Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

XUNG QUANH THÔNG TƯ 28 CỦA BỘ CÔNG AN

Xung quanh Thông tư 28 của Bộ Công An

Luật sư, ths. Trịnh Minh Tân

Quanh đề tài Thông tư 28/2014/TT-BCA, từ ngày 01/8, một số PV gọi điện, gửi câu hỏi phỏng vấn. Mình trả lời. Theo dõi báo gần 10 ngày không thầy đăng ý kiến của mình, lại thấy đăng nhiều ý kiến của các vị đương kim hoặc nguyên là ông này bà nọ. Nhưng nhiều vị trả lời chỉ bằng cái tâm mà không phải bằng cái tầm hiểu biết về lĩnh vực tố tụng hình sự.

Cũng dễ hiểu, vì đó không phải là chuyên môn của họ. Việt Nam mình nó thế. Ý kiến chuyên gia ít được chú ý. Họ chỉ chú ý đến ý kiến của người có chức hoặc nguyên có chức. Câu trả lời của mình có báo gọt đầu gọi đuôi đăng được khoảng 100 từ, chưa bằng 1/10 câu trả lời của mình. Báo giấy không đăng thì mình gởi báo dân đăng ý của mình vậy. Dựa vào ý câu hỏi của mấy bác PV báo giấy, mình soạn câu hỏi và tự trả lời:

1) Hỏi: Trong thông tư nhắc đến việc cấm bức cung, nhục hình mọi hình thức. Nhục hình, bức cung là hai tội danh đã được quy định tại Điều 298 và 299 Bộ luật hình sự nhưng thực tế vẫn còn nhiều vụ bức cung, nhục hình gây bức xúc dự luận. Theo ông, làm sao hạn chế mức thấp nhất việc này?

Trả lời:
Căn cứ các quy định của luật hiện hành thì chỉ có thực hiện tốt chế định kiểm sát điều tra mới hạn chế được bức cung, nhục hình. Có điều là các kiểm sát viên có làm tốt và thường xuyên chức năng này hay không thôi. Ngoài ra luật sư – người bào chữa khi tham gia tố tụng trong vụ án hình sự nếu được thực thi đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo luật định cũng là một kênh giám sát hữu hiệu. Chắc chắn là khi có mặt luật sư trong buổi hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị tạm giữ thì sẽ không thể xảy ra bức cung, nhục hình. Luật chỉ quy định bắt buộc phải có người bào chữa từ giai đoạn điều tra đối với các tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình và đối với người chưa thành niên phạm tội. Đối với những tội danh không bắt buộc phải có người bào chữa thì chỉ có một cơ chế giám sát duy nhất là hoạt động kiểm sát điều tra của kiểm sát viên. Tuy nhiên hoạt động này chưa được thường xuyên và cũng chưa thể khẳng định là cơ chế này hoàn toàn loại bỏ được việc bức cung, mớm cung, nhục hình.

Do đó khi sửa đổi, bổ sung bộ luật TTHS cũng cần phải chú ý đến việc bắt buộc phải có luật sư tham gia không chỉ đối với bị can bị khởi tố về tội danh có khung hình phạt cao nhất và đối với bị can là người chưa thành niên phạm tội, mà cần phải mở rộng ra các tội danh có khung hình phạt tù có thời hạn. Luật không quy định luật sư tham gia tố tụng giám sát các hoạt động của ĐTV, nhưng sự có mặt của luật sư khi ĐTV lấy lời khai, hỏi cung bị can tự nó đã là một cơ chế hữu hiệu không để xảy ra việc bức cung, nhục hình. Bởi lẽ hoạt động nghề nghiệp của luật sư như Điều 3 Luật luật sư quy định là “góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơquan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền …, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.” Việc tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư thực hiện quyền và nghĩa vụ của luật sư khi hành nghề, không được cản trở hoạt động hành nghề của luật sư là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng như đã quy định tại Điều 27 Luật luật sư.

Những quy định về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa trong Bộ luật TTHS là những đảm bảo để hạn chế đến mức thấp nhất việc bức cung, nhục hình. Cụ thể là người bào chữa có quyền “đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch …” nếu những người này vi phạm pháp luật TTHS, và người bào chữa có nghĩa vụ “sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo”

2) Hỏi: Điều 38 Thông tư 28/2014/TT-BCA quy định là khi luật sư có kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp luật khác…thì điều tra viên lập biên bản sự việc, ghi âm…. Có nhiều ý kiến lo ngại điều này dẫn đến quyền hành nghề của luật sư bị ảnh hưởng và tùy tiện của điều tra viên. Vì như thế nào là kiến nghị không có căn cứ vì rất nhiều trường hợp lúc đầu kiến nghị của luật sư bị cơ quan tố tụng bác bỏ nhưng qua các phiên tòa thì kiến nghị của luật sư đúng. Như thế nào là vi phạm pháp luật khác?ông bình luận gì về quy định này?

Trả lời:
Tôi cũng đã nhận được nhiều cuộc điện thoại của các đồng nghiệp trao đổi, chia sẻ về vấn đề này. Hầu hết đều bức xúc với quy định trong Điều 38 Thông tư 28/2014/TT-BCA. Cần phải xác định việc người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý trong vụ án hình sự là các chủ thể tham gia tố tụng với các quyền và nghĩa vụ đã được pháp luật quy định chứ không phải là đối tượng điều tra của điều tra viên. Những quyền và nghĩa vụ đó đã được quy định rất cụ thể tại Điều 58 và 59 BL Tố tụng hình sự rồi.

Quy định “kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp luật khác” rất mơ hồ, rất dễ để cho điều tra viên có những hành động tùy nghi dẫn đến tùy tiện gây cản trở hoạt động tác nghiệp của luật sư. Luật sư hành nghề theo quy định của pháp luật, tuân thủ quy tắc đạo đức nghề luật sư. Nếu luật sư nào khi tác nghiệp mà vi phạm pháp luật, có hành vi phạm tội thì họ bị xử lý theo quy định của pháp luật là đương nhiên và việc xử lý cũng phải tuân theo pháp luật chứ không phải như cách mà điều 38 TT 28/2014/TT-BCA quy định.

3) Có ý kiến cho rằng thông tư này điều chỉnh nhiều đối tượng thì phải là thông tư liên ngành chứ không phải thông tư của ngành công an. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Trả lời:
Đúng như vậy. Không thể quy định trong thông tư đơn ngành, mà phải là thông tư liên ngành (hay còn gọi là TT liên tịch). Nếu có các chủ thể tham gia tố tụng là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý thì bắt buộc phải có sự tham gia của Bộ tư pháp trong thông tư liên tịch đó, đồng thời cũng phải tham khảo ý kiến của Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Ngoài các lỗi về nội dung, nếu tôi không nhầm thì hình như có một lỗi cập nhật trong thông tư. Khoản 3 Điều 37 Thông tư 28/2014/TT-BCA vẫn đưa Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/12/2007 vào áp dụng. Nhưng Thông tư này đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC, có hiệu lực từ ngày 21/08/2013. Có thể người soạn thảo Thông tư đã không updates các văn bản quy phạm pháp luật liên quan!?

Vì những vấn đề còn tồn tại nêu trên nên Cơ quan ban hành Thông tư cần phải sửa đổi, hủy bỏ, bổ sung một số nội dung không phù hợp trước khi Thông tư có hiệu lực vào ngày 25/8/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét