Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Loc: XÓM ĐẠO QUÊ TÔI

Tôi ít quan tâm tới Giáng sinh cho tới khi bé bi nhà tôi ra đời dù sống ngay trong vùng đông giáo dân bậc nhất Việt Nam. Giáng sinh trong tôi là những lời kể mơ hồ của bà nội hay mẹ tôi về lễ Noel của những người theo đạo. Là những bài hát vang trong giáo đường suốt mấy ngày đêm. Là những sắc màu xanh đỏ tím vàng của cờ đuôi nheo treo tới tận tháp chuông nhà thờ.

Để tôi kể lan man cho các anh chị em nghe về xóm Đạo quê tôi.

Ninh Bình từng là kinh đô của Thiên Chúa Giáo một thời với vùng đất Phát Diệm lừng lẫy uy danh cha Lê, người mà tầm vóc ảnh hưởng lớn tới mức chính quyền Sài Gòn phải tính tới sau cú di cư nổi tiếng của hai triệu đồng bào vào Nam. Có lẽ bởi địa thế ven biển lại xa kinh thành Huế nên tôn giáo thâm nhập vào đây cùng với mấy tỉnh Thái Bình, Nam Định và khu 4 cũ.

Thời Tự Đức đàn áp tôn giáo, đã có nhiều vụ thanh trừng khốc liệt. Lính triều đình về từng làng lùng sục để xử tử những người truyền giáo và đám môn đệ. Cha tôi kể, cái khu vườn hoang cạnh bờ ao trước cửa nhà tôi ngày xưa từng là nơi hành quyết. Đến tận bây giờ vẫn không có ai dám ở, cứ bỏ hoang cho mấy khóm tre kẽo kẹt mỗi khi gió về. Đêm ra ngoài nhìn sang tối om một khoảng mà rợn mẹ cả da gà.

Khác với dân trong làng, những bạn theo Thiên Chúa đều ở bám đê và không mấy nhà làm ruộng. Nghề của họ là chài lưới, nuôi cá, tôm và chở đò dọc. Người trong làng gọi họ là dân Bè bởi nhiều nhà ở hẳn trên thuyền. Tôi thì gọi đấy là xóm Đạo cho nó sang mồm. Nhẽ bởi vì thoát ra ngoài luỹ tre làng nên họ dễ hấp thụ hơn tôn giáo mới chăng?

Có nhiều người thời ấy đã xin ra khỏi đạo và làm con nuôi của dân trong làng. Thế nhưng nhiều anh em của họ vẫn quyết tâm theo Chúa. Có lẽ chính vì vậy mà sợi dây kết nối máu mủ, ruột rà làm cho hai phía lương, giáo bao năm vẫn chung sống với nhau rất êm ả. Nhẽ đây là xứ hoà thuận nhất mà tôi biết. Bọn giai làng vẫn ra xóm Đạo đong gái đều dù biết nếu cưới ẻm về thì sẽ phải cải đạo. Và đã có vài thằng vì duyên số mà mặc mọi ngăn cấm của gia đình theo ẻm về thờ phụng Chúa.

Tôi cũng chẳng hiểu vì sao có một nhúm trăm hộ dân mà xây hai nhà thờ Chúa gần nhau như nhà thờ họ. Chắc bởi vì trước đây họ cũng là những người theo lương giáo như nhà tôi, nghĩa là thờ tất thảy mọi thứ, từ tín ngưỡng bản địa, thờ cúng ông bà, tổ tiên, các vị thần linh coi sóc nhà cửa, đất đai, những vị thánh có công với đất nước, cho tới tận Ngọc hoàng thượng đế. Nhân tiện thì năng lên chùa xì sụp khấn vái xin đức Phật độ trì.

Trẻ con xóm Đạo thường bỏ học giữa chừng và kết hôn sớm. Chẳng hiểu có phải chính sách phát triển dân số của nhà thờ không nhưng dạo gần đây thấy nhân khẩu tăng phát khiếp và tràn cả vào làng, tràn cả qua làng, chiếm gần hết mặt đường huyện lộ. Bỏn giờ giàu lắm chứ không nhếch nhác giống hồi tôi còn ở quê. Tư duy làm ăn nó vẫn khác tư duy co cụm đám bần nông trong làng.

Tôi nhớ một cô bạn tên Duyên học cùng thời tiểu học. Duyên học giỏi nhất xóm Đạo nên cô giáo cho nó làm lớp phó học tập, chuyên thu, phát bài kiểm tra và vở của mọi người cho cô chấm. Cô quý nó lắm. Tôi cũng thích nó phết, Tết nào cũng xuống nhà chơi như người yêu, hehe. Nó cũng thích tôi vì đã đẹp giai lại còn học giỏi và nhiều tiền như dân chơi Thế rồi loanh quanh đùng phát nó nghỉ học làm tôi hụt hẫng vãi liềm.

Tôi xuống nhà thăm mấy lần nhưng toàn bỏ về vì chị em Duyên bận tiếp các anh giai làng đến chơi. Đèo mẹ, lúc ấy bọn tôi mới học lớp 6.

Tôi mang theo hình ảnh dễ thương của Duyên vào trong những lúc nhớ nhà khi đi Tây (Nguyên) du học. Như kiểu nghệ sĩ nào cũng phải có cho mình một nàng thơ để đỡ tủi thân, hehe. Bẵng đi mấy năm tôi về, nó cưới chồng và đẻ sòn sòn một nhát 4 đứa. Năm trước gặp lại khi nàng đang đi chụp ảnh ở một đám cưới, nàng bảo tôi dạo này đẹp giai quá, biết vậy ngày xưa tán bằng được. Rồi nàng nhoẻn miệng cười lộ hàm răng bốc mả vàng ươm mà tôi giật mình rơi cả đũa. Tổ sư, biết vậy bố thì đéo gặp cho nó còn nhớ nhung viễn mộng ái tình.

Hôm bữa về quê, cái ao trước cửa nhà tôi được xây thành cái hồ để thả rau và nuôi cá nhẹ nhàng chờ Tết tát chia nhau. Còn mảnh vườn kia sẽ được đầu tư để làm nhà văn hoá của xóm thay cho cái nhà văn hoá cũ được cải tạo thành nhà trẻ. Hi vọng rằng Noel năm sau nó sẽ hết hoang vu để những nỗi đau lịch sử chìm dần vào quá khứ. Tôi sẽ không kể cho con tôi nghe về cú hành quyết thưở nào mà chỉ nhắc nó nếu có yêu em nào xóm Đạo thì ráng mà nhanh nhanh giao cấu, đừng để như tôi giờ có nhắm mắt cũng khó làm liều.

Nguồn: Lọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét