Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

HÀ NỘI KHUYẾN KHÍCH NGƯỜI DÂN TỐ CÁO THAM NHŨNG

DLV Lục Bình

Sáng 26-2, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình 09-CTr/TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng(PCTN), thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011 - 2015”. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan báo chí trong công tác PCTN, tạo điều kiện cho người dân cung cấp thông tin, tố cáo tội phạm tham nhũng. 

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình 09, tình hình tham nhũng, lãng phí trên địa bàn TP. Hà Nội trong 3 năm qua vẫn diễn biến phức tạp. Các lĩnh vực, như: đầu tư cơ bản, quản lý đất đai, quản lý ngân sách nhà nước đều phát sinh tham nhũng, tội phạm về tham nhũng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, các đối tượng có chức vụ, quyền hạn tìm mọi sơ hở trong quản lý để phạm tội. 

Trong khi đó công tác giám sát để hạn chế tiêu cực tham nhũng dù đã được TP đặc biệt quan tâm nhưng chất lượng giám sát chưa cao. Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức có chức vụ còn suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, thậm chí có cán bộ, đảng viên lợi dụng vị trí công tác để trục lợi, nhưng chưa được phát hiện và xử lý. Việc quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực đất đai, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ bản, cổ phần hóa doanh nghiệp, quản lý y tế, giáo dục còn nhiều sơ hở. Tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng, sử dụng đất đai, tài sản công, những dự án để đất hoang hóa nhiều năm gây bức xúc chưa được khắc phục… 

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng, Chương trình 09 của Thành ủy không chỉ hướng tới đội ngũ cán bộ, công chức, việc tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, lãng phí mà còn tới thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các trường phổ thông trên địa bàn.

Vì vậy, các cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động rà soát, triển khai các biện pháp phòng ngừa ở những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí; tham mưu, đề xuất hoàn thiện các quy chế về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực quản lý đầu tư, ngân sách, đất đai, quy hoạch, xây dựng, công tác cán bộ… TP sẽ tiếp tục ban hành cơ chế chính sách theo hướng công khai, minh bạch, dễ giám sát góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả. Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử, coi trọng công tác thanh tra công vụ hàng năm. Đặc biệt ông Thảo yêu cầu các sở, ban, ngành TP khi nhận được đơn thư tố giác, phản ánh về tiêu cực, tham nhũng phải vào cuộc khẩn trương, điều tra, xác minh kịp thời, chính xác, khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tạo điều kiện cho người dân giám sát tố cáo tội phạm tham nhũng. 

Ông Thảo nhấn mạnh, thời gian tới Hà Nội cần thực hiện nghiêm thực hành tiết kiệm, không xây dựng trụ sở mới, không mua xe ô tô con, cắt giảm những khoản chi không cần thiết, giảm hội họp, hạn chế đi tham quan, học tập ở nước ngoài, tiết kiệm ngân sách dành đầu tư cho phát triển hạ tầng xã hội...

3 năm xử lý kỷ luật 2.573 đảng viên

Trong 3 năm qua, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội và ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra 247 tổ chức đảng và 946 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, trong đó có 606 trường hợp cấp ủy viên; UBKT các cấp đã kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát 10.004 lượt, tiến hành kiểm tra việc thi hành kỷ luật của 1.294 tổ chức đảng cấp dưới. UBKT các cấp thực hiện công tác giám sát theo chuyên đề đối với 16.272 lượt đảng viên. Cấp ủy và UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 2.573 đảng viên (trong đó nhiều người bị xử lý về hành vi tiêu cực, lợi dụng chức vụ để trục lợi); thi hành kỷ luật đối với 52 tổ chức đảng.

Lục Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét