Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

TRANH LUẬN VỚI MẶC LÂM VỀ CÁI GỌI LÀ "PHIẾU ĐẤU TỐ"

Dư luận viên Sơn Bi

Trên RFA, anh Mặc Lâm có bài viết với tựa đề "Phiếu đấu tố". Khẳng định đây là một bài viết thiếu tinh thần xây dựng, thiếu nhân văn, đồng thời thể hiện sự thiếu thiện chí khi nói về chính quyền Việt Nam. Ở khía cạnh khác, bài viết này cổ súy cho những hành vi vi phạm pháp luật.

Thực ra chống cộng hay chống chính quyền Việt Nam, anh có thể chống bằng nhiều cách, nhưng nếu tiếp tục chống kiểu hạ cấp thế này, tôi tin rằng anh Mặc Lâm chỉ có thể lừa phỉnh được một vài người nhẹ dạ cả tin.

Chuyện bắt nguồn từ việc công an Quận 4 TP HCM phát phiếu "tố giác tội phạm" đến từng nhà cho người dân với hi vọng nhận được sự ủng hộ, hợp tác từ phía người dân trong phòng chống tội phạm.

Trước hết, khẳng định việc phát "phiếu tố giác tội phạm" đến từng nhà cho người dân thể hiện nỗ lực của công an trong phòng chống tội phạm, bảo vệ người dân, bảo vệ đất nước. Đó là trách nhiệm của họ, đồng thời là trách nhiệm của các công dân theo luật định. Việc làm đó trước hết là hợp hiến và sau nữa là hợp lòng dân vì nó tạo điều kiện cho người dân tham gia vào cuộc chiến chống tội phạm. 

Bản thân phiếu này là sự đề cao hoặc tôn vinh vai trò của người dân trong bảo vệ cuộc sống của chính họ và của xã hội. Ý nghĩa khác nằm ở chỗ nó là một hình thức nâng cao nhận thức cho người dân về phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm. 

Đây là việc làm nên khuyến khích, và thực tế, nó không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà diễn ra ngay cả ở Mỹ, một đất nước được coi là đề cao quyền con người. Nếu các bạn vào siêu thị tại Mỹ, trong lúc xếp hàng thanh toán, bạn mở ví và người đứng sau thấy bạn có nhiều tiền, thì ngay lập tức họ sẽ báo cảnh sát bởi vì sao bạn lại có thể cầm nhiều tiền mặt như vậy. Tất nhiên bạn sẽ gặp rắc rối với cảnh sát để chúng minh rằng, số tiền đó là của bạn và nó hợp pháp.

Anh Mặc Lâm cho rằng, "Ban chỉ huy công an Quận 4 vừa phân phối đến từng gia đình một phiếu mang tên phiếu tố giác tội phạm trong đó có nhiều mục vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng". Xin thưa với anh Mặc Lâm rằng, đó là một hình thức đề cao nhân quyền, bởi thông qua nó, người dân thực hiện quyền giám sát, quyền tố giác tội phạm của mình. Chúng ta vẫn nói đến quyền tố giác tội phạm của người dân, và rằng người dân có quyền đặt câu hỏi nghi vấn nếu ai đó (đặc biệt là những công bộc của dân) có hành vi mờ ám, thì đây là một hình thức thuận lợi để họ thực hiện quyền của mình.

Nghiên cứ lỹ "Phiếu tố giác tội phạm" do công an quân 4 cung cấp cho người dân, cá nhân tôi không tìm thấy chỗ nào vi phạm nhân quyền hay vi phạm pháp luật hiện hành. Tất cả những ô được thiết kế trong mẫu đều có giá trị tố giác tội phạm và không có chỗ nào mang tính bắt buộc. Điều này có nghĩa, người dân nhận được phiếu này thì họ có quyền không ghi, không phản ánh tới cơ quan công an những gì họ thấy.

Nói thêm về nội dung của phiếu. Anh Mặc Lâm cho rằng mục chú ý về an ninh chính trị có ghi "kích động nói xấu chế độ, vận động khiếu kiện tập thể, tung tin đồn nhảm, tổ chức hội họp trái phép" là một hình thức đấu tố là hoàn toàn áp đặt. Anh nên nhớ, với tất cả các quốc gia, nếu như công dân kích động nói xấu chế độ, vận động khiếu kiện tập thể, tung tin đồn nhảm, và tổ chức hội họp trái phép thì đều bị pháp luật ngăn cấm. Việc phát hiện ra các hành vi này là trách nhiệm, bổn phận của cơ quan công an theo quy định của luật pháp. Việc huy động người dân tham gia vào các hoạt động này sẽ làm cho cơ quan công an thực hiện tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

Tất nhiên, tin được người dân ghi vào phiếu chưa thể có giá trị ngay, bởi nó còn phải trải qua cả một công đoạn theo quy định của pháp luật xác minh để tìm ra sự thật hay bản chất của vấn đề. Không có cơ quan nào tự dưng đi nghe người dân nói một chiều rồi cứ thế áp dụng các biện pháp ngăn chặn cả.

Tôi cho rằng, việc phát phiếu này là một hình thức bảo vệ an ninh trật tự tích cực cần nhân rộng. 

Anh Mặc Lâm cũng nên nhớ rằng, thực tế dù không phát phiếu này thì người dân vẫn tố giác tội phạm đấy anh ạ. Chỉ có điều, phát phiếu này thì người dân có điều kiện nâng cao nhận thức và việc tố giác tội phạm trở nên khoa học, bài bản và hiệu quả hơn mà thôi.

Chúng ta với tư cách là một công dân, nếu không làm gì sai trái thì sao phải sợ sự phát hiện của người dân? Chỉ có những ai lén lút hoạt động vi phạm pháp luật mới không thích phòng ngừa tội phạm này mà thôi.

----------------
Mời đọc bài "Phiếu đấu tố" của Mặc Lâm

Mặc Lâm
Ban chỉ huy công an Quận 4 vừa phân phối đến từng gia đình một phiếu mang tên phiếu tố giác tội phạm trong đó có nhiều mục vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng. Mặc Lâm tìm hiểu câu chuyện qua ý kiến của những người từng liên quan đến các mục trong phiếu tố giác này.

Biểu hiện nghi vấn?

Phản ứng đến từ nhiều người, nhiều thành phần xã hội và có lẽ hầu hết những người tranh đấu cho nhân quyền, tự do dân chủ hay dân oan đều cho rằng tấm phiếu mà công an gọi là phiếu tố giác tội phạm ấy thực chất chỉ là một cách đấu tố công khai và rộng khắp đối với những người mà công an cho là đang phá hoại sự ổn định của chế độ.

Một bản photo của phiếu này cho thấy việc chỉ dẫn người dân đánh vào ô vuông trước mỗi mục được gọi là “Những biểu hiện hành vi nghi vấn”. Có hai hạng mục quan trọng là An ninh chính trị và Trật tự xã hội.

Trong mục An ninh chính trị công an Quận 4 yêu cầu người dân chú ý và báo cho công an nếu thấy những biểu hiện: kích động nói xấu chế độ, vận động khiếu kiện tập thể, tung tin đồn nhảm, tổ chức hội họp trái phép.

Bốn điều này là cơ sở để kết tội những người dấn thân tranh đấu cho nhân quyền, tự do dân chủ hay khiếu kiện đòi công lý của người dân hiện nay.

Sau khi phiếu này ra đời thì một bài viết nghiêm túc, viện dẫn những sai trái của chế độ hay một status dí dỏm của ai đó trên trang facebook cá nhân có thể sẽ bị chính bạn bè của nạn nhân mang ra đấu tố là nói xấu chế độ vì động cơ ghen ghét hay hiềm thù cá nhân. Người dân Dương Nội, Phụng Công của Văn Giang rồi đây sẽ bị đồng loạt đấu tố vì dám cùng nhau hơn trăm gia đình kéo về khiếu kiện tập thể tại Hà Nội.

Bất cứ ai cũng có thể bị công an mời lên làm việc sau khi ngồi tại quán cà phê bàn chuyện Phạm Quý Ngọ bị ám sát chứ không phải ung thư, công an sẽ đặt ra cho người bị tố giác tại sao tung tin đồn nhảm và do ai kích động?

Người dân từ lâu vẫn tự hỏi không biết hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có cho phép công an giam lỏng người dân trong chính căn nhà của họ qua tờ hộ khẩu hay không khi khách đến nhà phải xin phép công an qua mỹ từ trình báo để khỏi mang tội hội họp trái phép. Ông Huỳnh Anh Tú một người vừa ra khỏi trại giam đã cùng 20 người khác xuống Lấp Vò thăm gia đình anh Nguyễn Bắc Truyển nói về cáo buộc hội họp bất hợp pháp như sau:

“Chúng tôi không hội họp bất hợp pháp do tình thân với anh Nguyễn Bắc Truyển, là bạn tù của tôi khi nghe anh ấy bị đánh đập bắt bớ trái phép, phá nhà phá cửa ảnh thì lương tâm một người Việt nam khi nghe thì phải có một cái gì đó thì chính cái chỗ động lòng nên tôi xuống thăm anh ấy thôi chứ có gì đâu gọi là hội họp?”

Trong mục trật tự xã hội có hai điểm đáng chú ý là “Tụ tập gây rối trong khu phố”, và “không nghề nghiệp đi lại bất minh” cũng như nhiều loại tội phạm khác trong bộ luật tố tụng hình sự kể cả trốn thuế.

Tụ tập gây rối là việc xảy ra trước mắt mọi người, công an khu vực ở đâu mà phải để người dân điền vào phiếu tố giác mới biết và khi biết rồi thì người tụ tập có còn đâu mà xử lý?

Không nghề nghiệp và đi lại bất minh được định nghĩa như thế nào? Một người từ nhà quê lên thành phố lang thang tìm việc, trong tay không có bất cứ một nghề nghiệp gì và dĩ nhiên chỗ ở cũng không họ chỉ trông cậy vào bạn bè, hay người hảo tâm cho ăn nhờ ở đậu. Vậy họ có bất minh hay không?

Ông Huỳnh Anh Tú vừa ra khỏi trại giam sau 14 năm tù, không có nghề nghiệp và chẳng còn đâu để nương thân, bức xúc khi nghe cái phiếu tố giác này, ông nói:

“Theo tôi nghĩ cái phiếu đó rất là phi lý. Còn nói về bản thân hai anh tôi họ nói chúng tôi đi đây đó là bất minh vậy chớ bất minh là như thế nào? Nhà cửa không có, nơi nương tựa không xong thì buộc lòng tới nhà bạn bè để mà tá túc như thế là bất minh sao? Án tù 14 năm anh em tôi cũng đã trả xong rối. Tôi là con người Việt Nam, trên đất nước Việt Nam tôi có quyền đi đứng chứ tại sao lại gọi là bất minh? Tôi nghĩ là hai chữ bất minh ấy chỉ là gán ghép và chụp mũ cho anh em tôi thôi.”

Thông tin cảm tính

Ông Nguyễn Bắc Truyển tham gia phản đối điều 258 (năm 2013)

Về những điều mà công an Quận 4 gợi ra có liên quan đến trốn thuế thì rõ ràng là không hiệu quả. Thuế má phải do cơ quan chuyên nghiệp quản lý vì tính chất phức tạp của nó. Dựa vào đâu một người dân bình thường lại có thể biết người này hay người kia trốn thuế. Khi bị tố giác công an có xâm phạm thời giờ tiền bạc hoạt động làm ăn của người dân khi mời họ về cơ quan điều tra với những thông tin rất cảm tính?

Điều này làm người ta liên tưởng tới các vụ án trốn thuế khác sẽ diễn ra sau khi đem Điếu Cày và LS Lê Quốc Quân ra làm thí điểm.

Phiếu tố giác tội phạm cũng gây liên tưởng tới việc tố giác địa chủ của những năm 50 khi miền Bắc học tập Mao Trạch Đông lập những Tòa án Nhân Dân lưu động đấu tố và giết chết hàng chục ngàn người. Lúc ấy đội cải cách tới từng nhà bị cho là địa chủ mặc dù chỉ có vài sào đất, mớm lời hay ép buộc những người giúp việc, phu phen, thậm chí khai thác xung đột cá nhân trong gia đình để đấu tố nạn nhân.

Ông Nguyễn Bắc Truyển một tù nhân lương tâm khác cho biết kinh nghiệm về việc đấu tố này:

“Không cần phải ra cái phiếu đó. Nhà cầm quyền cộng sản vẫn dùng chính sách con tố cha, cha tố con vợ tố chồng điều đó đã xảy ra mấy chục năm nay rồi. Những nhà đấu tranh cho dân chủ nhân quyền tại Việt Nam thì họ không ngại gì chuyện đó đâu bởi vì nếu họ làm những cái phiếu đó tố cáo nhà đấu tranh thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải đưa ra chứng cớ chứ không thể dùng chung chung những lời buộc tội được.

Ngoài ra mặc dù mình là công dân nước Việt Nam nhưng đồng thời cùng là công dân của Liên hiệp quốc. Chúng ta báo thông tin đến các tồ chức nhân quyển để cho Hội đồng nhân quyển và cả Liên hiệp quốc cho họ biết đây là tình trạng khủng bố tinh thần, một sách nhiễu mới mà nhà nước Việt Nam đang đẻ ra nhắm tới những nhà đấu tranh trong nước.”

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu đưa ra ý kiến của ông về quyết định được ông gọi là xúi bẫy người dân theo dõi lẫn nhau như một cái cớ để dễ cho công an ghép tội người bất đồng chính kiến:

“Bây giờ nhân dân thành lập các tổ chức xã hội dân sự rất nhiều và phê phán đảng rất nhiều mà bây giờ họ phát giấy tố giác tội phạm đến từng gia đình thì chả có cái chính phủ nào làm như thế cả. 90 triệu người mà phát động phong trào nghi vấn lẫn nhau, cứ ghét nhau thì bảo gia đình kia có câu chuyện như thế… hoặc giả công an muốn trị ai thì lấy một địa chỉ nào đó đặt nghi vấn là người ta có tội. Vậy là 90 triệu người trở thành trận địa nội bộ đánh lẫn nhau.”

Truyền thống người Việt hàng ngàn năm nay không tố cáo người khác nếu họ chẳng gây hại tới mình ngoại trừ tranh chấp hay có thù hằn cá nhân. Nhà nước sẽ không nhận được phiếu tố giác nào có giá trị và vì vậy không còn cách nào khác là phải thu nhận thêm dư luận viên để họ làm điều này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét