So với những quy định trước đó về công tác điều tra Hình sự trong Công an nhân dân thì Thông tư 28/TT-BCA có rất nhiều điểm mới. Nhiều quy định bất cập, gây khó khăn cho triển khai công tác này trên thực tế đã được những nhà soạn thảo chú ý để bổ sung và hoàn thiện. Tuy nhiên, sức nóng của Thông tư không đến từ những đổi mới những cái vốn dĩ đã có xưa nay mà bởi những nội dung "mới toanh", chưa từng được đề cập trong các thông tư, Nghị định liên quan trước đây: Điều tra viên của các cơ quan điều tra có quyền được điều tra lại luật sư nếu xét thấy các hoạt động của Luật sư cản trở quá trình điều tra, làm rõ sự việc.
Luật sư Trần Đình Triển: Trước khi phản đối Thông tư 28/TT-BCA nên bắt đầu từ Luật Luật sư sửa đổi năm 2012.
Nội dung này ngay từ khi ra đời thông tư đã chịu không ít những ý kiến phản hồi mang ý nghĩa trái chiều. Nhiều luật sư có tên tuổi như ông Trần Đình Triển - Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư TP Hà Nội, Chủ nhiệm Văn Phòng Luật sư Vì dân, ông Trần Vũ Hải - Luật sư của Văn phòng Luật sư Vì dân đã liên tiếp đăng đàn cho việc ra đời của Thông tư 28 là "trái pháp luật". Và để viện dẫn cho những quy kết của mình thì hai vị luật sư này đã không ngần ngại khi cho rằng: "Văn bản của một Bộ đưa ra trong đó đặt điều tra viên lên trên luật sư là không được.". Thậm chí Luật sư Trần Đình Triển còn mổ xẻ nguyên nhân trực diện khi Bộ Công an cho ra đời Thông tư như sau: "Không thể vì lợi ích cục bộ hay quyền lợi của một nhóm nào đó mà đưa ra một văn bản cản trở lợi ích của dân tộc, của nhà nước, của Đảng".
Rõ ràng, những phản ứng quyết liệt đó là điều rất dễ hiểu; thậm chí nếu không có phản hồi đó thì nên chăng giới luật sư đã không còn mặn mà với chính nghề nghiệp của chính mình. Họ còn quan tâm chứng tỏ Thông tư có một sức sống đặc biệt và những người làm công tác biên soạn sẽ không còn lo lắng sau khi Thông tư ra đời không có người quan tâm hay nó cũng chỉ là một văn bản ra đời cho có lệ vậy.
Trước khi Thông tư 28/TT-BCA ra đời, giới luật sư Việt Nam đã có một giai đoạn dài hoạt động mà theo nhiều người cảm nhận thì họ không chịu bất cứ một chế tài nào từ pháp luật; hay nói theo ý tưởng của Luật sư Triển thì giới luật sư dường như đang được đặt trên pháp luật. Đây cũng là nguyên nhân giới luật sư với chiếc gậy là kiến thức luật pháp và những thứ quyền lợi đã được quy định rõ ràng trong luật tố tụng thực sự đã trở thành một thế lực mà không chỉ có cơ quan điều tra mà cả giới tội phạm phải e sợ. Để phục vụ quá trình bào chữa, minh oan hoặc làm giảm nhẹ tội cho "Thân chủ", cơ quan Điều tra đã nhận được không ít yêu cầu từ giới luật sư; khi thì họ yêu cầu được làm việc với bị can, lúc thì đòi được làm việc với những đối tượng liên quan....Và tất nhiên, thì những đòi hỏi đó sẽ không được đáp ứng được 100% vì những nguyên tắc mang tính khách quan trong quá trình điều tra, làm rõ tội danh của những đối tượng liên quan. Chỉ với việc tiếp xúc với cả bên "chính diện", "phản diện" là điều kiện để xảy ra những hiện tượng gây oan sai hàng đầu trong nền tư pháp tại nước ta: Hình thức thông cung, khai báo những nội dung đã được thống nhất (Điều này lại diễn ra đặc biệt phổ biến ở những vụ án có yếu tố đồng phạm). Hay nói cách khác, chỉ đưa ra một ví dụ liên quan đến việc luật sư yêu cầu cơ quan điều tra thì đã xuất hiện không ít những điều bất cập. Trong trường hợp những yêu cầu, đòi hỏi của luật sư không được cơ quan Điều tra đáp ứng vì những lí do khách quan thì đã xảy ra không ít những mâu thuẫn, thậm chí là xung đột giữa hai chủ thể mà lẽ ra chỉ diễn ra quá trình hợp tác, hỗ trợ nhau trong quá trình điều tra, làm rõ vụ việc.
Trên thực tế, ngay từ đầu việc ra đời của giới luật sư gắn với việc thực hiện quyền con người trong quá trình áp dụng các biện pháp tố tụng. Theo đó, việc xuất hiện của Luật sư trong quá trình diễn ra tố tụng được xem sẽ làm giảm bớt những sai phạm không đáng có do Điều tra viên phạm phải trong thực hiện công vụ; giới luật sư sẽ chủ động phát hiện và đề nghị Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân xem xét những sai sót của Điều tra viên xét thấy những sai phạm đó ảnh hưởng đến việc kết tội và áp dụng chế tài xử phạt. Tuy nhiên, cùng với thời gian, hoạt động của giới luật sư bắt đầu xuất hiện những kẻ hở mà không ít cá nhân luật sư đã cố tình triệt để khai thác để mong muốn có được một kết quả nhẹ nhàng nhất cho thân chủ của mình. Và không ít tình huống để đạt được mục đích này mà một số cá nhân luật sư đã "can thiệp thô bạo" tới quá trình thực hiện công vụ của Điều tra viên, làm biến dạng thay đổi giá trị chứng minh của chứng cứ...; thậm chí còn sử dụng các chiến thuật nghiệp vụ để tác động, hướng lái các hoạt động của Điều tra viên theo hướng có lợi cho thân chủ của Luật sư.
Mặc dù luật Luật sư đã ra đời từ năm 2006 và đã được sửa đổi năm 2012 để đáp ứng sự thay đổi cũng như quy định sát hơn đối với hoạt động của một nghề nghiệp mang tính đặc thù cao này. Điều 9 của luật Luật sư sửa đổi năm 2012 đã cập nhật tương đối đầy đủ và thể chế hóa "các hành vi bị nghiêm cấm" đối với giới luật sư trong quá trình hành nghề (Xem thêm: http://thuvienphapluat.vn/archive/Luat-Luat-su-sua-doi-2012-vb152713.aspx). Trong đó, mục a, b, c, e, g, Điều 9 luật Luật sư sửa đổi năm 2012 đã quy định cụ thể về một số hành vi của Luật sư có thể ảnh hưởng đến quá trình điều tra, làm rõ vụ việc, đối tượng liên quan của Điều tra viên (Những hành vi đã được in đậm sau đây):
Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Nghiêm cấm luật sư thực hiện các hành vi sau đây:
a) Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự, các việc khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là vụ, việc);
b) Cố ý cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật; xúi giục người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện trái pháp luật;
c) Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;
d) Sách nhiễu, lừa dối khách hàng;
đ) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý;
e) Móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức khác để làm trái quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ, việc;
g) Lợi dụng việc hành nghề luật sư, danh nghĩa luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư.
Cho nên, Thông tư 28/TT-BCA không phải là Văn bản đầu tiên thể hiện những hành vị bị cấm đối với luật sư. Thông tư 28/TT-BCA với danh nghĩa là cầu nối giữa luật Luật sư với quá trình tiến hành tố tụng đã cụ thể hóa những hành vi bị cấm đó khi gắn với những biện pháp ngăn chặn. Do vậy, nếu nói rằng, việc soạn thảo và ban hành Thông tư 28/TT-BCA là một hành động vội vàng của Bộ Công an thì thiết nghĩ những người đưa ra nhận định đó đã quá thiển cận khi tiếp cận những văn bản luật mà không thể có chuyện một luật sư thực thụ chưa tiếp cận khi nào. Có chăng chỉ xảy ra đối với những cá nhân không thực sự nghiêm túc với nghề nghiệp của chính mình.
Với Thông tư 28/TT-BCA, Bộ Công an chưa bao giờ đặt Điều tra viên lên trên Luật sư. Cũng xin nhấn mạnh rằng trước khi có Luật Luật sư và Thông tư 28/TT-BCA thì Luật sư mới là chủ thể được đặt trên Điều tra viên. Và rõ ràng, nếu ai đó đọc kỹ nội dung của Thông tư liên quan đến điều khoản quy định, xác lập trường hợp "Điều tra viên được phép điều tra lại Luật sư" thì mới thấy hết tính tương tác của Quy định được thể hiện trong Thông tư: nếu xét thấy các hoạt động của Luật sư cản trở quá trình điều tra, làm rõ sự việc. Hay nói cách khác, bản thân hoạt động điều tra của Điều tra viên chưa thể tiến hành đối với chủ thể là Luật sư nếu Điều tra viên chưa có những căn cứ ban đầu khẳng định hoạt động của giới luật sư ảnh hưởng đến hoạt động điều tra của chính mình. Thông tư cũng không nói rõ là hoạt động đó được tiến hành đơn phương, bản thân giới luật sư cũng sẽ tham gia vào quá trình chứng minh "bản thân" mình không vi phạm, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng điều tra của Điều tra viên. Như vậy, yếu tố tương tác nhất định giữa hai chủ thể đã được thiết lập và không có chuyện "Điều tra viên được đặt trên Luật sư" trong quá trình tố tụng.
Với một quá trình được khép kín, minh bạch hóa, công khai hóa như vậy thì việc cho rằng: "Trong tố tụng hình sự có thể nói luật sư bào chữa là bên đối trọng với điều tra viên, đứng ở hai phía đối lập nhau mà lại trao quyền cho một bên được quyền nhận định phán xét bên kia đúng sai thì làm sao công tâm khách quan được" chứng tỏ người nhìn nhận đã thiếu công tâm, thậm chí đang cố tình đánh đồng sự việc để gây ra những sự hiểu nhầm không đáng có. Và nếu ai đó trong giới luật sư nói việc ra đời Thông tư sẽ khiến "Luật sư còn không bảo vệ được quyền lợi cho mình thì còn bảo vệ được cho ai?" thì e rằng, đó là những luật sư yếu về năng lực chuyên môn và không chấp nhận thay đổi, hành nghề trong một môi trường nhiều sự cạnh tranh hơn.
Trở lại với việc Luật sư Trần Đình Triển trả lời báo đài, đăng tải lời xin lỗi về việc Hội thảo tổ chức đóng góp ý kiến cho Thông tư 28/TT-BCA bị tạm hoãn vì lí do "có sự can thiệp của Bộ Công an đối với Ban quản lý Hội trường nơi Đoàn Luật sư Hà Nội đặt để tiến hành Hội thảo". Ông Triển cũng nhiều lần khẳng định: "Thông tư 28 của Bộ Công an trong đó cho phép điều tra viên lập hồ sơ luật sư là một văn bản "trái pháp luật"...nhưng nên chăng xem đó là chuyện đương nhiên của những chủ thể liên quan khi quyền lợi bị đụng chạm. Việc ông Triển tranh đấu âu đó cũng là chuyện hết sức bình thường bởi ông không chỉ đứng trên cương vị của một lãnh đạo ở một Đoàn Luật sư mạnh nhất nhì Việt Nam mà ông còn là Chủ nhiệm của một Văn phòng Luật sư uy tín tại thủ đô Hà Nội (Văn Phòng Luật sư Vì Dân). Nếu như những quy định tại Điều 09, Luật Luật sư sửa đổi năm 2012 chỉ dừng lại là một chế tài mang tính nghề nghiệp thì Thông tư 28/TT-BCA lại có một ý nghĩa đặc biệt hơn và dù không nói nhưng nó sẽ là một hệ lụy trực tiếp đối với những hành vi vi phạm được quy định trong Luật. Và đương nhiên, việc ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của giới luật sư đã trở nên hết sức rõ ràng.
Tuy nhiên, thiết nghĩ giới luật sư nói chung, cá nhân ông Trần Đình Triển, Trần Vũ Hải cũng nên hiểu rằng, mọi sự phản biện suy cho cùng đều hướng đến những hiệu quả tích cực hơn và dĩ nhiên để đi đến đó nó cần có những căn cứ hợp lý. Hành động "cố đấm ăn xôi", lí luận cùn trong phản biện Thông tư 28/TT-BCA vừa qua sẽ chẳng mang lại điều gì ngoài việc làm tổn hại danh tiếng của các vị./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét