Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

VỤ BÔI TRƠN VÀO CAO HỌC - LÃNH ĐẠO THANH HÓA VẪN IM LẶNG

DLV Cát Dự

Liên quan đến vụ chi tiền tỷ “bôi trơn” đầu vào cao học, Lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa vẫn chưa có động thái thỏa đáng, chỉ đạo, xử lý rứt điểm vụ việc.

Mới đây, loạt bài chi tiền tỷ “ bôi trơn” đầu vào cao học, do báo điện tử GDVN thực hiện đã được rất nhiều độc giả quan tâm theo dõi, hưởng ứng và chia sẻ.

Vụ việc 40 học viên tại TTGDTX tỉnh Thanh Hóa bỏ ra số tiền lên tới hơn 1 tỷ đồng đóng cho cán bộ trung tâm này để đấu mối “bôi trơn” đầu vào cao học đã gây bức nhiều bức xúc cho dư luận thời gian gần đây.

Sự việc trên chỉ bị bại lộ khi kết quả thi vào cao học lớp Quản lý kinh tế (QLKT) trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội không được như mong muốn của các học viên.

Kết quả thi tuyển cho thấy, trong tổng số 40 học viên tham gia thi chỉ có 7 người trúng tuyển. Bực mình vì tiền mất mà thi vẫn không đậu, nhiều học viên đã đề nghị cán bộ phòng Quản lý đào tạo (QLĐT) của TTGDTX Thanh Hóa trả lại số tiền dùng để “ bôi trơn” đầu vào.

Từ đây phát hiện các hiện tượng tiêu cực. Sau khi phát hiện dấu hiệu tiêu cực của vụ việc, Hội đồng kỷ luật TTGDTX Thanh Hóa đã đưa ra “án phạt” đối với 3 cán bộ phòng QLĐT của đơn vị này.

Liên quan đến vụ việc tiêu cực trên, nhiều độc giả bày tỏ sự bức xúc trước việc làm của cán bộ TTGDTX tỉnh Thanh Hóa. Nhiều người cho rằng, cần có biện pháp xử lý "mạnh tay" để chấn chỉnh tình trạng trên.

Chia sẻ trên báo GDVN, độc giả Bùi Thị Thanh Bình đưa ra quan điểm: “Đào tạo tại chức thì cấp học nào mà chẳng phải "bôi trơn". Các nhà quản lý hãy đi tìm nguyên nhân để chữa trị căn bệnh, đây chỉ là triệu chứng lâm sàng của căn bệnh và không nên quy kết đơn lẻ. Quan trọng nhất là tìm phác đồ điều trị căn bệnh sính bằng cấp". 

Độc giả Thanh Bình cũng nêu thực trạng: “Câu chuyện đến lớp chỉ nhằm mục đích lấy bằng thay cho việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp là một trào lưu của các lớp học tại chức đã và đang phổ biến ở tất cả các cấp đào tạo”.

Nhiều độc giả cũng có chung quan điểm, hành vi “môi giới” của cán bộ TTGDTX tỉnh Thanh Hóa là hoàn toàn sai trái. Tuy nhiên, việc thực hiện kiểm điểm các cá nhân có liên quan trực tiếp đến vụ việc thì lại quá nhẹ(?!): “sai phạm cỡ đó mà cảnh cáo và khiển trách thì đủ thấy bệnh tham nhũng như thế nào rồi”, độc giả Bình Dương chia sẻ quan điểm trên báo GDVN.

Trong khi đó, độc giả Ngọc Long mong muốn nhà chức trách nhanh chóng vào cuộc làm rõ sự việc: "Được biết, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực làm nghiêm vấn đề thi công chức trong tỉnh, lại phát sinh việc công chức của tỉnh chạy trường, chạy lớp. Đề nghị Chủ tịch tỉnh cần có ý kiến chỉ đạo luôn vụ việc này”.

Cũng liên quan đến vụ việc, cho đến thời điểm hiện tại, cơ quan chuyên trách (Sở GD&ĐT Thanh Hóa) vẫn chưa có động thái tích cực trong việc chỉ đạo, xử lý nghiêm vụ việc trên. 

Xung quanh những thắc mắc của độc giả về việc chỉ đạo giải quyết vụ việc trên, chiều ngày 25/2, trao đổi với PV, ông Trịnh Xuân Cảnh – Chánh văn phòng, phát ngôn viên báo chí của Sở Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: “Sở GD&ĐT đang chỉ đạo làm văn bản yêu cầu TTGDTX tỉnh Thanh Hóa xử lý giải quyết dứt điểm vụ việc”. 

Tuy nhiên khi được hỏi về nội dung công văn chỉ đạo của Sở, ông Trịnh Xuân Cảnh từ chối với lý do: “Thầy Phó giám đốc Sở được giao phụ trách vụ việc này đi công tác nên chưa ký được để yêu cầu chỉ đạo xử lý vụ việc. Việc này lãnh đạo đạo Sở rất quan tâm, các anh yên tâm" (?!)

Thiết nghĩ, những sai phạm “động trời” của cán bộ TTGDTX tỉnh Thanh Hóa trong vụ việc 40 học viên dùng tiền “bôi trơn” đầu vào cao học cần được giải quyết một cách nhanh chóng và kịp thời để ổn định tình hình nhà trường và tránh gây ra hoài nghi cho dư luận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét