năng cấp phép. Việc quản lý sổ sách và các thủ tục nhận trẻ em vào chùa nuôi dưỡng và thủ tục trả lại trẻ cho gia đình còn lỏng lẻo, sơ sài, dễ bị tội phạm lợi dụng như hành vi mua bán trẻ em của Trang và Nguyệt.
Liên quan đến việc chùa Bồ Đề nhận nuôi nhiều trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội - cho rằng, việc làm này thể hiện tính nhân đạo, nhân văn của nhà chùa. Tuy nhiên, xét trên góc độ pháp lý, nhà chùa nhà chùa không đáp ứng đủ điều kiện để nhận con nuôi.
Cơ quan điều tra cũng đã mời ni sư Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề, lên trụ sở để làm việc. Thượng tá Hưng cho hay, hiện chưa có đủ tài liệu để khẳng định sư trụ trì có liên quan trực tiếp đến vụ mua bán cháu Công hay không. “Tuy nhiên, sư Thích Đàm Lan đương nhiên là đối tượng điều tra. Chắc chắn một điều là sư trụ trì sẽ có trách nhiệm liên quan đến vụ việc vì trẻ em được nuôi trong chùa. Trách nhiệm ở mức độ nào thì phải điều tra, xác minh làm rõ” - Thượng tá Hưng khẳng định.
Chùa Bồ Đề ở Gia Lâm, Hà Nội đã nổi tiếng suốt nhiều năm qua như một địa chỉ nuôi dưỡng những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Đó đáng ra đã có thể trở thành một “thánh địa” của lòng từ tâm, nếu như những sai trái trong việc nuôi dưỡng, cho-nhận trẻ mồ côi cứ ngày bị “đánh hơi” thấy càng nhiều bởi những người tới đó làm từ thiện, để rồi cuối cùng bị phanh phui bởi loạt phóng sự của báo Phụ nữ TP.HCM. Hóa ra, đó rất có thể là một nơi mà người ta buôn bán trẻ em, ngay trước mắt Phật.
Người ta đã nghe nhiều đến những kẻ bắt cóc trẻ em đem bán, thậm chí có nơi, bạn sẽ được nghe về chuyện cán bộ bệnh viện phụ sản bế trẻ sơ sinh ra ngoài bán. Nhưng hẳn đây là lần đầu tiên bạn được nghe về một trung tâm nuôi trẻ mồ côi với việc “buôn người” trở thành một hành vi có hệ thống. Nghĩa là từ “kinh tế cá thể” bây giờ chúng ta đã có mô hình “hợp tác xã” trong việc buôn bán trẻ em. Quả là một bước phát triển. Câu hỏi đặt ra bây giờ là chùa Bồ Đề có phải là địa chỉ duy nhất trên cả nước mà chuyện kinh tởm ấy diễn ra. Bạn rất khó khẳng định tuyệt đối.
Cuối cùng thì có vẻ như trong bối cảnh mà đạo đức xã hội sút giảm liên tục, người ta đã tiến thêm một bước trong nỗ lực thương mại hóa trẻ con. Chúng vốn từng là một món hàng trong nhiều trường hợp, nhưng với việc “kinh doanh” có hệ thống như thế này, thì trẻ con tiến gần hơn đến việc trở thành một LOẠI HÀNG HÓA.
Khi người ta đã có thể coi trẻ con là một loại hàng hóa, chứ không phải là một con người, thì có khi nào họ cũng đang tiến gần đến việc sử dụng loại hàng hóa ấy theo một cách khác hơn là nuôi. Nếu bạn đã mua được, thì bạn có thể dùng hàng hóa theo ý thích. Ví dụ như là ăn thịt chúng, nếu bỗng nhiên nhu cầu ấy phát sinh, bỗng trong xã hội rộ lên tin đồn là thịt trẻ con chữa được ung thư như sừng tê giác. Đằng nào chúng cũng là món hàng. Điều gì đã làm đạo đức xã hội xuống thê thảm đến mức này?
Khánh An/Nhà Báo và Công Luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét