Trung Quốc sẵn sàng dùng các thủ đoạn mà giới quan sát chính trị quốc tế gọi là “hẹp hòi, ti tiện” để trả đũa những quốc gia mà họ không “hài lòng”.
Philippines đã phải hứng chịu những đòn trả đũa với thiệt hại khá nặng nề do tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.
Chỉ trong một vài năm gần đây, người ta đã có thể dễ dàng liệt kê được không ít những minh chứng thể hiện sự “tiểu nhân ti tiện” của Trung Quốc khi áp dụng những biện pháp trả đũa kinh tế đối với các quốc gia nhỏ bé có lập trường trái ngược hoặc gây khó chịu cho Bắc Kinh. Các nạn nhân điển hình nhất là Na-uy và Philippines.
Từ ba năm qua, sản lượng cá hồi Na – uy nhập khẩu vào Trung Quốc đã liên tục sụt giảm dù trước đó sản phẩm này đã từng chiếm đến 92% thị phần Trung Quốc. Nguyên nhân được cho là Trung Quốc đã tức giận sau khi giải Nobel Hòa Bình 2010 được trao cho Lưu Hiểu Ba – một nhà hoạt động ly khai. Bất chấp việc trao giải Nobel Hòa Bình này hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của Na-uy, Trung Quốc đã ngay lập tức áp đặt lệnh ngăn chặn việc nhập khẩu cá hồi từ quốc gia Bắc Âu này. Trước đây, cá hồi Na-uy chiếm 92% thị phần cá hồi Trung Quốc nhưng đến năm 2013, tỷ lệ này chỉ còn lại 29% và vẫn đang tiếp tục sụt giảm mạnh.
Không chỉ ngăn cản việc nhập khẩu cá hồi, một loạt các đoàn ca kịch của Na-uy trong đó có show diễn của ca sỹ trẻ đang rất nổi danh Alexander Rybak, người đoạt giải thường truyền hình châu Âu Eurovision 2009 cũng bị dừng cấp phép mà không có lý do. Công dân Na-uy cũng không được cấp giấy phép quá cảnh 72 giờ vào Trung Quốc.
Dù không đưa ra lời bình luận nào về những hành động này của Trung Quốc nhưng hãng thông tấn AFP đã có lần trích dẫn lời của ông Phil Mead, một chuyên gia tư vấn cho các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn tại châu Âu: “Các thủ đoạn dọa nạt này là đặc trưng của cách hành xử thụ động, hung hăng và khiến cho Bắc Kinh có vẻ như là một kẻ đê tiện và thâm độc”.
Một nạn nhân khác cũng đang rất khốn đốn vì tiểu xảo này của Trung Quốc là Philippines – quốc gia đang đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh trong vấn đề chủ quyền biển đảo. Sau trận bão thế kỷ Haiyan khủng khiếp tàn phá đất nước Philippines hồi tháng 11/2013, Trung Quốc đã khiến cả thế giới “mắt tròn, mắt dẹt” khi thông báo viện trợ cho quốc gia Đông Nam Á này chỉ 100.000 USD – món tiền nhỏ bé đến mức không thể tin nổi so với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và với tư cách một quốc gia đang rất thèm khát thị trường ASEAN. Khoản tiền 100.000 USD lập tức bị bêu riếu khắp thế giới và gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ, thậm chí từ chính công luận trong nước Trung Quốc. Do bị chỉ trích mạnh mẽ quá nên sau đó Bắc Kinh đã phải miễn cưỡng nâng con số viện trợ lên mức 1,8 triệu USD. Nhưng khoản tiền này vẫn là nỗi xấu hổ khi biết rằng Mỹ đã viện trợ gần 30 triệu USD, Nhật Bản 10 triệu USD, Anh 16 triệu USD, UAE 10 triệu USD, Australia 10 triệu USD…
Trước đó, căng thăng do tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Bắc Kinh và Manila nổ ra đã dẫn đến việc Trung Quốc áp đặt lệnh hạn chế nhập khẩu chuối của Philippines, viện cớ là tìm thấy dấu vết của chất diệt cỏ trong một số lô hàng. Ước tính thiệt hại của Philippines trong vụ này lên tới 23 triệu USD.
Một hành động khác thể hiện rõ nét nhất sự "trẻ con" và hẹp hòi của Trung Quốc là vụ nước này yêu cầu Tổng thống Philippines không tới tham dự Hội chợ thương mại quốc tế ASEAN - Trung Quốc diễn ra tại Nam Ninh (Trung Quốc) hồi tháng 8/2013.
Theo giới quan sát quốc tế, ngoài vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, lãnh thổ, những nguyên nhân khiến Trung Quốc thi triển “đòn trả đũa” với các nước khác còn liên quan đến một số chủ đề nhạy cảm như vùng lãnh thổ Đài Loan, vùng tự trị Tân Cương hoặc tất cả những gì liên quan đến nhà lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng – đức Đạtlai Latma. Thậm chí, các nhà nghiên cứu Đức hồi năm 2010 còn tính được cả “hiệu ứng Đạtlai Latma” theo quy luật: Cứ nước nào tiếp đón nhân vật này, xuất khẩu của họ sang Trung Quốc sẽ bị giảm trung bình 12,5% trong hai năm sau đó.
Năm 2009, cộng hòa Palau – một quốc đảo nhỏ trên Thái Bình Dương - đã chấp nhận đón 6 người Ngô Duy Nhĩ vốn bị giam giữ ở Guantanamo được Hoa Kỳ trả tự do. Bắc Kinh lập tức thể hiện thái độ: Dự án xây dựng khu nghỉ mát trên 100 phòng với sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc đã bị hoãn vô thời hạn.
Ngay cả báo chí Trung Quốc cũng phải thừa nhận những hành động kiểu này làm xấu đi rất nhiều hình ảnh quốc gia của Trung Quốc. Giáo sư Joseph Nye của trường ĐH Havard (Mỹ) cho rằng những điều này là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh không có được tầm nhìn rõ ràng về tác hại của những hành động mà họ tiến hành. Tất cả đang biến nỗ lực xây dựng hình ảnh “cường quốc có trách nhiệm” mà Trung Quốc đang tốn rất nhiều tiền bạc và công sức trở thành trò cười trong mắt cộng đồng quốc tế.
Lam Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét