Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

CHUYỂN ĐỘNG QUỐC PHÒNG CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG

Chuyển động quốc phòng Châu Á - Thái Bình Dương 


Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Châu Á – Thái Bình Dương vừa qua chứng kiến những chuyển động quân sự đáng chú ý. Theo một báo cáo của IHS Jane’s, Hải quân Trung Quốc (PLAN) đang tiến hành một cuộc tập trận không-hải lớn tại Thái Bình Dương với máy bay và tàu chiến đi ngang qua khu vực phía nam đảo Okinawa của Nhật Bản. Cuộc tập trận này bao gồm những phương tiện vũ khí hiện đại nhất của Hạm đội Đông Hải. 

Đài Loan vừa qua cũng khiến Trung Quốc giận dữ khi tuyên bố sẽ tiếp tục kế hoạch mua 2 khu trục hạm tên lửa lớp Oliver Hazard Perry từ Hoa Kỳ. Dự luật cho phép bán 2 tàu này đã được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua một cách tuyệt đối. Quá trình hiện đại hoá hải quân của Đài Loan có vẻ như đang được đẩy mạnh trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng hành vi gây hấn. Theo kế hoạch, Đài Loan cũng có thể mua tiếp 2 tàu nữa cũng thuộc loại này. Hải quân của hòn đảo này cũng vừa tiến hành thử nghiệm lần đầu tiên tàu chiến tàng hình tự đóng của nước. Theo đánh giá thì đây là “sát thủ tàu sân bay Liêu Ninh”, với tốc độ cao (khoảng 70km/h) cùng khả năng mang theo tên lửa Hùng Phong II hay Hùng Phong III hiện đại nhất của Đài Loan.

Việt Nam cũng có những cập nhật mới. Theo báo chí trong nước thì chiếc máy bay vận tải C295M đầu tiên trong hợp đồng đóng mới 3 chiếc cho Không quân của Airbus đã hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm. Đây được coi là thế hệ máy bay vận tải mới nhất của Không quân Việt Nam, từng bước thay thế loại máy bay An-26 đã phục vụ rất nhiều năm. Hai chiếc còn lại sẽ được chuyển giao hoàn tất trong năm sau. Vào đầu tháng 12, 2 máy bay Su-30MK2 đầu tiên trong hợp đồng 12 máy bay Việt Nam ký với Nga vào năm 2013 đã về tới sân bay Đà Nẵng. Cũng trong cuối tháng 12, Việt Nam sẽ tiếp nhận chiếc tàu ngầm lớp Kilo thứ 3 mang tên Hải Phòng, góp phần gia tăng sức mạnh cho hạm đội tàu ngầm của Hải quân tại Cam Ranh. Dự kiến cả 3 chiến còn lại trong tổng số 6 chiếc đặt mua sẽ được bàn giao dứt điểm trong năm 2016.

Liên quan tới tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Trường Sa, theo Want China Times, tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng của Việt Nam sau khi thăm Philippines đã tiến tới Gạc Ma nơi Trung Quốc đang xây dựng sân bay để theo dõi các hoạt động có liên quan. Theo đó thì một trang mạng của Trung Quốc đã chia sẻ bức hình trong đó cho thấy tàu hộ vệ tên lửa Type 053 đã được triển khai để ngăn chặn và theo dõi tàu Đinh Tiên Hoàng. Sự việc được đánh giá là một lời cảnh báo từ phía Việt Nam tới Trung Quốc trong bối cảnh các hoạt động xây dựng và mở rộng diễn ra dồn dập tại khu vực tranh chấp Trường Sa.

Một sự kiện đáng chú ý khác trong tuần qua là việc Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố đã thử nghiệm thành công vũ khí laser lần đầu tiên. Cuộc thử nghiệm diễn ra vào thứ năm tại vịnh Persia, với việc vũ khí này đã có thể tiêu diệt các mục tiêu trên tàu mặt nước, máy bay không người lái và những mục tiêu di động khác. Theo Chuẩn Đô đốc Mathew Klunder thì đây là lần đầu tiên một loại vũ khí laser được triển khai và hoạt động trên một phương tiện chiến đấu. Thành tựu này mở ra triển vọng cho quá trình đổi mới của ngành công nghiệp quốc phòng, cũng như tạo ra những thách thức mới cho quá trình thiết lập chiến lược và chiến thuật hải quân.

Việc Trung Quốc trong suốt thời gian qua tiến hành nhiều hơn các hành vi gây hấn đã hối thúc các quốc gia xung quanh đẩy mạnh quá trình hiện đại hoá quân đội, đặc biệt là không quân và hải quân. Các quốc gia nhỏ hơn đang cố gắng áp dụng chiến lược bất đối xứng nhằm tối đa hoá thiệt hại mà mình có thể gây ra cho đối phương. Có thể nhận thấy rõ điều đó qua xu hướng mua sắm và hiện đại hoá của Việt Nam, Đài Loan hay Philippines, những nước có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trực tiếp với Trung Quốc. Tuy nhiên, tính hiệu quả trong thực tế của vũ khí khí tài chi dựa trên các số liệu kỹ chiến thuật là chưa đủ. Vì chỉ có thực chiến mới có thể xác định chính xác năng lực thực sự của một lực lượng quân sự. Hiện tại, răn đe là yếu tố chủ đạo trong quá trình hiện đại hoá không-hải của các quốc gia trong khu vực và hầu như chiến lược rõ ràng nhất trong lúc này là áp dụng chống tiếp cận ở quy mô nhỏ nhằm đối phó với các lực lượng của Trung Quốc.

- See more at: 
http://nghiencuuquocte.net/2014/12/16/chuyen-dong-quoc-phong-chau-thai-binh-duong-16122014/#sthash.mwaZFwX2.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét