Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

VÁN BÀI SẤP, NGỬA TẠI NAY PYI TAW

Ván bài sấp, ngửa tại Nay Pyi Taw


TTCT -Nhìn lại bối cảnh các “ông lớn” đang “húc nhau” ngay trong “ao nhà” của ASEAN là biển Đông, có thể cho rằng khuyến cáo “giải quyết một cách hòa bình” ấy thật đầy khôn ngoan. Thế nhưng... 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trao đổi với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc gặp riêng ở Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN tại Nay Pyi Taw ngày 9-8 - Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh trên biển Đông vừa tạm ngưng các biểu hiện xung đột trực diện, thay vào đó là đợt “nam tiến” bởi đoàn tàu cá của Trung Quốc, làm sao giảm và ngăn ngừa được căng thẳng là ưu tiên bức bách ở Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN (AMM) và Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) vừa kết thúc. 

Tất nhiên, trên bề nổi vẫn là ngoại giao.

Như diễn văn khai mạc của Tổng thống nước chủ nhà Myanmar Thein Sein: “(Trong 47 năm qua)... Sự vắng mặt của chiến tranh và xung đột đã trở thành một biểu tượng của ASEAN. Thông qua môi trường hòa bình này, các nước thành viên ASEAN đã có thể mang lại phát triển kinh tế và phúc lợi cho đại đa số người dân... ASEAN hiện là một thị trường của 609 triệu người với 2.500 tỉ USD GDP... ASEAN sẽ sớm trở thành một cộng đồng đúng với phương châm: Một tầm nhìn, một bản sắc và một cộng đồng”.

Điều gì đang đe dọa ASEAN?

Trong thực tế xung đột lợi ích quốc gia hiện nay, quốc gia càng lớn càng tự cho phép phóng đại các lợi ích cốt lõi của mình, đồng thời càng khăng khăng những lợi ích cốt lõi đó là “bất khả tranh cãi”, khiến các nước nhỏ phải rơi vào tình thế “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, có muốn liên kết hay không liên kết cũng bị lấn ép!

Thế nhưng bên dưới bề nổi hào hứng đón Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015, còn có những nhỏ to đầy lo lắng giữa các quan chức ASEAN.

Bất cứ ai không sinh sống trong khu vực ASEAN và không theo dõi thời sự các nước thành viên ắt hẳn sẽ không khỏi thắc mắc “Họ lo ngại cái gì nhỉ?” khi nghe ông Thein Sein nói về tình hình ASEAN như sau:

“Các diễn biến hiện nay trên thế giới đang khiến chúng ta lo ngại nghiêm trọng. ASEAN cần thúc đẩy chính sách không liên kết của mình, tính năng động chuyên nghiệp hầu có thể giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp và dị biệt... Trong (quá trình) tái cơ cấu các khuôn khổ chính trị và an ninh khu vực mới trong khu vực chúng ta, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Đông Nam Á sẽ vẫn là tài liệu cơ bản cho nỗ lực tương lai của chúng ta”.

Nhìn lại bối cảnh các “ông lớn” đang “húc nhau” ngay trong “ao nhà” của ASEAN là biển Đông, có thể cho rằng khuyến cáo “giải quyết một cách hòa bình” ấy thật đầy khôn ngoan. Thế nhưng thực tế lại cho câu trả lời khác.

Khái niệm “không liên kết” của thời kỳ chiến tranh lạnh phân cực thành hai khối dựa trên hai ý thức hệ đối cực liệu có còn nguyên giá trị nữa không, khi những đối đầu hiện tại không còn là những đối đầu ý thức hệ mà đơn thuần vì xung đột “lợi ích cốt lõi” giữa các quốc gia?

Và trong thực tế xung đột lợi ích quốc gia hiện nay, quốc gia càng lớn càng tự cho phép phóng đại các lợi ích cốt lõi của mình, đồng thời càng khăng khăng những lợi ích cốt lõi đó là “bất khả tranh cãi”, khiến các nước nhỏ phải rơi vào tình thế “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, có muốn liên kết hay không liên kết cũng bị lấn ép! 

Tiếng nói chung?

Trong tinh thần “trung lập” được phát pháo ngay từ phút khai mạc đó, điều duy nhất mà các ngoại trưởng ASEAN có thể nhất trí với nhau là “nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông”, cho dù nhấn mạnh một cách chung chung như trước giờ và “bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây” mà không nêu cụ thể điều gì đã xảy ra, “ai” đã làm những gì. 

Các ngoại trưởng cũng đã chỉ “yêu cầu các bên nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, không để tái diễn những hành động phức tạp”, đồng thời trở lại với điệp khúc cố hữu là “yêu cầu các bên cần thúc đẩy các biện pháp nhằm bảo đảm việc thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC), tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982”, song không nói rõ bên nào đã không thực hiện DOC và trì hoãn COC, không chấp hành UNCLOS.

Cuối cùng, các ngoại trưởng cũng đã nhắc lại yêu cầu lẽ ra đang rất bức xúc là đề nghị các bên “giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực” mà không nêu rõ có ai đã cố tình dùng vũ lực mà chưa có cơ hội hay không...

Sau hội nghị, sáng thứ hai 11-8 Hoàn Cầu Thời Báo hí hửng nhận xét: “Không có đề cập cụ thể đến Trung Quốc trong tuyên bố. Thông cáo chung của các ngoại trưởng ASEAN công bố hôm chủ nhật đã bị trì hoãn do lẽ các thành viên cãi nhau về từ ngữ trong đoạn nói về biển Đông”.

Chính thái độ hớn hở vì “thoát nạn” này cho thấy Trung Quốc ý thức rất rõ nguy cơ bị điểm mặt là kẻ gây rối và rằng gây rối như thế là sai trái.
Thật ra, không lạ lùng gì thái độ “đứng giữa” đó của ASEAN. Nguyên tắc của ASEAN là đồng thuận. Thế nhưng ASEAN gồm đến 10 nước, và mỗi nước đều có những quan hệ đối ngoại và lợi ích riêng của mình. Lợi ích riêng khác nhau thì nhiều, trong khi lợi ích chung rất ít.

Thế cho nên dù thông cáo chung gồm đến 160 điều khoản nhất trí lập trường về đủ vấn đề, từ Cộng đồng kinh tế ASEAN đến tình hình Triều Tiên (điều 156), Ukraine (đ.157), vụ chuyến bay MH17 (đ.158), Trung Đông (đ.159), Syria (đ.160)..., song các ngoại trưởng không đồng thuận được về vấn đề biển Đông.

Dẫu sao vẫn còn hơn ở Phnom Penh năm nào, một tuần sau phải nhờ ngoại trưởng Indonesia ra sức ngoại giao con thoi mới phát đi được một thông cáo chung! 

Càng đồng thuận chung chung, càng không nhất trí định nghĩa được thế nào là “hành động khiêu khích”. Tuy không là một bên trong cuộc, song Bộ trưởng Ngoại giao Singapore K. Shanmugam cũng phải nhận xét rất thực tế rằng: “Tôi nghĩ rất khó để nói về điều này trống không” (như thế)!

Ngay cả với “kế hoạch ba bước” của Philippines, đề xuất duy nhất được đưa ra trong thời điểm nóng bỏng này nhằm làm giảm căng thẳng, trong đó có bước “đóng băng mọi hoạt động gây tranh cãi”, các ngoại trưởng ASEAN cũng đã không đồng thuận được với nhau trong định nghĩa hành động nào là “gây tranh cãi”!

Như Ngoại trưởng Singapore Shanmugam đã phản biện: “Rất khó đóng băng mọi hoạt động. Câu hỏi đặt ra là: Các hoạt động nào là gây tranh cãi? Làm sao xác định được thế nào là tranh chấp và không thể tranh cãi”. 

Nỗi niềm Myanmar!

Thật ra, có thể hiểu được thái độ “không liên kết” của Tổng thống Thein Sein. Đất nước ông cũng “răng kề răng” với Trung Quốc, nên ông phải chọn lựa an ninh tổ quốc của mình. Cuối tháng 6, tức khoảng một tháng rưỡi trước hội nghị ASEAN, ông “có việc” phải sang Trung Quốc. Ba tuần sau, hôm

20-7, tức ba tháng sau khi hết hạn bản ghi nhớ dự án xây dựng tuyến đường sắt Côn Minh - Kyaukpyu ký năm 2011, Bộ Đường sắt Myanmar cho báo chí biết dự án này ngưng lại do dân chúng phản đối.

Dân Myanmar có phản đối cũng dễ hiểu: xây đường sắt khổ lớn dài đến 1.215km phục vụ lợi ích Côn Minh vốn bị kẹt sâu trong tỉnh Vân Nam chạy ra cảng Kyaukpyu là chính, chứ phục vụ Myanmar là phụ. 

Cho dù có cố tránh không nhắc đây là lối ra biển cho Trung Quốc, song WantChinaTimes của Đài Loan ngày 23-7 cũng đã phải giải thích lợi ích chiến lược này như sau: “Tuyến đường sắt này có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc như là một giải pháp thay thế cho eo biển Malacca trên đường đi sang Trung Đông”.

Hàng hóa của nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới nay tha hồ rút ngắn thời gian ra đến Ấn Độ Dương bất quá trong nửa ngày trên xe lửa tốc hành.

Dân chúng Myanmar càng phản ứng hơn nữa do 20 tỉ USD vốn đầu tư là của Trung Quốc, đổi lại Trung Quốc toàn quyền quản lý vận hành trong 50 năm, coi như người Myanmar chỉ có nước đứng ngó thiên hạ làm chủ cái “xương sống” của đất nước mình.

Trước nguy cơ quá rõ này, ông Thein Sein có phải hô hào không liên kết để có thể bắt được con tôm “hủy dự án” cũng là chuyện đáng thông cảm. 

Bắc Kinh và Washington cụ thể hơn

Trong khi đó, với sự lạc quan cố hữu như từng thấy trong các hồ sơ Syria rồi Trung Đông nay đang bể nát, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hào hứng thuật lại trong buổi họp báo tối chủ nhật 10-8:

“Chúng tôi đã cố gắng đặt một cái gì đó lên bàn để mọi người có thể nắm lấy... Đó sẽ là một loạt bước tự nguyện tiềm năng. Một số quốc gia đã quyết định rằng đó sẽ là những gì họ sẽ làm. Đó là một quá trình tự nguyện... Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ nhìn thấy một số tiến bộ liên quan đến biển Đông, dựa trên các cuộc đàm thoại mà chúng tôi đã có ở đây”.

Tự nguyện tìm đến hòa bình, đó là niềm tin cố hữu của Ngoại trưởng Kerry dựa trên sự tự nguyện của các bên trong cuộc. Song nhà báo Anne Gearan của tờ Washington Post lại không tin thế nên mới hỏi ông: “Trung Quốc dường như vẫn dứt khoát không đồng ý với ý niệm trọng tài quốc tế có tính ràng buộc, hoặc Luật biển phải được thực thi... Vậy ngoại trưởng sẽ làm gì tiếp theo?”. 

Số là Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đáp trả đề xuất này của ông Kerry như sau: “Trung Quốc sẵn sàng lắng nghe lời đề nghị có ý tốt từ tất cả các bên về vấn đề biển Đông, song đề nghị đó phải khách quan, vô tư và xây dựng.

Mỹ đang thúc đẩy một thỏa thuận có nguy cơ tiếp tục thiêu đốt quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng Đông Nam Á, sau nhiều cuộc chạm trán căng thẳng tranh chấp trên biển Đông trong năm nay, bao gồm cả tranh chấp về việc triển khai một giàn khoan dầu của Trung Quốc dẫn đến cuộc bạo loạn chống Trung Quốc ở Việt Nam.

Philippines cũng đã kêu gọi đóng băng như một phần của một kế hoạch ba bước để giảm bớt căng thẳng ở vùng biển giàu tài nguyên”. 

Ông Vương Nghị, người đã ký kết DOC năm 2002 tại Phnom Penh trong tư cách thứ trưởng đặc phái viên và đã hiểu giá trị thực sự bằng không của ký kết đó, nên đã thản nhiên bác bỏ đề xuất tránh cho tình hình leo thang của Mỹ và cho rằng “không cần thiết, do lẽ DOC đã có quy định rõ ràng về vấn đề này rồi”.

Theo ông, đề xuất của Mỹ sẽ dẫn đến những “tiêu chuẩn kép” (tức ai làm gì cũng không sao, còn Trung Quốc làm thì bị huýt còi) chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện DOC, tham vấn về COC.

Ông Vương Nghị cho biết trong một cuộc họp riêng hôm thứ bảy 9-8, ông ta cũng nhấn mạnh với ông Kerry rằng tình hình chung ở biển Đông là ổn định (!) và không có vấn đề gì với tự do hàng hải.

DANH ĐỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét