Philippines đã kêu gọi Việt Nam, Malaysia và các bên liên quan tới tranh chấp tham gia khiếu nại pháp lý đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.
Trong một bước đi táo bạo vào tháng 1.2013, Philippines đã quyết định đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc kiểm soát bãi ngầm Scarborough của Philippines từ tháng 4.2012.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã phớt lờ mọi cáo buộc pháp lý của Philippines. Theo yêu cầu của tòa án, Philippines sẽ phải trình bày các lập luận pháp lý và chứng cứ của mình vào ngày 30.3 sắp tới.
Theo ông Francis Jardeleza, Trưởng đoàn, Tổng luật sư Philippines, Việt Nam, Malaysia và 2 quốc gia khác có thể tham gia vụ kiện hoặc tự mình đứng ra khiếu nại.
Ông Jardeleza nói đây là cơ hội duy nhất để các nước nhỏ có thể bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trước các cường quốc là sử dụng luật pháp quốc tế. "Chúng ta ở đây là để chứng minh, trên quan điểm luật pháp quốc tế, mọi hành động và tuyên bố của Trung Quốc đều vô hiệu”.
Việt Nam, Trung Quốc, Brunei, Malaysia và Philippines có các vùng biển tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên nhau trên khu vực biển Đông. Điều này thường gây ra các cuộc đối đầu nguy hiểm, gây căng thẳng và phức tạp thêm tình hình khu vực.
Theo giáo sư luật Raul Pangalangan, Philippines muốn Trung Quốc giải thích các giới hạn và cơ sở của việc tuyên bố chủ quyền trên một vùng biển chiếm tới 80% diện tích biển Đông.
Tuy nhiên Trung Quốc dường như không thích giải quyết tranh chấp theo hướng đa phương. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chuộng hình thức đàm phán song phương, nơi sức mạnh và ảnh hưởng sẽ giúp nước này chiếm thế thượng phong.
Đối với Mỹ, Trung Quốc cũng cảnh báo Washington không nên can thiệp vào vấn đề tranh chấp ở biển Đông.
Trong đơn khiếu nại của mình, Philippines liệt kê một loạt các hành động “hung hăng” của Trung Quốc, bao gồm cả việc nổ súng xua đuổi tàu ngư dân Philippines khỏi bãi cạn Scarborough ngày 27.1.
Ngay sau khi Manila lên tiếng phản đối và chỉ trích, Đại sứ Trung Quốc tại Manila tuyên bố Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo và vùng biển lân cận trên biển Đông".
Bảo Duy (Theo The Gazette)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét