Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

HẢI QUÂN, KHÔNG QUÂN NGA TRỞ LẠI CĂN CỨ CAM RANH


Thực chất vấn đề đang nói đến là gì: thành lập tại Cam Ranh căn cứ hải quân Nga hoặc trạm hậu cần kỹ thuật phục vụ tàu chiến Nga? Xin nhắc lại rằng căn cứ tương tự đã tồn tại trong vịnh Cam Ranh 23 năm và được chuyển giao cho Việt Nam vào năm 2002. Ông Igor Korotchenko, tổng biên tập tạp chí "Quốc phòng" của Nga cho biết:

“Ở đây hoàn toàn không nói về việc thành lập căn cứ hải quân Nga. Hiện đang tiến hành đàm phán để thành lập trạm sửa chữa bảo dưỡng các tàu Nga. Nga quan tâm đến thực tế là các tàu nổi và tàu ngầm của Nga có thể đến Cam Ranh trên cơ sở thường xuyên.”

Mục đích tàu chiến Nga cập bến Cam Ranh là bổ sung thực phẩm và nước ngọt, nếu cần thiết thì tiến hành các sửa chữa đơn giản. Dĩ nhiên là phải tổ chức nghỉ ngơi giải trí cho thủy thủ đoàn. Chuyên gia của chúng tôi khẳng định rằng, xét theo quan hệ đối tác chặt chẽ giữa hai nước, có tính đến việc Nga thực hiện nhiều đơn đặt hàng lớn về xây dựng tàu ngầm và tàu khu trục cho Việt Nam, chắc chắn sẽ dễ dàng tìm giải pháp thoả đáng cho phép Hải quân Nga trở lại Cam Ranh.

Và không chỉ hạm đội Nga mà thôi. Hiện giờ đang tiến hành đàm phán song phương Nga - Việt về việc cho phép máy bay tiếp dầu của Nga sử dụng sân bay Cam Ranh để đảm bảo hoạt động tầm xa của hàng không Nga.

Hôm 26/2, ông Sergei Shoigu nhấn mạnh rằng, việc đàm phán đang được tiến hành và việc ký kết các văn bản thỏa thuận gần như ‘nằm trong bàn tay’.

Cam Ranh từng là căn cứ hải quân của Liên Xô cũ.

Ông Shoigu cũng cho biết thêm, các cuộc thương lượng còn đề cập đến các điều kiện cho phép tàu quân sự của Nga qua lại cảng của các nước này, cũng như việc mở tại những nơi đó các trạm tiếp viện cho máy bay ném bom của Nga trên đường tuần tra.

“Chúng tôi đang bay nhiều, nhưng để bay nhiều cần có các căn cứ tiếp dầu, cần để các máy bay tiếp dầu Il-78 của chúng tôi chờ các máy bay đó hoặc ở xích đạo, hoặc ở những nơi khác”, ông Shoigu nói.

Hiện Nga chỉ còn giữ lại căn cứ hải quân duy nhất là Tartus tại Syria. Nhưng bất ổn tại Syria hiện nay khiến cho số phận căn cứ này trở nên bấp bênh.

Hồi tháng 5/2002, vì lý do tài chính, Nga đóng cửa căn cứ ở cảng Cam Ranh, Việt Nam – đây là căn cứ quân sự nước ngoài lớn nhất của hải quân Nga. Ngoài ra một căn cứ radar khác ở Cuba cũng ngừng hoạt động.

Từ giữa thập niên 2000, Nga bắt đầu có ý định vực dậy hải quân và không quân chiến lược, coi đây là lực lượng chủ chốt để mở rộng ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của Nga trên toàn cầu.

Các cuộc đàm phán tương tự đang được Nga tiến hành với Việt Nam, cũng như với Cuba, Venezuela, Singapore và một số nước khác. Ông Igor Korotchenko nói tiếp:

“Điều này gắn với thực tế là trong những năm tới sẽ diễn ra kế hoạch tái trang bị Hải quân Nga với quy mô lớn. Mặt khác, Nga đang gia tăng sự hiện diện quân sự của mình trong các khu vực quan trọng trên thế giới, kể cả ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Để đảm bảo hoạt động toàn diện và cơ động, Hải quân và Không quân Nga cần có những điểm tựa.

NGHI ÁN CÔNG AN GÂY TAI NẠN CHẾT NGƯỜI RỒI BỎ TRỐN

Dư luận viên Tuấn Hợp

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đang tạm giữ 3 cán bộ công an thuộc huyện Lâm Thao để điều tra làm rõ nghi án gây tai nạn giao thông làm chết người rồi bỏ trốn.

Tông chết Phó Bí thư xã rồi bỏ trốn?

Vào 12h30 ngày 26/2, tại khu 7, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đã xảy ra một vụ TNGT nghiêm trọng làm ông Đặng Duy Trường (SN 1965, xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao) tử vong. Ông Trường là Phó Bí thư Đảng uỷ xã Xuân Huy.

Hiện trường vụ TNGT đang được tiến hành điều tra. (Ảnh: Tuấn Hợp)

Theo đơn tố cáo của bà Đặng Thị Thảo (chị gái nạn nhân Đặng Duy Trường) cũng như theo lời kể của những người dân sống gần hiện trường, vào khoảng thời gian trên, ông Đặng Duy Trường đang trên đường đi họp giao ban ở xã Tứ Xã về thì bị một chiếc ô tô do một cán bộ công an huyện Lâm Thao điều khiển va quệt từ phía sau. Xe máy của ông Trường trượt ngã khoảng 10m. Ông Trường tử vong trên đường đi cấp cứu.

Các nhân chứng khẳng định, cùng đi trên chiếc xe gây tai nạn còn có 2 cán bộ công an khác. Sau khi tai nạn xảy ra, chỉ có một người mặc cảnh phục quay lại hiện trường lật người ông Trường lên, thấy chảy nhiều máu, người này lại lên xe bỏ đi.

Hành vi gây tai nạn rồi bỏ mặc nạn nhân không đưa đi cấp cứu của 3 người ngồi trên ô tô khiến người dân rất bất bình. Chính người dân đã đưa nạn nhân Trường đi cấp cứu nhưng ông Trường đã tử vong trên đường đến bệnh viện do vết thương quá nặng.

Xóa dấu vết hiện trường?

Cũng theo người dân kể lại, sau khi vụ TNGT xảy ra, có một số người tự xưng là cán bộ lực lượng CA xã Tứ Xã đến hiện trường. Thay vì bảo vệ hiện trường để chờ cơ quan có thẩm quyền đến điều tra vụ việc, những người này lại đem luôn xe nạn nhân vào trụ sở CA xã Tứ Xã. Hàng trăm người dân bức xúc đã tập trung lại yêu cầu những cán bộ này mang trả chiếc xe máy về đúng vị trí hiện trường vụ TNGT.

Trước sức ép của người dân, cán bộ công an đã mang chiếc xe máy của nạn nhân Trường về lại hiện trường. Tuy nhiên đến tối cùng ngày, một số cán bộ khác thuộc đội CSGT CA huyện Lâm Thao xuống đo vẽ hiện trường rồi lại tiếp tục “bốc” chiếc xe máy của nạn nhân Trường lên xe ô tô định rời đi, nhưng lại bị hàng trăm người dân nơi đây kịch liệt phản đối.

Người dân cho rằng những vị cán bộ CA này đo vẽ hiện trường rất sơ sài, dường như muốn “xí xóa” hiện trường.

Sau đó, gia đình nạn nhân và người dân nơi đây đã yêu cầu lực lượng CA huyện mắc tạm bạt để bảo vệ hiện trường. Sợ trời mưa to xóa mất hiện trường, gia đình nạn nhân còn dựng lên chiếc rạp to, rộng và thức suốt đêm canh hiện trường. Gia đình ông Trường cũng gọi điện thoại đến đường dây nóng của Bộ CA trình bày vụ việc.

Có mặt tại hiện trường, quan sát của phóng viên cho thấy, chiếc xe máy của nạn nhân nằm bên phải lề đường theo chiều đi của nạn nhân; có nhiều vết cày xước trên mặt đường. Chiếc rạp rộng lớn được dựng lên để bảo vệ hiện trường đã chiếm gần hết mặt đường cùng với sự tập trung đông người đã khiến giao thông đoạn đường này bị tê liệt hoàn toàn.

Nhiều cán bộ CA được cử đến để bảo vệ hiện trường và làm công tác giữ gìn ANTT.

Sau khi khám nghiệm hiện trường, chiếc xe máy của nạn nhân tiếp tục được đưa về Phòng CSĐTTP về TTATXH để tiến hành khám nghiệm. (Ảnh: Tuấn Hợp)

Khoảng 14h ngày 27/2, Thượng tá Đinh Văn Phúc, lãnh đạo Phòng CSĐTTP về TTXH CA tỉnh Phú Thọ, điều tra viên của VKSND tỉnh Phú Thọ cùng các cán bộ phòng, ban nghiệp vụ CA tỉnh Phú Thọ đã tiến hành khám nghiệm hiện trường và giải thích cho gia đình nạn nhân.

Tại hiện trường, Thượng tá Phúc cho hay, liên quan đến vụ TNGT, cơ quan CSĐT CA tỉnh Phú Thọ đang tạm giữ 3 cán bộ công an, trong đó 2 cán bộ công an huyện Lâm Thao và một phó trưởng CA xã thuộc huyện này. Ba vị cán bộ này đang bị điều tra vì tình nghi có liên quan đến vụ TNGT làm chết ông Đặng Duy Trường.

Thượng tá Phúc cho biết thêm, chiếc xe bị tình nghi gây TNGT không phải là xe của lực lượng ngành công an mà là xe dân sự, hiện đã được đưa về Phòng CSĐT để tiến hành điều tra làm rõ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

BÙI HẰNG ĐỐI MẶT VỚI ÁN 14 NĂM TÙ

Dư luận viên Tiên lãng

Bùi Thị Minh Hằng trong Nhà tạm giữ Công an huyện Lấp Vò- Ảnh do Bùi Hằng tự chụp, tự đưa lên mạng ngay khi vừa bị bắt ngày 11/2/2014

Về hành vi phạm tội của Bùi Thị Minh Hằng, xin bạn đọc xem tại bài Video: Google.tienlang-TV: Vìsao Bùi Thị Minh Hằng bị bắt tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp? 
Đúng như bạn đọc Người Việt từ Hoa Kỳ đã nhận định: 

"Người Việt từ Hoa Kỳ 09:29 Ngày 01 tháng 03 năm 2014
Cảm ơn các bạn chủ nhà đã giới thiệu 2 điều luật liên quan đến vụ này. Như các bạn đã phân tích thêm về 2 điều luật, đối chiếu với vụ việc của bà Hằng thì bà này đều bị rơi vào khoản 2 của cả 2 tội vì đều là:
b) Có tổ chức;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

Như vậy, bà Hằng đang đối mặt với 14 năm tù cho cả 2 tội danh!"
------
Trích Bộ luật Hình sự

Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;

b) Có tổ chức;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.


CÁC DẤU HIỆU ĐỊNH KHUNG CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Tội gây rối trật tự công cộng là tội xâm phạm đến an toàn công cộng, đến các quy tắc, sinh hoạt, đi lại, làm việc, vui chơi…ở nơi công cộng.

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan
Người phạm tội thực hiện hành vi gây rối bằng nhiều phương thức khác nhau như: tập trung đông người ở nơi công cộng gây náo động làm mất trật tự công cộng; đuổi đánh nhau, hò hét gây náo động ở nơi công cộng; đập phá các công trình ở nơi công cộng, đập phá các tài sản trong các, quán ăn, quán giải khái có đông người. v.v…
b. Hậu quả
Hậu quả của hành vi gây rối trật tự công cộng là thiệt hại vật chất và phi vật chất được xác định là nghiêm trọng cho xã hội.
Hậu quả vừa là dấu hiệu bắt buộc, vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
Là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc chưa bị kết án về tội này hoặc tuy đã bị kết án về tội này nhưng đã được xoá án tích.
Không phải là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Theo hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao thì coi là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi gây rối trật tự công cộng nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ ;
- Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;
- Làm chết người hoặc gây thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ cho người khác với tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên.
- Gây cho nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên;
- Gây cho người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên;
- Gây cho nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên.
- Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khoẻ và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không.

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng là do cố ý.

===
Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định về Tội chống người thi hành công vụ được quy định như sau: 

“1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm : 

a) Có tổ chức; 

b) Phạm tội nhiều lần; 

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; 

d) Gây hậu quả nghiêm trọng; 

đ) Tái phạm nguy hiểm.”

Để cấu thành tội chống người thi hành công vụ nói trên, người phạm tội phải đảm bảo đủ các điều kiện sau:

- Về mặt khách quan: Hành vi của người phạm tội phải thỏa mãn 1 trong 3 hành vi khách quan sau:

+ Hành vi dùng vũ lực (dùng sức mạnh vật chất tấn công, hành hung) cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.

+ Hành vi đe dọa dùng vũ lực (đó là hành vi uy hiếp tinh thần người thi hành công vụ làm cho họ sợ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao) nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.

+ Hành vi dùng thủ đoạn khác (như lăng mạ, bôi nhọ hoặc vu khống..) nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.

- Về mặt chủ quan: Lỗi của người phạm tội phải là lỗi cố ý ( người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là chống hoặc cản trở việc thực hiện công vụ của người khác nhưng vẫn thực hiện)- Về chủ thể: vì đây là tội phạm ít nghiêm trọng (khoản 1) và tội phạm nghiêm trọng (khoản 2) nên chủ thể phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
====

LÒNG TIN CỦA DÂN LÀ THƯỚC ĐO ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ

Dư luận viên VOV

VOV.VN - Ông Võ Văn Thưởng: Người cán bộ làm sai mà đứng ra xin lỗi dân chỉ làm cho hình ảnh của người cán bộ đẹp hơn trong mắt dân

Sự thiếu trách nhiệm, vô cảm của một số cán bộ đã làm suy giảm niềm tin trong nhân dân. Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã nâng cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp uỷ, thường xuyên đối thoại, kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân. Từ đó, niềm tin của người dân tăng lên cũng chính là thước đo đánh giá cán bộ. Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi về vấn đề này. 

PV: Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã thực hiện Quy chế đối thoại trực tiếp với nhân dân. Qua đối thoại như thế thì những kiến nghị của người dân có được giải quyết thấu đáo hay chưa?

Ông Võ Văn Thưởng: Chúng tôi đã ban hành quy chế tiếp xúc, đối thoại giữa Bí thư cấp ủy đối với dân ở từng cấp khác nhau. Thông qua đối thoại giữa Bí thư cấp ủy với dân, rồi tổ chức đối thoại trên sóng phát thanh, truyền hình giữa các Giám đốc Sở với những vấn đề mà người dân quan tâm trong năm 2013 đạt những kết quả rất là đáng khích lệ.

Ông Võ Văn Thưởng chỉ đạo khắc phục hâụ quả một vụ cháy tại hiện trường

14/14 đồng chí Bí thư Huyện ủy, Thành ủy là đều tổ chức đối thoại với dân. Tôi cũng có 4 cuộc đối thoại với dân trong năm 2013. Rồi 107 Bí thư xã cũng đã tổ chức đối thoại với dân. Thông qua các cuộc đối thoại này giải quyết được rất nhiều vấn đề, đặc biệt là những vấn đề bức xúc lâu dài.

Từ các cuộc tiếp xúc đối thoại đó, khoảng 70% vấn đề của người dân quan tâm giải quyết từ gốc, làm cho người dân tin tưởng hơn vào cấp ủy, chính quyền, để làm thước đo đánh giá cán bộ.

PV: Trở lại với những bức xúc của người dân, mà đỉnh điểm là ngày 28/10/2013, có hàng trăm người ở huyện Tư Nghĩa tụ tập trên Quốc lộ 1A để phản đối chính quyền địa phương. Khi xảy ra vụ việc này thì ông, với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy đã xuống trực tiếp chỉ đạo xử lý. Vậy, người đứng đầu cấp ủy có phải đã làm thay công việc của chính quyền?

Ông Võ Văn Thưởng: Việc giải quyết bồi lấp cửa sông Phú Thọ là biểu hiện rất cụ thể của việc vin vào các quy định của nhà nước để biện minh cho việc chậm chạp của mình, làm cho bức xúc của người dân đến đỉnh điểm. Người dân tụ tập trên QL1 để đề nghị chính quyền giải quyết. Người dân đã không tin vào một số cán bộ, bởi vì chính quyền cũng đã có hứa, nhưng đợi mãi cũng chưa được giải quyết.

Và lúc bấy giờ tôi cùng các đồng chí lãnh đạo của tỉnh ra trao đổi với người dân. Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban, tôi đã hứa với người dân, rồi chỉ đạo chính quyền hướng xử lý và kiểm tra trong thực hiện nhiệm vụ đó.

Tôi đã làm đúng với chức trách, nhiệm vụ của người Bí thư ở trên địa bàn, đó là người chịu trách nhiệm cao nhất, giải quyết các vấn đề của dân trên địa bàn.

PV: Làm sai, dân kiện thì phải sửa; đồng thời phải xem xét, trách nhiệm cá nhân. Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã xử lý vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Võ Văn Thưởng: Những cán bộ làm sai đều được xem xét rất cụ thể. Trong năm 2013, xử lý trên 100 cán bộ, công chức có khuyết điểm trong thực thi công vụ. Chúng tôi cũng yêu cầu cán bộ phải xin lỗi dân. Chẳng hạn như là vụ Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh phải xin lỗi người dân trong vụ giải quyết cưỡng chế sai đối với gia đình ông Đỗ Hữu Trí. Điều đó người dân rất đồng tình. Người cán bộ làm sai mà đứng ra xin lỗi dân chỉ làm cho hình ảnh của người cán bộ, hình ảnh của chính quyền, của tổ chức Đảng đẹp hơn trong mắt người dân.

Thực hiện Nghị quyết TW 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, từ đổi mới công tác đánh giá cán bộ có một số cán bộ không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, Ban Thường vụ điều chuyển nhân sự ở những Sở quan trọng như là: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Y tế…

Hiện nay, vấn đề này cũng có những ý kiến khác nhau. Đa số bày tỏ sự đồng tình cho rằng, việc điều chuyển, thay thế cán bộ trong thời gian vừa qua, kể cả việc cho nghỉ để chờ hưu trong 1, 2 năm nữa; hay là từ giữ nhiệm vụ Bí thư xuống Phó Bí thư là việc làm có tính chất quyết liệt; gửi đi một thông điệp mạnh mẽ của Đảng rằng: Mỗi cán bộ đảng viên nếu như không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, thì có thể thay thế. 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận được góp ý cho rằng, làm như vậy dễ tạo nên một cái cú sốc, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, làm xáo trộn sinh hoạt của nhiều gia đình. Nhưng tư tưởng chung, quyết định đó của Ban Thường vụ đã mang lại chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ ở các cơ quan, đơn vị đó.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.

PV/VOV-Miền Trung

Xin ý kiến Trung ương về vụ ông Truyền

Ngọc Tài

Tỉnh ủy Bến Tre vừa có văn bản gửi Văn phòng Trung ương Đảng báo cáo tình hình xung quanh dư luận tài sản của ông Trần Văn Truyền, nguyên tổng Thanh tra Chính phủ, được đăng trên một số tờ báo.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 28-2, ông Nguyễn Quốc Bảo - phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - xác nhận Tỉnh ủy vừa có văn bản gửi Văn phòng Trung ương Đảng báo cáo tình hình xung quanh dư luận tài sản của ông Trần Văn Truyền, nguyên tổng Thanh tra Chính phủ, được đăng trên một số tờ báo thời gian gần đây.

Đồng thời xin ý kiến chỉ đạo từ trung ương để ổn định dư luận ở địa phương.

Căn biệt thự của ông Trần Văn Truyền tại Bến Tre

Theo ông Bảo, nội dung văn bản đề cập những bài viết tập trung khai thác về khối tài sản của ông Trần Văn Truyền đã gây xôn xao dư luận không chỉ đối với người dân mà trong cán bộ đảng viên.

“Đồng chí Truyền sinh hoạt Đảng tại địa phương nhưng là đối tượng thuộc trung ương quản lý nên Ban thường vụ Tỉnh ủy có văn bản đề nghị Ban Bí thư và Ban Tuyên giáo trung ương sớm cho ý kiến chính thức để chấm dứt dư luận” - ông Bảo cho biết.

Theo NGỌC TÀI (Tuổi Trẻ)

Ông Trần Văn Truyền bị cáo buộc bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ cục trước khi nghỉ hưu

Sáu Thanh 

Về “cáo buộc” bổ nhiệm cán bộ ồ ạt trước khi về hưu, ông Trần Văn Truyền khẳng định: “Tôi làm đúng trách nhiệm và đúng pháp luật, đúng nguyên tắc".

Vừa qua, những thông tin về biệt thự và cũng như tin đồn về tài sản của ông Trần Văn Truyền – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, các thông tin về nhà đất này chưa được các cơ quan chức năng làm rõ thì đã xuất hiện thông tin về việc vị cựu cán bộ cấp cao này đã kí bổ nhiệm hàng loạt cán bộ ở Thanh tra Chính phủ trước khi về hưu.

Theo thông tin trên báo Người Cao Tuổi, ông Trần Văn Truyền đã kí ồ ạt bổ nhiệm hàng loạt cán bộ, rất nhiều người không có quy hoạch, hoặc non kém về năng lực phẩm chất.

Cụ thể, “sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ông Trần Văn Truyền không còn được tái ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương, biết mình sau kì họp thứ I Quốc hội Khóa XII sẽ rời khỏi “Phủ Khai Phong” ở đất Thăng Long, ông chỉ đạo Vụ Tổ chức Cán bộ (do ông Ngô Văn Cao là Vụ trưởng) cấp tập, dồn dập làm nhân sự một cách ồ ạt. Từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011 ông Trần Văn Truyền kí quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ (và tương đương) tại cơ quan TTCP, chỉ trong 2 ngày (1/8 và 3/8) kí bổ nhiệm 26 người, riêng ngày 3/8/2011 kí bổ nhiệm 22 người”, tờ báo này viết.
Những đồn đoán về căn nhà mới xây của ông Trần Văn Truyền còn chưa được làm rõ thì thông tin về việc "bổ nhiệm cán bộ ồ ạt" của vị này lại gây xôn xao dư luận

Theo tờ báo này, trong ngày 3/8/2011, ông Trần Văn Truyền đã kí bổ nhiệm 3 hàm Vụ trưởng ở Văn phòng, 3 hàm Phó Vụ trưởng ở Trường Cán bộ Thanh tra, 3 hàm Cục phó ở Cục III, 2 hàm Phó Vụ trưởng, hàm Vụ phó ở Cục I, 2 hàm Vụ trưởng, hàm Vụ phó ở Tạp chí, nhiều Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng, hàm Vụ trưởng, hàm Phó Vụ trưởng ở các cục, vụ, đơn vị trực thuộc. Các cục, vụ, đơn vị có đủ cấp trưởng, cấp phó rồi thì ông đưa chuyên viên lên cấp “hàm” mà cấp này chưa thấy quy định điều khoảng nào trong Luật Cán bộ, công chức.

“Đáng chú ý là sau khi ông Truyền kí bổ nhiệm nhiều người không có trong quy hoạch, ông thấy “giật mình” liền kí Quyết định số 2100/QĐ-TTCP ngày 3/8/2011 về bổ sung quy hoạch nhằm hợp thức hóa việc làm trái với quy trình, quy chế về công tác cán bộ của chính TTCP. Việc làm trên của ông Truyền là chống lại Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 3/12/2007. Tại Điều 15 Nghị định này quy định cấp cục, vụ, đơn vị thuộc bộ cấp phó không được vượt quá 3 người. Trong khi đó, sau đợt ông Truyền bổ nhiệm năm 2011, nhiều cục, vụ, đơn vị ở TTCP có từ 4 – 6 cấp phó. Cục I có 7 cấp phó và 1 hàm cấp phó. Có một sự thật là, một số cán bộ ngay sau khi được ông Truyền quyết định bổ nhiệm đã mắc sai lầm, khuyết điểm, bị kỉ luật thậm chí bị đi tù như ở Cục I, Trung tâm Thông tin hay ở Vụ III”, báo Người Cao Tuổi viết.

Ngay sau khi có những thông tin trên, trưa ngày 1/3, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Truyền về vấn đề này. Ông Trần Văn Truyền nói: “Việc này là việc nội bộ. Có vấn đề gì thì các nhà báo liên hệ tới Thanh tra Chính phủ vì đó là việc nội bộ. Sau khi tôi bàn giao có sự chứng kiến của cấp trên, cấp dưới rồi. Tôi không nói gì thêm cả bởi có nói thì người ta vẫn bảo là không thuyết phục”.

Khi được hỏi về thông tin bổ nhiệm cán bộ, ông Trần Văn Truyền cho hay: “Tôi làm việc có nguyên tắc. Việc bổ nhiệm cán bộ là việc tập thể chứ tôi ở vị trí Tổng Thanh tra khi đó cũng chỉ là người thực hiện nhiệm vụ của mình theo pháp luật. Một mình tôi thì không thể làm gì được”.

Một lần nữa, ông Trần Văn Truyền khẳng định về việc ký quyết định bổ nhiệm cán bộ khi còn tại vị ở Thanh tra Chính phủ: “Tôi làm đúng trách nhiệm và đúng pháp luật, đúng nguyên tắc. Việc đó đã được bàn giao cho Thanh tra Chính phủ và đã có sự chứng kiến cho nên tôi không muốn trả lời và bình luận gì thêm”.

Mở cửa để dâm tham gia điều trần trước Quốc hội

Võ Thành Văn

TT - Đã có cách làm mới tại phiên giải trình về thông tư 16 (hướng dẫn cách tính diện tích căn hộ) do Bộ Xây dựng ban hành được tổ chức tại Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ngày 26-2 vừa qua: đại diện những người dân có liên quan đã được mời tham gia cuộc đối thoại.

Ông NGUYỄN SĨ CƯƠNG (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho biết: "Tính công khai, minh bạch qua việc trình bày quan điểm của các bên khác nhau là một ưu điểm thấy rõ. Báo chí cũng là một bên tham dự cần thiết trong các phiên giải trình này để tăng tính công khai, minh bạch"

- Bước đầu chúng tôi đã nhận được những phản hồi tích cực khi mở rộng diện đối tượng tham gia một phiên giải trình như vậy. Cá nhân tôi không nghĩ đó là một sáng kiến, bởi vì đây là việc bình thường trong sinh hoạt nghị viện nhiều nước trên thế giới.

Trong dự kiến chương trình công tác hằng năm của Ủy ban Pháp luật, chúng tôi đều lên kế hoạch cho hoạt động giám sát, tuy nhiên cũng có những hoạt động phát sinh theo yêu cầu công việc. Phiên giải trình về thông tư 16 là một trong số đó. Thời gian qua chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều phản ảnh qua đơn thư của người dân về vấn đề này, kết hợp với tìm hiểu nhiều kênh thông tin chính thống khác, chúng tôi đã quyết định tổ chức phiên giải trình và mời đại diện người dân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tham gia.

* Việc mở rộng thành phần tham gia một phiên điều trần như vậy có trở nên thường xuyên hơn?

- Các nước gọi là điều trần, ở ta gọi là phiên giải trình. Các chuyên gia nghiên cứu nhận xét tuy cách gọi khác nhau nhưng tính chất thì “hao hao”, nghĩa là không giống nhau hoàn toàn nhưng cũng có những nét tương tự.

Các nước khi tiến hành điều trần cùng với việc mời quan chức thì sự có mặt của giới chuyên gia, các tổ chức xã hội, đại diện người dân, đại diện doanh nghiệp... là chuyện bình thường. Chúng ta không thể bê nguyên xi cách làm của các nước, tuy nhiên điểm nào tiến bộ của họ và phù hợp với ta thì nên nghiên cứu áp dụng. Câu chuyện mời người dân tham gia có trở thành thường xuyên hay không và ủy ban khác áp dụng hay không sẽ do các cấp có thẩm quyền quyết định. Về phía Ủy ban Pháp luật trong điều kiện cho phép chắc chắn sẽ tiếp tục cách làm này. Riêng tôi hoàn toàn ủng hộ.

* Lâu nay nhiều người nghĩ rằng phiên giải trình đơn thuần là chất vấn ở một ủy ban về vấn đề nào đó, thành phần tham dự chỉ giới hạn trong các cơ quan của Chính phủ và đại biểu Quốc hội. Như vậy là đang có những cách hiểu khác nhau?

- Nghị quyết về hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014 nêu rõ: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội xây dựng, triển khai thực hiện chương trình hoạt động giám sát của mình và tổ chức hoạt động giải trình tại hội đồng, ủy ban”.

Hành lang pháp luật hiện nay, trong đó có Luật tổ chức Quốc hội và quy chế hoạt động của hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội cho phép các cơ quan này mời lãnh đạo các bộ ngành hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, đến trình bày những vấn đề mình đang xem xét, thẩm tra. Rõ ràng về mặt thành phần không giới hạn phải là đại diện các bộ ngành, mà các tổ chức, cá nhân liên quan cũng có thể tham gia. Ví dụ vừa qua Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên giải trình về nội dung “vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ”. Đây đâu chỉ là câu chuyện quản lý nhà nước của các bộ ngành và địa phương, đại diện của các hiệp hội và người dân cũng có thể tham gia. Tuy nhiên lúc bấy giờ chúng tôi chưa có điều kiện để mời quá rộng.

* Nghĩa là người dân có thể tham gia nếu được mời, nhưng vì sao lâu nay chưa thực hiện?

- Có thể là chúng ta chưa quen, ngay với phiên giải trình ở các ủy ban cũng chỉ mới thực hiện trong những năm gần đây. Theo các nghiên cứu về hoạt động điều trần trên thế giới, đây là một trong những cơ chế để ủy ban thu thập thông tin, qua đó tăng cường chất lượng của quá trình ra quyết định chính sách. Nôm na là ủy ban nghe thông tin của các bên liên quan về vấn đề mà ủy ban quan tâm. Đó không chỉ là những thông tin chỉ ra các điểm bất cập của một chính sách nào đó, mà có thể là thông tin cho thấy điểm mạnh của chính sách cần được ủng hộ.

Chính vì vậy, tính chất “mở” của một phiên điều trần hay giải trình với nhiều bên tham gia có ý nghĩa quan trọng trong việc cọ xát quan điểm, cung cấp thông tin để có cái nhìn toàn diện hơn về một chính sách cụ thể. Chính sách càng liên quan sát sườn đến quyền lợi hợp pháp của một nhóm công dân nào đó, càng nên mời họ tham gia.

* Theo ông, cần những điều kiện nào để cải tiến hoạt động giải trình hiện nay theo hướng mở và thiết thực, góp phần giải quyết được những vấn đề nóng trong cuộc sống?

- Chúng ta nên nghiên cứu tổng kết hoạt động giám sát của Quốc hội, của hội đồng dân tộc và các ủy ban đã tiến hành lâu nay, trong đó có hoạt động chất vấn, giải trình tại ủy ban. Đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, qua đó xây dựng cơ sở pháp lý cụ thể cho hoạt động giải trình (hay điều trần tùy theo cách gọi) phù hợp với thực tiễn VN. Điều quan trọng là phải có quy trình thủ tục rõ ràng, ví dụ về thành phần tham gia, nếu mời đại diện người dân thì như thế nào. Trước mắt, theo quy định pháp luật hiện hành, các hoạt động giải trình nói chung nên mời người dân có liên quan và báo chí tham dự.

VÕ VĂN THÀNH thực hiện