Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

HIẾN PHÁP MỚI MỞ RỘNG CẢM THỨC TÂM LINH CHO NHÂN DÂN

Hiến pháp mới mở rộng cảm thức tâm linh cho nhân dân

DLV amaritx

Hiến pháp mới đi vào cuộc sống như thế nào là câu hỏi thường trực đối với tất cả mọi người, nhất là đối với những vấn đề khó và nhạy cảm như tôn giáo. Xuất phát từ tư duy như vậy, trao đổi với ĐBQH, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM, TSKH, HÒA THƯỢNG THÍCH CHƠN THIỆN, và Hòa Thượng vừa ung dung tự tại vừa hứng khởi đã vào thẳng câu chuyện thời sự này:

- Thưa Hòa Thượng, Hiến pháp mới đề cập tới vấn đề tôn giáo có điểm mới, đồng thời còn giữ được nguyên tắc cơ bản của một nhà nước XHCN. Thầy bình luận gì về điểm này và có thể trao đổi với bạn đọc Báo ĐBND?

- Điều 24 của Hiến pháp mới ghi rõ:

Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào – Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Khoản 1 và khoản 3 điều 24, giữ nguyên tinh thần của nội dung Điều 1, Pháp lệnh tôn giáo năm 2004. Riêng khoản 2 của Điều 24, Hiến pháp mới, thì nhấn mạnh hơn một bước về chủ trương tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước: Không phải chỉ chấp nhận người công dân có tự do tín ngưỡng một cách hình thức văn bản, hoặc một cách bình thường, mà còn tỏ rõ thái độ chấp nhận tích cực – tôn trọng – và chẳng những chấp nhận mà còn giúp đỡ tôn giáo giữ gìn và phát huy tổ chức, truyền thống tôn giáo của mình – bảo hộ – không để cho tổ chức tôn giáo sa sút, suy yếu. Hiến pháp mới như thế đã xác định rất rõ ràng Hiến pháp và luật pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền sống thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam. Thế là hoàn toàn đầy đủ về quyền tự do này, và thật sự đầy đủ để triển khai thành một đạo luật tôn giáo về sau.

- Tôn giáo – một thuộc tính tự nhiên của con người, một thuộc tính có lẽ là sự ứng xử tự nhiên giữa con người với con người – trong đời sống hiện đại hình như giá trị của nó vẫn chưa có gì thay đổi so với thời sơ khai. Nếu có thay đổi chắc chỉ là hình thức. Vậy thưa Thầy chúng ta cần đề cập tới khả năng tôn giáo nâng đỡ đời sống xã hội, nâng đỡ những người mất niềm tin như quan niệm của Marx và đó chính là đóng góp lớn của tôn giáo với sự vận động của xã hội?

- Vũ trụ từ buổi ban sơ đã chụp phủ xuống cuộc đời với vô số thần bí, với vô vàn sức mạnh thiên nhiên. Con người với thân phận bé bỏng, mỏng manh, hầu như đã có sẵn thiên hướng kính ngưỡng, thần phục các năng lực siêu nhiên, tôn thờ các năng lực siêu nhiên từ ấy. Đấy là điều mà người ta bảo tín ngưỡng, tôn giáo là thuộc tính của con người. Thời gian đi qua, tâm lý tự ti và sợ hãi càng đòi hỏi nhiều hơn chỗ dựa tinh thần; mặt khác nhu cầu hiểu biết đi tìm sự thật của cuộc đời ngày càng phát triển mạnh: đây là lý do có mặt các tôn giáo lớn, nhỏ. Không ai có thể phủ nhận sự thật hiển nhiên ấy. Do vậy mà Hiến pháp của ta, và của nhiều quốc gia trên thế giới, ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền sống cơ bản của công dân. Chừng nào mà cái sống, cái chết và chân lý vẫn còn là câu hỏi nghìn đời thì chừng ấy quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo vẫn còn được trân trọng bảo hộ.

Trên thực tế, tôn giáo có đóng góp lớn vào sự vận động của xã hội, như Marx từng nói. Ở đây tôi chỉ trưng dẫn một số nét tiêu biểu về mặt đóng góp tích cực của Phật giáo.

Sự thật Duyên Khởi (Paiccasamuppada – Dependent Origination) mà Đức Phật giác ngộ dưới cội Bồ đề cách đây 26 thế kỷ là sự thật của sự sinh thành của vạn hữu, của cái sống, cái chết, khổ đau và giải thoát khổ đau, là câu trả lời rất trí tuệ cho các câu hỏi siêu hình, là con đường đi đến chân lý (hay chân, thiện, mỹ). Bên cạnh đó có những giáo lý phổ thông dành cho đại đa số quần chúng như là nhân cách xử thế hiền thiện và thiết thực. Như kinh Singàla, Trường bộ kinh; kinh Thiện sinh, Trường A hàm số 16; và Trung A hàm số 135 giới thiệu sáu mối tương giao xã hội rất ý nghĩa và bổ ích cho đến hiện tại: tương hệ giữa cha mẹ và con cái; tương hệ giữa thầy và trò; tương hệ giữa vợ và chồng; tương hệ giữa bạn bè; tương hệ giữa chủ và các cộng sự; và tương hệ giữa các tu sỹ và cư sỹ (người đời). Lời dạy của kinh điển tôn giáo làm vững mạnh thêm lòng tin của người thực hiện sẽ đem lại kết quả cao hơn là các lời lẽ trong sách vở ở học đường. Như năm giới cấm: không được sát sinh; không được trộm cắp; không được tà hạnh trong các dục; không được nói dối; và không được uống rượu hay sử dụng các chất men say sẽ giúp xã hội loại bỏ được nhiều tiêu cực, rối ren. Còn có rất nhiều lời khuyên dạy hữu ích khác. Giáo lý về Nhân quả và Nghiệp báo, Luân hồi giúp con người có niềm tin vững chắc để hướng dẫn đời sống mình sống hiền thiện, vị tha, và sống đúng pháp, đúng luật đạo và đời. Chỉ vài nét tiêu biểu ấy là đủ để các nhà lập pháp tham khảo để xây dựng luật tôn giáo. Đây là lời lẽ chân thật.

- Thưa Thầy, từ Hiến định chúng ta cần phát triển điều gì, cụ thể điều gì trong luật tôn giáo. Ở đây, xin được đi sâu vào lĩnh vực tôn giáo và giáo dục, lĩnh vực mà tôn giáo rất có thế mạnh?

- Đúng như câu hỏi. Như các điều vừa đề cập ở trên, Phật giáo cũng như một số tôn giáo bạn, có nhiều khía cạnh xã hội có thể có những đóng góp tích cực. Ngoài ra tôn giáo còn là đối tượng tìm hiểu, nghiên cứu ở học đường, cấp đại học và trên đại học. Vì vậy từ Hiến định, luật tôn giáo ở ngày mai cần xác định vai trò giáo dục của tôn giáo, đặc biệt là ở cấp mẫu giáo và cấp đại học và trên đại học của học đường quốc gia. Có thể cấp văn bằng Thạc sỹ và Tiến sỹ về tôn giáo và tôn giáo học, có thể mời thỉnh giảng các học giả và tu sỹ các tôn giáo. Đây là một nguồn tư tưởng và văn hóa rất cần thiết trong hướng hình thành và phát triển văn hóa nước nhà. Đây cũng là một nguồn, một đối tượng hội nhập khu vực và quốc tế. Cũng trong ý nghĩa giáo dục của tôn giáo, giáo dục đạo đức – hay đạo đức tôn giáo – sẽ có nhiều đóng góp cho học đường trong lãnh vực xây dựng nhân cách con người, một nhân cách sống chân thật, hiền thiện, vị tha và vong ngã vì hạnh phúc và an bình của nhân dân. Tất cả phải thành luật thì mới có hướng để hành động rộng rãi cho sự đóng góp của tôn giáo vào các vận hành tốt đẹp của xã hội. Điều nầy rất mong được các nhà giáo dục và lập pháp quan tâm đánh giá đúng mức.

- Phật giáo – một cảm quan êm đềm trong đời sống tâm linh của người Việt – sẽ được gì và sẽ đóng góp gì cho việc Hiến pháp mới đi vào đời sống của nhân dân ta, đất nước ta, xin Thầy chia sẻ với bạn đọc?

- Hiến pháp mới là bản Hiến pháp của dân tộc tỏa sáng nhất cho đến nay, đáp ứng được các yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu, hướng đến công nghiệp hóa và hiện đại hóa vào năm 2020, phát triển đất nước hưng thịnh nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, và văn minh, thể hiện độc lập, tự do và hạnh phúc.

Trong hướng phát triển đó, Phật giáo có thêm nhân duyên thuận lợi để phát triển Giáo hội, phát huy văn hóa Phật giáo Việt Nam và sẽ có các đóng góp đáng kể cho đất nước, nhân dân ta. Trong suốt hai nghìn năm lịch sử đồng hành với dân tộc, văn hóa Phật giáo Việt Nam đã thể nhập vào dòng văn hóa Việt Nam tạo thành cảm thức tâm linh của nhân dân ta rất an bình, êm ả, hình thành một niềm tin tâm linh vững chãi đứng vững giữa đời sống biến động, trở thành động lực phấn đấu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể, dòng văn hóa Phật giáo chuyên chở nguồn giáo lý trí tuệ, vô ngã, vị tha, từ bi, hỷ xả, dũng cảm, vô úy mà báo Đại biểu Nhân dân đã bàn đến đó đây trong nhiều bài báo trước, và như ta vừa đề cập đến. Ở đây ta chỉ đề cập đến sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, trong đó hơn một nửa dân số là tín đồ Phật giáo và những người dân hâm mộ Phật giáo; và ở đây ta chỉ bàn đến vai trò đạo đức Phật giáo đóng góp vào vai trò đạo đức xã hội bảo đảm vấn đề an sinh.

Về đại đoàn kết dân tộc, lịch sử Phật giáo thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần và cả về sau này, đã chứng tỏ Phật giáo Việt Nam luôn trung thành với lý tưởng bảo vệ đất nước, chống ngoại xâm, và xây dựng đất nước hưng vượng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện tại với châm ngôn Đạo pháp, Dân tộc, Chủ Nghĩa Xã Hội tiếp nối thực hiện lý tưởng trung thành ấy. Điều này nói lên rằng lực lượng Phật giáo Việt Nam là lực lượng đáng tin cậy của dân tộc, đáng được xây dựng vững chắc để phát triển sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc vận dụng vào việc giữ nước và dựng nước.

Về đạo đức Phật giáo, ngoài ý nghĩa đạo đức giải thoát, Phật giáo chủ trương không làm tất cả việc ác, và làm tất cả việc thiện rất tốt cho nhân dân – tin tưởng và thuyết Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi – tránh xa hết thảy các tiêu cực xã hội như tham nhũng, lãng phí, bất công, lường gạt, dối trá… ở trong các ngành văn hóa, giáo dục, y tế, thương mại, xã hội… bảo đảm được an sinh cho nhân dân. Nếp sống văn hóa này vững mạnh đòi hỏi có thời gian dài xây dựng. Việc bài trừ các tiêu cực xã hội cũng đòi hỏi nhiều thời gian thực hiện. Vì vậy, đòi hỏi Chính phủ và nhân dân có niềm tin vững chắc, kiên trì phấn đấu không dao động bên cạnh việc thực thi các biện pháp hành chính và an ninh khác. Ở đây, chúng ta cần nhận thức rõ ràng rằng đây là sự đúc kết trí tuệ của Phật giáo và Dân tộc cho vấn đề thực thi, mà không phải là triết lý hay lý thuyết. Đây là vấn đề của thực hiện sau khi có kết luận từ một sự nghiên cứu kỹ càng về tư tưởng và lịch sử. Chính sự thực hiện này mới là sự đóng góp lớn của Phật giáo Việt Nam cho Dân tộc Việt Nam trong giai đoạn thực thi Hiến pháp mới của chúng ta…

- Chân thành cám ơn Hòa thượng!

Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét