Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư “Vì Dân”: Bị tố cáo “Vi phạm đạo đức luật sư và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế”
Luật sư Trần Đình Triển có thực sự “vì dân” hay vì tiền? Một số thân chủ có đơn tố cáo luật sư Trần Đình Triển “Vi phạm đạo đức luật sư và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế”…
Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư (VPLS) Vì Dân, đang giữ chức Phó Chủ nhiệm, Trưởng ban Bảo vệ quyền lợi luật sư của Đoàn Luật sư TP Hà Nội, gần đây bị chính khách hàng thân quen của mình là Công ty Cổ phần Đầu tư ATS (gọi tắt là Công ty ATS), trụ sở tại 252 đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, gửi đơn đến Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội, Sở Tư pháp và cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Hà Nội (PC45), Báo Người cao tuổi tố cáo “Vi phạm đạo đức luật sư và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế”.
Đơn tố cáo nêu rõ: “Vào năm 2012, Công ty ATS và VPLS Vì Dân, thương thảo 25 Hợp đồng dịch vụ pháp lí để VPLS hỗ trợ pháp lí cho công ty chúng tôi liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong nội dung dự thảo các hợp đồng pháp lí có quy định về phương thức tính giá trị hợp đồng, được thanh toán làm 2 lần: Lần 1: Công ty ATS tạm ứng cho VPLS Vì Dân một khoản tiền cố định vào tài khoản của VPLS trong thời hạn 7 ngày kể từ khi kí kết hợp đồng. Lần 2: Thanh toán toàn bộ hợp đồng khi kết thúc vụ việc.
Trong khi chưa kí Hợp đồng dịch vụ chính thức, VPLS Vì Dân đã thực hiện (chưa kết thúc) công việc của 6/25 Hợp đồng dịch vụ pháp lí đang thương thảo. Theo 6 Dự thảo hợp đồng này, số tiền tạm ứng mà Công ty ATS phải thanh toán là 250 triệu đồng. Song vì luật sư Trần Đình Triển trình bày hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn về kinh tế khi vợ chồng phải phân chia tài sản li hôn và đề nghị Công ty ATS chuyển cho 300 triệu đồng tiền tạm ứng phí dịch vụ pháp lí.
Biên lai chuyển tiền cho ông Triển.
Công ty ATS chấp nhận. Ngày 12/10/2012, ông Nguyễn Hữu Sinh (Phó Giám đốc Công ty ATS) thực hiện chuyển tiền tạm ứng phí dịch vụ bằng phương thức chuyển khoản 300 triệu đồng cho VPLS Vì Dân, vào tài khoản 1300201223268 tại ngân hàng NN&PTNT số 4 Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội). Biên lai ghi rõ “Thanh toán tạm ứng phí luật sư theo hợp đồng đã kí của Công ty ATS”.
Cùng ngày 12/10/2012, luật sư Triển gợi ý vay thêm 1 tỉ đồng từ bà Nguyễn Thị Thoa, Giám đốc Công ty ATS. Bà Thoa đồng ý và giao cho ông Nguyễn Hữu Sinh sử dụng nguồn tiền của công ty chuyển cho ông Triển. Phiếu chuyển 1 tỉ đồng ngày 12/10/2012 cho VPLS Vì Dân, chứng từ giấy nộp tiền ghi rõ: “Chuyển tiền cho anh Triển vay theo yêu cầu của bà Thoa”.
Khi ông Triển không đáp ứng được yêu cầu dịch vụ pháp lí của một số vụ việc, lại yêu cầu Công ty ATS thanh toán tiếp tiền tạm ứng dịch vụ đối với các hợp đồng còn lại, Công ty ATS không chấp nhận yêu cầu này và đề nghị ngừng cung cấp dịch vụ. Hai bên tiến hành bàn giao tài liệu, hồ sơ để trả về Công ty ATS. Đại diện gia đình bà Thoa và Công ty ATS nhiều lần yêu cầu ông Triển hoàn trả 1 tỉ đồng (vay cá nhân bà Thoa), nhưng ông Triển từ chối, luôn nại ra lí do, số tiền ông Triển nhận được là phí dịch vụ. Lí do vô lí bởi không dựa vào bất cứ điều khoản nào trong dự thảo hợp đồng dịch vụ để hợp thức số tiền 1 tỉ đồng của Công ty ATS và ông luật sư này trắng trợn phủ nhận sự thật và lòng tốt của người khác giúp đỡ khi ông ta gặp khó khăn. Sự thật là Dự thảo hợp đồng dịch vụ chưa được kí kết tức là chưa có hiệu lực pháp lí. Giả sử tất cả các hợp đồng dịch vụ đã được kí kết bởi 2 bên thì VPLS Vì Dân cũng chưa hoàn thành công việc, Công ty ATS không có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng. Tổng số tiền tạm ứng chi phí dịch vụ pháp lí cho 25 hợp đồng của Công ty ATS với VPLS Vì Dân có giá trị 550 triệu đồng. VPLS Vì Dân mới thực hiện (chưa kết thúc) 6/25 vụ. Tổng số tiền ông Triển nhận được từ Công ty ATS chuyển khoản 1,3 tỉ đồng, vậy ông Triển căn cứ vào điều khoản nào của hợp đồng để hưởng lợi số tiền này?
Khi làm việc với đại diện Công ty ATS, ông Triển phủ nhận việc vay nợ là “vay thì phải có giấy tờ, nếu không có giấy tờ thì không có cơ sở đòi”. Luật sư Trần Đình Triển cù nhầy quên rằng, Bộ luật Dân sự cho phép các bên có thể giao dịch bằng miệng hoặc bằng văn bản đối với các giao dịch dân sự nếu pháp luật không có yêu cầu khác. Chứng cứ của việc vay tiền được ghi rõ trong biên lai chuyển tiền qua Ngân hàng NN&PTNT ngày 12/10/2102 “Chuyển tiền cho anh Triển vay theo yêu cầu của bà Thoa”. Các lí do ông Triển nêu trên, một phần muốn “bịp” người dân về nhận thức pháp luật, một phần thể hiện âm mưu chiếm đoạt số tiền vay.
Việc làm của luật sư Triển bộc lộ vừa đạo đức không tốt, vừa thiếu trách nhiệm của một luật sư. Hành vi lẩn tránh, mưu chiếm đoạt tiền của Công ty ATS, của ông Triển, biểu hiện tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Luật sư Triển cho rằng 1,3 tỉ đồng là phí dịch vụ pháp lí, nhưng thực tế VPLS này lại không kí kết hợp đồng dịch vụ pháp lí, không phát hành phiếu thu hoặc hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty ATS đối với số tiền đã nhận, là hành vi trốn thuế.
Đơn tố cáo đề nghị Đoàn luật sư Hà Nội xem xét sai phạm của luật sư Triển, kỉ luật miễn nhiệm chức danh Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, kiến nghị Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của ông Trần Đình Triển.
Luật sư Trần Đình Triển bị Công ty ATS tố cáo “Vi phạm đạo đức luật sư và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế”. Cuộc đối chất giữa ông Triển và Giám đốc Công ty ATS nói lên sự thật…
Thay vì cảm ơn Giám đốc ATS làm phúc giúp đỡ trong lúc khó khăn, luật sư Triển lại lật lọng, tráo trở, dù đã thừa nhận nhận được khoản tiền này. Ông ta đang cố tình đổi trắng thay đen, biến tiền vay thành phí dịch vụ pháp lí; cố thanh minh, tự bào chữa bảo vệ “danh tiếng của một luật sư nổi tiếng”. Nhưng càng biện minh, luật sư này càng đuối lí, quanh co, sự “gian xảo” trong vụ này hình như không có đất diễn, bởi thân chủ của ông là một phụ nữ có tấm lòng vàng, từng ủng hộ hơn 30 tỉ đồng đúc tượng Thánh Gióng, công trình có ý nghĩa tâm linh lịch sử, nhân kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Ngày 15/8/2014, tại trụ sở Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Hội đồng Kỉ luật thi đua khen thưởng của Đoàn Luật sư Hà Nội, gồm các luật sư: Nguyễn Hoàng Tiến, Chủ tịch; Lê Minh Công, Hoàng Ngọc Biên, Phó Chủ tịch và Lê Đăng Trung, thành viên dự buổi giải quyết đơn của Công ty ATS tố cáo luật sư Trần Đình Triển, có chức vụ là Phó Chủ tịch, Trưởng ban Bảo vệ Quyền lợi Luật sư của Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Đối chất với luật sư Trần Đình Triển, bà Giám đốc Công ty ATS trình bày: “Do quen biết nên Công ty chúng tôi nhờ luật sư Triển giải quyết 37 vụ việc, trong đó có 25 vụ đang hợp đồng thương thảo với số tiền Công ty đã tạm ứng 300 triệu đồng cho 6 hợp đồng đã thực hiện và đã chuyển cho luật sư Triển vay 1 tỉ đồng, theo đề nghị của luật sư khi gia đình đang gặp khó khăn li hôn vợ, chia tài sản. Các hợp đồng dịch vụ pháp lí phía Công ty đã kí và đóng dấu nhưng Văn phòng Luậ sư (VPLS) Vì Dân không kí. Phía Công ty đã đáp ứng các yêu cầu của luật sư Triển. Tuy nhiên, sau một thời gian không thấy luật sư này đáp ứng công việc của Công ty, nên Công ty đề nghị chấm dứt dịch vụ pháp lí, đề nghị VPLS Vì Dân trả lại hồ sơ hợp đồng dịch vụ và trả 1 tỉ tiền vay. Việc nhận hồ sơ có biên bản bàn giao 23 bộ giữa chị Thủy và anh Bình. Trong số tiền tạm ứng 300 triệu đồng, trừ chi phí các hợp đồng đã thực hiện (6/25), còn lại VPLS Vì Dân phải thanh toán trả lại Công ty ATS. Đề nghị luật sư Triển đính chính những thông tin không đúng về tôi (bà Thoa) và Công ty ATS”.
Luật sư Trần Đình Triển trình bày: Tôi đã thực hiện đúng yêu cầu giải quyết của HĐKT-PL và đã có 1 buổi làm việc. Tôi đã nhận 38 vụ việc nhưng kí hợp đồng 37 vụ việc và toàn tâm toàn ý cho ATS. Tôi không nặng vì tiền. Việc ATS trình bày là không đúng sự thật. Tuy nhiên, hai bên làm việc trên tinh thần hết sức tình cảm. Việc chị Thoa nói vay là có, nhưng chúng tôi chưa bao giờ vay. Bên tài khoản chúng tôi nhận 1,3 tỉ đồng, tôi cho rằng là tiền tạm ứng, khẳng định không có việc vay. Trong 1,3 tỉ đồng sẽ xem xét công việc đã làm được và thanh toán.
Luật sư Trần Gia Thế, đại diện Công ty ATS nêu rõ: Phần tạm ứng 300 triệu đồng sẽ được thanh toán theo công việc luật sư Triển đã thực hiện. Phần 1 tỉ đồng luật sư Triển vay, cần phải được thanh toán lại, nếu luật sư Triển cho rằng 1,3 tỉ đồng là tiền hợp đồng dịch vụ thì cần xem xét lại hành vi trốn thuế và chưa có phiếu thu hóa đơn cho Công ty ATS.
Luật sư Triển khẳng định không vay tiền. Tất cả các hợp đồng làm việc với ATS, tôi đã kí thể hiện trong văn bản ATS gửi cho VPLS Vì Dân. Đề nghị ATS trả lại hồ sơ cho tôi và cả hợp đồng 25 vụ việc trên cơ sở hồ sơ giải quyết giữa hai bên thanh toán cho nhau (Luật sư Triển hồ đồ đến mức không nhận ra rằng tại chứng từ công ty ATS chuyển khoản cho VPLS Vì Dân ghi rất rõ chữ “vay”).
Ông Nguyễn Hữu Sinh, Phó Giám đốc Công ty ATS trình bày: Tôi đã đến tận nhà ông Triển đề nghị trả lại tiền và ông ấy hứa sẽ trả. Tôi chuyển tiền cho ông Triển hai lần theo yêu cầu của Giám đốc công ty ATS và có thông báo cho luật sư Triển bằng điện thoại.
Trước khi diễn ra buổi đối thoại 1 tháng 1 ngày, VPLS Vì Dân có Văn bản số 30/VPLSVD ngày 14/7/2014 nhấn mạnh chưa kí bất kì một hợp đồng dịch vụ pháp lí nào để triển khai các vụ việc mà Công ty ATS bàn giao tài liệu. Thực tế VPLS Vì dân đã thực hiện công việc của 6 vụ việc cho Công ty ATS khi chưa kí kết hợp đồng dịch vụ pháp lí với ATS (việc làm này của luật sư Triển là vi phạm Điều 5 Thông tư 17/2011/TT-BTP của Bộ Tư pháp ngày 14/10/2011-PV). Văn bản số 30 còn nêu: Ngày 14/12/2012, Giám đốc công ty ATS cùng 3 cán bộ của Công ty ATS… giả vờ mượn lại kiểm tra xem cần bổ sung hồ sơ không, rồi ôm hết hồ sơ ra xe về. Trong khi đó, Công ty ATS đưa ra biên bản bàn giao tài liệu do hai bên xác nhận, vạch trần sự gian xảo của ông Triển .
Được biết, theo đơn tố cáo của Công ty ATS, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Hà Nội (PC45) đang thụ lí điều tra hành vi lạm dụng tín nhiệm và trốn thuế đối với luật sư Trần Đình Triển. Đại diện Công ty ATS cho biết, trong trường hợp cần thiết họ sẽ khởi kiện ông Triển ra TAND có thẩm quyền để thu hồi 1 tỉ đồng đã cho ông Trần Đình Triển vay./.
Nhóm PVĐT/Báo Người Cao Tuổi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét