Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

GẶP TƯỚNG NGUYỄN VIỆT THÀNH TRƯỚC THÔNG TIN SẼ BỊ KIỆN VỀ VỤ NĂM CAM

Vụ án Năm Cam đã trôi qua hơn 10 năm, nhưng gần đây đã có nhiều thông tin liên quan đến Trung tướng Nguyễn Việt Thành - Trưởng ban chuyên án Năm Cam. Từ lời đồn đại ông sẽ bị khởi tố đến việc sẽ bị kiện bồi thường thiệt hại vì đã tiến hành bắt giam một doanh nhân ở Bình Dương, phóng viên Dòng Đời đã về nhà ông ở Chợ Gạo, Tiền Giang để nghe ông bộc bạch những nỗi niềm...


Tướng Thành đang ở gian bếp. Nhà ông không có cổng rào, cứ thế chúng tôi đi xuyên qua một vườn cây ăn trái, băng qua mương cá bao quanh. Ông lui cui với những con heo trong chuồng, mặc chiếc áo thun trắng và khi nghe chúng tôi gọi thì ông nói vọng lên: Xuống thẳng dưới đây mấy em. 

Tướng Thành và người dân.

“Anh không ân hận”

Ở tuổi 65, ông vẫn nhanh nhẹn, nhưng khi trò chuyện thì giọng nói rất nhỏ nhẹ và chậm. Ông cho biết tuần trước ông có qua Bến Tre thăm anh Hai Trọng (ông Trương Vĩnh Trọng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ - NV) đang bị bệnh nặng. Nhưng ông nói, anh Hai rất lạc quan, chẳng chút buồn phiền gì, còn nói đã có 4 khối u trong gan. Vợ anh thấy vậy ngăn anh không cho nói tình hình bệnh tật, nhưng anh Hai Trọng vẫn cười: Thì trước sau gì cũng chết. 

Trung tướng Nguyễn Việt Thành.

Chúng tôi không hiểu vì sao anh bắt đầu bằng câu chuyện này trong khi chúng tôi lại muốn đề cập thẳng những thông tin trên báo mạng về việc một doanh nhân đang kiện anh thời anh tiến hành điều tra vụ án Năm Cam cách đây hơn 10 năm. Ngại anh bị sốc nên chúng tôi hỏi:

- Nhà anh Tư có mạng không?

- Nhà anh ở vùng quê làm gì có mạng em. Anh Tư vừa pha trà vừa nói - nhưng mấy anh em ở Công an Tiền Giang có thông gì trên mạng đều in ra và chuyển cho anh xem.

Dường như đã hiểu lý do thăm nhà của chúng tôi nên ông buông từng tiếng rất nhỏ:

- Đời anh và những việc anh làm, đến giờ anh không thấy ân hận gì. Thiên hạ đồn anh có vợ lớn, vợ bé, mấy em đến nhà có thấy thêm ai đâu, chỉ có anh và bả với thằng con út sống chung. Họ đồn anh có mấy căn biệt thự, nhưng anh sống trong vườn, trong đất ông bà để lại. Ngày về hưu anh được lãnh 170 triệu đồng, về quê gom góp, vay mượn thêm làm được căn nhà nuôi yến, kiếm ít tiền chi tiêu...

Trước khi bước vào khu nhà anh chúng tôi đã thấy một cánh đồng đang trĩu lúa. Người dân ở đây nói, khi anh còn đương chức Giám đốc Công an Tiền Giang rồi sau đó lên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân, vợ anh vẫn ra cánh đồng này để cày ải. Mấy người dân thấy vậy nói chị: Vợ ông giám đốc thì về nhà sơn sửa móng tay, chưng diện lên chứ làm gì mà vất vả như một bà nhà quê vậy. Nhưng chị nói, ổng làm lớn thì kệ ổng, có tháng ổng còn không đem tiền lương về, không làm thì lấy gì sống...

Ngày Tư Bốn về hưu, ông dành thời gian chăm sóc khu vườn của mình, bây giờ nhìn thật đã mắt. Ngoài tên Tư Bốn, Tướng Thành, người dân quê còn gọi là ông Tư “bù ngót”, vì ông rất thích loại rau này và trồng rất nhiều quanh nhà. Khi có khách ở lại dùng cơm, ông chỉ cần ra vườn tướt một đống lá là có một nồi canh ngon. Cái mương bao quanh nhà ông chỉ nuôi cá tra, cá tai tượng vàng và cá trê. Cứ mỗi tháng lãnh lương hưu là ông mua ngay mấy bao thức ăn chất trong kho rồi mỗi chiều ngồi cho chúng ăn. 

Tướng Thành thăm một gia đình chiến sĩ công an có hoàn cảnh khó khăn.

Vì sao Công an Tiền Giang bắt người ở Bình Dương?

Chúng tôi tặng ông tờ Dòng Đời và ông chú ý đến bài báo viết về Oanh Hà. Ông nói ông biết Oanh Hà và cả người viết (Hoàng Linh). Thấy ông đã sẵn sàng, chúng tôi hỏi:

- Vụ án Năm Cam đã trôi qua hơn 10 năm rồi, đã có nhiều bị án ra tù, trong đó có cả những cán bộ công an... ông có gặp lại họ không? 

- Có chứ. Có người tình cờ gặp nhưng đa phần anh chủ động gặp họ. Chẳng hạn như anh Năm Huy (Bùi Quốc Huy, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an bị kết án 4 năm tù trong vụ án Năm Cam – NV), anh chủ động đến nhà thăm. Còn lúc ở trại giam anh vẫn đến thăm hỏi và gửi cho anh chuối xanh- mà anh Năm rất thích. Hay như Nguyễn Mạnh Trung (nguyên Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM bị kết án 8 năm tù trong vụ Năm Cam) có lần gặp lại, anh chủ động đến bắt tay và hỏi thăm...

- Nhưng phản ứng của họ thì sao?

- Anh không biết nhưng anh nghĩ chắc họ cũng không vui. Cũng có người ra tù rồi vẫn còn nhắn anh là hãy đợi đó. Biết sao được, công việc thì phải làm thôi. Ngày làm án Năm Cam không phải ai cũng ủng hộ, ngay cả trong nội bộ ngành,100 người, chắc có 20 người là không đồng tình. Mấy em nên biết, trước khi anh bắt tay thực hiện chuyên án Năm Cam, anh chẳng hề biết gì về Năm Cam cả. Đã phân nhiều người, nhưng cuối cùng chỉ có anh nhận. Ngay cả anh Bùi Thiện Ngộ (nguyên Bộ trưởng Bộ Công an) trước khi mất cũng để lại bút tích phải làm quyết liệt vụ Năm Cam.

- Trong vụ bắt khẩn cấp Bùi Mạnh Lân - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hưng Thịnh ở Bình Dương, tại sao anh lại huy động Công an Tiền Giang làm việc này. Hiện nay có báo mạng đăng bài nói rằng vụ Công an tỉnh Tiền Giang đi bắt “đàn em Năm Cam” tại tỉnh Bình Dương nhưng lãnh đạo tỉnh Bình Dương không biết ông Lân bị bắt về tội gì và cũng không có ai đến làm việc với cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương. Việc bắt khẩn cấp ông Lân được thực hiện bởi Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng cùng một số người khác đã làm sai quy định về thẩm quyền, khi từ một địa phương này sang địa phương khác thực hiện mà không thông qua cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
- Cái này anh phải nói lại cho rõ. Khi thành lập chuyên án Năm Cam anh đã huy động rất nhiều công an các tỉnh thành tham gia. Có cả Bình Định, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu... nhưng khi vào TP.HCM thì họ nói xa xôi quá, nên xin rút về. Anh còn nhớ có cả Dương Tự Trọng (em của Dương Chí Dũng, người vừa bị kết án tù do tiếp tay cho Bùi Chí Dũng bỏ trốn) lúc đó là Phó phòng Cảnh sát hình sự Công an Hải Phòng dẫn 6-7 anh em vào tăng cường cho ban chuyên án, nhưng chỉ được một thời gian thì cũng xin rút về. Như vậy trong tay anh lúc ấy chỉ có Công an Tiền Giang, TP.HCM, Bình Dương. Mà cũng phải nói cho đúng, lúc đó họ đã là người trong ban chuyên án rồi, đâu còn phân biệt tỉnh này, địa phương nọ nữa đâu. Hơn nữa, Bùi Mạnh Lân và các bị cáo khác đã thuê mướn các đàn em của Năm Cam để giải quyết tranh chấp trong khu công nghiệp, mà trong tình hình đó những chuyện gì có liên quan đến vụ án Năm Cam thì Ban chuyên án phải thực hiện điều tra. Hơn nữa, anh là người phụ trách án điều tra các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng trở vào. Chẳng lẽ lại không được chỉ đạo án xảy ra ở Bình Dương hay sao?

- Nhưng khi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao yêu cầu thay đổi biện pháp ngăn chặn các bị can này, anh lại chần chừ và đến 3 ngày sau mới thả họ ra. Tờ báo mạng nói rằng: Nên đã gọi điện thoại cho ông Nguyễn Việt Thành và nhận được ý kiến chỉ đạo là làm báo cáo lên. Sau đó, Nên làm báo cáo cho ông Nguyễn Việt Thành và ông Nguyễn Thế Bình. Ðến 17 giờ 30 cùng ngày, ông Nguyễn Việt Thành đã gọi điện thoại cho Nên nói rằng: “…đã trao đổi với ông Nguyễn Thế Bình - Phó Cục trưởng C16 thống nhất chưa tống đạt ngay cho 3 bị can…”. Vì sao như vậy, thưa ông?

- Anh nhớ khi được anh em cấp dưới báo cáo yêu cầu của Viện là ngày thứ 6. Sau đó anh trao đổi với cấp trên. Đến ngày thứ 7 thì nhận được lệnh đồng ý. Qua ngày nghỉ Chủ nhật, đến thứ 2 là anh đã ký lệnh thả và chỉ đạo thả ngay. "Giam lố" Bùi Mạnh Lân 3 ngày chính là vì rơi vào ngày nghỉ cuối tuần. Không thể nói là anh đã bắt giữ người trái pháp luật

- Lệnh đó là lệnh thả tự do cho Bùi Mạnh Lân và các bị can khác?

- Không đúng. Lân vẫn có tội nhưng được chuyển về cho địa phương xử lý, mà cụ thể là tiếp tục các bước tố tụng để giao cho tòa án một huyện ở Bình Dương để xét xử. Nhưng khi về rồi, thì địa phương đã không thực hiện việc này.

Nói đến đây, Tướng Thành bỗng ngồi đăm chiêu. Ông tâm sự với chúng tôi rằng ông biết ai là người phụ trách tờ báo mạng trên. Hồi đó, trên Bộ đã phân công người này phụ trách phát ngôn với báo chí những thông tin liên quan đến vụ án Năm Cam, nhưng sau đó lại phát ra những thông tin không đúng. Chúng tôi nói có tin đồn rằng thời đó ông đã ký lệnh bắt người này, nhưng ông phản bác hoàn toàn không hề có chuyện đó. Nhưng ông nói rằng, hồi đó anh em trinh sát báo cáo rất nhiều về con người này. Nếu không có anh tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng lúc bấy giờ chỉ đạo, có lẽ mọi việc sẽ khác. 

Tướng Thành chăm sóc vườn cây.

Đến đây, ông Tư đột ngột đề nghị chúng tôi dừng câu chuyện vì ông phải dự đám giỗ ông cậu ở nhà đứa em gái. Đúng chất Nam Bộ, ông mời:

- Các em ở xa về thăm anh không dùng bữa cơm thì đi theo anh qua nhà đứa em ăn bữa giỗ.

Sau khi làm xong vụ án Năm Cam, Tướng Thành báo cáo lên cấp trên rằng ông đã 60 tuổi, cái tuổi phải về hưu, nhưng cấp trên trả lời ông chưa được nghỉ và điều ông ra Hà Nội làm Phó chánh Văn phòng Ủy ban phòng chống tham nhũng. Năm đầu tiên sống ở Hà Nội ông ở chung nhà với anh lái xe, năm sau mới chuyển sang ở nhà công vụ.

Nỗi buồn Tư Bốn

Chúng tôi đồng ý và ngồi trên xe cùng ông. Chiếc xe đi qua nghĩa trang liệt sĩ, ông chỉ tay nói:

- Về hưu anh huy động anh em rồi đứng ra tu sửa, chỉnh trang lại nghĩa trang này. Vùng này ngày xưa chiến sự ác lắm. Có tới 400 liệt sĩ nằm ở đây. Anh em chọc ghẹo nói, bây giờ ông Tư từ làm tướng chuyển sang làm quản trang rồi. Thôi thì phải làm tròn trách nhiệm cho người đã ngã xuống.

Ông nhìn con đường đang chạy, hai bên là ruộng lúa và thanh long với đôi mắt đượm buồn khi chúng tôi nói về hai cộng sự cấp dưới của ông trong ban chuyên án là Nguyễn Tuyến Dũng vừa bị tuyên án 10 năm tù vì có hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ, riêng ông Nguyễn Văn Nên thì đang bị điều trị bắt buộc chờ ngày xét xử vì bị tâm thần phân liệt. Ông thỏ thẻ:

- Buồn lắm các em ơi. Anh vừa lên Biên Hòa ghé nhà thương điên thăm Nên. Lúc đầu nó nhận ra anh ngay và nói: “Chào anh Tư, anh Tư khỏe không?”. Anh rất mừng tưởng nó đã tỉnh, nhưng ngay sau đó, nó nói lung tung rằng: “Anh Tư ơi, bọn đàn em Năm Cam kéo nhau cả chục thằng cầm dao kiếm đuổi em, chắc em không sống nổi quá anh Tư”. Anh vỗ về nó mà nói rằng, chẳng còn đàn em Năm Cam nào nữa đâu. 

Trong đầu chúng tôi lúc ấy như sống lại những năm tháng cách đây 10 năm. Một vụ án quá lớn mà trọng trách lại đè nặng lên vai ông Tư Bốn. Người bị án tử đã được thi hành, người bị tù giam đã được cải tạo, đã được trả tự do, còn những người làm án vẫn phải tiếp tục gánh vác những công việc tiếp theo, và có người đã gục ngã. Riêng ông, một ngã rẽ khác đã đưa ông ra Hà Nội với một chức danh: Phó chánh Văn phòng Ủy ban phòng chống tham nhũng. Bốn năm ở vị trí này, ông tâm sự đã làm được vụ rút ruột công trình xây dựng tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Điện Biên Phủ vì nó đụng đến những linh hồn của những người đã ngã xuống cho Tổ quốc. Một vụ khác liên quan đến vụ án tiêu cực trong sử dụng nguồn vốn ODA ở TP.HCM mà bây giờ ông Huỳnh Ngọc Sĩ đã vào tù, nhưng ông vẫn chưa thỏa mãn... Còn nhiều vụ khác ông chỉ thực hiện với vai trò tham mưu.

- Nếu không có người đứng sau lưng ủng hộ thì vụ án Năm Cam có làm trôi chảy không? Chúng tôi hỏi ông.

Ông nói: “Cũng khó”, rồi nhắc đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông bộc bạch:

- Có lần anh Sáu Dân điện thoại nhắc nhở một câu mà anh nhớ hoài: "Này chú Tư, vụ Năm Cam mà làm không xong thì coi như đất nước này không còn những người cộng sản chân chính nữa...”. Điều này làm anh vững tin tiếp tục làm mạnh.

Ông xuống xe bước vào nhà em gái. Mọi người đã đông đủ nhưng chưa nhập tiệc vì đợi anh. Ông bắt tay từng người, rồi cụng ly. Lúc này, ông không còn là ông tướng một thời nữa, ông hết cụng ly thằng Tám, ông Sáu, thằng Năm, thằng Chín... rồi bỗng dưng có người đề nghị anh Tư ca bài vọng cổ "Tình anh bán chiếu đi...”. Anh vui vẻ nói, đợi chút nữa anh sẽ hát!

Cứ thế, đã 2 năm trôi qua kể từ khi về hưu, ông Tư Bốn, Tướng Thành đã trở về sống một cuộc đời bình dị với những người dân quê chân chất, nhưng dường như những cơn sóng ngầm vẫn chưa buông tha ông... 

Một đêm khoảng 3 giờ sáng năm 2011, Tướng Thành nhận điện thoại của anh Hai Trọng đến nhà uống nước. Anh ngồi uống nước đến “no bụng” nhưng chẳng thấy anh Hai nói gì. Đến khi gà vừa gáy thì anh Hai Trọng nói:” Tư mày đừng buồn, cấp trên quyết định 4 người về hưu, trong đó có mày”. Tướng Thành nói, sao lại buồn và ông về làm đơn xin nghỉ hưu.

Nguồn: Dân Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét