TPO - Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ diễn ra sáng nay, 28/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu không dỡ cầu Long Biên. Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông Vận tải và TP Hà Nội phải thống nhất phương án làm cầu đường sắt sớm nhất.
Trước đó, khi bàn về dự án đường sắt đô thị số 1, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng than phiền việc thực hiện dự án quá chậm, quá nhiều tranh cãi, hội thảo nhưng chưa kết luận được.
Đồ họa cầu đường sắt xây mới bên cạnh cầu Long Biên. Ảnh: AshuiBộ trưởng Thăng khẳng định, quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là thống nhất theo phướng án Thủ tướng đã chấp thuận là làm cầu mới cách cầu Long Biên 30m. Đây là phương án chi phí ít nhất, giải phóng mặt bằng thấp nhất. Tuy nhiên, Hà Nội lại có phương án khác nên lại xảy ra rắc rối. Bộ trưởng Thăng đề nghị Thủ tướng chủ trì và có quyết định sớm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, khi làm việc với Tổng thống, Thủ tướng Pháp, họ đều muốn Việt Nam giữ lại cầu Long Biên và sẽ góp phần tài trợ.
Thủ tướng khẳng định, quan điểm từ trước tới nay là giữ nguyên cầu Long Biên, còn làm cầu mới chỗ nào tốt nhất, hay nhất thì các bên phải ngồi lại với nhau.
Đối với cầu Long Biên, phải có phương án phục hồi cụ thể, sử dụng theo công năng cho phù hợp. Còn đối với cầu vượt sông phục vụ tuyến đường sắt số 1 cũng phải bàn cho cụ thể, cách 30, 50 hay 200 mét thì Bộ Giao thông Vận tải và Hà Nội ngồi lại tính toán.
Ngay sau khi có thông tin về phương án phá dỡ cầu Long Biên, báo Tiền Phong mở diễn đàn "Cầu Long Biên - Bảo tồn hay xây mới".
Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà quản lý, chuyên gia, bạn đọc. Tất cả đều đưa đến phương án bảo tồn cây cầu Long Biên - minh chứng vô giá của lịch sử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét