LâmTrực@
Đây là đoạn trích trong "HỒI KÝ ĐOÀN DUY THÀNH: LÀM NGƯỜI LÀ KHÓ", đoạn nói về đồng chí Lê Duẩn. (Ảnh bên: Ông Đoàn Duy Thành - Nguồn: Net).
Tôi cũng tâm đắc với đoạn đồng chí Lê Duẩn nói về quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, và sau đó là với Mỹ.
Tầm nhìn xa, trông rộng của các nhà lãnh đạo được thể hiện trong Hồi ký này.
Xin trích đoạn cho bạn đọc tham khảo:
******
Đến năm 1979 tôi (Đoàn Duy Thành) làm Chủ tịch UBND Thành phố, tôi có điều kiện làm việc trực tiếp với anh Ba (Lê Duẩn). Trong nhiều buổi đưa anh đi thăm cơ sở sản xuất, anh có nhiều gợi ý rất sáng, truyền cảm, truyền ý thức tự lực tự cường cho những người đi theo. Câu nói cửa miệng và đầu tiên khi bắt đầu câu chuyện thường là anh nhắc: Thành phố, Thành uỷ phải làm gì cho dân, phải hiểu được dân cần gì ? Thành uỷ là phải lo cho dân, mỗi người ăn một năm bao nhiêu thịt, cá, bao nhiêu quả trứng. Thành uỷ phải biết hàng ngày nhân dân ăn gì ? Chứ Thành uỷ cũng chung chung như Trung ương thì Thành uỷ làm được gì? Hoặc mỗi tỉnh, thành phố, phải coi mình như một nước nhỏ mà lo toan thay Trung ương. Thế giới có nước người ta chỉ có 1.000 km2 với mấy trăm nghìn dân, bé hơn Hải Phòng, người ta còn làm giỏi như thế. Thành uỷ Hải Phòng phải biến thành phố là Hồng kông, Singapore thứ hai… Lần nào anh cũng nhắc, cũng nói một cách tâm huyết, thật thà, thẳng thắn với chúng tôi.
Trong những buổi làm việc với anh Ba, sau những ý kiến trực tiếp vào vấn đề chính xong rồi, anh Ba đều có những suy nghĩ lớn cho đất nước, muốn truyền đạt cho thế hệ sau, lớp trẻ chúng tôi. Trong các buổi nói chuyện anh rất dân chủ và lắng nghe ý kiến mọi người. Có những ý kiến anh tranh luận lại, nhưng thái độ cởi mở, thân thiết, không áp đặt.
Có lần tôi làm việc với anh ở Đồ Sơn, khi công việc chính đã được ý kiến anh chỉ đạo, anh nói sang quan hệ giữa nước ta và Trung Quốc. Rồi anh nói văn hóa của ta cao hơn Trung Quốc, và phê phán Khổng Tử coi thường cả mẹ. Tôi hỏi anh Khổng Tử nói ở chỗ nào ? Anh bảo Khổng Tử nói: “Phụ nhân nan hóa” (người phụ nữ khó cải hóa). Rồi anh nói văn hóa của ta là: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”… “Bầu ơi thương lấy bí cùng”… Còn Khổng Tử nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, còn ta thì “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” là cao hơn văn hóa Trung Quốc. Rồi anh phê bình Mao Trạch Đông và Khổng Tử cùng là “một giuộc”.
Tôi suy nghĩ tìm câu nói để anh Ba hiểu rõ về triết học của Khổng Tử khác với Mao Trạch Đông. Khi anh Ba dừng phát biểu, tôi thưa với anh:
- Mao Trạch Đông phê bình Khổng Tử mạnh mẽ lắm!
Anh Ba đứng dậy hỏi tôi:
- Ở chỗ nào ?
Tôi thưa với Anh là sau khi Lâm Bưu chết, Nhân dân Nhật báo Bắc Kinh có 7 bài liền: “Phê Lâm, phê Khổng”. Anh lại hỏi: “Nội dung thế nào, sao tôi không biết ?” Tôi báo cáo tường tận câu chuyện này, trong 7 bài báo trên để anh Ba rõ: “Vấn đề là khi sinh thời, Lâm Bưu có treo hai chữ đại tự ở giữa nhà mình, hai chữ đó là “Khắc Kỷ”, ý Lâm Bưu muốn mượn lời Khổng Tử để phê phán Mao Trạch Đông. Trong sách Luận Ngữ chép, khi học trò giỏi nhất của Khổng Tử là thầy Nhan Hồi hỏi Khổng Tử, làm thế nào thì làm được điều “Nhân” (Nhan tử vấn nhân, Khổng Tử viết: Khắc kỷ phục lễ vi nhân), Khổng Tử trả lời là phải nghiêm khắc với mình, thực hiện đúng lễ (pháp luật), thì mới làm được điều “nhân”. Sau khi Lâm Bưu chết, Mao Trạch Đông phê bình Lâm Bưu và phê bình Khổng Tử. Vì Lâm đã lấy câu của Khổng Tử dạy Nhan tử để phê phán gián tiếp Mao Trạch Đông là người coi thường pháp luật, điều lệ, nghĩa là kẻ bất nhân. Nên Mao phê cả hai: Lâm và Khổng. Tôi nói xong, anh Ba hỏi tôi: “Đồng chí học đến gì?”. Tôi thưa với anh là tôi đã học kỹ Tứ thư, còn Lục kinh, tôi học Kinh thi và Kinh Xuân thu (Kinh Trị quốc của phong kiến Trung Quốc). Còn kinh dịch, kinh lễ, kinh thư, kinh nhạc, tôi chỉ đọc qua thôi. Anh nói ngay: Tôi chỉ đọc “Luận ngữ”, “Mạnh Tử” (hai bộ sách này thuộc về Tứ thư gồm: Luận ngữ, Mạnh Tử, Đại học, Trung dung). Anh vui vẻ nói: “Thôi nghỉ ăn cơm, sáng mai đồng chí ra nói tiếp về Khổng Tử…”.
Sáng hôm sau tôi ra Đồ Sơn tiếp câu chuyện còn lại về Khổng Tử. Trước khi bàn đến Khổng Tử, anh Ba lại nhắc tôi những điều suy nghĩ sâu sắc của anh về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Anh trăn trở nhiều điều của các nước anh em, nhất là Liên Xô và lý luận về chuyên chính vô sản, làm chủ tập thể… Rồi anh dừng lại, bảo tôi nói tiếp về Khổng Tử. Tôi báo cáo tiếp với anh về nhận thức của tôi đối với Khổng Tử, Tôi nói: “Khổng Tử sinh ra cách đây 2.500 năm, trong một chế độ phong kiến tập quyền mạnh ở Trung Quốc, nên Khổng Tử cũng không thóat khỏi hệ tư tưởng đó. Hơn nữa Khổng Tử đã viết ra Kinh Xuân Thu để cai quản đất nước theo Triết học “Quân quân, Thần thần, Phụ phụ, Tử tử”. Nhưng Khổng Tử là nhà triết học vĩ đại lấy nhân nghĩa làm đầu, từ bỏ mọi quyền cao chức trọng, đi dạy học để giáo hóa nhân dân theo triết lý của mình. Còn sách Luận ngữ gồm 10 tập (đại toàn). Khổng Tử chỉ nói hai câu là mất lập trường giai cấp, theo quan điểm của ta hiện nay. Anh Ba hỏi 2 câu đó là gì. Tôi báo cáo anh là: “Phụ nhân nan hóa” như anh đã phê bình là Khổng Tử coi khinh cả mẹ. Còn câu thứ hai là: “Dân khả sử vi chi, bất khả sử tri chỉ” nghĩa là người dân chỉ sai khiến họ làm, còn không sai khiến họ học được, ý nói chỉ có người quân tử mới dạy bảo cho biết được. Trong điều kiện cách đây 2.500 năm ta cũng nên thông cảm với Khổng Tử.
Trong lễ giáo phong kiến, người phụ nữ Trung Quốc phải bó chân, chỉ ở trong nhà thì đúng là “nan hóa” thật. Anh Ba nghe nhưng không nói gì. Tôi nói tiếp ngay điều kiện bị trói buộc của thuyết duy tâm, duy thần, thế mà khi học trò của Khổng Tử hỏi về thờ thần linh, lần thứ nhất ông trả lời: “Vị năng sự nhân, yên năng sự quỉ”. (Thờ người chưa xong, làm sao thờ được quỉ thần). Lần thứ hai ông trả lời: “Kính nhi viễn chi” (Kính nhưng nên xa quỉ thần). Đó là tư tưởng của Khổng Tử có tiến bộ. Anh Ba đồng ý với tôi. Tôi phân tích thêm triết học của Khổng Tử ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam, nhất là điều nhân nghĩa. Chính do triết học phương Đông nổi tiếng ấy nên Nguyễn Trãi lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, đã phá tan quân Minh, giúp Lê Lợi dựng nên nghiệp lớn. Còn cuộc chiến tranh Mỹ và Việt Nam, sau ta giải phóng miền Nam không có tắm máu như kẻ thù rêu rao, là ta kế thừa điều nhân nghĩa truyền thống của dân tộc, đã làm cho việc thống nhất đất nước, được nhanh chóng và ổn định. Tôi nói thêm: “Anh Ba được cả thế giới và trong nước ca ngợi là nhà chính trị, nhà quân sự và là nhà hiền triết, mới kế thừa sự nghiệp Bác Hồ giao cho thành công”.
Tôi thấy anh vui lên, không có phản ứng gì, vì tôi còn e rằng anh còn thành kiến với triết học của Khổng Tử. Nhân đó tôi nói luôn: “Khổng Tử nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (nếu ta không muốn, ắt người chẳng ưa, không bắt người khác làm điều mình không muốn). Đó là lời nói khuyên nhủ cho dân trí còn thấp. Khi dân trí cao mới có thể làm được “Mình vì nọi người, mọi người vì mình”. Anh Ba không nói gì thêm. Từ những buổi đàm đạo về Khổng Tử với anh Ba, tôi theo rõi thấy anh Ba không phê phán Khổng Tử nữa và cũng không nhắc đến văn hóa ta cao hơn Trung Quốc.
Năm 1979, khi khởi sự bàn bạc việc khoán sản phẩm trong nông nghiệp với anh Bùi Quang Tạo, Bí thư Thành uỷ, chúng tôi bàn nhau kỳ này làm phải có kết quả để giải quyết vấn đề lương thực cho toàn quốc. Cần phải khẩn trương và thận trọng, tránh thất bại. Chúng tôi bàn nhau phải thuyết phục được 3 đồng chí chủ chốt trong Bộ Chính trị mới có thể thành công. Trước hết là anh Ba, anh Trường Chinh, anh Phạm Văn Đồng. Anh Tạo nói với tôi: Khó nhất là anh Trường Chinh, vì anh Trường Chinh đã phê bình nghiêm khắc tỉnh Vĩnh Phúc, và cũng đã phê bình anh Tạo ở Quốc hội. Tôi nói với anh Tạo: tôi sẽ chịu trách nhiệm báo cáo với cả 3 anh. Anh Tạo bảo nếu được như thế thì tốt và bảo tôi: “Anh thân với anh Ba, anh nên nói với anh Ba trước”.
Mấy hôm sau, tôi lên Hà Nội, xin gặp anh Ba. Anh Ba rất vui vẻ tiếp tôi. Tôi trình bày với anh 3 giờ liền toàn cảnh kinh tế Hải Phòng và cả nước, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp sa sút, nhân dân bị đói lúa chín không gặt, đi buôn bán, mò cua bắt ốc kiếm ăn. Cán bộ công nhân viên chức Hải Phòng là khu vực phi nông nghiệp, có tháng thiếu lương thực hàng tuần, nhân dân kêu ca, ta táan… Cung cách quản lý hợp tác xã thì rong công, phóng điểm, tham nhũng. Nông dân đặt ca dao, hò vè phê phán lãnh đạo hợp tác xã như: Mỗi người làm việc bằng hai, để cho chủ nhiệm mua đài mua xe; mỗi người làm việc bằng ba, để cho chủ nhiệm làm nhà xây sân; trâu xanh ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà v.v… Nghe xong anh Ba đứng dậy nói: “Tôi đồng ý. Làm ngay, làm ngay, không phải hỏi ai nữa…”, rồi anh phân tích cho tôi nghe về quản lý kinh tế. Mình từ sản xuất nhỏ đi lên, phải biết cách làm cho hiệu quả. Cứ áp đặt cách làm của người ta vào nước mình thì khó thành công lắm! Giáo điều là rất nguy hiểm. Tôi mừng quá, xin phép anh ra về, anh còn dặn: “Về bàn với cấp uỷ làm ngay, tôi sẽ xuống xem…” Tôi về báo cáo với anh Tạo. Anh Tạo vẫn chưa vui, tỏ vẻ vẫn lo lắng. Anh nói chỗ anh Trường Chinh, nếu phản đối là khó đấy. Tôi nói: “Tôi hiểu… nhưng được anh Ba đồng ý, ta cứ đem ra Ban Thường vụ và Thành uỷ bàn. Tôi sẽ báo cáo anh Trường Chinh xem ra sao. Chắc anh Trường Chinh cũng thấy rõ tình hình nông nghiệp, sau 15 năm sự việc ở Vĩnh Phúc, tư duy của anh Trường Chinh chắc cũng có sự thay đổi…”.
Ý kiến anh Ba đã giúp chúng tôi thêm quyết tâm thay đổi cách quản lý trong nông nghiệp. Anh đã chỉ đạo Ban Bí thư, mặc dù còn nhiều trở ngại, nhưng tháng 1-1981 anh Lê Thanh Nghị, Thường trực Ban Bí thư đã ký chỉ thị số 100 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp đến nhóm lao động và xã viên lao động (thực chất là khoán hộ), mở đầu kỷ nguyên mới trong quản lý kinh tế, không những trong sản xuất nông nghiệp mà cả trong các lĩnh vực khác, đánh dấu bước đột phá cho thời kỳ đổi mới của Hải Phòng và cả nước.
Sau vụ lúa khoán đầu tiên, tháng 10-1980, anh Ba xuống tận hợp tác xã ở Hải Phòng xem kết quả. Anh đến hợp tác xã Trường Thành, Trường Sơn, các cánh đồng của Thủy Nguyên, An Lão, Kiến Thuỵ… Anh rất vui, động viên mọi người làm ra thóc gạo đủ ăn, và còn để xuất khẩu nữa…
Mỗi lần anh về thăm Hải Phòng, tôi có dịp làm việc với anh, càng thấy anh lúc nào cũng suy nghĩ để tìm ra giải pháp phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt anh chú ý nghiên cứu lý luận. Trong 2 năm tôi học tập lý luận ở trường Nguyễn Ái Quốc (khóa năm 1969-1971), những ngày anh làm việc ở Hà Nội, chiều thứ bảy hàng tuần, anh thường xuống Trường gặp giáo viên, học sinh trao đổi thảo luận.
Anh nêu những ý kiến mới ra để mọi người tham gia ý kiến. Tôi đã quen với cách làm của anh, nên trong những buổi làm việc xong ở Hải Phòng, tôi thường đem những vấn đề lý luận ra hỏi anh. Có lần tôi hỏi anh: Sao lại đặt vấn đề “Làm chủ tập thể” mà không đặt vấn đề “dân chủ”? Anh phân tích cho tôi nghe hàng giờ. Anh nói: “Dân chủ tập thể” nó thay cho “chuyên chính vô sản”. Nay đất nước đã độc lập thống nhất, phải làm cho mọi người được làm chủ đất nước, làm chủ ở từng xã, từng phường, đơn vị sản xuất, đơn vị công tác v.v… Nếu cứ nêu khẩu hiệu “chuyên chính vô sản” thì khi mình cầm quyền, ta chuyên chính với giai cấp phi vô sản, gây ra xích mích dân tộc suốt thời kỳ nọ sang thời kỳ kia. Khi xưa giai cấp tư sản chuyên chính với vô sản, nay họ mất quyền lại tìm cách chống chúng ta, phục hồi lại chuyên chính tư sản, cứ thế mãi… Ta phải biết giai cấp công nhân lãnh đạo để giải phóng dân tộc, giải phóng cho mọi giai cấp, mọi tầng lớp, làm cho mọi người được làm chủ đất nước, làm chủ xã hội… Như vậy tầm cao, tầm nhìn của giai cấp công nhân hơn hẳn quá khứ. Nên không cần nêu “chuyên chính vô sản” làm gì. Vấn đề này có ý nghĩa đoàn kết trong nội bộ Đảng, trong toàn dân. Đưa vấn đề “làm chủ tập thể”, những đồng chí muốn duy trì khẩu hiệu “chuyên chính vô sản” cũng dễ chấp nhận, tạo ra sự nhất trí cao. Còn dân chủ cho mọi người sẽ thực hiện từng bước, nó thuận với mọi người, đã được làm chủ tập thể rồi thì dân chủ cho mọi người là điều tất yếu phải đến. Anh nói đi nói lại rất say sưa như một cuộc giảng bài được học trò chú ý lắng nghe. Tôi cũng thấy phấn khởi về cách lập luận và lý giải của anh. Tôi thấy trong tư duy của anh đã chứa đựng nội dung dân chủ rất sâu sắc và tế nhị.
Trong các buổi đưa anh đi thăm cơ sở, anh kể lại cho tôi nghe những cuộc vận động nhân dân làm cách mạng. Cùng ở, cùng làm, cùng sống với dân, tôi cảm thấy lúc nào anh cũng đang sống trong lòng dân. Như câu chuyện mua gia cầm, mua thịt lợn nghĩa vụ… Tem phiếu phát cho dân, nhưng không có hàng bán, con phe tem phiếu cấu kết với mậu dịch viên xấu tuồn hàng ra ngoài, tôi kể cho anh nghe, và đưa anh đi xem thực tế ở các cửa hàng. Xem xong anh bảo tôi phải tìm cách quản lý khác. Tôi đề nghị bỏ nghĩa vụ của nông dân phải bán gia cầm, thịt lợn cho nhà nước; bỏ tem phiếu… Anh đều nhất trí rất nhanh. Anh nêu những vấn đề phải giải quyết đời sống cho cán bộ công nhân viên chức, trước hết là nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành với việc nâng lương, rất nhiều ý kiến phong phú.
Riêng vấn đề giá, anh có nhiều ý kiến khác tôi. Nhưng qua nhiều lần trao đổi, anh nhấn mạnh giá trị sử dụng của hàng hóa, còn tôi nhấn mạnh đến qui luật cung cầu, sản xuất ra hàng hóa phải tiêu thụ được, nghĩa là chất lượng và giá cả phù hợp với túi tiền của nhân dân. Cuối cùng anh chấp nhận. Vì giá trị sử dụng cũng nhằm phục vụ người tiêu dùng, nhưng chỉ một mặt thôi thì lấy gì để tái sản xuất mở rộng xã hội chủ nghĩa, nên phải chú ý cả cung lẫn cầu. Anh đồng ý. Như vậy anh đã chấp nhận kinh tế thị trường với quy luật cung cầu.
Anh rất quan tâm đến phát triển công nghiệp, đặc biệt là ngành luyện kim và cơ khí. Anh luôn luôn coi ngành cơ khí là then chốt, là xương sống của nền kinh tế. Nên trong tiểu luận “Dưới lá cờ vẻ vang” anh đặc biệt nêu vai trò của ngành cơ khí. Tôi rất đồng tình với anh cách đặt vấn đề của một nước đang phát triển. Nhưng lấy tiền đâu ra để xây dựng ngành công nghiệp? Anh mới có hướng chung về tích lũy XHCN, còn biện pháp vẫn hạn hẹp. Tôi nêu nhiều ý kiến đề xuất với anh, nói chung anh nhất trí, duy chỉ có vấn đề xuất khẩu sắt thép phế liệu để tích lũy, là anh gạt đi ngay một cách kiên quyết, mặc dù lúc đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cho Hải Phòng xuất chuyến đầu tiên 2 vạn tấn sắt thép phế liệu.
Tôi phải lấy thực tế để thuyết phục anh. Trong các chuyến thăm cảng, thăm các đống sắt thép phế liệu, ca nô, sa-lan giải bản, để dọc bờ sông Cấm, từ bến Bính đến Quán Toan, tôi đưa anh đi xem. Đống sa-lan hỏng chất như đống núi con bên vụng Quynh bờ sông Cấm. Tôi cho dừng xe, dùng một cây gậy nhỏ, đập vào thành sa-lan và đống sắt thép phế phẩm, chúng bị oxy hóa gẫy tả tơi, thủng từng lỗ lớn Anh Ba đứng nhìn và suy nghĩ. Lúc ấy tôi mới nói: “Thép phế liệu lò luyện kim trong nước dùng rất ít, cứ để sau 6 tháng là oxy hóa mất 50%, vì nó là loại phế phẩm để ngoài trời, lại bên dòng sông nước mặn”. Anh Ba hỏi tôi làm thế nào để bảo quản được, để dùng cho luyện kim lâu dài? Tôi báo cáo anh là không có kho nào chứa hết được… Tôi tiếp tục đưa anh đi xem một số nơi khác. Đến trưa nghỉ ăn cơm, anh hỏi tôi còn cách nào bảo quản được không? Tôi báo cáo anh chỉ còn cách xuất khẩu lấy đô la, hoặc mua vàng gửi vào ngân hàng lấy lãi là có hiệu quả hơn cả. Khi cần tái nhập ta có ngoại tệ mạnh, nhập sắt thép phế liệu cho luyện kim. Hải Phòng đã thành lập công ty phá dỡ tàu hỏng xuất khẩu, bằng cách mua tàu nước ngoài đem về sông Bạch Đằng phá lấy sắt thép, và các loại vật liệu còn tốt ở trên tàu để xuất khẩu, hoặc bán trong nước lãi rất khá. Anh bảo tôi đưa đi xem. Tôi đưa anh đến cảng Cửa Cấm, nơi công ty đang phá dỡ các loại tàu, sà-lan nhỏ giải bản, ra Đình Vũ xem công nhân đang phá dỡ một con tàu mua của Bun-ga-ri, trọng tải 6.000 tấn, công nhân phá dỡ đang vận chuyển từng tấm thép lớn vào bờ… Anh đồng ý ngay cách làm này. Từ đó cả nước cùng xuất sắt thép phế liệu. Đến khi tôi nghỉ Bộ trưởng Bộ kinh tế đối ngoại, toàn quốc đã xuất được hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu, thu về hàng trăm triệu $US.
Trong các lần đi xem quai đê lấn biển ở đường 14 Đồ Sơn, đi xem đường xuyên đảo… anh hay hỏi tôi về nước Nhật.
Năm 1978, tôi sang thăm Nhật Bản, tôi đã gửi cho anh một bản báo cáo về đất nước Nhật, anh rất tâm đắc cách đánh giá của tôi. Anh luôn luôn nhắc tôi phải học tập kinh nghiệm của Nhật. Anh còn nói khi bình thưởng quan hệ với Mỹ, anh sẽ đi thăm Nhật Bản và Mỹ. Rồi anh kể luôn cho tôi nghe về cách đánh giá của anh về nước Mỹ. Anh kể: Một đồng chí lãnh đạo Bộ Ngoại giao đi Mỹ về báo cáo với anh: cái gì Mỹ cũng xấu, kinh tế, xã hội… đều kém. Anh hỏi lại đồng chí cán bộ Bộ Ngoại giao: “Mỹ yếu thế mà tại sao Liên Xô, Trung Quốc… đều nể Mỹ ? Đồng chí báo cáo thế thì làm sao hợp tác được với Mỹ ?” Rồi anh bảo đồng chí đó về chuẩn bị lại, mai báo cáo tiếp. Hôm sau đồng chí đó báo cáo phù hợp với nhận định đánh giá của anh Ba về Mỹ. Anh nói tiếp: cán bộ ta hay nói để chiều ý kiến lãnh đạo, vì ta thường phê phán cái gì Mỹ cũng xấu cả, anh em sợ mất lập trường phải nói theo. Còn đây là báo cáo với lãnh đạo để chuẩn bị làm ăn với Mỹ mà báo cáo thế thì nguy hiểm quá!
Sau đó anh nói sẽ có kế hoạch thăm Mỹ sau khi hai nước bình thường quan hệ. Anh muốn quan hệ với Mỹ lập lại càng sớm càng tốt. Chính ý nghĩ đó nên khi đồng chí Fidel Castro, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Cuba, mấy lần mời anh sang thăm Cuba, anh chưa đi ngay. Anh đợi sau khi bình thường quan hệ với Mỹ, anh sẽ đi thăm Cuba và thăm Mỹ cùng một chuyến đi. Vừa có ý nghĩa tạo thế cho Cuba, yêu cầu Mỹ bỏ cấm vận với Cuba, vừa tạo ra thế và lực Việt Nam – Cuba hợp tác với Mỹ, thì thuận lợi hơn cho cả hai nước, thay vì việc đi thăm Cuba ngay bây giờ.
Trong những năm cuối đời, đầu thập niên 80, anh xuống Hải Phòng luôn, hoặc tôi lên Hà Nội, đến nhà riêng anh để báo cáo công việc của Hải Phòng. Anh bàn với tôi về nhiều mặt công việc của đất nước. Tôi hết sức suy nghĩ về tư duy của anh. Tư duy ấy rất rõ về xây dựng kinh tế. Tại sao Bộ Chính trị không có tiếng nói chung với anh? Do Bộ Chính trị không hiểu ý anh, trình độ “bất cập” hay do tính bảo thủ quá nặng, không dám chống anh, nhưng vẫn luôn luôn làm trái ý tưởng của anh? Qua một câu dặn dò của đồng chí Đậu Ngọc Xuân, trợ lý lâu năm của anh Ba nói với tôi: “Anh Ba nói gì với anh, chỉ nên ghi nhớ, nếu làm theo ý kiến anh Ba là trên này “bẻ ghi” ngay đấy”… Tôi hiểu ý anh Đậu Ngọc Xuân, nên tôi thực hiện ý anh Ba có sự lựa chọn và làm rất tích cực và nhanh, đến khi trên Trung ương có phản ứng thì đã thành hiện thực, có hiệu quả rồi, “bẻ ghi” cũng không kịp nữa.
Một hôm tôi đưa anh đi xem nhà máy đóng tàu Phà Rừng, do Phần Lan giúp ta xây dựng. Khi đến thăm nhà máy, đồng chí phiên dịch tiếng Anh chưa đến, đồng chí giám đốc nhà máy dịch cho anh Ba, nói chuyện với chuyên gia Phần Lan. Khi anh Ba nói đến khai thác nguồn nguyên liệu hải sản, đề nghị Phần Lan giúp đỡ đóng các loại tàu đánh cá ra biển xa, đồng chí giám đốc báo cáo với anh Ba: “Tôi không đủ từ tiếng Anh để dịch câu này, đề nghị anh Thành dịch giúp”. Tôi bị động phải dịch, tuy không hay, nhưng cũng suôn sẻ.
Khi về qua phà Bính, anh bảo cứ để nhân dân cùng đi chuyến phà dành riêng cho đoàn xe của anh. Anh rất vui, thăm hỏi mọi người dân trên phà thân mật, chan hòa. Mọi người cùng xúm lại chào và xem Tổng Bí thư, bày tỏ lòng quý mến kính trọng.
Trưa ăn cơm ở nhà số 2 Bến Bính, nhà khách thành phố, anh hỏi tôi học tiếng Anh từ lúc nào. Tôi báo cáo với anh, tôi học từ lúc 41 tuổi, tự học là chính. Anh bảo tôi anh chỉ đọc được tiếng Pháp, còn tiếng Anh chỉ biết mấy câu chào hỏi thôi. Rồi anh nói: “Bộ Capital (tư bản) của Marx, tôi đọc bằng tiếng Pháp ở Côn Đảo đấy! Biết được tiếng nước ngoài là rất tốt, hiểu được người ta nói, dễ thông cảm và hợp tác mới tốt…”.
Anh biết tôi cũng tù ở Côn Đảo, anh hay kể chuyện đấu tranh trong nhà tù cho tôi nghe, kể chuyện âm mưu của kẻ thù đối với người cách mạng khi bị chúng bắt. Anh nói: Thời anh ở tù còn dễ chịu hơn thời chúng tôi, tra tấn ít hơn, đối xử cũng khá hơn, sách báo gửi đến Côn Đảo tự do, nhất là báo Pháp, kể cả báo của Đảng cộng sản Pháp chúng cũng không cấm. Viết thư thoải mái. Còn thời chúng tôi thư viết giấy rộng, giấy hẹp cũng chỉ được 15 dòng. Trước đó chúng chỉ phát một cái “các” do chúng in sẵn, mỗi tháng được gửi về nhà một lần, người tù chỉ gạch những chữ không thích hợp, thí dụ: “Sức khoẻ: có hoặc không”. người tù gạch đi chữ “có” hoặc “không” theo ý mình. Đi lại, khám xét, phải cởi hết quần áo. Thời các anh, đi lại Khám nọ sang Khám kia được tự do. Gửi tiếp tế thoải mái, còn chúng tôi, chúng chỉ cho gửi 3 loại: đường, sữa, kẹo bánh. Tiền không được nhận tiền mặt, mua gì chúng mua cho theo quy định: đường, sữa, bánh kẹo giá rất đắt, nên không ai gửi tiền. Tù nhân gửi thư về gia đình chỉ bảo mua sữa và đường đưa vào ăn chung tất cả. Thực hiện chủ nghĩa cộng sản”. Anh còn bảo: “Thời các đồng chí gian khổ hơn chúng tôi…”.
Anh thường phân tích năng lực, sở trường cán bộ chủ chốt cho tôi nghe, nhất là từng Uỷ viên Bộ Chính trị đương thời. Anh khiêm tốn nói: “Mình có bao giờ dám nghĩ thay Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc tài ba lỗi lạc như thế,… ai dám nghĩ tới… Nên mình phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ để thực hiện sự nghiệp Bác để lại”. Mỗi khi kể đến Bác, thái độ, lời nói của anh bao giờ cũng rất tôn kính. Một vài lần anh nói: “Tài ba như Bác Hồ, nhưng giáo dục đảng viên quần chúng thi đua, chỉ động viên tinh thần. Như thế chưa đủ, nhất là nay đã hòa bình trở lại, cần chú ý đến khen thưởng vật chất thì phong trào mới bền…”.
Anh đặc biệt chú ý đến đoàn kết trong Đảng, tránh mọi phe nọ cánh kia, giữa các miền, địa phương trong nước. Anh rất nghiêm khắc với những thái độ kỳ thị nơi này, nơi khác… Anh kể cho tôi nghe câu chuyện sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một đoàn cán bộ phụ nữ miền Nam ra thăm miền Bắc, đi thực tế ở cơ sở, đến một số nơi dân còn nghèo quá, nên tiếp đãi không được chu đáo Khi đoàn về Hà Nội, có mấy chị báo cáo với anh là miền Bắc keo kiệt quá! Đến nhà đồng bào, họ không dám mời một bữa cơm v.v… Anh đứng phắt dậy phê phán: “Các đồng chí phải đi xuống cơ sở học tập lại. Nói thế là phủ nhận công lao to lớn của bà con. Cái quí nhất là con người ta đẻ ra, người ta hy sinh gửi con cháu vào Nam đánh giặc… sao lại bảo người ta keo kiệt? Lúc này còn khó khăn về kinh tế, người ta có thế nào cho ăn thế! Các đồng chí phải đi lại thực tế đi, mất lập trường lắm…” Anh nói lại với tôi rất say sưa: “Đấy, chị em đơn giản thế!”
Đối với tôi, anh dặn dò nhiều điều quí giá. Tôi tâm niệm làm sao thực hiện được ý tưởng của anh để lại. Nhưng thật là khó. Khi chuyển đổi nền kinh tế ta đã làm chắp vá, thiếu một cơ sở lý luận vững chắc để tiến lên chủ nghĩa xã hội, sử dụng kinh tế thị trường làm phương tiện và hợp tác, hội nhập quốc tế để tạo ra nguồn vốn xây dựng chủ nghĩa xã hội… Về cuối đời anh Ba, cũng có nhiều ý kiến khác nhau đánh giá về tư duy kinh tế của anh. Cũng có người cho anh Ba chỉ giỏi chỉ đạo chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Còn về làm kinh tế thì bảo thủ, nóng vội, không thực tế, muốn đốt cháy giai đoạn.
Tôi là lớp hậu sinh, kém anh 22 tuổi, lại được tiếp cận với anh nhiều, từ thập kỷ 70 cho đến ngày anh qua đời. Tôi không dám có những nhận xét gì lớn về anh. Chỉ qua sự làm việc, và được anh chỉ bảo tận tình, tôi tiếp thu được cái gì thì nói cái đó. Theo chủ quan của tôi, anh Ba, đồng chí Tổng Bí thư của Đảng là người không chỉ giỏi về chỉ đạo chiến tranh, đánh thắng đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, xứng đáng với sự tin cậy của Bác Hồ và toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Về kinh tế, với sự hạn hẹp về thời gian nghiên cứu, học tập, tuổi lại cao, mà còn minh mẫn đến thế, tư duy kinh tế của anh vẫn liên tục đổi mới, tự mình làm phong phú cho kiến thức của mình, tiếp cận với hiện đại. Theo thiển nghĩ của tôi, nếu chúng ta có một đội ngũ cán bộ có lý luận và thực tiễn, bắt kịp những suy nghĩ và thực hiện tư tưởng chiến lược chỉ đạo kinh tế sau ngày thống nhất đất nước của anh, tạo cơ sở vật chất cho anh sáng tạo, thì đầu “ông 500 nến” sẽ tỏa sáng hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Do đó nước ta sẽ có bước tiến nhanh hơn, và trong một số anh chị em chúng ta sẽ được xóa bỏ những mặc cảm về anh trong giai đoạn cuối đời của anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét